tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Siêu động đất ở Sendai và ngôi nhà cũ của Lỗ Tấn  [đối thoại]

 

Có thể khái quát rằng, phần lãnh thổ chính của nước Nhật truyền thống gồm có 4 vùng với 4 thành phố thủ phủ đại diện, tính từ bắc xuống nam: Sendai ở Đông Bắc, Tokyo ở Quan Đông, Osaka ở Quan Tây, Fukuoka ở Cửu Châu. Những tháng ngày lưu học ở Nhật, tới gần một thập niên, tôi chủ yếu đi đi về về giữa Tokyo và Fukuoka; thỉnh thoảng, khi có dịp thì lướt qua Sendai và Osaka. Tới Sendai, có khi là để tham dự một hội nghị nào đó ở hai trường đại học lớn (Tổng hợp Tohoku, Giáo dục Miyagi), có khi chỉ là du lịch cá nhân, nhưng hầu như lần nào tôi cũng dành thời gian đến thăm các di tích có liên quan tới nhà văn Lỗ Tấn.

Tác giả của AQ chính truyện lưu lại ở Sendai chỉ khoảng 2 năm, từ 1904 đến 1906, để theo học nghề y ở Trường Chuyên nghiệp Y khoa Sendai (nay là Khoa Y, Đại học Tổng hợp Tohoku).

 
Ngôi nhà trọ học của Lỗ Tấn trong các năm 1904-1906 ở Sendai.
(Giao chụp, tháng 5/2004)
 

Giờ này, khi mà Sendai vừa ở vào tâm chấn của một trận siêu động đất chưa từng có trong lịch sử, trong lúc nhiều đoàn người đang hối hả di tản khỏi đây, tôi chạnh nghĩ đến ngôi nhà mà Lỗ Tấn trọ hơn 100 năm trước. Chắc là nó đã sập rồi! Một ngôi nhà gỗ hai tầng, mái chảy, tường bao bằng gỗ tấm cũ kĩ, nằm sát mép một con đường nhỏ lúc nào cũng nhộn nhịp xe cộ, một cây bia kỉ niệm được dựng ở bên ngoài. Mấy năm trước, vẫn có người sống ở trong đó, chắc là con cháu của người chủ nhà trước đây.

Không phải đến bây giờ, mà trong thế kỉ 20, Sendai cũng đã từng hứng một trận động đất cỡ lớn vào năm 1978. Lúc đó, tới 4 ngàn hộ gia đình bị mất nhà cửa, nhiều chục người tử vong, thành phố hoàn toàn tê liệt trong 1 tuần (không điện, không nước, không gas). Một lần viếng thăm, vào năm 2004, một ông lão không rõ có phải sống trong ngôi nhà cũ của Lỗ Tấn hay không nhưng đã bước ra từ đó để đến nơi cây bia kỉ niệm, và kể ngay với tôi câu chuyện về trận động đất năm 1978 sau vài câu chào xã giao. Sáu năm đã trôi qua, thỉnh thoảng tôi cứ tự hỏi rằng, không hiểu vì sao người đó xuất hiện bất thình lình, kể xong câu chuyện rồi đi vào ngay, không kịp để tôi hỏi han gì thêm. Lúc trở ra từ ngôi nhà của Lỗ Tấn, tôi vào thư viện của Đại học Giáo dục Miyagi, rất dễ dàng để tra ra số liệu về trận động đất tháng 6 năm đó.

Nhưng lần đó mới chỉ là cấp độ 5. Lần này, động đất đạt tới 9 độ, quét trên một diện rộng chưa từng có, chạy dài một vệt vùng ven biển Thái Bình Dương suốt từ tỉnh Iwate đến Tokyo, và đang có nguy cơ lan sang cả các vùng khác. Thiệt hại về người và của là chưa từng có. Không phải chỉ là hậu quả của thiên tai, nước Nhật còn đang phải đối đầu với thảm họa nguyên tử. Hiện người ta vẫn chưa kiểm soát được tình hình các lò phản ứng ở nhà máy điện nguyên tử Fukushima 1, chưa biết diễn biến tiếp theo sẽ ra sao.

Vượt lên trên tất cả, thế giới đang chứng kiến và khâm phục, thậm chí, có thể nói là đang chiêm ngưỡng tinh thần thép của quốc dân Nhật. Họ bình thản và trật tự đến mức kì lạ.

Họa sĩ Nguyễn Đình Đăng, một người Việt hiện đang sống ở Tokyo bày tỏ cảm xúc: “Một đất nước mà người dân thực sự bình thản, lịch sự, giữ phẩm cách, rất trật tự, tử tế với nhau trong một thảm hoạ — có thể so với ngày tận thế — là một đất nước thực sự vĩ đại”,[1] hay “ở trên TV tôi thấy những người mất nhà mất cửa, có những cảnh rất cảm động ví dụ như những người phụ nữ họ nhận những gói cơm nắm của người cứu hộ đưa cho thì trong bóng tối tôi thấy họ vẫn cúi rạp người xuống cám ơn, mặc dù trong bóng tối không ai thấy hành động này cả”. [2]

Nhà báo Nguyễn Thế Thịnh, một người Việt hiện đang sống ở Đà Nẵng, cũng có một cảm nhận tương tự: “từ thảm họa đó mới thấy người Nhật vĩ đại biết nhường nào. Họ không khóc lóc, la hét, họ bình thản chống chọi như thể họ đã chấp nhận cuộc chơi, có thắng, có thua. Một tinh thần trên cả Samurai![3]

Một người bạn Trung Quốc của tôi (đang sống ở một nước phương Tây) gửi mail cho cô giáo hướng dẫn của mình (hiện đang ở Tokyo), trong đó có câu: “Japan is a strong nation, I hope and pray you will recover soon” (“Nhật Bản là một dân tộc mạnh mẽ, tôi hy vọng và cầu mong các bạn nhanh chóng hồi phục”).

Người Nhật hình như đã tự nhiên như nhiên quen với cách sống chung với động đất, núi lửa và sóng thần, sự bình thản của họ có thể xem một phần là từ tính cách thiên bẩm.

 
Cá trê onamazu – nguồn của động đất –
đã được trấn giữ bằng tảng đá thiêng kaname-ishi
(tranh khắc gỗ, năm 1855 — Tư liệu của Viện Nghiên cứu Động đất, Đại học Tokyo)
 

Bây giờ đã là trung tuần tháng 3. Chẳng mấy chốc nữa là vào mùa hoa anh đào nở rộ, là đến dịp lễ hội hoa ở khắp nơi. Bất thình lình, con cá trê vĩ đại nằm dưới đáy biển quẫy đuôi, sóng thần hung dữ ào đến cuốn phăng tất cả, trong lúc hầu như chẳng có ai hay biết gì để kịp phòng bị sớm hơn. Kĩ thuật tân tiến của nước Nhật vẫn chưa làm gì hơn được, người ta vẫn gần như vô phương trong việc dự đoán động đất, chỉ có thể đưa ra cấp báo trước một ít phút, thậm chí vài giây! Trong quan niệm dân gian, từ lâu, người Nhật cho rằng, có một loài trê lớn (o-namazu) nằm ở dưới đáy biển bao quanh nước Nhật, hễ chúng quẫy thì động đất sẽ xảy ra, càng quẫy mạnh thì động đất càng lớn. Để cầu mong không động đất, người ta dâng lên cho thần ở các đền những bức tranh cá trê vẽ màu trên gỗ. Ngày nay, nhiều người Nhật vẫn tin vào công hiệu của phép bùa chú: chép từ tập thơ cổ Vạn Diệp tập một câu thơ có liên quan đến tảng đá thiêng kaname-ishi ra giấy, đọc to 3 lần, rồi dán lên cửa thì sẽ tránh được động đất.

Không biết có ai đó đã đem dán tờ giấy ghi thơ Vạn Diệp tập lên trước cửa nhà của Lỗ Tấn hay không. Cũng không biết ông lão đã kể cho tôi nghe câu chuyện về trận động đất năm 1978 ở trước cửa nhà Lỗ Tấn giờ này đang ở nơi đâu?

 

Hà Nội, 3/2011

 

_________________________

[1]Nguyễn Đình Đăng, “Nhật Bản – một đất nước thực sự vĩ đại”.

[2]Nguyễn Đình Đăng, “Nhật đối diện thảm họa rò rỉ phóng xạ” (Mặc Lâm phỏng vấn, RFA - Đài Á châu Tự do, 15/03/2011).

[3]Nguyễn Thế Thịnh, “Samurai”.

 

 

------------------

Bài liên quan:

17.03.2011
[VĂN HOÁ & CUỘC SỐNG] ... Sức lực con người dĩ nhiên là có giới hạn. Trong cõi thế này, tất cả đều tương đối và đều sinh thành hoại diệt. Nhưng sự cố gắng sức hết mình để sống, để vượt qua tất cả với một tâm trạng điềm nhiên chấp nhận như người Nhật Bản thì không dễ dàng gì. Nó là kết tinh của một sự tu dưỡng văn hóa cao độ mà nói thẳng người Việt trong vòng trăm năm nữa biết có được như thế hay không?... (...)
 
[VĂN HOÁ & CUỘC SỐNG] ... Tôi nghĩ một dân tộc với những đứa trẻ 9 tuổi đã biết nhẫn nại, chịu gian khổ và chấp nhận hy sinh cho người khác chắc chắn là một dân tộc vĩ đại. Đất nước này giờ đây đang đứng ở trong những giờ phút nguy cấp nhất của sự điêu tàn, nhưng chắc chắn nó sẽ hồi sinh mạnh hơn nhờ những công dân biết hy sinh bản thân ngay từ tuổi niên thiếu... (...)
 
16.03.2011
[VĂN HOÁ & CUỘC SỐNG] ... Một đất nước mà người dân thực sự bình thản, lịch sự, giữ phẩm cách, rất trật tự, tử tế với nhau trong một thảm hoạ – có thể so với ngày tận thế – là một đất nước thực sự vĩ đại... (...)
 
12.03.2011
[CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI] ... Một trận động đất như hôm qua tại Nhật khoảng 100 năm mới xảy ra một lần. Còn việc nhà cầm quyền hà hiếp nhân dân, công an đánh chết người, tự do ngôn luận bị bịt miệng đang xảy ra hàng ngày tại một số nơi, mà ai cũng hiểu đó là những nước nào... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021