tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Tội quá anh chị ạ, hở cái gì bị thuổng cái đó!  [đối thoại]

 

Lần trước tôi đã nói về sự “rất lạ” trong cái “uy tín Fulbright” của Tiến sĩ Trần Lê Hoa Tranh (TsTLHT). Lần này tôi bàn về sự “rất quen” của cái “uy tín” ấy.

TsTLHT là bậc khoa bảng, chắc cô cũng không lạ gì với hai cái tên Plato và Aristotle. Đây là hai nhà tư tưởng cổ đại đã có công nhận diện và hệ thống hoá các hình thức ngụy biện mà đến hôm nay chúng ta nhận dạng đến 45 “chiêu”. Một vài “chiêu” nguỵ biện phổ biến nhất là ignoratio elenchi (đánh tráo vấn đề), ad verecundiam (lợi dụng quyền lực) và appeal to accomplishment (dựa vào thành tựu) .

Có thể thấy được gì trong lời tuyên bố của TsTLHT:

Không một ai có thể trả lời chính xác câu hỏi này, ngoài tôi. Khi đặt câu hỏi kiểu như vậy, nhà phê bình đã bôi nhọ nhân cách và chuyên môn của tôi. Và đồng thời, bôi nhọ cả uy tín chương trình Fulbright, tổ chức đã chọn lọc, xem xét và gửi tôi sang Mỹ thực hiện đề tài về văn học di dân trong 6 tháng.

- Thứ nhất là đánh tráo vấn đề.

Ông Đào Hoà Chanh (ĐHC) so sánh hai văn bản bằng giấy trắng mực đen ký tên TsTLHT và ký tên Đào Trung Đạo. Tuy nhiên TsTLHT lại lái vào chuyện khác, làm như thể đó chuyện hoàn toàn nằm ngoài hai văn bản này, không ai thấy được. Dường như nó chỉ hiện diện trong... tư duy của cô, do đó chỉ mình cô biết.

- Thứ hai là lợi dụng thẩm quyền và thành tựu.

TsTLHT thực hiện được một số công trình nghiên cứu và TsTLHT được Chương trình Fullbright chọn lựa.

Như vậy thì đây là song chiêu “appeal to accomplishment”“ad verecundiam”: cô có những thành tựu nào đó còn Chương trình Fullbright thì có thừa uy tín, không thể bôi nhọ được.

Tuy nhiên nói mấy chữ này ra thì có thể một số người còn cảm thấy lạ, do đó tôi xin chỉ ra những nét rất quen khác.

 

1. Cỡ như tao mà đi xách guốc cho mày à!

Đây là câu thoại trong tuồng đồ Nghêu Sò Ốc Hến, tôi thuật lại theo trí nhớ mập mờ của mình.

Thầy bói mù Nghêu (hay trộm Ốc?) nọ bị gọi đển công đường vì dính líu đến vụ ăn trộm tại nhà Trùm Sò. Sau đây là đoạn đối thoại với lính gác cổng:

Nghêu: “Anh Cửu ơi, cho tôi gởi đôi guốc với!”

Lính gác: (nạt lớn) “Tao mà đi xách (giữ?)guốc cho mày à!”

Nghêu: “Tội quá anh ạ, chỗ nha môn hở cái gì mất cái ấy?”

Anh lính đứng gác cổng dinh quan tri huyện, thế là anh gộp cả cái quyền lực của dinh quan huyện vào mình:

“Tao được quan huyện chọn lựa để canh giữ anh ninh trật tự cho huyện đường, cỡ như tao mà đi xách guốc cho mày à?”

Diễn nôm theo lối trên thì lời của TsTLHT có thể hiểu như thế này:

“Ta được Chương trình Fulbright chọn lọc nghiên cứu về văn học di dân, cỡ như ta mà đi ‘xách văn’ của người khác à!”

Tiện đây cũng nhắc thêm một điểm rất quen khác.

“Chốn nha môn” của nước Nam ta thời phong kiến thật là loạn, “hở cái gì mất cái đó”.

“Chốn phê bình - nghiên cứu” nước Nam ta thời nay cũng loạn vậy, cũng “tội quá anh chị ạ, hở cái gì bị thuổng cái đó!”

 

2. Chủ trương lớn

Trong buổi họp báo đầu năm ngày 4.2.2009, phóng viên báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi về những tác hại của dự án khai thác bôxit ở Tây Nguyên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (NTD) trả lời:

“Khai thác bôxit Tây nguyên là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đã được nêu trong nghị quyết đại hội X của Đảng và Bộ Chính trị đã ba lần nghe, kết luận về phát triển bôxit Tây nguyên.”

Vậy là xong, phóng viên hết dám cãi!

Nếu NTD đáp rằng công ty tư vấn kỹ thuật X, khoa kinh tế của đại học Y, phân khoa địa chất mỏ của đại học Z đã ba lần nghe ba lần kết luận thì nghe còn lọt lỗ tai, nhưng đảng và bộ chính trị thì biết gì về... điện?

NTD đã áp dụng chiêu “ad verecundiam”.

 

3. Sự lãnh đạo của đảng

Chuyện này được nhà báo Hà Văn Thùy kể trên talawas. Cuối thập niên 80 vì ông dùng ngòi bút khui ra những chuyện thối nát trong bộ máy chính quyền tại Kiên Giang lúc đó ông NTD còn làm việc tại đây), thế là các cán bộ lãnh đạo địa phương mang nhà báo Hà Văn Thùy ra đấu tố: họ đại diện cho đảng, đả phá họ có nghĩa là “không chấp nhận sự lãnh đạo của đảng”.

Chiêu “ignoratio elenchi” ad verecundiam”.

Cái quyền lực của “đảng” và “bộ chính trị” này ghê gớm lắm thế nhưng có khi cũng được gác qua một bên để mượn một danh xưng khác, rất thiêng liêng.

 

4. Nhà nước hay đất nước?

“Chiêu” này rất phổ biến trong các bài “quan điểm” của báo Nhân DânQuân Đội Nhân Dân, loại bài “chính luận” với nội dung chống diễn biến hoà bình!

Bất cứ ai chỉ trích nhà nước hiện tại, các phát ngôn viên của chính quyền này sẽ bù lu bù loa:

“Khi các anh đặt vấn đề như vậy, các anh đã bôi nhọ chính đất nước của mình”.

Cứ tra các bài viết phỉ báng cụ Hoàng Minh Chính (đã quá cố), cô Huỳnh Thục Vi, anh Nguyễn Xuân Diện v.v., thì sẽ thấy đầy rẫy các lập luận này, nhưng các bài ấy lại cố tình quên đi một điều rằng “nhà nước” không phải là “đất nước”.

Cũng là hai chiêu ignoratio elenchi ad verecundiam.

 

__

 

Lần trước tôi bàn chuyện “rất lạ”, bữa nay tôi bàn chuyện “rất quen”, vậy hai cái “quen - lạ” này có thể hiện tính “nhị nguyên”, tính biện chứng về “hai mặt đối lập của cuộc sống” trong các giáo trình chính trị học sơ cấp của đảng và nhà nước ta hay không?

Bữa nay chỉ bàn tới đây, mai mốt quỡn bàn tiếp.

 

 

-----------------

Bài liên quan:

18.12.2012
[NẠN ĐẠO VĂN] ... Tuần trước tình cờ vào Tiền Vệ tôi đọc được bài “Về bài ‘VĂN HỌC DI DÂN VIỆT NAM...’ của TS. Trần Lê Hoa Tranh: Trong bao chữ nghĩa thấy ngay Gu-gồ” của độc giả Đào Hoa Chanh, mới khám phá ra rằng Trần Lê Hoa Tranh đã sao chép, ráp nối, đồng thời dịch sai... (...)
 
17.12.2012
[NẠN ĐẠO VĂN] ... Đọc “Phản hồi về bài viết của Đào Hoa Chanh” của Tiến sĩ Trần Lê Hoa Tranh (TsTLHT), tôi chú nhất đến kiểu lập luận không biết gọi là gì, tạm gọi là “Tinh thần Fulbright”. Thật là hú vía, may cho Đào Hoa Chanh (ĐHC)!... (...)
 
15.12.2012
[NẠN ĐẠO VĂN] ... Tôi không nhận lời cảm ơn của Tiến sĩ TLHT vì đã đọc bài của cô “rất kĩ, soi rất cặn kẽ”. Thực sự vì Tiến sĩ chép quá lồ lộ nên ai cũng thấy, không cần đến một độc giả ít biết văn chương sách vở như tôi... (...)
 
13.12.2012
[NẠN ĐẠO VĂN] ... Tôi là Trần Lê Hoa Tranh, tác giả của bài viết “Văn học di dân Việt Nam trong bối cảnh văn học di dân Đông Á tại Hoa Kỳ”, tôi có vài lời muốn thưa lại với nhà phê bình Đào Hoa Chanh (ĐHC) nhân đọc bài “Về bài Văn học di dân... của TS. Trần Lê Hoa Tranh: trong bao chữ nghĩa thấy ngay gu gồ” đăng trên Quý báo... (...)
 
07.12.2012
[NẠN ĐẠO VĂN] ... Tôi không có ý phủ nhận công sức của TS. Trần Lê Hoa Tranh khi viết bài “Văn học di dân Việt Nam...”. Thậm chí tôi ngưỡng mộ khả năng sử dụng Gu-gồ của cô. Trong hình dung của tôi, bài viết của TS. Trần Lê Hoa Tranh là một mẫu mực của việc ngồi nhà, bật máy, lên mạng, tra Gu-gồ, lấy bài rồi sao chép chăm chỉ, rất đáng để các sinh viên của cô học tập nếu thấy sao chép là niềm vui và thao tác cần nhân rộng... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021