tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Vân Tiên ngồi núp bụi môn  [đối thoại]

 

Truyện kể rằng ngày xưa có chàng thư sinh tên là Lục Vân Tiên, văn võ song toàn, trên đường ra kinh ứng thí chàng gặp bọn cướp Phong Lai đang uy hiếp một chiếc kiệu. Lúc ấy Lục Vân Tiên đi hai tay không nên chàng bèn bẻ cành cây làm vũ khí đánh đuổi bọn cướp, giải cứu người ngồi trong kiệu.

Vân Tiên ghé lại bên đàng
Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô
Kêu rằng bớ đảng hung đồ
Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân

Sau đó:

Vân Tiên tả đột hữu xung
Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dương

Khi bọn cướp tháo chạy, Vân Tiên đến gần chiếc kiệu thì mới biết người mình vừa cứu là một người đẹp tên Nguyệt Nga.

Giả sử lúc đó Vân Tiên sợ bọn cướp, hoặc vì “vô cảm” dửng dưng trước tội ác mà phớt lờ bỏ đi thì chẳng ai thèm đọc Lục Vân Tiên cả. Việt Nam mất một Nguyễn Đình Chiểu, mất luôn tác phẩm và nhân vật Lục Vân Tiên. Cũng may cả cụ Đồ Chiểu lẫn Lục Vân Tiên đều là người quân tử (mà ngày nay người ta quen gọi là “trí thức”) nên thần tượng Lục Vân Tiên mới được ngưỡng mộ đến bây giờ.

Tóm lại Vân Tiên là một người “trí thức thứ thiệt”. Cái điều làm nên một Lục Vân Tiên trí thức chính là thái độ “kiến nghĩa bất vi vô dõng dã, lâm nguy bất cứu mạc anh hùng” (thấy việc nghĩa mà không làm thì không phải là “dũng”, gặp cảnh nguy nan mà không cứu thì không phải là anh hùng.)

Vậy thì chúng ta có gì phải cãi cọ dài dòng về “trí thức”?

Nếu một người “văn võ song toàn” như Vân Tiên mà “kiến nghĩa bất vi” thì dù sau này anh ta có đỗ trạng nguyên cũng chỉ là một phường giá áo túi cơm mà thôi. Nếu như lúc ấy Vân Tiên thấy Nguyệt Nga “lâm nguy” mà anh ta lại “bất cứu” thì sau này gặp lại Nguyệt Nga cũng bị nàng nhổ vào mặt cho dù Vân Tiên có đỗ tiến sĩ và làm quan lớn.

Những kẻ có chút học vị, chút thành công đã vội tự nhận mình là trí thức, tuyên bố vung vít, phủ dụ tùm lum nhưng họ quên rằng trí thức là danh hiệu rất cao quý, nó là sự kết hợp giữa hai ý niệm “học giả” và “anh hùng” vì vậy các anh chàng có chút học vị này nọ khoan hãy mơ mộng làm trí thức đã, mà hãy gắng sửa mình để làm người. Vì làm người cũng đã khó lắm rồi. Bởi vì nếu hôm ấy Lục Vân Tiên mà phớt lờ bỏ đi thì anh ta cũng không đáng mặt làm người, nói chi tới chuyện trí thức hay không trí thức.

*

Một thuộc tính rất quan trọng nữa của trí thức là biết xấu hổ. Đó là trường hợp của nhiếp ảnh gia nổi tiếng thế giới Kevin Carter.

 

 

Kevin Carter (sinh:13.9.1960 - mất: 27.7.1994) phóng viên ảnh, công dân nước cộng hòa Nam Phi. Ông chụp bức ảnh con kền kền lẽo đẽo đi theo một bé gái da đen sắp chết đói để chờ em chết thì ăn thịt. Bức ảnh đó được chụp vào khoảng đầu tháng 3.1993 tại làng Ayod, miền Nam Sudan. Sau đó tờ The New York Times đã mua lại và công bố vào số báo ra ngày 26.3.1993. Ngày 12.4.1994 (tức hơn một năm sau khi ảnh được công bố) Carter được thông báo thắng giải Pulitzer.

Nhưng ngày 27.7.1994 Kevin Carter tự tử vì bị dư luận lên án đã không cứu em bé mà chỉ lo chụp hình rồi bỏ đi.

Kevin Carter đã tự sát vì biết xấu hổ. Nhưng với hành động tự sát này, anh thực sự là một người trí thức.

*

Còn một giả định cuối cùng về Lục Vân Tiên, tuy hơi “tiếu lâm” nhưng rất quan trọng, bởi vì ở Việt Nam hiện nay có vài kẻ tự nhận mình là trí thức đã rơi vào trường hợp giả định này. Đó là:

-Vân Tiên không xông vào cứu Nguyệt Nga, Vân Tiên cũng không phớt lờ bỏ đi, nhưng Vân Tiên lại “ngồi núp bụi môn” chờ cho bọn cướp Phong Lai lột sạch vòng vàng, nhẫn kim cương, bông tai hột xoàn, laptop, điện thoại di động... và “vui vẻ” với Nguyệt Nga xong, bỏ đi hết, thì chàng ta mới xuất hiện để “hưởng xái”. Hành động “núp bụi môn để chờ hưởng xái” này, giang hồ gọi là “cơ hội” và trong Blog Quê Choa của Nguyễn Quang Lập nó được mô tả qua một lời nhắn:

“Phát biểu của Châu, dù vô tình đi chăng nữa, sẽ làm cho đám trí thức trùm chăn được thể vênh vang, tiếp tục trùm chăn kĩ hơn nữa, trong khi vẫn có cớ để dè bĩu và chỉ điểm những trí thức chân chính.”

Đó là Nguyễn Quang Lập. Còn ở cái xứ Bình Định của tôi thì trong dân gian có lưu truyền câu ca dao tiếu lâm (chỉ để đùa chơi) về Lục Vân Tiên như sau:

Vân Tiên ngồi núp bụi môn
Chờ khi trăng lặn ... SỜ VAI Nguyệt Nga

Nghe hai câu ca dao hài hước này chắc chúng ta hết mơ được “phong hàm trí thức”. Có lẽ chúng ta nên cố gắng sửa mình để sống cho ra con người và đừng có “núp bụi môn, chờ khi trăng lặn” đã là quý lắm rồi.

 

Đào Hiếu

 

 

------------------

Bài liên quan:

27.01.2012
[TRÍ THỨC] ... Nhưng, trên hết, người ta xem bà là một nhà trí thức, do một phẩm chất rất quan trọng: uy vũ bất năng khuất! Không có cường lực bạo ác nào có thể khuất phục nổi một một người nữ trí thức trông dáng vẻ bề ngoài mảnh mai yếu ớt. Chính là bà Aung San Suu Kyi... (...)
 
26.01.2012
... Phải nói thẳng một cách sòng phẳng như thế này. Trong lịch sử nhân loại chưa có một chế độ độc tài nào lại tôn trọng trí thức. Độc tài và trí thức không khác gì lửa và nước. Tần Thủy Hoàng từng ra lệnh đốt Kinh Thi và Kinh Thư, chôn sống hơn 460 Nho sĩ. Sa Hoàng Nikolai Đệ Nhị từng căm ghét trí thức đến nỗi muốn loại bỏ từ “trí thức” khỏi từ vựng của tiếng Nga: “Trí thức là một từ ghê tởm,” ông ta nói. Nhà độc tài kế tiếp ông, lãnh tụ cộng sản Lenin còn tiến một bước xa hơn khi đã không ngần ngại sử dụng một trong những từ thiếu sạch sẽ nhất để gán cho trí thức: Lenin gọi trí thức là cứt ... (...)
 
23.01.2012
... Ông Chu Hảo là mẫu mực của một người đối lập trung thành... Nhưng ông Chu Hảo là người lạc quan. Lạc quan vô tận. Tạp chí Xây dựng Đảng Xuân Nhâm Thìn này có bài “Tết đến rồi…!” của ông. Cứ từ từ, “tất cả mọi sự tốt đẹp bao giờ cũng ở phía trước”, như ông tuyên bố... (...)
 
14.02.2000
... Chúng ta hay ưu tư về chính trị. Điều này rất cần thiết. Nhưng nếu đa số chúng ta không tự xây dựng bản thân thành những người trí thức đúng nghĩa -- một lực lượng vững mạnh của những người thực sự nỗ lực phê phán và cải tạo văn hoá -- thì sự thay đổi chính trị, nếu có xảy ra, cũng chỉ xảy ra ngoài vỏ, mà trong đó óc phong kiến chuyên chế vẫn còn nguyên vẹn, và tinh thần nô bộc vẫn còn nguyên vẹn. (...)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021