tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Thơ trong chiến trận  [đối thoại]

 

Không rõ ông Black Racoon đã dựa theo sự kiện hay tài liệu văn học nào để kết luận bài thơ “Vọng Doanh” được Nguyễn Trãi “làm trong thời kỳ chiến trận kháng Minh 1418-1429”? Và không rõ hơn 30 bài thơ viết trong thời kỳ đó là những bài nào?
...
Nhưng cho dù Nguyễn Trãi có viết bài “Vọng Doanh” trong thời kỳ kháng Minh, thì có gì phải để ta kinh ngạc? Thể loại văn thơ đồng loạt phải đạo kiểu “Nay ở trong thơ nên có thép” hình như chỉ xuất hiện khá gần đây...
(Nguyễn Đông Thái)

 

Gởi ông Nguyễn Đông Thái:

Trước tiên, cảm ơn ông đã đọc và cho ý kiến. Tui xin được một lần nữa tiếp nối câu chuyện này.

Thưa ông, trong tay tui hiện có quyển Ức Trai Thi Tập, tác giả Dương Anh Sơn cựu giáo sư triết, nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn, năm 2009. Bài “Vọng Doanh” của Nguyễn Trãi là bài số 28, trang 81. Được xếp vào thời kỳ kháng Minh 1418-1429. Thời kỳ này, Nguyễn Trãi có 35 bài, từ bài 15 đến bài 49.

Bài viết ngắn của tui trước, tui muốn nhấn mạnh vào tình chí và cốt cách văn nhân của Nguyễn Trãi.Cho dù ở trong cảnh nào thì cảnh trời non nước biếc xinh đẹp hữu tình của quê hương vẫn được ngọn bút nhà văn Nguyễn Trãi tô thắm. Nó làm cho lòng người dậy lên một mối cảm hoài, một nét đẹp trước non sông gấm vóc của tiền nhân để lại.

Tiện đây, xin trích dẫn một vài đọan thơ nữa của Ức Trai làm trong thời điểm kháng Minh.

 

+ Thơ trong chiến trận

 
 
Quan Duyệt Thủy Trận
 
Vạn giáp diệu sương tì hổ túc
Thiên sưu bố trận quán nga hành
Thánh tâm dục dữ dân hưu tức
Văn trị chung tu trí thái bình
 
[Quân như tì hổ mặc giáp ngời sương
Ngàn chiếc chiến thuyền bày trận như đàn thủy điểu
Lòng vua chỉ muốn cho dân được yên nghỉ
Dùng văn để sửa trị mà lo chuyện thái bình]
 
 
Bạch Đằng Hải Khẩu
 
Sóc phong xuy hải khí lăng lăng
Khinh khởi ngâm phàn quá Bạch Đằng
Ngạc đoạn kình khô sơn khúc khúc
Qua trầm kích chiết ngạn tằng tằng
 
[Gió bấc thổi hơi lạnh băng băng
Cánh buồm văn nhẹ nhàng lướt qua cửa Bạch Đằng
Núi non trông như từng đoạn cá kình cá ngạc bị chia khúc
Bờ hai bên (cây rừng) ven sông như giáo mác bị chìm bị gãy]
 

Bài “Quan Duyệt Thủy Trận” thì không cần bàn. Còn bài “Bạch Đằng Hải Khẩu” có hai câu chót, Nguyễn Trãi tỏ ý lo lắng mình không được như người xưa đánh trận oanh liệt Bạch Đằng chăng. Cả hai bài trên đều tả cảnh tả tình trong thời kỳ lâm chiến kháng giặc Minh, thật hay và đẹp. (Xin xem toàn văn hai bài qua cái link dẫn bên dưới).[1]

Để ý, trong bài “Vọng Doanh” (số 28), Nguyễn Trãi dùng chữ “ngâm thuyền” 吟船, qua bài “Bạch Đằng Hải Khẩu”, ông dùng chữ “ngâm phàm” 吟帆. Ngâm là ngâm thơ. Tui dịch qua Việt Văn là thuyền vănbuồm văn. Dịch như vậy với một chủ ý rõ ràng : trong chiến trận, văn nhân làm thơ vẫn là văn nhân.

 

+ Hồ hải thú

Tam thập niên tiền hồ hải thú
Tư du kỳ tuyệt thắng Tô tiên

Đó là hai câu chót bài “Vọng Doanh”. Có nghĩa : “Nhớ cái thú vui thiên nhiên hồ hải 30 năm trước, cuộc du hành ở Vọng Doanh lần này thật tuyệt còn hơn cả ông Tô Đông Pha ngày xưa.” Tự hai câu đó không xác nhận Nguyễn Trãi mấy tuổi. Hai câu đó hàm ý Nguyễn Trãi đã đến Vọng Doanh một lần 30 năm trước. Nguyễn Trãi sanh năm 1380, thời kỳ kháng Minh 1418- 1429. Như vậy, tính trung bình, Nguyễn Trãi đến Vọng Doanh lúc nhỏ khoảng từ 12-13 tuổi. Ở tuổi này, trí nhớ con người nói chung là rất tốt. Những cảnh núi non sông biển rất dễ dàng nhớ lại khi trưởng thành sau này. Trong ký ức của tui, tui còn nhớ như in con suối nước nóng trong núi vùng Dục Mỹ Trung Nam Phần. Lúc đo tui vừa tròn 9 tuổi. Câu hỏi đặt ra là tại sao Nguyễn Trãi tự cho mình hơn cá Tô Tử? Vì Nguyễn Trãi thấy cái đẹp thần tiên ngay trong lúc lâm chiến. Khác với văn hào họ Tô bên Trung Hoa chỗ đó.

 

+ Thơ không cần có thép

Tui không biết ai đòi thơ phải có thép? Đòi như vậy là một sự giả trá.

Thật ra, lời đanh thép cũng có hiện diện trong văn chương, trong lịch sử Việt Nam lâu rồi, không phải mới đây. Chính Nguyễn Trãi cũng có.

Tuy nhiên, những văn bản hay lời nói đanh thép ấy, chỉ được người đời sau xem là Hịch, là Tuyên Ngôn, là Thuật Chí. Đó là trường hợp của Hịch Tướng Sĩ, Bình Ngô Đại Cáo, Nam Quốc Sơn Hà, Nam Nhi Công Danh Trái, Ta Thà Làm Quỉ Nước Nam...

Nói cách khác, khi Hưng Đạo Vương, Nhập Nội Hành Khiển Nguyễn Trãi, Đại Tướng Quân Lý Thường Kiệt, Danh Tướng Phạm Ngũ Lão, Trần BìnhTrọng... làm phú làm hịch tỏ rõ quyết chí của mình, thì họ viết trong tư cách khác. Tư cách công dân có bổn phận trách nhiệm với tiền đồ dân tộc đất nước.

Ngày nay ở Việt Nam, nếu có quyền đòi hỏi một sự đanh thép cho phương diện quốc gia, người ta nên đòi hỏi ông dân biểu, bà nghị sĩ, ông tướng, ông tá, ông tổng biên tập báo chí, ông chủ tịch hội nhà văn, bà bí thư thành ủy v.v... đàng hoàng đứng thẳng trước sự an nguy của đất nước giống nòi.

Không nên và không thể đòi hỏi thơ phải sắt thép. Vậy là giả trá.

 

Ps.

Nhắn thêm ông Nguyễn Đông Thái, khi tui có dịp viết trên một diễn đàn online, tui sẽ viết theo ý hướng trình bày (expression) hoặc bàn thảo (discussion) của một online forum thôi (http://www.merriam-webster.com/dictionary/forum). Thú thật, tui chả bao giờ nghĩ là mình có thể thuyết phục ai cả. Vì nó không đúng chỗ. Và nó vô ích.

Ngoài đời, trong những lúc cần tranh biện để thuyết phục gì đó trong sở làm hay sinh hoạt xã hội trong cộng đồng, tui sẽ tranh biện tới cùng.

Cám ơn BBT Tiền Vệ, cám ơn quý đọc giả đã theo dõi.

 

_________________________

[1]Nguồn: Dương Anh Sơn, Nguyễn Trãi - Ức Trai Thi Tập, nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn, 2009

 

 

-----------------

Bài liên quan:

30.10.2011
[VĂN HỌC & CHÍNH TRỊ] ... Không rõ ông Black Racoon đã dựa theo sự kiện hay tài liệu văn học nào để kết luận bài thơ “Vọng Doanh” được Nguyễn Trãi “làm trong thời kỳ chiến trận kháng Minh 1418-1429”? Và không rõ hơn 30 bài thơ viết trong thời kỳ đó là những bài nào? Chúng ta được biết là sau khi Nguyễn Trãi bị giết, các tác phẩm của ông bị thất lạc mãi đến khi... (...)
 
28.10.2011
[VĂN HỌC & CHÍNH TRỊ] ... Nhà thơ vừa được giải Nobel vừa rồi Tomas Transtromer đã từng phát biểu dứt khoát: “Ngôn ngữ đi chung nhịp bước với đao phủ thủ. Do đó chúng ta phải có một ngữ ngôn tinh mới.” Tui nghĩ rằng đó là tuyên ngôn cô đọng về thái độ văn học và chính trị của ông. Ông không chấp nhận nói chung tiếng nói với ác... (...)
 
26.10.2011
[VĂN HỌC & CHÍNH TRỊ] ... Nam Cao, vì “sống mòn” với “tư cách nhà văn” của mình, nên đã để lại cho đời “những tư cách công dân” bất diệt là “Chí Phèo & Thị Nở”!... (...)
 
25.10.2011
[VĂN HỌC & CHÍNH TRỊ] ... Bài viết của Phan Quỳnh Trâm đặt sai câu hỏi, sai vấn đề, dựa trên quan niệm cũ ‘nghệ thuật vị nghệ thuật’. Tác giả dị ứng chính trị trong văn chương ta nói riêng và truyện có nội dung chính trị nói chung vì sự liên kết với văn chương hiện thực Xã Hội Chủ Nghĩa. Tác giả đã hiểu từ “chính trị” theo nghĩa xấu, nghĩa hẹp nhứt. Loại văn chương này (VCXHCN) dở, không phải vì nó chính trị, mà vì nó là văn chương tuyên truyền, không đến từ đời sống thật, tình huống bịa đặt, nhân vật là những con rối để chứng minh nọ kia kia nọ... (...)
 
[VĂN HỌC & CHÍNH TRỊ] ... Nếu đọc kỹ bài của tôi, NĐT sẽ thấy là tôi không hề phủ nhận là trong chính trị thì người ta cần sự đóng góp của tất cả mọi người, kể cả một anh công nhân, một chị lao công hay một người không hề có nghề nghiệp gì. Hơn nữa, tôi còn cho có một số thành phần khác trong xã hội có thể đóng góp được cho chính trị nhiều hơn giới nhà văn... Tuy nhiên, tôi vẫn cho những sự tham gia ấy khác nhau về bản chất... (...)
 
23.10.2011
[VĂN HỌC & CHÍNH TRỊ] ... Trong tiểu luận “Văn học và chính trị” tác giả Phan Quỳnh Trâm tự đặt ra một câu hỏi rồi tự trả lời. Nhưng câu trả lời đã cho thấy ngay lập luận lỏng lẻo, mâu thuẫn... (...)
 
22.10.2011
[VĂN HỌC & CHÍNH TRỊ] ... Trong tư cách người đọc, tui nhận thấy, một chữ HAY được yêu cầu trong sáng tác phẩm, khả dĩ tóm lược và giải quyết được khá nhiều chuyện dài dòng... Vấn đề còn lại là làm sao biết được hay hay không. Cá nhân tui, tui biết được. Rất dễ. Và tui tin là mỗi một người đọc, cũng tự có thể đánh giá được tác phẩm nào đó. Tự mình thôi. Không ai có thể thay mình được... (...)
 
21.10.2011
[VĂN HỌC & CHÍNH TRỊ] ... Lâu nay, tôi thích Neruda, nhưng khi đọc bài của PQT, thấy nhận xét của Borges, tôi thất vọng về Neruda. Tôi không ngờ một nhà thơ lớn như ông mà để chính trị làm cho tha hoá đến không còn tư cách của một nhà trí thức như vậy... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021