tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Trí thức dưới chế độ độc tài  [đối thoại]

 

Trong tác phẩm 1984, George Orwell đã mô tả hình ảnh xác thực nhất của một người trí thức đúng nghĩa dưới chế độ độc tài cộng sản hay phát-xít. Winston đại diện cho một phạm nhân tư tưởng (một trí thức đúng nghĩa) và O’Brien đại diện cho một cảnh sát tư tưởng. Winston bị bắt và bị tra tấn.

Đây là một vài trích đoạn từ bản dịch của Đặng Phương Nghi:

 

“Đứng dậy ra khỏi giường,” ông ra lệnh.

Dây buộc tự tháo ra. Winston cúi người xuống sàn và chập choạng đứng dậy.

“Anh là con người cuối cùng,” O'Brien nói. “Anh là kẻ gìn giữ thần linh của giống người. Anh sẽ thấy anh thực sự ra sao. Cởi quần áo ra.”

Winston tháo sợi dây nối liền bộ áo liền quần của anh. Khóa kéo của bộ quần áo đã bị giựt đi từ lâu. Anh không nhớ từ khi anh bị bắt đã có lần nào anh cởi hết quần áo cùng một lúc chưa. Dưới bộ áo liền quần cơ thể anh được quấn với giẻ vàng úa bẩn thỉu, khó nhận ra được là quần áo lót sót lại. Đương lúc tuột cả xuống đất, anh thấy có một tấm gương ba mặt ở tận cuối phòng. Anh tiến lại gần nó, rồi bỗng dừng phắt chân lại. Một tiếng kêu không chủ ý buột khỏi miệng anh.

“Tiến lên,” O'Brien nói. “Đứng giữa hai cánh gương. Anh sẽ thấy thêm cả hình nghiêng.”

Anh đã dừng bước vì anh khiếp sợ. Một vật xám, khom, giống như bộ xương người đang tiến về phía anh. Hình dáng nó đáng sợ thật, chứ không phải chỉ sự anh biết đó chính là anh làm anh sợ. Anh tiến lại gần tấm gương hơn. Khuôn mặt của sinh vật gồ ra vì thân hình còng lại. Một khuôn mặt thiểu não của kẻ tù tội với vừng trán hói rút về một cái đầu trọc, với cái mũi lệch cùng đôi gò má hóp ở dưới một cặp mắt hung dữ chòng chọc. Má thì nhăn nheo, miệng gần như mím lại. Chắc chắn đấy là khuôn mặt của chính anh, nhưng anh thấy nó thay đổi nhiều hơn tinh thần anh. Những xúc cảm ghi trên nó có vẻ khác những xúc cảm đã xâm nhập anh. Anh đã đâm hói đầu. Thoạt đầu anh còn tưởng anh đã bạc đầu, nhưng hóa ra da đầu anh màu xám. Trừ tay và một vòng trên mặt anh, khắp thân thể anh xám xịt vì ghét lưu cữu, bám chặt. Đó đây dưới ghét bụi có nhiều vết thương đỏ lòm, và ở gần đầu gối vết loét giãn tĩnh mạch là một khối sưng vù tróc da từng mảnh. Nhưng điều thật hãi hùng là sự hốc hác của thân thể anh. Lồng ngực anh hẹp như lồng xương sườn: cẳng anh thóp lại khiến đầu gối anh to hơn đùi anh. Bây giờ anh hiểu O'Brien ám chỉ gì khi bảo anh nhìn hình nghiêng. Đường cong của xuơng sống anh coi lạ lùng. Đôi vai mỏng còng ra trước như để làm khoang cho ngực, cái cổ trơ xương trĩu xuống gấp hai dưới sức nặng của sọ. Ước chừng anh có thể nói đó là thân thể của một ông già sáu mươi, đang bị hành bởi một chứng bệnh nan y.

“Thỉnh thoảng anh vẫn cho rằng mặt tôi — mặt của một thành viên Đảng Trong — coi vẻ già nua,” ông nói. “Anh nghĩ gì về bộ mặt của chính anh đây?”

Ông ta nắm vai Winston, quay người anh lại cho ông ta nhìn thẳng vào mặt anh.

“Hãy xem tình trạng anh!” ông ta nói. “Hãy xem lớp bụi phủ khắp người anh. Xem chất ghét giữa ngón chân anh. Xem vết loét ghê tởm lan rộng trên chân anh. Anh có biết anh hôi như trù không? Có lẽ anh hết để ý đến điều ấy. Xem sự hốc hác của anh. Anh thấy không? Tôi có thể lấy ngón tay tôi vòng bắp tay anh. Tôi có thể bẻ gẫy cổ anh như bẻ cà rốt. Anh có biết anh sụt mất hai mươi nhăm ký từ khi anh lọt vào tay chúng tôi không? Cả tóc anh cũng rụng mất từng nắm. Coi!” Ông ta vò đầu Winston lấy ra một mớ tóc. “Há miệng ra nào. Còn có chín, mười, mười một cái răng. Anh có bao nhiêu cái khi anh vào đây với chúng tôi? Mà mấy cái còn lại sắp rớt khỏi đầu anh. Xem này!”

Ông ta bắt một chiếc răng cửa còn lại của Winston giữa hai ngón tay cái và tay trỏ mạnh mẽ của ông. Một cơn đau nhói xuyên qua hàm Winston. O'Brien đã vặn rứt rễ chiếc răng long. Ông ta quẳng nó qua xà lim.

“Anh đang mủn thối,” ông ta nói. “Anh đang rã mục. Anh là gì? Một cái bị dơ dáy. Xoay người lại rồi nhìn vào gương lần nữa đi nào. Anh có thấy cái vật trước mặt anh không? Đó là con người cuối cùng đấy. Nếu anh là người, nhân loại thế đấy. Thôi, mặc quần áo trở lại.”

 

[...]

 

Con người trí thức là một tấm giẻ rách trong một thế giới có ba khẩu hiệu:

CHIẾN TRANH LÀ HÒA BÌNH

TỰ DO LÀ NÔ LỆ

DỐT NÁT LÀ SỨC MẠNH

Thế giới của quyền lực bác bỏ bằng chứng của tai mắt. Đó là giới luật sau cùng, chủ yếu nhất. Tim anh lịm đi khi nghĩ tới quyền lực to tát triển khai chống anh, tới sự bất cứ nhà trí thức nào của Đảng cũng có thể tranh luận thắng anh dễ dàng, tới những luận chứng tinh tế mà anh không hiểu nổi mà cũng không đáp lại nổi. Thế nhưng anh có lý! Chúng sai và anh phải. Sự hiển nhiên, sự ngây thơ và sự thật phải được bảo vệ. Lẽ đương nhiên đúng, phải bám vào đó! Winston viết:

Tự do là tự do nói rằng hai cộng hai là bốn. Nếu điều này được thừa nhận, mọi điều khác theo sau.

 

[...]

 

Ông ngưng một hồi, như để thấm lời ông vừa nói.

“Anh còn nhớ không,” ông tiếp tục, “anh có viết trong nhật ký của anh: “Tự do là tự do bảo hai cộng hai là bốn?”

“Có,” Winston nói.

O'Brien giơ tay trái lên, mu hướng về phía Winston, ngón cái bị che và bốn ngón kia chìa ra.

“Tôi đang giơ mấy ngón tay, Winston?”

“Bốn.”

“Nhưng nếu Đảng bảo đó không không phải là bốn mà là năm — thì có bao nhiêu ngón?”

“Bốn.”

Lời đáp dứt trong tiếng hổn hển đau đớn. Kim đồng hồ đã vụt lên số năm mươi nhăm. Mồ hôi tủa khắp người Winston. Không khí hít vào xé phổi anh và thoát ra ngoài giữa những tiếng rên xiết không thể dằn nổi dù anh nghiến chặt răng. O'Brien nhìn anh, bốn ngón tay vẫn duỗi. Ông ta kéo đòn bẩy về. Làn này cơn đau chỉ hơi dịu xuống thôi.

Có mấy ngón tay, Winston?”

“Năm! Năm! Năm!”

“Không, Winston, vô ích. Anh nói dối. Anh vẫn nghĩ chỉ có bốn thôi. Có mấy ngón nào?”

“Bốn! Năm! Bốn! Bao nhiêu cũng được, tùy ông. Chỉ xin ngưng thôi, ngưng cơn đau lại!”

“Anh là một kẻ học chậm, Winston à,” O'Brien nhẹ nhàng nói.

“Làm sao khác được?” anh mếu máo. “Làm sao tôi cản được tôi thấy những gì trước mắt tôi? Hai cộng hai là bốn.”

 

[...]

 

... ông đổi giọng nói thêm. “Quyền lực thực sự, quyền lực vì chưng chúng tôi tranh đấu đêm ngày không phải là quyền trên sự vật mà là quyền trên con người.” Ông ngưng nói, và trong một lát lấy lại sắc mặt của ông thầy giáo vặn hỏi một học trò đầy hứa hẹn: “Người ta khẳng định uy quyền trên kẻ khác ra sao, Winston?”

Winston suy nghĩ. “Bằng cách làm cho họ đau khổ,” anh nói.

“Đúng. Bằng cách làm cho họ đau khổ. Sự tuân lệnh không đủ. Trừ phi họ đau khổ, nếu không làm sao chắc được họ tuân theo ý mình chứ không phải theo ý họ? Quyền lực ở trong sự bắt chịu đau đớn và nhục nhằn. Quyền lực ở trong sự xé trí óc con người ra từng mảnh rồi chắp chúng lại thành hình mới mẻ do mình lựa chọn. Thế anh đã bắt đầu hiểu chúng tôi đang tạo một kiểu thế giới nào chưa? Nó trái ngược hẳn với các chính thể hoan lạc Không Tưởng ngớ ngẩn do các các nhà cải lương xưa tưởng tượng ra. Một thế giới của lòng sợ hãi và gian dối day dứt, một thế giới của những kẻ chà đạp và bị chà đạp, một thế giới càng tinh luyện càng không bớt mà thêm tàn nhẫn. Tiến bộ trong thế giới của chúng tôi là tiến bộ tới một mức đau khổ lớn hơn. Các nền văn minh xưa được tuyên bố thành lập trên tình thương và công lý. Nền văn minh của chúng tôi dựa trên lòng thù hận. Trong thế giới của chúng tôi không có cảm xúc nào ngoài sự sợ hãi, sự hằn học, sự đắc thắng, và sự hạ mình. Mọi sự khác sẽ bị chúng tôi hủy diệt hết. Chưa chi chúng tôi đã phá những tập quán tư tưởng sống sót từ trước Cách Mạng. Chúng tôi đã cắt đứt sợi dây liên lạc giữa đứt sợi dây liên lạc giữa cha mẹ con cái, giữa con người và con người, giữa đàn ông và đàn bà. Không còn ai dám tin tưởng vợ con hay bạn bè. Mà trong tương lai sẽ không còn vợ và bạn. Trẻ con sẽ bị bắt rời mẹ ngay khi lọt lòng như ta lấy trứng của gà mái. Bản năng giới tính sẽ bị trừ tiệt. Việc sinh sản sẽ thành một thủ tục hàng năm, giống như sự thay đổi thẻ khẩu phần mới. Chúng tôi sẽ loại trừ sự cực khoái trong giao cấu. Các nhà thần kinh học của chúng tôi đang nghiên cứu chuyện đó. Sẽ không còn lòng trung, trừ lòng trung đối với Đảng. Sẽ không còn tình yêu, ngoài tình yêu đối với Bác. Sẽ không còn tiếng cười, trừ tiếng cười đắc thắng trước một kẻ thù bị bại. Sẽ không có nghệ thuật, không có văn chương, không có khoa học. Một khi toàn năng, chúng tôi sẽ không còn cần khoa học. Sẽ không có sự khác biệt giữa sắc đẹp và sắc xấu. Sẽ không có lòng hiếu kỳ, không có lòng vui sướng hưởng sống. Mọi thú vui tranh đua sẽ bị tiêu diệt. Nhưng mãi mãi — chớ có quên điều này, Winston — mãi mãi sẽ còn lòng say nghiện quyền thế, luôn luôn gia tăng, luôn luôn thêm phần tinh tế. Mãi mãi, bất cứ lúc nào, sẽ có lòng rung động vì đắc thắng, cảm giác về sự giày xéo một kẻ thù bất lực. Nếu anh muốn một hình ảnh về tương lai, hãy tưởng tượng một chiếc giầy ống nện trên mặt người — đời đời nện giẫm.”

 

[...]

 

Thái độ của O'Brien nghiêm nghị trở lại. Ông ta đặt tay trên đồng hồ.

“Ngược lại,” ông ta nói, “ anh đã không kiểm soát được nó. Đó là lý do khiến anh bị đưa tới đây. Anh ở đây vì anh thiếu nhún nhường, thiếu kỷ luật bản thân. Anh đã không chịu phục tùng là giá phải trả cho sự lành mạnh. Anh thích là một kẻ khùng, một kẻ biệt lập. Chỉ một tinh thần có kỷ luật mới thấy được thực tế, Winston ạ. Anh tin rằng thực tế là một cái gì khách quan, ngoại trú, tự nó mà có. Anh còn tin rằng bản chất của thực tế tự hiển nhiên. Khi anh có ảo tưởng anh thấy điều gì, anh cho rằng ai khác cũng cùng một nhận thức như anh. Nhưng Winston này, tôi bảo cho anh biết, thực tế không ở ngoài chúng ta. Thực tế nằm trong tâm người, không ở đâu khác. Nó không ở trong tâm cá nhân vì cá nhân có thể nhầm lẫn, lại sớm tiêu tán dù thế nào đi nữa: nó chỉ ở trong tâm của Đảng, bởi Đảng tập thể và bất tử. Bất cứ cái gì Đảng cho là sự thật là sự thật. Không thể thấy được thực tế ngoài cách nhìn qua mắt của Đảng. Đó là điều anh phải học lại, Winston ạ. Nó đòi hỏi một hành động tự hủy, một sự cố gắng của ý chí. Trước khi lành mạnh, anh phải tự hạ mình.”

 

 

------------------

Bài liên quan:

02.02.2012
[TRÍ THỨC] ... Người ta có thể đóng góp cho xã hội theo nhiều cách: như một nhà từ thiện, như một nhà chuyên môn, như một chiến sĩ, như một nghệ sĩ, như một trí thức. Những cách đó rất khác nhau. Cách nào cũng đáng quý, nhưng ở trong tình trạng xã hội chính trị Việt Nam hiện nay thì cách đóng góp theo cách của một trí thức chân chính đặc biệt đáng ngưỡng phục, vì nó khó khăn, nguy hiểm và cực kỳ cấp thiết... (...)
 
01.02.2012
... Các lực lượng trí tuệ của công nông đang trưởng thành vững mạnh trong cuộc đấu tranh lật đổ tư sản và bọn đồng lõa, lũ trí thức – đầy tớ của tư bản, những kẻ tưởng mình là bộ não của quốc gia. Trên thực tế, bọn chúng không phải là bộ não mà là cứt... [Nguyễn Đình Đăng dịch từ nguyên văn tiếng Nga] (...)
 
[TRÍ THỨC] ... Cụ Phan Bội Châu thì cho rằng Nhân là chủ chốt. Đức Nhân hướng dẫn cả Trí và đưa đến Dũng. Vì yêu tha nhân, yêu đồng bào, cho nên Sĩ có một trí lực mẫn tuệ và sự can đảm bất phục tùng bạo ác và xâm lược. Cố giáo sư Lương Kim Định cũng đồng quan điểm như vậy. Nhưng giáo sư có thêm vào chữ “thời”... (...)
 
31.01.2012
[TRÍ THỨC] ... Khi những kẻ “trí thức” chỉ biết dùng cái đầu của mình để suy nghĩ cho riêng cái sự nghiệp của mình, cái danh lợi của mình, thì quả là nguy hiểm chết người, vì anh ta có thể sẵn sàng thoả hiệp, ủng hộ cho một chế độ độc tài bạo ngược, nếu chế độ ấy làm cho anh ta thoả mãn những nhu cầu bản thân về sự nghiệp và danh lợi... (...)
 
29.01.2012
[TRÍ THỨC] ... Ngày nay, để củng cố chế độ độc tài Đảng trị, những “ông chủ” của bầy cừu, một mặt ra sức “đúc” thêm những loại “bánh vẽ” mới..., mặt khác, tìm cách “cấy gien” tạo ra một “giống cừu” mới: “giống cừu cao cấp”!... (...)
 
[TRÍ THỨC] ... Nếu một người “văn võ song toàn” như Vân Tiên mà “kiến nghĩa bất vi” thì dù sau này anh ta có đỗ trạng nguyên cũng chỉ là một phường giá áo túi cơm mà thôi. Nếu như lúc ấy Vân Tiên thấy Nguyệt Nga “lâm nguy” mà anh ta lại “bất cứu” thì sau này gặp lại Nguyệt Nga cũng bị nàng nhổ vào mặt cho dù Vân Tiên có đỗ tiến sĩ và làm quan lớn... (...)
 
27.01.2012
[TRÍ THỨC] ... Nhưng, trên hết, người ta xem bà là một nhà trí thức, do một phẩm chất rất quan trọng: uy vũ bất năng khuất! Không có cường lực bạo ác nào có thể khuất phục nổi một một người nữ trí thức trông dáng vẻ bề ngoài mảnh mai yếu ớt. Chính là bà Aung San Suu Kyi... (...)
 
26.01.2012
... Phải nói thẳng một cách sòng phẳng như thế này. Trong lịch sử nhân loại chưa có một chế độ độc tài nào lại tôn trọng trí thức. Độc tài và trí thức không khác gì lửa và nước. Tần Thủy Hoàng từng ra lệnh đốt Kinh Thi và Kinh Thư, chôn sống hơn 460 Nho sĩ. Sa Hoàng Nikolai Đệ Nhị từng căm ghét trí thức đến nỗi muốn loại bỏ từ “trí thức” khỏi từ vựng của tiếng Nga: “Trí thức là một từ ghê tởm,” ông ta nói. Nhà độc tài kế tiếp ông, lãnh tụ cộng sản Lenin còn tiến một bước xa hơn khi đã không ngần ngại sử dụng một trong những từ thiếu sạch sẽ nhất để gán cho trí thức: Lenin gọi trí thức là cứt ... (...)
 
23.01.2012
... Ông Chu Hảo là mẫu mực của một người đối lập trung thành... Nhưng ông Chu Hảo là người lạc quan. Lạc quan vô tận. Tạp chí Xây dựng Đảng Xuân Nhâm Thìn này có bài “Tết đến rồi…!” của ông. Cứ từ từ, “tất cả mọi sự tốt đẹp bao giờ cũng ở phía trước”, như ông tuyên bố... (...)
 
14.02.2000
... Chúng ta hay ưu tư về chính trị. Điều này rất cần thiết. Nhưng nếu đa số chúng ta không tự xây dựng bản thân thành những người trí thức đúng nghĩa -- một lực lượng vững mạnh của những người thực sự nỗ lực phê phán và cải tạo văn hoá -- thì sự thay đổi chính trị, nếu có xảy ra, cũng chỉ xảy ra ngoài vỏ, mà trong đó óc phong kiến chuyên chế vẫn còn nguyên vẹn, và tinh thần nô bộc vẫn còn nguyên vẹn. (...)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021