tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Nhân chuyện nay, nhớ xưa một thi hào từng làm cách mạng  [đối thoại]

 

Mấy hôm nay, tự nhiên tôi nhớ trong sự cung kính một thiên tài xuất chúng về thi ca của lịch sử văn học Việt Nam thế kỷ XIX là thi hào Cao Bá Quát. Không biết tại sao?

Phải chăng vì mấy việc ồn ào về văn học nghệ thuật quốc nội và lẻ loi một người ở bên ngoài làm vai trò trung gian PR hay nói cách khác là đánh bóng? Ở trong nước, hết chuyện nữ nghệ sĩ Kim Chi nổi đình đám về câu tuyên bố thẳng thừng chưa ai dám nói trước đây đến chuyện hai nhà văn Y Ban và Phạm Ngọc Cảnh Nam dứt khoát từ chối bằng khen của Hội Nhà Văn mà ít người từng dám làm trước đây. Ở ngoài nước, sách mới của Nguyễn Đức Tùng lại bỗng trở thành tâm điểm của những lời nhận định và phê phán, như có lần đã diễn ra trên Tiền Vệ. Dù sao thì người viết cũng rất cần có người chú ý đến mình mà phê bình hơn là tác phẩm mà mình viết chẳng may rơi vào khoảng không như gió vào nhà trống!

Đó là một trong những lý do khiến tôi bỗng nhớ thiên tài lỗi lạc Cao Bá Quát (1809-1855) khiến vua Tự Đức phải lấy công tâm mà đánh giá rất cao, dù thơ vua từng bị nhà thơ chê thậm tệ :

Văn như Siêu Quát vô tiền Hán

Thi đáo Tùng Tuy thất thịnh Đường

Song tôi nhớ nhất là bài thơ sau của cụ và được thi hào làm từ chuyến đi năm 1843 theo phái đoàn Đào Trí Phú ra nước ngoài trở về. Bài thơ đó lấy ý tưởng từ chuyện hải hành đi Pháp qua ngả Tân Gia Ba mà sử xưa cho sự đi theo của cụ là “dương trình hiệu lực” (nghĩa là đi phục dịch lấy công chuộc tội).[1] Tội của cụ là ‘phạm trường quy’ khi dám lấy muội đèn mà chữa những bài phạm húy nhưng theo cụ đánh giá là rất hay. Điều này nói lên tinh thần phản kháng của cụ muốn chống lại những luật lệ hà khắc, cổ hủ của chế độ phong kiến. Nếu Nguyễn Công Trứ suốt đời làm kẻ sĩ phò vua, thì Cao Bá Quát có ý thức độc lập, thay vì óc nô lệ, của bậc chính nhân quân tử và nuôi ý hướng làm cách mạng muốn thay đổi xã hội thời bấy giờ, vì dưới triều Tự Đức giặc giã nổi lên như rươi, từ Nam ra Bắc, ngay cả có thứ giặc khác thường gọi là “giặc châu chấu” làm mất mùa khiến dân chúng ngoài nỗi bi thương vì nạn đao binh còn bị đói khổ lầm than cùng cực.

Tân Gia [2] từ vượt con tàu

mới hay vũ trụ một màu bao la

giật mình khi ở xó nhà

văn chương chữ nghĩa khéo là trò chơi!

Đây là một bài thơ có tư tưởng chính trị vì cụ so sánh nước mình với nước người rồi thảng thốt mà kêu lên thành tiếng kiểu như “bất bình tắc minh”. Ở thời phong kiến, đạo vua-tôi còn ghê gớm đáng sợ hơn thời này. Chỉ một lời tâu làm vua khó chịu là đủ cho cận thần bay đầu. Thế nhưng, trong cảnh đất trời bát ngát, thi hào không nghĩ gì đến việc lập công chuộc tội do đạo vua-tôi bắt buộc, mà chỉ quan tâm đến tình hình đất nước, chỉ thấy bất bình với một đất nước bị “bế quan toả cảng” như thế, với giới quan trường chỉ biết lấy chuyện “từ chương“ làm trọng, với giới sĩ phu chỉ biết ngâm thơ ca vịnh như vậy thì chẳng thể nào tiến bộ văn minh như các nước mà chính cụ chứng kiến.

So sánh với thời đó thì thời này cũng tệ hại không kém, thậm chí là thối nát từ trong hàng ngũ nhà cầm quyền với nạn mua quan bán chức và sự nhũng nhiễu công khai của đám quan lại. Nguy hiểm nhất lại là sự tham lam vô độ và hiếu chiến của Trung Quốc, nước đang thực hiện chiến lược “tằm ăn dâu” đất đai cùng lãnh hải với biển đảo nước ta ở Biển Đông. Cực kỳ nguy hiểm là kẻ thù đang lấn chiếm nước ta lại được lãnh đạo chóp bu kết làm bạn, làm đồng chí một cách phi lý mà cổ kim chưa ai từng được nghe nói đến bao giờ cả.

Về chuyện đối thoại quanh tác phẩm của Nguyễn Đức Tùng thì ông có quyền viết những gì mà ông muốn và ai cũng có quyền phê phán. Thế nhưng, ông cũng nên chọn những người đi hẳn với người dân gọi là “phe nước mắt” (chữ của Dương Tường), chứ không nên cất công đi đánh bóng cho những người “đặt cục gạch ở 2 cửa” (như Vương Trí Nhàn nói) mà trong 2 cửa ấy của họ thì một cửa chỉ he hé mở và cửa còn lại thì ê hề những tụng ca, khiến lệch cả cán cân công lý và nhất là làm buồn lòng những nhà thơ vừa yêu nước vừa tài hoa nhưng không muốn bất cứ thế lực nào “khua chiêng đánh trống” inh ỏi theo kiểu “Sơn Đông mãi võ” như hiện nay ở trong nước.

Cuối cùng, tôi cũng không thể nói gì hơn được vì bốn câu thơ của thi hào Cao Bá Quát bỗng dưng hợp thời quá, nên tôi kính xin phép cụ tha tội để được đảo ngược mấy chữ cuối mà thành sáu câu như sau, dành để gửi đến ông Nguyễn Đức Tùng và cho một ai đó tương tự :

Tân Gia từ vượt con tàu

mới hay vũ trụ một màu bao la

giật mình khi ở xó nhà

văn chương chữ nghĩa khéo là trò chơi

giật mình khi ở xứ người

văn chương chữ nghĩa trò chơi khéo là!

 

Phan Đức
(January-2013)

 

_________________________

[1]http://vi.wikipedia.org/wiki/Cao_Bá_Quát

[2]Tân Gia (Ba) là Singapore.

 

 

-------------------

Bài liên quan:

20.01.2013
[CHUYỆN THƠ] ... Có phải trang Phê Bình Văn Học chủ trương phổ biến bản đã bị cắt xén, sửa đổi, thay vì phổ biến bản gốc hoàn chỉnh? Như vậy thì sự phổ biến ấy có mục đích gì khi cố ý cung cấp một “nguồn tham khảo” sai lệch so với văn bản gốc?... (...)
 
19.01.2013
[CHUYỆN THƠ] ... Trang Phê Bình Văn Học (phebinhvanhoc.com.vn) vừa giới thiệu cho tôi mục Thông báo- Tin vắn, trong đó có ghi chú sau đây. Vậy xin gởi đăng lại trên Đối Thoại để rộng đường dư luận... (...)
 
18.01.2013
[CHUYỆN THƠ] ... Nếu mà dừng ở đó thôi thì ông Trần Nhuận Minh cũng “chân thành phản tỉnh” lăm lắm, nỏ mất công Lâm tui truy cứu lí lịch. Nhưng ông chơi trò khôn lỏi, chơi tiếp màn hài kịch như vầy... (...)
 
15.01.2013
[CHUYỆN THƠ] ... Vừa qua tác phẩm “Đối thoại văn chương” được đăng trên DA MÀU, nhiều ý kiến khác nhau, tôi may mắn đã được đọc “Đối thoại văn chương” và cả “Thơ đến từ đâu”, xin nêu một vài ý nhỏ... (...)
 
14.01.2013
[CHUYỆN THƠ] ... Trần Nhuận Minh là nhà thơ “quan trọng” như thế nào và có tầm nhận thức văn chương cao đến cỡ nào mà ông Nguyễn Đức Tùng đã phải dày công bỏ ra cả năm trời để phỏng vấn và viết thành cuốn sách Đối Thoại Văn Chương?... (...)
 
09.01.2013
[CHUYỆN THƠ] ... Hôm qua, đọc cái bài “Đối thoại văn chương - Nguyễn Đức Tùng và Trần Nhuận Minh” đăng trên Damau.org, 7-1-2013, mà 3 lần phát hoảng. Hoảng vì mới đầu tuần, Lâm tui đụng phải cùng lúc 3 cái vĩ đại... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021