tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
‘Hiện tượng’ thơ Nguyễn Quang Thiều, vài minh định  [đối thoại]

 

1.

Hoàng Hưng, trong một bài trả lời phỏng vấn, đã nhận định:

"Nhiều khi những hoàn cảnh xã hội chưa công bằng. Có thể có nhiều người tài nhưng xã hội chưa tạo điều kiện cho họ đi đến nơi đến chốn. Đâm ra chưa nổi lên được. Ví dụ: Nguyễn Quang Thiều, khi lúc đầu mới cách tân thơ cũng nhiều người chê bôi, nhưng khi anh ấy có địa vị một chút trong Hội Nhà văn thì lại được đề cao. Đối với những người “ngoài lề” thì lại bị ác cảm, do vậy không nổi lên được. Như Bùi Chát trong nhóm “Mở miệng” chẳng hạn. Tất nhiên, bản thân các nhà thơ cũng chưa đủ mạnh để xã hội công nhận.”[1]

Đó là nhận định đúng. Đúng, nhưng chưa mạnh, chưa đủ. Cả với “hiện tượng” thơ Nguyễn Quang Thiều. Từ Sự mất ngủ của lửa (NXB Lao động. Hà Nội, 1992) đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm sau đó cho đến Những người đàn bà gánh nước sông (NXB Văn học, Hà Nội, 1995), sự “cách tân” thơ Nguyễn Quang Thiều đã gây nên dư luận hai chiều, cả khen lẫn chê, chứ không chỉ “nhiều người chê bôi”. Như vậy, nhà thơ này không phải “được đề cao” chỉ khi “có địa vị một chút trong Hội Nhà văn”. Riêng mệnh đề sau, cần xác minh thời điểm: Nguyễn Quang Thiều lần đầu tiên ngồi ghế [không “một chút” mà là rất] cao ở Hội Nhà văn Việt Nam từ khóa 2010-2015; bài trả lời phỏng vấn của Hoàng Hưng được thực hiện và lên báo ngày 1-6-2012; khoảng thời gian này, lác đác bài viết về thơ Nguyễn Quang Thiều đăng báo. Chỉ khi rục rịch Tọa đàm khoa học “Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều” từ đầu tháng 6-2012, sự “đề cao” mới rộ lên. Chẳng những đề cao mà là tụng ca, tụng ca thành một cao trào bất bình thường, đến gây dị nghị.[2]

Dẫu sao, dù chê bôi, tụng ca hay dị nghị, đại đa số ít nhiều đều là hệ quả của “hoàn cảnh xã hội”. Rất đặc trưng Việt Nam. Bên cạnh ít bài viết có xuất phát điểm từ chính văn chương. Từ văn chương, chê - đa phần không có thái độ “đi vào trong” hệ mĩ học của thơ Nguyễn Quang Thiều để đánh giá nó, mà từ chân trời hệ mĩ học khác; còn tụng ca - người ta đã đặt vào đít/ chất lên vai nhà thơ này cái ghế/ quang gánh quá cao/ nặng trong hành trình thơ Việt đương đại. Cả hai là ngộ nhận. Còn thì, các xuất phát điểm phê bình luôn từ cảm tính với cảm tình, qua lăng kính đạo đức xã hội hay nhân danh truyền thống mà phê phán, từ đó hoặc tâng bốc ngất trời hoặc ghét bỏ mà toan phủi sạch các đóng góp của anh. Dễ thấy, không ít bài viết mang hơi hướng chính trị.

 

2.

Thơ Nguyễn Quang Thiều có là một “hiện tượng”? Câu trả lời là: - có.

Đổi mới, trong khi đại đa số nhà thơ viết theo lối cũ, vài khuôn mặt mới xuất hiện nỗ lực làm mới thơ, trong đó Nguyễn Quang Thiều bật lên như một “hiện tượng”. Bốn tập thơ liên tục ra đời: Sự mất ngủ của lửa (NXB Lao động, Hà Nội, 1992), Những người đàn bà gánh nước sông (NXB Văn học, Hà Nội, 1995), Nhịp điệu châu thổ mới (Hội VHNT Hà Tây, 1997), Bài ca những con chim đêm (NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 1999), đủ hình thành một giọng thơ riêng, độc đáo. Và, không ít nhà phê bình không ngần ngại nhét vào tay anh “lá cờ đầu” cách tân thơ Việt.

Chính tại đây xảy ra nỗi nhầm lẫn lớn: nhầm lẫn của lịch sử. Thủ phạm vẫn là “hoàn cảnh xã hội”! Bởi, đi trước Nguyễn Quang Thiều một bước, vài nhà thơ “thời chống Mỹ” đã làm cuộc phá rào ngoạn mục. Nguyễn Duy phản biện xã hội qua hai tập thơ sáng giá: Nhìn từ xa... Tổ quốc (NXB Trẻ, 1989) và Kim mộc thủy hỏa thổ (tạp chí Cửa Việt, 1992).[3] Hay Thanh Thảo với Khối vuông Rubic (1985), Từ một đến một trăm (1988) thể hiện tư duy nghệ thuật mới. Hoặc người cùng thế hệ như Dương Kiều Minh ở tập Củi lửa (1989) với nhiều “cách tân” khá thành công ba năm trước đó.

Nữa, từ thập niên 60, chính Nhóm Nhân văn - Giai phẩm là kẻ [không phải cách tân mà là] khởi xướng cách mạng thơ Việt. Hoàn cảnh chính trị xã hội đã làm cho cuộc cách mạng nghệ thuật này nửa đường đứt gánh. Và dù sáng tác của họ bị cấm lưu hành, không thể nói thế hệ sau đó chưa từng tiếp cận “cách tân” kia. Mở cửa, khi tác phẩm của các tác giả thuộc nhóm thơ này được xuất bản công khai,[4] họ đã không thể thay đổi được tình thế. Cả với tập thơ của nhà thơ thuộc thế hệ cuối của nhóm: Người đi tìm mặt (1993) của Hoàng Hưng, vừa đổi mới kĩ thuật thơ bên cạnh tư tưởng thơ mang khả tính phản tỉnh xã hội; hay hàng trăm bài thơ của Phan Ðan được viết cùng thời điểm nhưng mãi sau (2004) mới cơ hội đưa lên Tienve.org. “Hoàn cảnh xã hội” chẳng những không tạo thuận lợi mà luôn tư thế đẩy họ về phía khuất. Thêm, lúc này, đại đa số nhà thơ thuộc trào lưu ấy đã ở kia sườn dốc của sức sáng tạo. Cuộc cách mạng thơ đã bị đánh cắp cơ hội một cách oan uổng.

Nguyễn Quang Thiều ngược lại, được cả thiên thời địa lợi nhân hòa. Ở thế thượng phong - anh biết tận dụng cơ hội khuếch trương tối đa giọng thơ tìm thấy. Nghĩa là bên cạnh tài năng, thơ Nguyễn Quang Thiều nhận đủ đầy yếu tố thuận lợi khác. Đồng tình hay không, thơ anh vẫn có hấp lực nhất định, tạo ảnh hưởng lan tỏa lên thế hệ thơ trẻ khu vực phía Bắc. Vừa hư vừa thực, Nguyễn Quang Thiều đã phủ cái bóng khá lớn lên một bộ phận thơ Việt đương đại. Lớn đến nỗi, khi lực thơ anh suy vi từ năm cuối thế kỉ XX và có dấu hiệu đuối, “lá cờ” [miễn cưỡng kia - có lẽ] vẫn chưa có ai [dám] nhận. Các nhà thơ thuộc thế hệ đến sau đó như Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Nguyễn Thế Hoàng Linh,... dù có thoát được từ trường thơ Nguyễn Quang Thiều, họ vẫn chưa đủ sức che khuất cái bóng kia của anh.

Thế nào đi nữa, muốn đánh giá nghiêm túc một sự kiện hay tác giả văn học, cần phải có cái nhìn toàn cảnh. Gần 40 năm sau khi đất nước thống nhất, nền thơ hiện đại Việt Nam chưa nhận được đặc ân kia. Chỉ khi nào nhà phê bình có cái nhìn toàn cảnh tiến trình phát triển thơ Việt: trước và sau 75, Bắc và Nam, trong nước và hải ngoại, chính thống và phi chính thống... hắn mới hi vọng có được sự đánh giá công bằng. Còn thì, “đổ” hết tính mở đường cách tân thơ Việt cho Nguyễn Quang Thiều là một bất cập tai hại.

Ở miền Nam thì khác.

 

3.

“Cách tân” của Nguyễn Quang Thiều có dính dáng gì đến thơ miền Nam đương đại không? Dứt khoát là không rồi! Không đầu tiên và cuối cùng. Nguyễn Đăng Điệp nhận định:

“Với những bứt phá mạnh mẽ của Nguyễn Quang Thiều, ý thức cách tân về lối viết trở nên thường trực và riết róng.
 
Từ đây, đội ngũ làm mới thơ ngày càng đông đảo với sự hiện diện của Trần Quang Quý, Nguyễn Quyến, Mai Văn Phấn, Inrasara, Trần Tiến Dũng, Trần Anh Thái, Vi Thùy Linh, Nguyễn Hữu Hồng Minh,... Không cần cường điệu, có thể khẳng định dứt khoát: Tính đến thời điểm này, những cách tân nghệ thuật của Nguyễn Quang Thiều vào những năm đầu 90 của thế kỷ XX là những cách tân tạo được hiệu ứng nghệ thuật sâu đậm nhất trong thơ Việt sau 1975.”[5]

Một nhận định dễ gây hiểu lầm rằng các nhà thơ miền Nam đương thời nhận “hiệu ứng nghệ thuật” từ Nguyễn Quang Thiều, hay ít ra “cách tân” sau Nguyễn Quang Thiều.[6] Non bốn năm trước, Inrasara viết:

“Mười năm sau đất nước nhập một, cả khu vực rộng lớn này hầu như không nảy nòi một thi sĩ xứng danh nào. Mãi mở cửa cởi trói, các thi sĩ miền Nam mới rục rịch làm thơ trở lại, tìm mọi cách ấn hành để đưa sản phẩm của mình đến với công chúng. Ở đó, họ đã tiếp nhận nhiều truyền thống khác lạ. Thơ tự do, đi trước họ là mấy tên tuổi lẫy lừng: Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên,... Hậu hiện đại sơ kì, họ có một Phạm Công Thiện với vô lượng từ xô đẩy nhau vỡ bờ vỡ đê, cuồn cuồn khó hiểu nhưng đẹp và lôi cuốn lạ thường; một Bùi Giáng điên chữ, xáo trộn ngôn từ cả Việt lẫn Hán Việt vào bát quái trận đồ chữ liên tu bất tận, đọc chẳng hiểu ông nói mô tê gì cả nhưng vẫn cứ thích. Làm thơ bất kể ngôn từ thông tục, thông tục đến thô tục, họ có Nguyễn Đức Sơn, Nguyễn Tôn Nhan ở sau lưng. Thơ huyền ảo lãng đãng sương khói, Phạm Thiên Thư đã lừng lững. Thơ Thiền, thơ siêu thực, thơ hiện sinh, thơ điên, ca từ nhạc sến, nhạc vàng, vọng cổ... Nghĩa là không thiếu bất kì thứ gì. Quan trọng không kém là các bộ phân công chúng văn học khác nhau chấp nhận chúng là các sáng tạo nghệ thuật.”[7]

Các thi sĩ miền Nam tiếp nhận và thở hơi thở “truyền thống” kia, họ không thể chấp nhận loại thơ “quốc doanh” ở Sài Gòn sau 75 như đã. Mãi khi Đêm mặt trời mọc của Nguyễn Quốc Chánh được NXB Trẻ cho ra đời năm 1990, nền thơ miền Nam mới thực sự hồi sinh. Đêm mặt trời mọc thổi luồng khí mới vào sinh hoạt thơ Sài Gòn đang làm ảm đạm và nhàm chán. Nó không tự phong “cách tân”, mà bằng thái độ phản kháng mạnh mẽ cộng với tinh thần tự do tuyệt đối, nó đã chọn hướng đi khác hẳn với mặt bằng thơ đang diễn ra, cả với những gì được cho là “cách tân”, đổi mới thời thượng. Sau đó, Gieo & Mở (thơ và tiểu luận, NXB Đồng Nai, 2 tập 1995-1996) và Thơ Tự do (10 tác giả, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 1999) được trình làng. Tiếp bước, Trần Tiến Dũng cho ra mắt hai tập thơ có phong cách mới: Khối động (NXB Trẻ, 1997) và Hiện (NXB Thanh niên, 2000).

Các tên tuổi và tác phẩm kia - cùng với khí quyển văn nghệ được tạo nên bởi những tập thơ và sách báo người Việt hải ngoại nhập cảnh lén lút vào Việt Nam - dẫu bị hạn định trong không gian chật hẹp bởi “hoàn cảnh xã hội”, vẫn tạo nên hiện tượng mới và khác: hiện tượng thơ Sài Gòn. Nó hoàn toàn khác với thơ “cách tân” ở miền Bắc các loại. Khác từ tâm thế, thái độ và sinh hoạt, khác đến giọng điệu lẫn các thủ pháp nghệ thuật.

 

4.

Khác nữa, “hiện tượng” ấy không đè chết các thế hệ thơ đến sau đó. Nói khác đi, các nhà thơ trẻ miền Nam không để cho “hiện tượng” hay “thần tượng” trước đó phủ bóng lên mình. Nguyễn Quốc Chánh sau Của căn cước ẩn dụ (Talawas.org, 2001) và Ê, tao đây (in photocopy, Sài Gòn, 2005) hay Inrasara với Lễ Tẩy trần tháng Tư (NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2002), Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ tân hình thức (NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2006) và Ở nơi ấy [thơ thời cuộc] (Tienve.org, 2010) hoặc Trần Tiến Dũng với Bầu trời lông gà lông vịt (Tienve.org, 2003), Hai đóa hoa trên trán cho công dân hạng hai (NXB Cửa, Sài Gòn, 2004) và Mây bay là bay rồi (NXB Cửa, Sài Gòn, 2010),... rồi Vũ Trọng Quang hay Trần Hữu Dũng, vân vân... không tạo bất kì áp lực nào lên thế hệ thơ đi tới.

Phan Bá Thọ, Bùi Chát, Lý Đợi,... xuất hiện sau 2002 đủ sức che khuất mấy cái bóng kia, hay ít ra, cũng đã song hành đĩnh đạc. Họ làm thơ, họ tuyên ngôn, họ mở nhà xuất bản [ngoài luồng] để in và “phát tán” tác phẩm của họ, của nhóm họ và của người cùng ý hướng nghệ thuật. Họ chọn thế đứng ngoài lề ngay khi vừa bước vào thế giới chữ nghĩa. Họ phản kháng quyết liệt - với thơ và thái độ thơ của nền thơ chính thống đượng đại - đến thành đối kháng.

Sau đó không lâu, 2007 - hàng loạt khuôn mặt mới xuất hiện và cho ra mắt tác phẩm của mình: Lê Vĩnh Tài [giai đoạn sau], Vũ Thành Sơn, Nguyễn Viện [thơ], Tuệ Nguyên, Đoàn Minh Châu, Tiểu Anh, Lưu Mêlan, Chiêu Anh Nguyễn,... xác lập thế đứng riêng của thơ “người cùng thời”. Khác biệt vùng miền hay tuổi tác hoàn toàn không quan trọng. Họ có thể in giấy hay xuất bản trên mạng, có phép hay không có giấy phép của nhà xuất bản Nhà nước. Những đứa con của tự do này tuyệt đối không bám cơ quan Nhà nước. Họ không dùng văn chương để tiến thân, để kiếm ghế hoặc để xác lập vị thế trong con mắt thiên hạ hay để lưu danh thiên cổ. Đây là trào lưu thơ giải trung tâm toàn triệt. Một cách giải trung tâm hậu hiện đại

Là điều hiếm thấy ở các nhà thơ miền Bắc.

 

5.

Nguyễn Quang Thiều có hậu hiện đại không?

Không, và không thể. Dù anh đã rất “cố gắng” vận dụng vài thủ pháp hậu hiện đại ở Cây ánh sáng (NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2009) và Lò mổ (Maivanphan.com, 2009) sau đó. Qua những “cố hương”, “kì vĩ”, “lộng lẫy” “thiêng liêng”, “bình minh”, “cao cả”, “vang rền”,... trước đó, mà cả những “lò mổ”, “chuột cống”, “chửi tục”, âm hộ”, “thủ dâm”, cùng cơ man thi ảnh có vẻ “phản cảm” sau này, Nguyễn Quang Thiều cứ mắc kẹt ở bên kia bờ hiện đại. Mắc kẹt và rớt lại phía sau. Anh vẫn còn đầy nghiêm cẩn, nghiêm cẩn đến nghiêm trọng. Tâm tính với tâm thức đó cản ngăn nhà thơ biết cười vào mấy nỗi nghiêm trang, nghiêm nghị, do đó anh không thể đưa thơ tiếp cận chất humor - humor hậu hiện đại. Như Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Nguyễn Hoàng Nam, Đỗ Kh. trước đó hay Phan Bá Thọ, Bùi Chát, Lê Vĩnh Tài sau này. Đó là chưa nói Nguyễn Quang Thiều xu hướng hướng tâm, từ thái độ thơ cho đến sinh hoạt nghệ thuật. Cho nên không thể đòi hỏi Nguyễn Quang Thiều hậu hiện đại, như vài người viết phê bình đã cố tình đẩy anh về phía xa xôi ấy.[8] Hướng tâm, Nguyễn Quang Thiều không thể không né tránh các vấn đề thời sự cộm, cái cộm khả năng va chạm cơ chế mà anh là một bộ phận khôn rời.

Một nhà thơ còn escape from freedom thì vời xa cả vực thẳm với hậu hiện đại.

 

Sài Gòn, 2-7-2012

 

_________________________

[1]“Hoàng Hưng tuổi 70 vẫn đang ở giai đoạn tích luỹ”, Kim Anh thực hiện, http://laodong.com.vn/Lao-dong-cuoi-tuan/Nha-tho-dich-gia-Hoang-Hung-Chua-den-muc-la-khong-lam-tho-duoc-nua/67076.bld, 1-6-2012

[2]Theo eVan (25-6-2012), “Tọa đàm đã nhận được gần 30 tham luận của các nhà văn, nhà thơ, các nhà lý luận, phê bình văn học” cùng mươi bài lẻ khác sau đó.

[3]Hai tập thơ này in lại trong Nguyễn Duy - Thơ, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2010.

[4]Dương Tường - Lê Đạt (36 bài tình, 1989), Hoàng Hưng (Ngựa biển, 1988, Người đi tìm mặt, 1993), Đặng Đình Hưng (Bến lạ, 1991), Lê Đạt (Bóng chữ, 1994, Ngó lời, 1997), Trần Dần (Cổng tỉnh, 1994),...

[5]Nguyễn Đăng Điệp, “Thơ Việt Nam đương đại từ trường hợp Nguyễn Quang Thiều”.

[6]“Hiện tượng” thơ Nguyễn Quang Thiều hầu như không thể với tới các tỉnh phía Nam, nhất là thế hệ thi sĩ [cũ và mới] đã từng tiếp nhận truyền thống thơ miền Nam và từng thở hơi thở tự do của nó. Nguyễn Quang Thiều đã thế nói chi “hiện tượng” Vi Thùy Linh; với họ, đây như thể một cái gì buồn cười đến tội nghiệp.

[7]Inrasara, “Mai Văn Phấn, kết thúc cho một khởi đầu”, Tienve.org, 17-1-2009.

[8]Tôi không nói Nguyễn Quang Thiều chuyển thơ mình sang khuynh hướng hậu hiện đại, mà nhấn vào các nhà phê bình đã gắn hậu hiện đại cho thơ anh. Đó là một gán ghép vội vã và sai lầm. Đòi hỏi một nhà thơ phải làm thơ thời sự, thì không gì vô lí hơn. Ở đây là tâm lí né tránh nói chung. Tuyệt đại đa số nhà thơ chính thống Việt Nam đã chạy trốn thời sự nóng bỏng tác động đến toàn xã hội là Sự kiện Trường Sa - Hoàng Sa (kì đầu, 2007). Chỉ khi “được phép”, họ mới ồ ạt làm thơ yêu nước. (Xem thêm: Inrasara, “Hai cảm thức thơ Việt qua hai kì sự kiện Hoàng Sa - Trường Sa”, BBC.co.uk/vietnamese, 9-7-2011; Tienve.org, 10-7-2011).

 

 

-------------------

Bài liên quan:

05.07.2012
[CHUYỆN PHÊ BÌNH] ... Trong mắt tôi, thơ Nguyễn Quang Thiều như một tấm lưới vô biên, không phải được dệt bằng sợi gai, sợi cước PA hay nylon sợi xe như người ta thường gặp; nó được dệt bằng ánh sáng, thứ ánh sáng của “hố thẳm”... (...)
 
23.06.2012
[CHUYỆN PHÊ BÌNH] ... Ai đẻ ra cái thời đại nhảm nhí này? Đấy chính là cái nền giáo dục XHCN ở trong nước. Nghĩ mà thương cái xứ mình. Người lao động thì cực nhọc mà lại quá nhiều oan ức, còn đám nhà văn thì như vậy. Biết trông cậy vào ai?... (...)
 
22.06.2012
[CHUYỆN PHÊ BÌNH] ... Trong bài viết “Sự dễ dãi không làm nên giá trị thi ca” của tác giả Trần Mạnh Hảo, đăng tại trannhuong.com, có một số ý sau đây làm tôi hết sức bất ngờ cho sự hiểu và viết của ông Hảo. Ở sự hiểu của ông, chỉ với riêng bài viết của tôi cũng có lắm vấn đề để bàn, và sự viết của ông thì miễn bàn, vì nó xuất phát từ sự hiểu... (...)
 
21.06.2012
[VĂN HOÁ ĐỐI THOẠI] ... Chúng tôi công khai phản đối lối phát biểu mang tính xúc phạm vô cớ của ông Trần Mạnh Hảo khi ông cho rằng chúng tôi đã “dùng Liêu Thái để lên án” ông... (...)
 
19.06.2012
[CHUYỆN PHÊ BÌNH] ... Nếu ông không phân tích, chứng minh một cách cụ thể, có khoa học những gì ông nêu ra thì e rằng lâu nay ông đã bịp độc giả, lừa mị họ bằng thứ ngôn ngữ rỗng tuếch, đao to búa lớn... Ông đã rơi vào loại phê bình võ đoán, phán rơm... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021