tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Nghịch lý của hiển nhiên và hiển nhiên của nghịch lý — chuyện buồn [cười] trên quê hương...  [đối thoại]

 

Cứ sau mỗi trận bão, người dân quê rơi vào khó khăn, nhà cửa, tài sản hư hại, người chết..., thì chính quyền địa phương từ cấp xã đến cấp tỉnh tưng bừng như mở hội, cờ đỏ sao vàng bay phất phới...

Và mỗi khi nhận được tin báo bão lụt, nhân dân cấp tập chằng chống nhà cửa, mua sắm dầu thắp, thực phẩm dự trữ cho những ngày khó khăn sắp tới mặc dù vật giá leo thang, cao gấp nhiều lần bình thường. Nhưng rồi, bão chuyển hướng, lụt không đáng kể, nhân dân vui mừng cảm ơn trời đất thì các cơ quan chính quyền địa phương từ cấp xã đến cấp tỉnh lại thấy buồn tiếc, thấy giận ông trời... Vì sao?

 

 

Những trường hợp vừa nêu nghe có vẻ nghịch lý và không có thật nhưng nó lại đang xảy ra tại Việt Nam một cách bạo phát, ngoài sức tưởng tượng. Từ Bắc chí Nam, không nơi nào tránh được hiện tượng này. Có nhà nước, có công dân là có nó. Vậy nguyên nhân do đâu?

Có lẽ cũng nên đi từ những chi tiết nhỏ có liên quan trực tiếp đến nó và sau đó bàn thêm về những trường hợp mang tầm “vĩ mô”, những câu chuyện có mối liên hệ đến vận mệnh quốc gia trong bối cảnh Việt Nam hiện tại.

Đầu tiên, tôi sẽ kể về câu chuyện xảy ra trong mùa lũ năm 2007 tại quê tôi, một câu chuyện nghe ra cũng có lắm điều để suy nghĩ, để bùi ngùi cho thân phận người dân Việt bốn ngàn năm văn minh lúa nước này. Khi trận lụt đi qua, nhìn chung mọi người rơi vào khó khăn vì con nước quá lớn làm cuốn đi những vật dụng cần thiết trong gia đình; lúa ướt, heo gà, trâu bò chết trôi ngổn ngang, nhiều em bé do sơ sẩy, rơi xuống nước và bị cuốn trôi ra tận cửa biển, năm bảy ngày sau mới tìm thấy xác... Nhưng trong cơn lũ, chẳng thấy ghe thuyền cứu hộ, cứu trợ nào ghé đến tiếp ứng cho người dân vùng thấp trũng, thỉnh thoảng chỉ thấy vài chiếc ca nô gọi là cứu hộ của quân đội chạy xé nước làm thành những đợt sóng khổng lồ đập vào nhà dân. Nhiều nhà bị trôi mất lồng gà, trâu bò sợ quá nhảy xuống nước chết, nhà không vững thì bị sập cũng vì những chiếc ca nô cứu hộ này.

Xong trận lũ, cán bộ thôn, cán bộ xã cầm sổ đến từng nhà bà con ghi ghi chép chép về số tài sản họ bị hư hại và số lúa bị ướt. Tất cả những cán bộ ghi chép này đều có chung một thái độ và hành vi là tỏ ra cảm thông với bà con và khuyên họ nên nâng cao con số thiệt hại lên gấp đôi hoặc gấp ba lần vốn có và hứa sẽ giúp bà con phục hồi khó khăn...

Nhưng trong thực tế, chẳng có nhà nào nhận được thứ gì cho nên hình, ngoài vài kí gạo và mấy gói mì tôm. Vì sao?

Vì thực ra chẳng có món quà nào cho ra hồn mà nhà nước cung cấp cho nhân dân sau thiên tai. Phần lớn là làm cho qua chuyện, làm qua loa tượng trưng nhằm tránh dư luận, tránh cho nhân dân thấy rằng mình vô trách nhiệm. Và trông chờ vào những khoản cứu tợ từ các nhà hảo tâm...

Vậy việc ghi chép, quan tâm đến từng bao lúa, bao gạo bị ướt, quan tâm đến con heo, con gà, con trâu, con bò bị chết nhằm mục đích gì?

Mục đích chính của việc này là tìm cho ra con số càng lớn càng tốt những thiệt hại nhằm đưa lên cấp trên để xin cứu trợ, để viện dẫn lý do bởi thiên tai mà giảm được số tiền phải đóng vào ngân sách quốc gia do thu thuế có được. Và đương nhiên là số tiền được miễn đóng vào ngân sách vẫn được thu một cách đầy đủ trong nhân dân rồi sau đó sẽ đi vào túi riêng của cán bộ địa phương. Bởi vậy mà cứ sau mỗi lần thiên tai thì mặt các cán bộ nơi bị thiệt hại lại dày ra, núc ních, láng bóng, nhà cửa họ được sửa sang khang trang hơn, xe cộ sắm thêm cái mới... Nhân dân thì méo miệng kêu trời không thấu.

Chuyện này xảy ra không riêng ở một địa phương nào đó mà hầu hết các tỉnh trong nước, hễ nơi nào gặp thiên tai là nạn xâu xé, mổ rỉa hậu quả liền xảy ra sau đó. Không có nơi nào tránh khỏi!

Tôi thử làm một phép toán, cứ trung bình mỗi nhà ướt năm bao lúa (đây là con số chia trung bình chứ thực tế có nhà “khai” đến 30 bao, 50 bao), một con lợn, mười con gà, và mười nhà thì có một nhà chết bò. Vị chi mỗi nhà mất khoản 2 triệu đồng. Trong một xã có hai ngàn hộ dân, con số thiệt hại lên đến 4 tỷ đồng, một huyện có trung bình 15 xã, tổng thiệt hại lên đến 60 tỷ, một tỉnh có khoản 10 đến 15 huyện, con số lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Và khi báo cáo số thiệt hại về trung ương, đương nhiên tỉnh đó sẽ được ưu tiên nhiều mặt như chế độ cứu trợ, chế độ giảm mức thu ngân sách nhà nước... Và trong chừng mực nào đó, trung ương sẽ rót tiền hỗ trợ bù lấp thiệt hại.

Nếu như trung ương rót về để cứu trợ từ 30% đến 50% thiệt hại thì mỗi hộ nhận được từ 650 ngàn đồng (trường hợp rót 30%) đến 1 triệu đồng (trường hợp rót 50%). Nhưng thực tế thì như đã nói, vài gói mì tôm, vài kí gạo cùng với chiến dịch cứu trợ rùm beng trống đánh loa gọi kèn thổi mà chẳng thấm đâu vào đâu! Đó là chưa kể đến chuyện cán bộ địa phương cấp tép riu xén bớt ngay vào phần quà ít ỏi của người dân!

Vậy con số mấy ngàn tỷ đi về đâu? Tất nhiên đây là con số mờ ám, nó sẽ không đi về phía nhân dân mà nó đi vào tư túi của các quan chức địa phương một phần, phần còn lại nó chảy ngược về tư túi của các quan chức trung ương. Khoản này gọi là “bôi trơn cứu trợ” để lần sau nếu có thiên tai xảy ra nữa thì trung ương sẽ ưu tiên cho những tỉnh “biết điều”, tỉnh “lễ phép”. Và người dân khổ vẫn hoàn khổ, muôn đời mang phận dân ngu khu đen!

Trở lại với câu hỏi vì sao có hiện tượng kì quặc này, có lẽ câu trả lời không đơn giản chút nào nhưng không phải là không có câu trả lời. Đầu tiên phải xét trên phương diện xuất thân và động cơ làm cách mạng của “ai đó” trước năm 1975. Qua những gì lịch sử đã ghi nhận và chính bản thân tôi nhận biết, phần lớn những con người được mệnh danh là “những nhà cách mạng” đều có xuất thân từ tầng lớp không mấy no lưng ấm cật trong xã hội thời bấy giờ. (Vẫn có những người xuất thân từ giai cấp địa chủ, tư bản, trí thức..., nhưng đó là con số đếm được trên đầu ngón tay; và sau một quá trình hoạt động, có một số người nhận ra đây không phải là đất dụng võ của họ nên rút lui khỏi đội ngũ. Trường hợp nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, Hữu Loan là những ví dụ điển hình.). Họ đi làm cách mạng vì không còn con đường nào khác, vì cái đói, vì thù hận, vì phong trào, vì những hứa hẹn sau khi toàn thắng sẽ “đổi đời”... Và hệ quả là sau năm 1975, bản chất ô hợp, hôi của ở họ lộ rõ. Nào là chẻ ghế salon nấu mì tôm, đập phá tìm bia rượu trong sân bay Tân Sơn Nhất, hôi của, tịch thu tất cả tài sản từ những ngôi nhà các tướng tá chế độ Việt Nam Cộng Hoà bỏ trốn ra nước ngoài. Và trên hết, đạt tầm vĩ mô là phải nói đến chính sách lấy nhà (đúng hơn là cướp nhà) của các tướng tá chế độ Việt nam Cộng Hoà đem chia cho cán bộ...

Đó là chưa nói đến những chuyến về thăm quê miền Bắc của các đồng chí bộ đội cụ Hồ vai lủng lẳng chiến lợi phẩm miền Nam như giày dép, áo quần, vỏ xăm xe đạp, sang hơn một tí là vác nguyên chiếc xe đạp về làm quà cho người thân... (xin đọc thêm Hồi kí Nguyễn Đăng Mạnh).

Có thể nói là những bản chất tệ hại nhất, gần như chẳng có tí văn hoa hay nhân tính nào được phơi bày tất tần tật sau cái mốc được gọi là Đại thắng 1975.

Và sau năm 1975, họ, những người vốn quen rúc rừng, quen lăn lê bò toài dưới các chiến hào, quen vác gạo, tải đạn... được cất nhắc lên làm cán bộ quản lý. Nói là cán bộ nhưng thật ra họ chẳng có tí kiến thức nào để quản lý những người dân vốn từng sống dưới một chế độ tương đối văn minh, văn hoá và tiến bộ. Họ lên làm không phải để phục vụ nhân dân như cái biểu ngữ họ treo mà lên để lấy lại những gì mình thiếu hụt, thèm khát, đói kém trong quá trình chiến tranh. Điều này cũng dễ hiểu vì một phần do xuất thân, phần nữa do động cơ chiến đấu và tôn chỉ hoạt động của họ. Đó là thứ tôn chỉ lấy vật chất làm nền tảng,vật chất quyết định ý thức, họ chỉ cần biết như vậy thôi, họ đâu có học nhiều mà hiểu cho nhiều, thêm mệt óc, thêm mất sức chiến đấu! Và thâu tóm, vơ vét tài sản nhân dân tập trung làm sức mạnh là điều hiển nhiển phải làm của họ!

Cho đến bây giờ (2008) phần lớn lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy Nhà nước vẫn không là ai khác ngoài những người đã nói trên. Hoạ hoằn lắm mới có vài cán bộ trẻ, nhưng khổ nỗi, cũng được đào tạo từ những cái lò, cái nôi do những người trên dựng ra, xây nên. Cuối cùng, họ cũng chung một giuộc với những người đi trước. Quản lý Hành Chính – lấy Hành [hạ] làm Chính sách chung. Người chịu thiệt thòi vẫn là nhân dân phải khom lưng mà đóng thuế, mua công trái, đưa con vào quân đội...

Cái vệt thực dụng, hôi của ấy kéo dài từ thế hệ cha cho đến thế hệ con. Bằng chứng là những ngôi nhà của các tướng tá chế độ Việt Nam Cộng Hoà vẫn còn bị chiếm dụng, chưa có nhà nào được trả về cho người chủ chính đáng, hợp pháp của nó. Và thói quen hôi của thời hậu chiến tranh dần dần đã đi vào máu thịt, đi vào bản chất của người cán bộ, họ xem đó là chuyện đương nhiên, chuyện thường ngày, không có gì phải bàn. Tuy rằng miệng vẫn bô bô tuyên truyền chống tham nhũng, chống cửa quyền, hách dịch, nhưng bản thân họ lại là người bị mắc thói đó ngay từ trong máu.

Chính thứ bản chất nguy hiểm này đã khiến người cán bộ trở nên tệ hại một cách vô thức. Thật ra, khi đủ cơm no áo ấm họ cũng có nghĩ đến đồng loại đấy chứ; họ cũng hô hào, kêu gọi tình thương cộng đồng đối với nhưng người khó khăn, những người neo đơn; họ cũng rơi đầy nước mắt trên ti vi trong những chương trình nhân đạo, lá lành đùm lá rách; họ cũng muốn sống tốt đấy chứ! Nhưng khổ nỗi tính tham lam đã nhiễm vào máu huyết họ rồi, khó mà rửa cho sạch được. Những người già thì bảo ta đi chiến đấu khổ rồi, cống hiến nhiều rồi, bây giờ ta phải hưởng thụ. Những người trẻ chưa từng cầm súng thì bảo cha ta, anh ta đã cống hiến nhiều rồi, thế hệ trước cống hiến, thế hệ này phải hưởng thụ!

Cái thứ tâm lý hưởng thụ trong máu huyết, len lỏi vào công việc, len lỏi vào cơ quan, len lỏi vào các dự án dân sinh và len lỏi vào cả những gói quà cứu trợ, những phần tiền cứu trợ thấm đầy máu và nước mắt của nhân dân. Những bữa tiệc, những ngôi nhà mới khang trang, những cú áp phe và gái đẹp, những chiếc xe đời mới luôn là nguồn hấp dẫn, là niềm khao khát không nguôi làm cho những gì có thể chia chác được, nhũng gì có thể tư túi, những gì có thể làm giàu cho bản thân đều không lọt qua được tầm mắt của họ. Không ngoại trừ xương máu nhân dân! (Xin hãy suy rộng đến những phần lãnh thổ và lãnh hải rơi vào tay nhà nước Trung Quốc và tự đặt dấu hỏi?!).

Trở lại với câu chuyện cứu trợ cuối năm 2007, một cán bộ thôn (Trưởng thôn) đến nhà tôi, nhìn thấy một bao lúa ướt tôi đặt trên phản gỗ (thật ra bao lúa này lẽ ra không ướt nhưng vì nó là lúa gié dành để máy cám cho heo nên tôi cũng không quan tâm lắm khi di dời vật dụng tránh lụt), sau mấy câu chia sẻ qua loa thủ tục lấy lệ lấy lòng, ông Trưởng thôn ghi ngay vào sổ nhà tôi bị ướt 5 bao lúa. Tôi lấy làm lạ, hỏi tại sao lại ghi như vậy? Ông ta trả lời rằng đó là quyền lợi của gia đình tôi. Tôi hỏi quyền lợi gì, cụ thể như thế nào? Vì sao những trận lụt trước cũng ghi chép nhưng không thấy gì? Và nếu như 1 bao ghi thành 5 bao, vậy những nhà 20 bao ghi thành trăm bao, con số sẽ lên khủng khiếp. Liệu làm như vậy có gây khó cho Nhà nước, cho trung ương hay không? Ông Trưởng thôn bảo rằng riêng gia đình tôi có công Cách mạng nên được ưu tiên. Còn những trận lụt trước thì chưa hoàn tất sổ sách nên chưa có chính sách cụ thể(?). Tôi yêu cầu ông Trưởng thôn phải ghi lại nghiêm túc vào sổ là nhà tôi bị ướt một bao lúa heo. Ông Trưởng thôn tái mặt bảo ghi 5 bao là trách nhiệm, là nhiệm vụ tôi phải làm. Tôi hỏi văn bản nào qui định trách nhiệm đó, tôi doạ sẽ đưa lời nói của ông lên báo chí. Ông Trưởng thôn sợ, thụt ý và xin lỗi tôi, sau đó ghi vào sổ là một bao lúa heo. Tuy rằng ngay lúc đó ghi vậy chứ ai biết được về nhà ông ta sửa lại như thế nào. Chuyện đi từng nhà ghi chép chỉ là hình thức che đậy tai mắt bà con nhân dân thôi, tôi thừa biết trò này!

Chính hành vi của một cán bộ cấp Thôn, đơn vị hành chính thấp nhất cũng đủ phản ánh lên sự ma mị, giả tạo và lừa dối nhân dân trong từng sự việc nhỏ lẻ. Mục đích chính của ông ta đâu phải là chia sẻ với bà con gặp hoạn nạn, khó khăn, mà mục đích là bịa cho được những con số thiệt hại trầm trọng đưa lên cấp trên để lấy điểm, và cấp trên lại tiếp tục đưa lên cấp trên nữa cho đến trung ương để vạch ra kế hoạch rửa tiền bằng chiến dịch cứu trợ... Và trung ương lại lấy điểm ở một trung ương khác cao hơn... bằng mọi giá và bằng mọi trả giá...

Và những người khốn khổ vẫn muôn đời mang hệ luỵ của một kẻ ăn năn mà không hiểu vì sao mình đã ăn năn... Và mùa xuân lại về như một con rùa mù qua biển. A ha...!

 

 

-------------------

Các bài liên hệ:

09.12.2008
[CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI] ... Tôi mới đọc bài báo “Cam kết với dân (ODA)” dưới đây của nhà báo Huy Đức, một nhà báo nhạy bén và rất can đảm ở Việt Nam hiện nay. Huy Đức viết về một số sự kiện chung quanh việc nhà tài trợ ODA của Nhật đình chỉ việc cho Việt Nam vay nhẹ lãi trong các công trình phát triển và xây dựng đất nước... (...)
 
05.12.2008
[CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI] ... Lịch sử dân tộc Việt Nam từ giữa thế kỷ 19 đến nay có thể tóm tắt vào một chữ: Nhục. [...] Nhục quá đi chứ? Chỉ có những kẻ vô liêm sỉ mới không thấy nhục... (...)
 
[CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI] (phỏng vấn nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh) ... Nếu Thượng Ðế ban cho tôi ba điều ước, tôi chỉ ước một điều: làm ơn bứng Ðảng Cộng sản khỏi Việt Nam và hốt giùm 3 triệu đảng viên bỏ lên sao Hoả!... (...)
 
03.12.2008
[CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI] ... Một dân tộc vốn tự hào là ra ngõ gặp anh hùng, thế nhưng 80 triệu người Việt Nam đã câm lặng chịu nhục hoặc thờ ơ vô cảm. Chính quyền hiện hữu đã thành công trong việc triệt tiêu sức đề kháng của dân tộc... (...)
 
[CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI] ... Giai cấp hiện nay chúng ta cần thể hiện tình thương yêu là giai cấp nào? Tại sao giai cấp ấy lại cần thương yêu mà không phải là toàn thể nhân dân?... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021