tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Tư duy “cha mẹ” và “con dân” trong hệ thống cầm quyền  [đối thoại]

 

(Những tâm sự gửi đến các con ruột và con nuôi của bố)

 

Hôm nay bố kể với các con về một câu chuyện có thật nhằm để các con thấy một phần khá quan trọng trong tư duy của những người lãnh đạo trong một đất nước độc tài. Hy vọng trong tương lai nếu các con có làm lãnh đạo cho một doanh nghiệp hay quốc gia, thì hãy vì lòng trắc ẩn cho nhân viên hay người dân, vì sự phồn thịnh của tổ chức hay của đất nước, mà tránh không bị mắc phải!

 

Vào ngày 16/9/2002, ngày khai mạc Vietnam Telecom tại Sài Gòn, bố là người đại diện lãnh đạo của Qualcomm, một trong những nhà tài trợ chính cho cuộc triển lãm cấp quốc gia này, được mời đến dự lễ khai mạc.

Bố đến sớm chừng 30 phút trước giờ khai mạc, được đưa vào phòng VIP chờ giờ làm lễ. Vừa tới cửa, bố thấy một vị lãnh đạo ngành đứng giữa phòng, xung quanh ông ta có rất nhiều nhân vật quan trọng của các bộ ngành, địa phương, các nhà khai thác & cung cấp dịch vụ, và những vị đại diện lãnh đạo ngoại quốc của rất nhiều tổ chức viễn thông & CNTT thế giới như Ericsson, Nokia, Motorola, Intel, v.v…; vì quá đông, bố tính ra ngoài để uống ly cà phê với các anh em trẻ. Không may, vị lãnh đạo này nhìn thấy bố và vẫy tay gọi bố đến. Bố không thể quay lưng lại được nữa nên tiến vào chỗ ông ta đang đứng.

Bắt tay vui mừng, ông ta choàng vai bố, dõng dạc bảo: “Diệp khoẻ không? Tôi rất vui là Diệp đến đây, cũng như Qualcomm góp phần tài trợ cho cuộc triển lãm này!”

Bố khá ngạc nhiên vì đã biết vị lãnh đạo này không ưa thích gì mình, hơn nữa không ưa thích gì công nghệ CDMA & 3G mà Qualcomm muốn đưa vào Việt Nam. Nhìn quanh, bố thấy mọi người nhìn ông ta và bố, những thông dịch viên thì thầm dịch lời nói của ông ta. Bố lịch sự trả lời: “Đại diện cho Qualcomm, em rất vinh hạnh được tham dự và đóng góp cho những sự kiện quan trọng của ngành mình cũng như sự phát triển chung của VT-CNTT tại Việt Nam. Anh khoẻ không, anh vào đây lúc nào?” Ông ta và bố trao đổi rất thoải mái, rất lịch sự và thân thiện.

Ngay sau đó, đột nhiên ông ta nhích ra đứng đối diện với bố và bảo: “Tôi rất trân trọng sự đóng góp của Diệp cho ngành trong các năm qua, vì vậy Diệp nên biết là ngành và cá nhân tôi sẽ luôn hỗ trợ cho Diệp mỗi khi Diệp cần. Tuy nhiên, về công nghệ của Qualcomm đưa vào, Diệp phải hiểu là với vị thế của tôi thì công nghệ chỉ là một phần nhỏ của bức tranh toàn cảnh VT-CNTT, và với tư cách là người lãnh đạo của ngành tôi quyết định sẽ không có các công nghệ này vào Việt Nam trong tương lai!”

Bố vội trả lời: “Thưa anh, nhưng công nghệ này đã trở thành tiêu chuẩn của thế giới mà chính ITU (Liên Minh Viễn Thông Thế Giới) khuyến cáo cho toàn thế giới áp dụng mà?”

Ông ta vung tay, lớn tiếng hơn với ánh nhìn bực tức bảo: “Là lãnh đạo ngành, tôi đã quyết định, và quyết định này sẽ không thay đổi cho dù nó có là tiêu chuẩn của bất kỳ tổ chức thế giới nào!”

Bố nhìn quanh, những vị khách nước ngoài đang chăm chú và căng thẳng lắng nghe lời thông dịch, mọi người im lặng. Bố biết chắc mặt bố lúc đó không còn giọt máu! Hay có đỡ hơn thì chắc là phải đỏ ghê lắm, vì tim bố đập muốn văng ra khỏi lồng ngực.

 

Có lẽ đây là lần bố bị đặt vào vị thế khó khăn nhất trong cuộc đời làm việc của mình! Nếu bố quay lưng đi một cách nóng giận thì chắc là tiêu bố và những trách nhiệm của bố đối với Qualcomm. Nếu bố nhẹ nhàng cám ơn ông ta và rút lui thì mục tiêu của Qualcomm và của riêng bố sẽ tiêu tan, tuy rằng chắc là thiên hạ thông cảm và thương hại bố. Nếu bố im lặng hay cám ơn ông ta và tiếp tục đứng đó thì chắc là phải… độn thổ luôn vì hổ thẹn!

Đây cũng là lần mà bố đã không phản ứng theo các kế sách “thượng”, “trung” hay “hạ” mà cần phải suy nghĩ chỉ trong vòng một thời gian cực ngắn để tìm ra một giải pháp khả dĩ có thể làm được.

May mắn, có một người khách nước ngoài bước tới và tự giới thiệu đến vị lãnh đạo này nên bố có được thêm vài phút để chuẩn bị cho mình. Bố nhìn quanh, mọi người xung quanh đang nhìn chăm chăm vào ông ta và bố như chờ để biết chuyện gì sẽ xảy.

Ngay sau khi ông khách nước ngoài quay lưng đi, bố nhìn vị lãnh đạo này và nhã nhặn hỏi: “Anh cho phép em được đưa ra 3 ý kiến có được không ạ?”

Có lẽ vì sự nhã nhặn, lễ phép của bố với ông ta trước mặt mọi người và cũng có lẽ ông ta muốn giữ hình ảnh của một người lãnh đạo sẵn sàng lắng nghe, ông ta mỉm cười nhẹ và nói lớn: “Diệp cứ nói đi.”

Bố phát biểu: “Thưa anh, thứ nhất là tiêu chuẩn mà ITU đưa ra để các nước cùng áp dụng chỉ nhằm vào việc tạo hiệu quả kinh tế tốt hơn cho mọi quốc gia, và để họ có thể kết nối với nhau hơn, cho nên việc áp dụng những tiêu chuẩn này là định hướng không thể nào cưỡng lại được để cùng hội nhập thế giới; mình chuẩn bị càng kỹ càng chu đáo thì nhất định khi đến lúc chín muồi thì mình sẽ bắt kịp với thế giới trong ngành mình, em đề nghị anh cho anh em nghiên cứu càng sớm càng tốt còn khi nào triển khai thì là chuyện khác.”

Ông ta nhìn bố có vẻ bắt đầu bực mình, nhưng chưa kịp lên tiếng thì bố tiếp tục nói: “Anh cho phép em trình bày hai ý kiến nữa nhé. Điều thứ hai là dựa theo hiểu biết và kinh nghiệm của em làm việc với chính phủ của hơn 20 quốc gia, thì em biết là những người đại diện cho ngành luôn lắng nghe và nhìn thấy nhu cầu của người dân, họ chỉ đại diện cho dân để làm được những gì dân mong muốn, còn nếu họ không thấy được, làm được thì phải được thay thế, chứ không phải cứ mãi là người quyết định tương lai cho người dân. Vì vậy em nghĩ là anh nên nhìn lại cho đúng vị thế của mình!”

Ông ta nổi cáu, mặt xanh dờn, gằn giọng nhưng nói nhỏ: “Anh không phải dạy tôi những điều thế này nhé! Anh nên cẩn thận lời nói của mình!”

Bố vội nói lớn: “Em xin lỗi anh, chỉ xin đưa ra một ý kiến nữa thôi.”

Có lẽ vì đứng chính giữa chỗ đông người, ông ta không thể có thái độ quá đáng, nên bực dọc bảo: “Anh nói đi! Nhưng đừng có những lời xúc phạm nữa!”

Bố vội nói: “Em xin lỗi anh vì đã quá thẳng thắn mà làm anh cảm thấy bị xúc phạm, thật ra em không hề muốn xúc phạm anh đâu. Ý kiến cuối của em là, cho dù em không đồng tình với Hồ Chí Minh, nhưng em đồng ý với câu ‘Bánh xe lịnh sử sẽ nghiền nát những gì cản trở trên con đường phát triển của nó’; em chỉ lo cho anh thôi! Nhưng chuyện này chắc mình không nên tiếp tục ở đây, có gì em sẽ ra Hà Nội và mình thảo luận thêm nhé.”

Bố thấy ông ta vừa tức giận, vừa cố đóng vai người lãnh đạo vững vàng, có khả năng kiềm chế cảm xúc trước công chúng, cũng tội nghiệp! Khi quay lưng bước đi, bố nói lớn dặn dò các phóng viên đang đứng xung quanh rằng họ không nên đăng tải cuộc trao đổi này vì nó sẽ chỉ tổn thương hình ảnh của ngành VT-CNTT của Việt Nam mình mà thôi.

Bước ra ngoài, thật tình, bố như người vừa thoát nạn, vừa vẫn còn sợ hãi! Bố đi thẳng về văn phòng công ty, lấy giấy tờ, về ngay nhà lấy ít áo quần, passport, gọi điện thoại cho mọi người bảo là bố đi công tác gấp, ra sây bay và mua tại chỗ chuyến bay đi Singapore chỉ vài chục phút sau đó! Bố chỉ sợ bị bắt vì bất kỳ lý do gì mà mình không biết được, ngay cả chưa bao giờ phạm! Khi đó sẽ rất kẹt cho gia đình, công ty và những việc bố đang thực hiện.

Tuy kết quả có hậu, chỉ 12 ngày sau, ngày 29/9/2002, Thủ tướng Phan Văn Khải ký quyết định cấp phép cho các mạng CDM, và quyết định nghiên cứu để triển khai 3G. Nhưng đây là chuyện khác bố sẽ tâm sự sau.

 

Chuyện chính của bố trong bài tâm sự này là tư duy và thái độ của đại đa số người làm lãnh đạo tại Việt Nam. Họ nghĩ là họ được quyền quyết định mọi thứ cho dân tộc, ngay cả những tầm nhìn, định hướng, chiến lược, và thực hiện, mà không cần phải lắng nghe lòng mong muốn của người dân, không phải tận dụng khả năng của người dân — mà nhiều người có thể giỏi hơn họ gấp bao nhiêu lần —, không cần biết hệ quả hay hậu quả từ quyết định của họ, không cần biết cộng đồng thế giới có thể đánh giá họ như thế nào, và nhất là không cần biết đất nước sẽ đi về đâu khi so với cộng đồng thế giới, vì họ đã tự nhận địa vị làm... “cha mẹ” cho “con dân”, cho dù luôn nhắc tới câu “đầy tớ của dân”!

 

 

-----------------

Bài liên quan:

16.05.2011
[CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI] ... Điều làm cho bố hổ thẹn nhất, phẫn nộ nhất, đó là chuyện xảy ra cách đây vài ngày! Khi có những dấu hiệu thế giới sẽ đưa Việt Nam mình ra khỏi danh sách các nước nghèo, thì ngay lập tức lãnh đạo nhà nước, ông Thủ tướng, đã phát biểu, giải thích với thế giới rằng “Việt Nam vẫn còn là nước nghèo”, nhằm để thế giới tiếp tục giữ nước mình trong danh sách các nước nghèo. Lý do là vì họ muốn vẫn tiếp tục được nhận viện trợ!... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021