tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Đụng hàng!  [đối thoại]

 

“Mà lời trong các ca khúc thì theo tôi, thường... dở.”

Đọc tới câu đó của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc viết trong bài có tựa là “Ca khúc và thơ” trên VOA tiếng Việt, tôi bèn cảm thấy giống như là “té ngửa”, cảm thấy mình có phần hơi bị sốc hàng, muốn “chém vè” ngay tức khắc, nghĩ thầm trong bụng thôi thế thì bỏ hút rồi, không biết có phải hoàn toàn là do điều kiện và trình độ cảm thụ văn chương thi phú... của mình vốn dĩ rất tiêu điều, trớt quớt và hạn chế này nọ..., hay là còn do gì khác nữa hay không mà trước giờ tôi cứ ngỡ là nó (lời trong ca khúc) phải là cái gì nếu không là trác tuyệt thì cũng có thể là cái gì ghê gớm lắm chứ, nhất là lời trong những nhạc phẩm nổi tiếng nhất của các “tay tổ” đại loại như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn..., thì giờ đây ai dè lại thường thì là nó... tệ. Coi như đối với tôi, đây là một điều bất ngờ có thể nói là khá lớn lao và vô cùng thú vị. Bất ngờ vì nội dung thì đã hẳn rồi, vì trước giờ tôi cứ tưởng nó không như thế, như đã thưa; nhưng một mặt khác, và cũng càng bất ngờ hơn cả thì phải nói là cái cung cách phát ngôn như rứa của Nguyễn Hưng Quốc, thấy nó “đã” gì đâu!

Khá lớn lao và vô cùng thú vị là vì theo tôi, nếu xem sự nhận định trên của Nguyễn Hưng Quốc là một câu phản đề chống lại, đối nghịch lại với những gì thường đã hay được xưng tụng, và xưng tụng tá lả từ trước tới giờ về nó, nhất là về những lời trong những đứa con tinh thần của các nhà viết ca khúc tầm cỡ đại loại như hai “đại vương” nói trên thì câu phản đề này tuy tôi chưa rõ là sẽ có thể gây ra những sự “bùng nổ” ít nhiều gì đó, hoặc tới đâu, hay nói cách khác là sẽ gây tranh cãi như thế nào, ra làm sao..., nhưng quả là mạnh bạo, khai phá, ấn tượng... quá mức.

Và đặc biệt, thú vị nhất phải nói là cái cung cách phát biểu quá sức thẳng thừng. Thẳng đến “táo tợn” chưa từng thấy (rồi nói giả dụ là, bằng cách nào đó, làm sao cho sự “táo tợn” này, kiểu như là “nâng cấp” nó lên, thí dụ vậy, sao cho nó “biểu đạt” hơn nữa, hơn nữa như thế nào và làm sao để được như thế thì hiện tôi chưa hoặc sẽ không tài nào hình dung ra nổi thì lại càng là nhứt xứ hơn, càng quá sức tưởng thượng hơn biết là chừng nào...) Từ đó nó đâm ra vô cùng ngoạn mục. Thấy “đã” gì đâu là vì thế. Nó y như một cú đấm direct, chứ không cần phải gì gì khác, tỷ như không cần phải “đái giò lá”, có nghĩa là không cần phải cất công xoay người hay giả bộ xoay người rồi mới tung chân lên đá chi cho nó khách sáo, đỡ phải lôi thôi rắc rối cuộc đời chi cho rách việc, không cần thiết.

Ngoài ra, một cú đấm direct chỉ cần tiêu biểu ngần ấy như thế thôi là cũng đủ mang tính quyết định chán, có phải thế không ạ? Còn có chung cuộc, có knock out được “phe ta” hay không hay là như thế nào thì còn cần phải chờ xem phản ứng của “phe mình” ra sao. Ly kỳ, hào hứng, sôi nổi và hấp dẫn lạ thường!

Rồi hôm 3 tháng Hai, 2013, bài “Ca khúc và thơ” được bê về sân nhà... Nó được “phụ đề Việt ngữ” bởi hai bài tương cận liệt kê ở phần cuối [“Nhìn lại nền âm nhạc Việt Nam trong thế kỷ 20” (Minh Nguyệt phỏng vấn), và “Vấn đề nâng cấp và cách tân ca từ”]. Cũng cùng một chủ đề hay na ná, nhưng được khai triển một cách sâu rộng và cực kỳ uyên thâm, được viết ra bởi Hoàng Ngọc-Tuấn từ 10 năm nay mà vẫn còn nguyên giá trị, hai bài này được đưa ra, được yết lại như thế thì thiệt là đúng lúc.

Trước giờ đọc hai bài này của Hoàng Ngọc-Tuấn, nhất là bài phỏng vấn do Minh Nguyệt thực hiện, tôi mới thấy ngày càng thấm thía thế nào là ý nghĩa sâu sắc của cụm từ “định bệnh như thần” thường hay nghe được khi nói về một người thày thuốc giỏi. Tiếng Việt cô đọng mà súc tích. Như trường hợp này đây, ngắn gọn và chính xác... như thần, khi so sánh như thế, cụm từ này đã nói lên được sự hay ho và tài giỏi cỡ nào của người thày thuốc trong việc chẩn bệnh.

Thực vậy, y như một Hoa Đà, Hoàng Ngọc-Tuấn đã định bệnh một cách chính xác như không thể nào chính xác hơn cái chứng bệnh trầm kha của âm nhạc Việt Nam là như thế nào và là do đâu... Anh đã nhìn ra được vấn đề, nhìn ra được thực trạng và bao quát mà chi tiết từ A tới Z một cách xuyên suốt và thấu đáo như không thể nào xuyên suốt và thấu đáo hơn; có mấy ai có được cái nhìn như thế. Đồng thời một cách vừa học thuật và vừa đời thường, anh đã lý giải và chứng minh được một cách sáng rỡ, hùng hồn và sắc sảo như không thể nào sáng rỡ, hùng hồn và sắc sảo hơn... về những yếu kém và khuyết tật trước giờ trong việc nghe nhạc cũng như trong việc viết nhạc trong sinh hoạt âm nhạc Việt Nam. Qua đó, trong cái bối cảnh sinh hoạt tân nhạc Việt Nam và lịch sử của nó từ lúc phôi thai cho đến giờ, biết bao nhiêu vấn đề và những hệ lụy của nó được đề cập tới, mà thú vị nhất đối với tôi có lẽ là những lý giải về sự kiện người ta tìm tới âm nhạc bằng cái cõi lòng, bằng cái tình tự của mình một cách quá thể đến độ để xẩy ra tình trạng mụ mị, lệch lạc đáng tiếc... như đã từng. Đó là nói về phía người nghe, còn thú vị nhất khi nói về phía giới sáng tác thì là cái triết lý viết nhạc rất là thô thiển đến buồn cười của tầng lớp này. Đó là trước giờ, ngày này qua tháng nọ, họ viết nhạc toàn một hàng ngang, kiểu như một hàng ngang chạy dài từ mũi Cà Mau cho đến ải Nam Quan, chẳng thấy hàng dọc đâu cả, ai chịu thì chịu, ai không chịu thì... thôi, hu ke? Hàng ngang là đường giai điệu. Hàng dọc là đường hòa âm. Cái practice “Một hàng ngang, bước!” như thế chứng tỏ họ không màng gì đến hòa âm ráo trọi. Mà đã không màng tức là không thực hành. Mà đã không thực hành thì làm sao mà tinh thông, kiểu như văn phải ôn, võ phải luyện. Không tinh thông về hòa âm thì làm sao mà biết đường, biết cách để mà đẩy đưa giai điệu để sao cho nó thật bốc lên đến độ trác tuyệt. Nội chỉ như thế thôi cũng đủ cho thấy sự thô thiển tới cỡ nào... Rồi còn biết bao là điều thú vị khác nữa...

Nếu cho hai bài của Hoàng Ngọc-Tuấn “phụ đề Việt ngữ” cho bài “Ca khúc và thơ” của Nguyễn Hưng Quốc, thì một cách hỗ tương, nói theo Andy Warhol, nghệ thuật là cái gì tinh hoa, chứ không phải dân túy, nó bỏ lại sau lưng, nó cho ra rìa một số lượng lớn người thưởng ngoạn, thì nhỡ mà hai bài tương cận của Hoàng Ngọc-Tuấn như thế có tỏ ra học thuật quá cỡ để trở thành tinh hoa và như thế là xa rời quần chúng thì bài “Ca khúc và thơ” của Nguyễn Hưng Quốc đã làm được cái công việc là hóa giải, hoặc ít ra là giảm thiểu sự cách biệt đó, làm cho mọi sự trở nên gần gụi và “trong tầm với” hơn cho quần chúng trong việc tiếp cận hai bài này.

“Nghề chơi cũng lắm công phu” và rõ là nhọc nhằn ra phết. Những nhận định và tham luận “nho nhỏ” kiểu như ba bài kể trên của “đôi song ca” Quốc-Tuấn giúp ích biết bao cho những người quan tâm. Rồi ra nó làm vơi đi biết bao nhiêu nhọc nhằn cho những người đi sau trong công việc khảo sát và tìm tòi. Chưa kể là nó góp phần quan yếu trong việc làm im tiếng những “tiên tri giả” trong nghệ thuật và sinh hoạt âm nhạc Việt Nam... Chắc chắn là như thế.

 

 

------------------

Bài liên quan:

03.02.2013
[CA NHẠC] ... Trong bài “Cái chết của một nghệ sĩ”, tôi có viết là tôi không thích nghe nhạc, nhất là ca khúc. Tại sao?... Lý do chính, tôi nghĩ, nằm ở chỗ này: Nghe ca khúc, vì dốt về nhạc học, tôi không chú ý nhiều đến khía cạnh âm nhạc, tôi chỉ tập trung nghe lời. Mà lời trong các ca khúc thì theo tôi, thường... dở... (...)

 

----------------------------

Những bài tương cận:

21.4.2003
... Nền âm nhạc Việt Nam trong thế kỷ 20 là một nền âm nhạc không cân đối. Nó rất mạnh về hoạt động ca khúc phổ thông, mà rất yếu về hoạt động khí nhạc và ca khúc nghệ thuật...
 
09.04.2003
Trong mấy năm gần đây, thỉnh thoảng tôi vẫn nghe từ cả giới sáng tác ca khúc lẫn thính giả những lời phàn nàn về chất lượng của ca từ đương thời. Họ phàn nàn rằng trong khi ca khúc càng lúc càng tăng nhanh về số lượng, ca từ lại càng lúc càng giảm sút về chất lượng. (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021