|
Buổi văn nghệ ra mắt các tác phẩm thơ và nhạc mới...
[đối thoại]
|
![]() |
Buổi văn nghệ ra mắt tập thơ Dấu Chân Của Gió của nhà thơ Lê Nguyên Tịnh, và CD nhạc Rừng Mơ, và Chim của nhạc sĩ Phạm Quang Ngọc phổ từ những bài thơ của Lê Nguyên Tịnh, đã diễn ra vào ngày thứ Bảy 19-01-2013, tại Oriana Reception, Melbourne. Cảm nhận đầu tiên về buổi văn nghệ là cách tổ chức chu đáo, nghệ thuật, thân tình, quý trọng khách tham dự. Vừa bước vào cửa đã thấy hai em học sinh gởi tận tay quan khách tờ chương trình. Có khoảng 200 khách tham dự, trong đó thấy nhà thơ Huy Tưởng và gia đình. Thấy nhiều khuôn mặt trong cộng đồng người Việt tại Melbourne của những ngày thật xa xưa, của những năm 80 và 90. Họ đã vắng mặt hẳn trong cộng đồng từ sau những buổi sinh hoạt văn nghệ vận động cho người tị nạn, những buổi văn nghệ thính phòng ngày ấy. Họ là những người trầm lặng, chuộng giá trị của chiều sâu bên trong tâm hồn, hơn những điều hời hợt bên ngoài. Tôi biết họ có mặt hôm nay với một sự mong đợi... Chương trình bắt đầu lúc 1 giờ 30, trễ hơn nửa tiếng như đã ghi trong thiệp mời. Lúc ấy trong reception chỉ có vài chục người. Nhà thơ Lê Nguyên Tịnh nói: “Tôi không thể để trễ hơn. Tôi tôn trọng quan khách và chú trọng nhiều đến phẩm chất chương trình.” Chương trình gồm có 14 mục trình diễn, 10 bài nhạc và 4 bài thơ. Có vị quan khách vừa đọc tờ chương trình đã nói: “Chương trình vừa phải đấy. Giá trị nằm ở phẩm chất chứ không phải số lượng. Để coi xem sao. Hình thức thấy được lắm”. Mở đầu chương trình giọng nam Đoàn Sơn hát bài Thơ tình. Giọng Sơn khoẻ và đẹp, không hề kém một giọng ca chuyên nghiệp nào. “Anh như con sâu ăn hết lộc non trên thế gian này, dù những chất độc mùa xuân có thể giết chết anh... như một tín đồ anh tôn thờ tình yêu như một vị thần.” Đây là bài thơ tự do, Phạm Quang Ngọc đã phổ với âm điệu trẻ trung, lãng mạn. Ban nhạc chơi hay, Tiến chơi dương cầm, Hữu Bình chơi organ, và cô bé Hồng Ân chơi vĩ cầm. Một người bạn khều tay: “Mở đầu chương trình khá lắm.”
![]() Lê Nguyên Tịnh và Nguyễn Hưng Quốc
Sau tiếng vỗ tay dòn của qua khách, nhà Phê bình Văn học Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc được MC Mỹ Lý mời lên sân khấu giới thiệu tập thơ Dấu Chân Của Gió. MC Mỹ Lý nói: “Thơ Lê Nguyên Tịnh phải để cho Nguyễn Hưng Quốc giới thiệu.” Trong 15 phút, Nguyễn Hưng Quốc đã thu phục cảm tình và sự nể phục của thính giả, anh không cầm giấy, và nói như trò chuyện, nhưng nói với sự sâu sắc, nghiêm chỉnh của một nhà phê bình văn học. Theo Nguyễn Hưng Quốc, Lê Nguyên Tịnh yêu thơ không phải là chuyện lạ, vì hầu như người Việt Nam nào cũng yêu thơ, có người đã từng khẳng định trước đây: “Việt Nam là một nước thơ.” Cũng theo Nguyễn Hưng Quốc, tập thơ Dấu Chân Của Gió là tập thơ riêng thứ hai của Lê Nguyên Tịnh, do Hoàng Ngọc-Tuấn viết bài giới thiệu. Anh hoàn tất Dấu Chân Của Gió trong hai năm. Toàn tập 99 bài đều thơ tự do, so với tập thơ thứ nhất Quế Hương chỉ có 5 bài thơ tự do. Nguyễn Hưng Quốc cho biết: “Lê Nguyên Tịnh yêu thơ là điều bình thường nhưng nỗ lực cách tân thơ của anh mới là đều đáng nói. Hiện nay Lê Nguyên Tịnh là một trong hai nhà thơ viết khoẻ nhất trên trang văn học Tiền Vệ.” Ông trích dẫn một số câu thơ trong tập Dấu Chân Của Gió, theo nhận xét của một nhà phê bình văn học, rất mới trong ngôn ngữ thơ của Lê Nguyên Tịnh. Kết luận phần phát biểu Nguyễn Hưng Quốc mời độc giả của Lê Nguyên Tịnh: “Tôi mượn lời của Hoàng Ngọc-Tuấn mời quý vị hãy đọc thật chậm rãi Dấu Chân Của Gió. Lê Nguyên Tịnh làm thơ với trí tuệ.” Dương Hòa tiếp tục chương trình với bài Mẹ. Giọng cô hát làm mọi người xúc động. “Mẹ là bầu trời xanh bất tử mùa xuân, cưu mang con cánh chim lãng tử theo đuổi những giấc mơ tâm hồn. Trái tim con trở nên phong phú như bài thơ ca tụng tình yêu ca ngợi tổ quốc... mẹ cho con niềm tin để chiến thắng bóng tối và tử thần.” Tiếp tục chương trình MC Mỹ Lý trò chuyện với nhà thơ Lê Nguyên Tịnh. Anh tâm tình: “Thơ là một phần của đời sống tôi. Tôi là một người mơ mộng, sống như thơ và luôn luôn ấp ủ ý muốn đổi mới thơ của mình.” Sau phần phát biểu, Lê Nguyên Tịnh đọc bài thơ Ngày 1 tháng chín. Một giọng nam khác cũng chinh phục cảm tình của thính giả đó là Đức Linh. Đức Linh còn rất trẻ trong lứa tuổi hai mươi. Nghe Đức Linh hát bài Phục sinh, đó là bài thơ ý rất mới và sâu của Lê Nguyên Tịnh, có những câu như “Trang sách này sẽ đi đến giới hạn như thế giới hư vô, nhưng linh hồn những chữ sẽ tái sinh như tình yêu anh dành cho em, nó là khuôn mặt mới của quê hương chúng ta...” Chị Ca Dao ngâm bài thơ Xé rách bóng đêm cho mặt trời mọc làm nhiều người xúc động, nhất là trong giai đoạn người Việt ưu tư trước âm mưu xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam của Trung Quốc. “Khi có kẻ âm mưu chiếm biển lấn núi, tình yêu nước của chúng con lớn lên như Phù Đổng.” Thanh Xuân tiếp tục chương trình với bài Nơi gặp gỡ, và bài cuối của phần I là bài Thi khúc tháng bảy, do Hoàng Trang (một bác sĩ y khoa và rất tài hoa) làm mê hoặc thính giả với tiếng đàn ghi-ta lả lướt và tài thổi kèn harmonica của cô. Sau phần giải lao 30 phút, chương trình tiếp tục phần II với giọng hát Dương Hòa với bài Nguyệt quế. Hoàng Trang với bài Tình ơi, thương nhớ. Ca Dao ngâm bài thơ Mộc lan. Đức Linh trở lại với Sầu tháng Giêng. Thanh Xuân với Bướm khuya, với lời thơ tự do của Lê Nguyên Tịnh thật mới. “Tôi treo tháng Giêng hàng rào trí nhớ câm, như bức tranh trừu tượng nhờ bóng đêm giải thích bằng ngữ điệu siêu thực... Con bướm khuya vừa đánh thức mùi hoàng lan từ thời Trang Tử.” Có người khen Phạm Quang Ngọc: “Thơ tự do của Lê Nguyên Tịnh khó như thế này, mà ông nhạc sĩ phổ nên giai điệu lãng mạn, thơ mộng. Tài thật.”
![]() Lê Nguyên Tịnh, Phạm Quang Ngọc và các nghệ sĩ
Đoàn Sơn lại thu phục cảm tình của quan khách qua bài Diễn ngôn cho tự do. Lê Nguyên Tịnh cho biết anh viết bài thơ này theo lời mời của PEN club Melbourne, trong chiến dịch vận động cho tự do ngôn luận. Anh đã nhờ Đoàn Sơn trình bày bài nhạc do Phạm Quang Ngọc phổ trong một buổi đọc thơ do PEN club tổ chức. Đoàn Sơn đã làm ngạc nhiên và gây thích thú cho quan khách người Úc tham dự buổi đọc thơ hôm ấy. Theo ý kiến của một giáo viên dạy nhạc tại các trường trung học Úc: “Phạm Quang Ngọc phổ bài thơ Diễn ngôn cho tự do thật tài hoa. Những biến tấu phong phú và tài tình.” Tác giả Lê Nguyên Tịnh kết thúc chương trình bằng vài lời cám ơn các nghệ sĩ và quan khách tham dự và đọc bài thơ Mùa xuân Melbourne để tặng quan khách tham dự. Anh nói: “Quý vị là những tri âm của tôi, đem lại cho tôi niềm hạnh phúc và nhiều cảm hứng thi vị.” Nhiều quan khách khen ngợi buổi ra mắt: “Đây là buổi văn nghệ thơ-nhạc ra mắt sách phong phú và nghệ thuật nhất từ trước đến nay tại Melbourne.”
Hoàng Quyên
Melbourne, tháng Giêng 2013
|