tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Chẻ xương cha để làm quân bài domino  [đối thoại]

 

“... một thứ đểu cáng, có thể chẻ xương cha mình ra để làm quân bài domino...”
Father Goriot, Honoré de Balzac

 

Sự kiện tàu Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam ngày 26.5.2011 và phản ứng của Hà Nội đã làm nảy sinh câu hỏi: Liệu Trung Quốc sẽ mở một cuộc chiến quy ước trên biển để chiếm hết quần đảo Trường Sa nhằm độc chiếm Biển Đông hay không, ít ra là trong tương lai gần?

 

Đánh thắng một đối thủ thì có thể là chuyện dễ nhưng vấn đề là chuyện sau đó, sau khi mừng chiến thắng. Chưa kịp ăn mừng chiến thắng trong cuộc chiến lật đổ chế độ Saddam Hussein, Mỹ đã lâm vào cơn nhức đầu kinh niên, nhức đến tận bây giờ. Sau khi phởn phê khẩu hiệu “thắng Mỹ” độ mươi lăm năm, Hà Nội đã cúi đầu năn nỉ lòng nhân của Mỹ và sẽ còn năn nỉ dài dài. Đó là trường hợp của Mỹ, còn Trung Quốc thì sao? Dù có ưu thế hơn hẳn Việt Nam về quân sự, liệu Trung Quốc có thể “yên lành” với một chiến thắng toàn diện trên biển hay không?

Cho dù có bị sa lầy hay hụt hơi vì chiến trường Iraq thì chính phủ Mỹ vẫn là chính phủ Mỹ. Có ngán ngẩm thì cử tri chỉ cần thay chính phủ là xong và định chế chính trị ấy vẫn không thay đổi, chỉ xoay vòng Cộng Hoà và Dân Chủ thế thôi. Nhưng nếu bị sa lầy và kiệt quệ trong cuộc chiến với Việt Nam thì cái chính quyền tại Bắc Kinh sẽ không xong, bởi có nguy cơ không còn là... nó nữa. Nếu sự sa lầy ở chiến trường Afghanistan vào thập niên 80 là một trong những lý do chính dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống độc tài mang tên “Liên Bang Sô Viết”, thì giới lãnh đạo độc tài Bắc Kinh, như là những tên tài phiệt đỏ, lại có quá nhiều thứ để mất nên thừa hiểu rằng họ không thể phiêu lưu, ít ra là trong tương lai gần.

Như thế, sẽ có một cái giá thật đắt cho một cuộc chiến quy ước nhắm vào Việt Nam. Mà nó đã đắt thế thì tại sao Bắc Kinh phải ra tay khi, đối với chính quyền hiện tại ở Hà Nội, hầu như Bắc Kinh muốn cái gì là được cái đó, bằng giá rẻ mạt?

Cái giá cho một cuộc chiến quy ước nhắm vào Việt Nam sẽ là một cái giá đắt toàn diện, đắt từ ngoại giao đến quân sự và địa chính trị. Nếu cuộc chiến chỉ là bước đầu tiên để xây dựng nền móng cho “chủ quyền đường lưỡi bò”, hậu quả nhãn tiền của nó sẽ là một thảm hoạ cho quyền lợi của Mỹ, Nhật và khối ASEAN. Nhất định các quốc gia này sẽ ngăn chận, không cho cái móng ấy hình thành.

Chịu khó khảo cứu chính sách tại các nước phát triển từ lớn đến nhỏ, từ đối ngoại đến đối nội, chúng ta sẽ nhận ra một phương pháp ứng xử nhất quán là “Early Intervention”, tức “can thiệp sớm” để “ngăn chặn từ đầu”. Sinh thời, ông John Kennedy chủ trương đưa quân sang các nước Á châu để đánh nhau với cộng sản thay vì đợi cộng sản tới Mỹ rồi mới... tổng động viên. Trước sau, chính phủ Úc luôn theo đuổi chủ trương chi tiền can thiệp sớm để uốn nắn trẻ con phát triển đúng hướng thay vì để yên cho chúng hư hỏng và phạm pháp rồi mới... bỏ tù: tiền nuôi một tù nhân còn cao hơn lương của một công chức bậc trung, chưa kể những tổn hại cho xã hội mà nó đã gây ra trước lúc vào tù.

Như vậy thì, chưa nói về chuyện “lẽ phải”, những nước có quyền lợi tại Biển Đông cũng sẽ làm cái gì đó để “ngăn chặn từ đầu”. Thay vì để mặc bọn Đại Hán hải dương be bờ ở Trường Sa để biến Biển Đông thành cái ao nhà của chúng, họ phải ngăn chặn âm mưu này từ trong trứng nước.

Nhưng để rõ vấn đề hơn thì chúng ta cần phân tích vấn đề qua từng góc độ.

Thứ nhất, một rừng không thể có hai cọp, và Trung Quốc đang bị xem là đối thủ tương lai của Mỹ. Dù miệng lưỡi lúc nào cũng bình thản, thế nhưng, trong tư thế là siêu cường hiện tại, Mỹ sẽ làm mọi cách để duy trì cái status quo của mình và do đó sẽ có biện pháp nhằm kìm hãm đối thủ tương lai bất cứ khi nào có dịp. Đang lưỡng lự giữa Mỹ và Trung Quốc thì, nếu xung đột xảy ra, nhất định Hà Nội sẽ nghiêng hẳn về phía Mỹ. Mà nếu xung đột xảy ra, thì Mỹ sẽ có một cơ hội quý giá để lập trận thế bao vây nhằm kìm hãm con cọp Trung Quốc đang gầm gừ đòi tranh ngôi chúa.

Thứ hai, Trung Quốc đang tranh chấp hải phận với Nhật và đã nhiều lần gây hấn với Nhật. Nhật đã không an tâm khi Trung Quốc qua mặt mình như là cường quốc kinh tế thứ hai. Nhật càng không an tâm khi đường hàng hải qua Biển Đông có tầm quan trọng sống còn với kinh tế của mình — vừa vận chuyển dầu lửa từ Trung Đông về, vừa vận chuyển hàng hoá sang các thị trường Ấn, Á, Âu — lọt hết vào “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Nếu xung đột xảy ra thì Nhật, trong tư thế đồng minh của Mỹ, cũng sẽ đứng về Việt Nam. Mà trên thực tế thì, hiện tại, Nhật đã xem Việt Nam như là liên minh chiến lược để đối phó với Trung Quốc.

Thứ ba, phản ứng của khối ASEAN và Ấn Độ. Ngoài Việt Nam, Trung Quốc còn tranh chấp chủ quyền trên biển với bốn quốc gia khối này là Philippine, Malaysia, Indonesia và Brunei. Nhưng con đường hàng hải huyết mạch mà Trung Quốc sử dụng để vận chuyển dầu lửa từ Trung Đông và hàng hoá đi Âu châu lại nằm kề hải phận nhiều nước ASEAN. Có thể nào ASEAN sẽ dại dột để cho Trung Quốc “bẻ đũa từng chiếc một”? Có thể nào các nước này không biết sử dụng lợi thế của mình để gây khó khăn cho Trung Quốc? Mặt khác, con đường hàng hải sống còn nói trên còn băng qua Ấn Độ Dương. Mà Trung Quốc hiện đang là đối thủ của Ấn, từ thập niên 60 đã chiếm cả một tỉnh của Ấn và đang viện trợ vũ khí cho Pakistan để phá rối Ấn. Tại sao nước này không chọn con đường bao vây và kìm hãm Trung Quốc khi cơ hội đến tay?

Thứ tư, Trung Quốc không thể tồn tại nếu không có thị trường thế giới. Muốn yên ổn làm ăn thì phải quan hệ ngoại giao tốt và, sau tiếng xấu về nhân quyền lâu nay, Trung Quốc sẽ tô mình đen hơn nữa với một hành động xâm lăng? Nếu thế giới tẩy chay hay cấm vận thì mấy trăm triệu người Trung Quốc sẽ lâm cảnh thất nghiệp và con đường duy nhất của họ là đi ăn cướp, là nổi lên làm loạn, là lật đổ chính quyền. Lúc đó các sắc tộc tại các khu tự trị như Tân Cương, Tây Tạng đâu có khoanh tay ngồi yên? Họ sẽ thừa cơ nổi lên đòi độc lập. Như thế, hệ thống chính trị Trung Quốc đang nằm trong tình trạng “cân bằng không bền”, nếu bị lật ngửa thì sẽ... nằm luôn, không thể nào quay về chốn cũ. Và như thế thì giới lãnh đạo thừa hiểu rằng họ không hề có cái tư thế vững chãi như Mỹ để bắt cả thế giới chơi theo luật của mình: “Theo ta hay chống lại ta”. Nếu muốn hành xử bằng luật riêng thì, hoạ may, họ chỉ hành xử lắt nhắt như là quân ăn cắp vặt.

Ăn cắp vặt nhưng là ăn cắp có đường lối, có chủ trương, tức là theo đuổi dài dài với các ngư dân Việt Nam trên Biển Đông mà Hà Nội im thin thít, không dám phản đối. Đó thực sự là trò bành trướng khi Bắc Kinh bật đèn xanh để các ngư dân của họ “hành xử chủ quyền” trên các vùng biển của nước khác hay vùng biển đang tranh chấp, cái ý đồ ném đá giấu tay mà cộng đồng thế giới đã đi guốc trong bụng, như vụ va chạm giữa tàu đánh cá Trung Quốc và tàu tuần duyên Nhật vào tháng 9 năm 2010 đã làm ồn ào dư luận thế giới chẳng hạn.

Ngay sau vụ va chạm, nhà bình luận Greg Sheridan đã phân tích trên tờ The Australian rằng đó là một hành động “du côn” và kêu gọi Úc cùng cộng đồng thế giới phải “mạnh tay” để ép cái quốc gia du côn ấy chấp nhận “luật chơi chung”. Trong bài “Don't kowtow to the Chinese (Không nên quỵ lỵ người Trung Quốc) đăng trong số ngày 30.9.2010, Sheridan viết:

“Cộng đồng quốc tế cần phải hành động để khép Bắc Kinh và những lề luật và tập quán của mình. [...] Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông..... Tôi kêu gọi các bạn hãy nhìn vào bản đồ để thấy sự quá quắt đến vô lý trong đòi hỏi của Bắc Kinh, về sự xa cách của Biển Nam Hoa với lục địa Trung Hoa.”

Sheridan đề cập đến thái độ kẻ cả của ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì trong hội nghị ASEAN năm 2010 và nhấn mạnh rằng bất cứ “sự thoả hiệp mang tính đầu hàng nào với Trung Quốc” đều là hạ sách. Ông đề nghị ba cách đáp trả với cái nước “du côn” này. Thứ nhất, buộc Trung Quốc khép mình vào các định chế đa phương để tuân thủ những quy chế ứng xử và luật lệ. Thứ hai, các quốc gia cần xác định rõ ràng những giới hạn quyền lợi của mình và phải cứng rắn, không bao giờ nhượng bộ trước những đòi hỏi quá quắt của Trung Quốc. Thứ ba, các quốc gia phải củng cố lực lượng quân sự và liên kết để tạo một cán cân quyền lực. Bằng ba cách đó thì cộng đồng thế giới mới có thể giảm thiểu được “hiểm hoạ Trung Quốc”.[1]

Chỉ là trò ăn cắp vặt trên biển mà đã đưa đến phản ứng trên một tờ báo uy tín tại Úc về “hiểm hoạ Trung Quốc” như thế, sự thể sẽ như thế nào khi “hiểm hoạ” này trở thành sự thật? Chắc chắn dư luận và báo chí thế giới sẽ không đứng về kẻ xâm lăng, tương tự như khi Hussein xua quân đánh chiếm Kuwait. Dư luận này sẽ khiến giới hành pháp đưa ra những sách lược cụ thể nào đó để đối phó, đặc biệt là tại khu vực Á châu - Thái Bình Dương.

Bất cứ hành động quân sự nào của Trung Quốc cũng sẽ tạo điều kiện dẫn đến sự hình thành của một “Liên phòng Thái Bình Dương”, một thứ “NATO” trên Biển Đông. Lúc đó, Mỹ sẽ có lý do để hiện diện nhiều hơn tại Biển Đông. Lúc đó, tàu chiến Nhật sẽ có lý do tiến sâu hơn về phía Nam. Lúc đó, các hạm đội thuộc “Hiệp ước phòng thủ Mỹ – Singapore – Úc” sẽ có cớ để hướng xa hơn về phương Bắc. Cần nhớ rằng dù ở rất sâu về phương Nam, Bạch thư Quốc phòng 2010 của Úc đã nhấn mạnh đến Biển Đông như là “biên cương lợi ích” và ám chỉ Trung Quốc như là mối đe doạ. Và cũng cần nhớ rằng từ năm 1995 trở đi, Mỹ, Úc cùng với 6 nước: Philippine, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia và Brunei, thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận “Karat”. Nhóm này chưa phải là một đồng minh quân sự nhưng cuộc chiến đó sẽ tạo cơ hội để nhóm này biến thành một khối quân sự.

Trong khi đó thì, theo nỗi lo của chính giới phân tích chiến lược Trung Quốc, Việt Nam vẫn còn là một... cục xương khó gặm. Theo nỗi lo này thì dù chiếm ưu thế hơn hẳn về cả lượng lẫn phẩm, hải quân, không quân và thuỷ quân lục chiến Trung Quốc sẽ phải trả giá rất đắt nếu gây hấn với Việt Nam. Trong bài “Nếu khai chiến trên biển Đông, khả năng Trung Quốc sẽ thua Việt Nam” đưa lên blog của mình ngày 11.5.2010, nhà báo Phạm Viết Đào đã tổng hợp các bài nhận định trên Đại công báo, Văn Hối, Đông phươngPhòng vệ Hán Hoà ở Hồng Kông, theo đó thì đa số đều nhận định rằng lực lượng Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng và cái giá sẽ cực kỳ đắt. Vì đặc tính của chiến tranh kỹ thuật cao.[2]

Với ứng dụng của kỹ thuật cao thì không nhất thiết phải so sánh sức mạnh của nước mạnh - nước yếu. Một nước yếu trang bị một số ít hoả tiễn hiện đại thì có thể giành ưu thế ở trên vùng trời hay trên mặt biển.

Trong cái quan niệm ấy họ lo rằng Không quân Việt Nam đã có chiến đấu cơ Su-30MKV và Su-27SK/UBK, Hải quân Việt Nam đã trang bị các chiến hạm phóng hoả tiễn tốc độ cao Molniya- 12418 và sắp tới sẽ có cả tàu ngầm KILO- 636. Họ lo rằng các chiến đấu cơ Su-30MKV của Việt Nam có thể đã được trang bị hoả tiễn đối hạm siêu âm BRAHMOS của Ấn Độ và YAKHONT của Nga với tầm bắn đạt 300 cây số.

Nhu cầu giành ưu thế trên bầu trời dẫn đến nhu cầu canh gác bầu trời và cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều được trang bị hoả tiễn địa-không S-300PMU1, có tầm bắn từ 200 đến 300 cây số. Họ lo rằng dù Việt Nam có 2 tiểu đoàn phòng không so với 20 tiểu đoàn của Trung Quốc, toàn bộ 20 tiểu đoàn ấy chỉ có thể bố trí trên đất liền, làm sao dàn trải hết trên Biển Đông? Đó chính là yếu tố “địa lợi”. Việt Nam gần với vùng tranh chấp hơn Trung Quốc trong khi đã có đủ năng lực để thực hiện các cuộc tấn công tầm xa. Họ lo lắng về các căn cứ không quân tại Đà Nẵng, Cam Ranh, Đà Lạt, và Sài Gòn. Họ lo rằng các đảo Trường Sa cách đất liền từ 400 đến 600 cây số, nằm trong tầm hoạt động của các chiến đấu cơ Su-22 của không quân Việt Nam, chưa kể đến chiến đấu cơ Su-30MKV và Su-27SK với bán kính tác chiến lên đến 1,500 cây số. Đó là chưa kể việc Việt Nam đã xây dựng phi trường tại Trường Sa.

Họ lại còn lo xa hơn rằng, trong trường hợp chiến tranh xảy ra, rất có thể Việt Nam sẽ chơi liều và tấn công phủ đầu các mục tiêu quân sư của họ, từ các phi trường tại Hoàng Sa và Hải Nam cho đến các căn cứ không quân Toại Khê và Quế Lâm ở Quảng Tây, hay các mục tiêu quân sự khác tại Côn Minh và Nam Ninh. Bởi lẽ tất cả đều nằm trong tầm hoạt động của các chiến đấu cơ Su- 22 hay Su- 30MKV mà Việt Nam đang có và, trong chiến tranh, bất cứ điều bất ngờ nào cũng có thể xảy ra.

Yếu tố địa lợi còn thể hiện ở địa thế dài hẹp của Việt Nam. Trong mấy ngàn năm lịch sử Việt Nam đã dựa vào địa thế của mình để bẻ gãy các cuộc xâm lược của Trung Quốc, và nay, cả trong chiến tranh hiện đại trên không, giới chiến lược Trung Quốc vẫn bị ám ảnh bởi “kẻ thù địa thế” này. Họ lo ngại rằng địa hình dài hẹp đó trở thành một trận địa mai phục cực kỳ nguy hiểm cho các chiến đấu cơ Trung Quốc. Nếu bay đến tham chiến tại Trường Sa thì, đường đi hay đường về, các phi đội của họ đều nằm trong tầm bắn của các chiến đấu cơ Việt Nam tại các căn cứ dọc theo miền Bắc và miền Trung, kể cả các loại cổ lổ sĩ như MiG-21. Càng nguy hiểm hơn nữa cho đường về khi các chiến đấu cơ của họ đã hết vũ khí, đã sắp cạn nhiên liệu trong khi phi công thì đã mệt mỏi và căng thẳng.

Còn họ thì sao? Lực lượng chính là Hạm đội Nam Hải, có Bộ Tư lệnh đặt tại Trạm Giang, Quảng Châu, tới Trường Sa, nghĩa là không gần. Còn không quân của họ thì, kể cả cất cánh từ Hải Nam, khoảng cách đối với các hải đảo Trường Sa của Việt Nam đã lên đến từ 1,200 đến 1,300 cây số. Nếu cất cánh từ Hoàng Sa, khoảng cách cũng là từ 900 đến 1,000 cây số, do đó phải đặt ra nhu cầu tiếp nhiên liệu trên không. Chăm chú vào công việc tiếp nhiên liệu gữa đường ra trận, các chiến đấu cơ này sẽ trở thành con mồi ngon xơi trong trận thế mai phục của các chiến đấu cơ Việt Nam từ các phi trường dọc theo miền Trung. Mà, cho dù có thoát cửa ải đó để đến chiến trường, nhiên liệu của chúng đã tiêu hao khá nhiều và thời gian tác chiến còn lại chỉ bằng một nửa so với các chiến đấu cơ cùng loại của Việt Nam.

Đường đi đã gian nan thế, đến khi áp sát mục tiêu rồi thì đến lượt các nhà binh pháp cổ điển Trung Hoa hiện về nhắc nhở họ: chiếm thành đã khó, giữ thành còn khó hơn.

Chiếm thành khó vì ngoài năng lực hiện có, họ sẽ phải lo lắng việc Việt Nam đã thương lượng để mua hệ thống hoả tiễn đạn đạo tầm ngắn (Short Raunge Ballistic Missile: SRBM) của Do Thái. Đây là loại hoả tiễn đối hạm có độ cơ động và chính xác cao với chi phí bảo trì thấp, có tiềm năng tăng cường sức phòng thủ trên các hải đảo Trường Sa. Ngay cả khi lực lượng đổ bộ Trung Quốc chiếm được các đảo ấy thì việc bảo vệ lâu dài là vấn đề cực kỳ khó khăn và tốn kém. Họ lo rằng các chiến đấu Su-22 của không quân Việt Nam sẽ áp dụng chiến thuật không kích siêu thấp và tham gia yểm trợ hoả lực cho lực lượng đổ bộ. Áp dụng chiến thuật không kích siêu thấp, Không quân Việt Nam sẽ tránh được radar và trực tiếp tấn công các chiến hạm lớn của họ. Trong khi đó thì Hải quân Việt Nam không có tàu nổi cỡ lớn nên không ngán việc họ áp dụng cùng một chiến thuật. Hải quân họ lại không thể vận dụng sức mạnh của hạm đội tàu ngầm: tàu của Hải quân Việt Nam đa số là tàu nhỏ, các tàu vận tải hay đổ bộ đều từ 300 đến 500 tấn trở xuống, sử dụng tàu ngầm hiện đại để tiêu diệt thì có khác nào dùng dao mổ trâu đi giết gà. Hiệu quả tác chiến không cao nhưng nguy cơ bị “trật tay” lại quá lớn.

Như thế, đó là một cuộc chiến đầy bất lợi trên cả ba phương diện thiên thời, địa lợi và nhân hoà. Nếu cái giá phải trả được tính là quá đắt thì tại sao họ phải ra tay trong khi có thể “mua” giới lãnh đạo tại Hà Nội như một đám bù nhìn với cái giá rẻ mạt?

Bắc Kinh muốn thò chân vào hiểm địa chiến lược Tây Nguyên, Hà Nội ngoan ngoãn dâng Tây Nguyên. Bắc Kinh muốn các hiểm địa chiến lược ở biên giới Việt-Trung, Hà Nội nhắm mắt để các lãnh chuá mang tên “tỉnh uỷ” tại vùng Tây Bắc dâng gọn, với cái giá rẻ mạt. Khủng hoảng kinh tế xảy ra, Hà Nội bỏ ra hàng tỷ đô la để “kích cầu kinh tế” nhưng hầu như tất cả lọt hết vào nhà thầu Trung Quốc, góp phần tiêu thụ vật liệu Trung Quốc, góp phần giải quyết nạn thất nghiệp tại Trung Quốc, tạo cơ hội cho nhân công Trung Quốc ồ ạt kéo sang, mang theo cả vợ con, lỳ lợm ăn ỉa trên đất Việt Nam, góp phần giải quyết nạn nhân mãn Trung Quốc. Sợ phật ý Bắc Kinh, Hà Nội xoay xở đủ trò lưu manh để có cớ bỏ tù những công dân lớn tiếng bảo vệ chủ quyền đất nước. Sợ Trung Quốc mếch lòng, Hà Nội ngoan ngoãn cử đặc sứ sang Bắc Kinh báo cáo tình hình ngay sau khi kết thúc đại hội đảng thứ 11, như một hình thức cầu phong.

Hà Nội đã ngoan ngoãn như thế, Bắc Kinh còn đòi gì nữa?

Như thế thì sự kiện “cắt dây cáp” ngày 26.5.2011, diễn ra chỉ một tuần sau khi Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN kết thúc, có thể xem như một lời cảnh cáo và một quả bóng thăm dò. Tại hội nghị đó, với thông báo chung công bố ngày 19.5.2011, khối ASEAN, trong đó có Việt Nam, đã xác định lập trường “đa phương” trong việc giải quyết tranh chấp tại Biển Đông, cái lập trường mà Bắc Kinh ghét cay ghét đắng. Bắc Kinh muốn nhắc nhở rằng Hà Nội không nên đi chệch ra khỏi quỹ đạo của mình quá xa.

Như những tên tài phiệt đỏ, đám lãnh đạo ở Bắc Kinh có nhiều thứ để mất nên sẽ không phiêu lưu. Nếu có phiêu lưu theo sự hối thúc của những phe nhóm võ biền “quá đà”, họ cũng phải thăm dò động tĩnh qua những hành động... quá đà. Cũng là tài phiệt đỏ, đám lãnh đạo Hà Nội cũng có nhiều thứ để mất nên cũng ngại phiêu lưu. Ngại phiêu lưu trong việc bảo vệ chủ quyền, họ ngoan ngoãn vâng dạ và dâng nộp như một đám bù nhìn. Nhưng với làn sóng “dân tộc chủ nghĩa” đang ngày càng lan rộng tại Việt Nam, kể cả trong giới công thần chế độ, họ không thể đi xa xa hơn nữa trong việc dâng nộp mà phải giữ mình trong một “vị trí điều hoà”. Họ ngoan ngoãn dâng nộp. Họ thầm lặng mua sắm vũ khí. Và, khi cần, tuỳ theo tình thế, họ sẽ mở băng ghi âm để phản ứng chiếu lệ hay gay gắt đánh võ mồm để tạo hiệu quả sân khấu cần có.

Như thế thì hành động nhắc nhở kiêm thăm dò “quá đà” của Bắc Kinh vừa rồi đã khiến giới lãnh đạo tại Hà Nội nhận thấy họ phải đưa ra một phản ứng “quá đà” tương thích. Không làm thế thì, làn sóng “dân tộc chủ nghĩa” hiện tại sẽ bùng cháy và những bù nhìn chỉ biết có dâng nộp và triều cống có thể nào giữ được chỗ đứng hay cái đầu trên cần cổ? Chính vì thế họ mới tạm quên khẩu hiệu “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện” để ầm ĩ phản đối, như là những dao động chung quanh “vị trí điều hoà”.

Chỉ là những dao động quanh vị trí “điều hoà” bởi cả hai đám lãnh đạo, tại Bắc Kinh và tại Hà Nội, đều có nhiều thứ để mất và phải thập thò thập thỏm giữ mình. Đám bành trướng xâm lược thì“điều hoà” bằng cách vừa ngang ngược hù doạ các nước yếu hơn, vừa thập thò thăm dò phản ứng sao cho thế giới không xem mình là... xâm lược, để giữ cho bằng được cái thị trường rộng lớn đang nuôi sống dân mình. Đám bù nhìn thì thập thò “điều hoà” để nhân dân không xem mình là bù nhìn, để đám bành trướng xâm lược xem mình là “láng giềng hữu nghị”. Bên thì ngại thế giới vì sợ nhân dân. Bên thì ngại nhân dân và sợ bành trướng. Chúng gọi nhau là “đồng chí” và ca nhau bằng “tình hữu nghị” chính vì cái mẫu số chung “sợ nhân dân” ấy.

Sợ nhân dân bởi chúng đều ăn cướp của nhân dân, thứ bọn cướp mà, nói theo Honoré de Balzac, là “có thể chẻ xương cha mình ra làm quân bài domino”. Chuyện của đám tài phiệt đỏ Bắc Kinh thì hãy để cho những kẻ nói giọng Bắc Kinh. Còn đám tài phiệt đỏ ở Hà Nội thì, khi dâng nộp cả vùng hiểm địa Tây Nguyên cho kẻ đang uy hiếp chủ quyền của mình, chúng chẳng đã chẻ xương cha chúng nó ra làm bài để chơi trong canh bạc bài quyền lực với gã láng giềng xâm lược ấy là gì?

 

 

_________________________

[1]Greg Sheridan, “Don't kowtow to the Chinese”, The Australian, Sept 30th, 2010

[2]http://vn.360plus.yahoo.com/phamvietdaonv/article?mid=4975

 

 

-----------------

Bài liên quan:

02.06.2011
[CHỦ QUYỀN LÃNH THỔ] ... Theo hội đồng bầu cử trung ương, đa số các tỉnh, thành phố trong cả nước đã đạt trên 90% cử tri đi bầu cử... Chẳng hiểu khi họp quốc hội có BAO NHIÊU PHẦN TRĂM đại biểu lên tiếng phản đối tàu Trung Quốc đã vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam???? (...)
 
31.05.2011
[CHỦ QUYỀN LÃNH THỔ] ... Lúc 8 giờ ngày 5.6.2011 tại góc Nguyễn Thị Minh Khai và Phạm Ngọc Thạch... (...)
 
[CHỦ QUYỀN LÃNH THỔ] ... lên tiếng / đã đến lúc trong ngoài phải lên tiếng / đã đến lúc ăn miếng trả miếng / đâu Nguyễn Trãi với Bình Ngô Đại Cáo / đâu Hưng Đạo Vương với Hịch Tướng Sỹ hào hùng // xin đừng làm anh hèn... (...)
 
29.05.2011
[CHỦ QUYỀN LÃNH THỔ] ... Trong vụ tàu Trung Quốc ngạo mạn xâm phạm lãnh hải Việt Nam, những người công nhân trẻ tuổi này có thái độ dứt khoát, không sợ hãi điều gì. Họ đơn giản là người Việt Nam... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021