tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Về [đại] dịch [ma] thuật  [đối thoại]

 

Dịch thuật có lẽ là công việc nan khó nhất trên đời. Làm thế nào để truyền đạt cho hết ý của một người này để “đả thông tư tưởng” những người khác ở ngoại quốc là công việc dường như bất khả mỹ mãn. Tôi khâm phục đến sát đất những dịch giả làm nên cả một cuộc đời mới cho các tác phẩm.

Bàn về chi tiết của những khó khăn thì có vô vàn, sau đây là vài ví dụ:

 

“Văn hóa” trong ngôn ngữ phương Tây và trong ngôn ngữ Việt (Hán-Việt) là khác nhau. Phương Tây dùng từ “culture” có nghĩa gốc là gieo trồng, canh tác, chăm bón, là giáo hóa. “Văn” trong chữ Hán là cái vằn cái vện, cái hoa văn trang sức bên ngoài.

Vậy nên phải chăng “văn hóa” của người phương Tây liên quan đến việc “trồng người” – một công việc cốt tử của mọi dân tộc, vì thế họ không bao giờ dám xa lìa nó, coi nó trọng đại hơn tất cả. Vì thế mới có người nói: khi mọi triều đại đã đi qua, khi mọi chiến công hiển hách, mọi thế lực chính trị, kinh tế đã đi vào dĩ vãng thì chỉ có văn hóa là còn lại. Cái từ “văn hóa” người ta hay nói hiện nay là theo nghĩa trong ngôn ngữ phương Tây.

Trong trí não người Á Đông thuộc vùng ảnh hưởng của “văn hóa” Trung Quốc như Nhật Bản, Đại Hàn, Việt Nam, Đài Loan và Hoa Lục thì “văn hóa” luôn chỉ là vật trang sức. Vậy thì có cũng được, không có cũng xong. Nó chưa bao giờ là “nhu yếu phẩm”. Dễ dàng thấy người ta ở đây chà đạp lên “văn hóa” như thế nào, thậm chí dưới những khẩu hiệu “văn hóa” mỹ miều. Nhật thì hình như mới phục dựng được cái gọi là “culture” từ sau Thế Chiến II; Đại Hàn và Đài Loan thì chắc cũng mới theo đuôi được ít năm. Cũng dễ thông cảm cho những dân tộc đã luôn phải sống trong hoàn cảnh “hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sỹ” này. Khi bụng đói thì người ta cũng dễ dàng đập phá đình chùa hay giẫm đạp lên một cái áo gấm chỉ để ngắm mà không dùng được.

Phải chăng vì thế mà đã có người nói: “Văn hóa chỉ là bùn ở dưới đáy ao; để yên thì không sao chứ bới lên là không ngửi được”.

 

“Chính trị” không phải là “politics”. “Chính” ở đây là khác với “tà”; “chính” là ngay thẳng, lẽ phải. Vậy “chính trị” là phương cách cai trị, thống trị theo lẽ phải (Nhưng “phải” hay “quấy” thì còn tùy thuộc vào thời thế; cái “phải” của hôm qua có thể là cái “trái” của hôm nay và ngược lại). Nghĩa nó nặng về chữ “trị” vì chữ này đứng sau, nghĩa là chủ từ; “chính” chỉ là tính từ. Vậy “chính trị” mang tính trung tâm/ ương.

“Politics” có gốc Hy Lạp. “Poli” là người; “-ics” là môn/ngành học. “Politics” là ngành học nghiên cứu về con người để phục vụ cho con người. Từ này mang tính “giải trung tâm” vì vậy nó dân chủ hơn, nó “người” hơn.

Làm thế nào để chuyển tải hai cách hiểu đó cho người phương Tây và ngược lại? Họa chăng chỉ có Chúa Trời.

 

“Người thiện” không phải là “thiện nhân”, càng khó làm “thiện giả”. “Người thiện” trong tiếng Việt chỉ có nghĩa là người tốt, phân biệt với người “xấu” theo tinh thần của nhị nguyên luận. Trong khi đó chữ “thiện” trong “thiện nhân” có nhiều nghĩa. Nó có thể có nghĩa là hoàn thiện, thiện chiến, tử tế, tài giỏi xuất sắc. Chữ “thiện” này mang tính toàn thể kiểu tam nguyên luận, nghĩa trong nó hàm chứa cả “tốt” và “xấu”, vượt lên trên tất cả và mang tính “tuyệt đối” như một sự hoàn hảo. Chưa kể chữ “thiện” mà đối lập với “ác” có đèo bộ “ngôn” cho nên nó chỉ có trong tâm tưởng, trong các trò ngôn luận của con người chứ khó mà có trong thực tế đời sống xã hội.

Vậy “thiện giả” hay “thiện nhân” chưa chắc đã là “người thiện”. “Người thiện” lại càng khó có thể có cơ hội để làm “thiện giả”.

 

“Rồng” trong quan niệm Á Đông không giống với những con rồng được gọi là “dragon” hay “der drache” của người phương Tây, tuy “hai” con vật này đều bay được và có sức mạnh vô song. Với người Á Đông (như Việt Nam) thì “rồng” là biểu tượng của sức mạnh vô biên và biến hóa của vũ trụ, quyền lực và “đạo đức” của những vương triều và “chân mệnh thiên tử”, là linh vật được kính trọng và tôn thờ. Với người phương Tây đây là con vật đại diện cho sức mạnh của quỷ dữ, luôn tác oai tác quái, gây thảm họa cho dân lành.

Vì thế người Việt Nam cũng đừng vội khoe chuyện rồng với người nước ngoài. Đã từng có khái niệm để chỉ các nước đang trỗi dậy ở châu Á là “những con rồng châu Á”, thế nhưng khi chuyển sang tiếng Anh thì họ lại hay dùng “Asian tigers” (những con hổ châu Á) cho người phương Tây dễ hiểu.

 

Thánh thần ở phương Tây cũng khác với thánh thần phương Đông. Cho dù ở đâu thì họ cũng linh thiêng và đầy quyền năng ghê gớm, nhưng các thần bên Tây (như trong thần thoại Hy Lạp) đều sống dung tục như người trần: cũng nát rượu, lấy nhiều vợ, ngoại tình, ghen tuông, đẻ nhiều con hoang, giao lưu vui vẻ với con người... Vì thế người phương Tây có thể thản nhiên ăn mặc hở hang đi vào nơi đền miếu mà không tỏ thái độ cung kính, sợ sệt gì cả. Họ đâu cần “giải thiêng”. Xin người Việt Nam đừng trách họ mà tội nghiệp.

Đã có mấy ai vượt qua được những dị biệt đó?

 

+++

 

Việc dịch thuật từng gây ra nhiều tai ách và thảm họa thực sự. Có tai ách làm nhân loại ngu dốt hàng trăm năm. Có tai ách trở thành thảm họa cho hàng trăm triệu người và cái chết của hàng chục triệu người. Ví dụ nhé:

 

Khi nhà thiên văn người Ý Giovanni Virginio Schiaparelli (1835–1910) dùng kính viễn vọng ngắm nghía Sao Hỏa ông ta đã phát hiện ra trên bề mặt của nó có nhiều vệt thẳng như kênh rạch. Từ năm 1877 ông đã dùng một từ Ý để miêu tả chúng: “canali”. Khi đó các nhà khoa học hàng đầu đều giật mình trước phát hiện ấy. Người Anh đã chủ quan dịch từ này thành “canals”. Từ này để chỉ những kênh rạch nhân tạo, do con người đào lên. Tai họa là ở đấy. Vì canali có nghĩa là channels trong tiếng Anh. Channels có nghĩa là các kênh rạch tự nhiên, ví dụ eo biển Manche (tiếng Pháp là ống tay áo) giữa Anh và Pháp được người Anh gọi là “The English Channel”. Cùng với sự cổ xúy của nhà thiên văn người Anh Percival Lawrence Lowell (1855–1916) và nhiều “nhân vật quan trọng” khác thì người ta đã châm lửa cho sự bành trướng của cái ý nghĩ rằng Sao Hỏa là “một thế giới khô, lạnh và đang chết dần mòn, nơi có những nền văn minh cổ đại đã tạo dựng nên những hệ thống tưới tiêu rộng lớn”, để trở thành cái gọi là “Mars Fever” (Cơn sốt Sao Hỏa).

Từ đó cùng với sự bành trướng của Đế quốc Anh, mà có lúc đã chiếm đến 2/3 diện tích và dân số thế giới trong thế kỷ XIX, thì cả loài người đều đã tin rằng: trên Sao Hỏa có người. Cùng với sự kiện đó thì trong ngôn ngữ cũng xuất hiện từ “người Sao Hỏa”.

Cái sai lầm dịch thuật tai hại ấy phải nhờ đến thành tựu khoa học kỹ thuật của nửa sau thế kỷ XX thì mới được sửa, vì người ta đã thấy rằng những “canal” đó chỉ hoàn toàn là ảo ảnh. Dài thay cái hậu quả khốn kiếp của một từ!

 

Có câu chuyện kể rằng vào thời kỳ chiến tranh lạnh đối đầu giữa phương Tây và các nước cộng sản trong thế kỷ XX đã có lúc Liên bang Xô-viết dưới thời Khrushev muốn kiến tạo một nền hòa bình. Và họ chủ trương “cùng tồn tại trong hòa bình” với phương Tây. Ai cũng thấy đó là một nhu cầu thiết yếu về mặt chính trị. Thế nhưng ở phương Đông, không biết vô tình hay cố ý, người ta đã dịch cụm từ đó thành “chung sống hòa bình”. Cách hiểu đó đã làm ít nhất một nửa số người thuộc phe cộng sản giẫy nẩy lên. Không thể như thế được, “bồ câu” không thể chung sống với “diều hâu” được. Phải “cách mạng không ngừng”. Hình như hậu quả của lời dịch đó chính là sự tăng cường chiến tranh khắp nơi đi cùng với cái chết của nhiều triệu người, chưa kể những vụ án bí hiểm và thảm khốc đối với những người bất đồng chính kiến, và những di chứng không dễ gì khắc phục trong nửa thế kỷ sau đó.

Sau này ông Đặng Tiểu Bình ở Trung Quốc cũng vẫn phát huy tinh thần ấy trong phương châm chính trị bất hủ: “một nước hai chế độ”. Cái phương châm này còn “cực đoan” hơn triệu lần cái vấn đề mà ĐCS Liên Xô đưa ra từ lâu. Có điều “chú lùn” Đặng Tiểu Bình gặp thời, nên ai cũng ca ngợi, lại được “7 nàng Bạch Tuyết” phương Tây & Nhật ủng hộ.

 

+++

 

Thực tế dịch thuật ở Việt Nam có nhiều tai nạn và “thảm họa”.

Sau đây tôi cũng xin được chỉ/lôi ra vài ý kiến nhỏ liên quan đến tình hình, phương pháp luận về dịch thuật và một số “[đại] dịch giả” ở Việt Nam.

Việt Nam vốn là một nước bán thuộc địa, phần lớn mọi người xuất thân nông dân. Vì vậy tinh thần “phân gio” và những tiểu xảo kiểu nông dân đã được phát huy cao độ trong học thuật và dịch thuật, đặc biệt là trong mấy chục năm qua. Trước hết xin được đối chiếu qua các bản dịch của các ông các bà... có tên ở dưới [tí nữa].

Đã có lúc ở Việt Nam rộ lên một cơn cuồng phong về cái gọi là “thảm họa dịch thuật”. Khởi đầu là sự kiện bản dịch Mật mã Da Vinci của Dan Brown (2005). Vụ này nhiều bài lắm, tra google vẫn có thể thấy con số khoảng 1.000 với ý kiến của khá đông dịch giả nước nhà. Tất cả chỉ là những ý kiến chứ không nghe thấy có ai đưa ra định hướng, biện pháp gì hữu hiệu. Tại sao vậy nhỉ?

Tôi được biết tại các khoa ngoại ngữ ở các trường đại học chuyên [ngoại] ngữ trong nước đều có môn học mang tên Lý thuyết dịch, vậy mà tại sao không có giảng viên nào ở những nơi đó lên tiếng nhỉ? Xét ra thì trong các nhà mô phạm ấy có rất ít người tham gia dịch văn học thì phải. Vì nhuận bút thấp? Vì các thầy biết nghề dịch văn học đầy “đau thương” nên chẳng dám dấn thân vào, chỉ “lừa” con nít về các loại lý thuyết trên đời rồi “sống chết mặc bay tiền thầy bỏ... túi”? Các thầy mải dậy học và dịch các loại văn bản “phi-hư cấu” để kiếm được nhiều “hìu” hơn? Dẫu không dấn thân vào công việc “dịch... thật” của các “dịch giả”, thì cũng mong các giáo sư quan tâm đến khu vực dịch văn học đi chứ. Còn ai vào đây nữa. Rất mong các thầy hãy làm sáng rõ những điều thiết yếu về ngôn ngữ và dịch thuật như: ngôn ngữ đích, ngôn ngữ nguồn, dịch thông báo, dịch ngữ nghĩa... chẳng hạn.

Bên cạnh đó có thể thấy các “dịch giả” văn học ở Việt Nam rất hiếm người được đào tạo quy củ về kiến thức dịch thuật. Phần lớn đều dựa vào cái gọi là kiến thức và kinh nghiệm cá nhân. Sao đất nước mình cứ trường kỳ “chiến tranh du kích” thế nhỉ? Rồi du kích bố lại đẻ ra du kích con... cho đến bao giờ? Cần phải cho các “dịch giả” hiện nay đi đào tạo chứ không thì lãng phí giấy mực, tiền của và thời gian của độc giả lắm.

Nhân mấy ý kiến của Nguyễn Đăng ThườngVõ Văn Nam trên Tiền vệ về Trịnh Lữ với dịch phẩm mới Đại gia Gatsby tôi nhớ đến cuộc “gặp gỡ” với “dịch giả” này khi xem cuốn sách ra đời từ 2004: 15 American Poets of the XXth Century (15 nhà thơ Mỹ thế kỷ XX), do Nxb Hội Nhà văn ấn hành, được bốn dịch giả thực hiện “nhờ tài trợ của Phòng thông tin – văn hóa Đại sứ quán Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Hà Nội” (tất nhiên trong đó có Trịnh Lữ). Mấy lâu Trịnh Lữ rất hay bị ca cẩm / xỉ vả đâu phải tại “dịch giả” được giải thưởng về dịch thuật mà lắm người tị?

Hãy vào ngay phần mở đầu cuốn sách rất đẹp/ oách ta sẽ thấy ngay bức thư của Robert Creeley bằng tiếng Anh:

TO THE POETS AND THEIR READERS IN VIETNAM
It was the poets of both our countries who somehow kept talking despite the sad war of some years ago. That keeping of the faith seems to me paramount in any poetry I respect and have tried myself to write. Now, thanks to the extraordinary work and commitment of Hoang Hung, you have these poets and poems of my country – what should have been our offering long ago. Your country is bonded by poetry – feels its world so given. “Peace comes of communication.” Poems are its first breath.

Trang bên là bản dịch của Trịnh Lữ:

GỬI CÁC NHÀ THƠ VÀ BẠN ĐỌC THƠ VIỆT NAM
Chính các nhà thơ ở cả hai nước chúng ta là những người vẫn trò chuyện cùng nhau qua suốt những năm chiến tranh đáng buồn trước đây. Với tôi, tấm lòng thủy chung với niềm tin ấy dường như chan chứa trong tất cả những thơ ca tôi hằng trân trọng và luôn muốn được góp lời mình. Giờ đây, nhờ công sức và quyết tâm phi thường của bạn Hoàng Hưng, các bạn sẽ được biết đến những nhà thơ và bài thơ này của đất nước tôi – món quà mà lẽ ra các bạn đã phải nhận được từ lâu. Đất nước các bạn được gắn kết bởi thơ – những cảm xúc chân thực về thế giới của chính mình. “Hòa bình đến từ những cuộc trò chuyện.” Những bài thơ là hơi thở đầu tiên của cuộc trò chuyện đó.

Tôi đã đưa bản dịch này cho một số sinh viên Hà Nội đang học tiếng Anh (không chuyên ngữ) xem, thì nhận được phản hồi như sau:

Câu 1:

“... kept talking despite the sad war of some years ago” không phải là “vẫn trò chuyện cùng nhau qua suốt những năm chiến tranh đáng buồn trước đây”. Vì “despite” là “bất chấp/ bất kể” chứ đâu phải là “qua”; “trước đây” cũng khá vênh so với “some years ago”. Câu đích quá xa câu nguồn, làm hỏng ý ngay từ đầu.
 
“... những năm chiến tranh đáng buồn” ư? Tại sao không phải là “buồn thảm”?

Câu 2:

Dịch “That keeping of the faith seems...” thành “tấm lòng thủy chung với niềm tin” thì kiểu diễn đạt này chưa tồn tại trong tiếng Việt, và tất nhiên là nghe rất lai căng và khó hiểu (kiểu như tiếng Ma-rốc), lại hoàn toàn gây hiểu nhầm là “tấm lòng thủy chung” và “niềm tin” là hai chủ ngữ. Người Việt có thể nói “niềm tin son sắt đó [dường như]...” chẳng hạn. Ngôn ngữ đích ở đây hỏng đến mức trên-cả-tuyệt-vời.
 
Trong tiếng Việt, “Tấm lòng thủy chung” không đi với vị ngữ “dường như chan chứa”. Thế là hỏng về quan hệ chủ-vị trong ngôn ngữ đích.

Câu 3:

“Bạn Hoàng Hưng” nghe không hợp với ngữ cảnh của bức thư. Trường hợp này nên gọi thẳng ra là “nhà thơ Hoàng Hưng”, hoặc giữ nguyên như trong bản gốc là “Hoàng Hưng”.

Câu 4:

“Đất nước các bạn được gắn kết bởi thơ” nghe như tiếng nước ngoài (thường xẩy ra với các ông Tây mới học tiếng Việt), như kiểu “ngôi nhà này được xây bởi tôi”.

Câu 5 và câu 6 vênh nhau giữa “những cuộc trò chuyện” và “cuộc trò chuyện đó”.

Mới có 6 câu đầu tiên mà đếm sơ qua đã có từng ấy “ổ gà”, “ổ trâu” thì không biết tập sách 360 trang giấy tốt ấy sẽ đưa người đọc đi đến đâu. Sau đó các sinh viên còn chỉ ra rất nhiều lỗi ngô nghê trong việc dịch các bài thơ, ý thơ trong cuốn sách. Thật bất công khi các sinh viên trẻ không có những diễn đàn chính thức có trọng lượng để tiếng nói của mình đến được các “nhà” các “giả”.

Với thực trạng như thế thì tôi còn lòng dạ nào mà đọc một quyển sách rất đẹp được in những 2.000 bản?

Xin cảm ơn “dịch giả” Trịnh Lữ đã giúp tôi kết thúc bài viết này.

 
25.1.09

 

 

--------------

Bài liên hệ:

 
06.02.2009
[DỊCH THUẬT] ... Trong một bản thảo cũ của cuốn tiểu thuyết, có câu sau đây: ‘Jay Gatsby!’ anh kêu lên bằng một giọng sang sảng, ‘Coi kìa great Jay Gatsby! Thiên hạ sẽ nói vậy, đợi mà coi. Ta chỉ mới ba mươi hai tuổi thôi mà.’ Câu này bị xóa đi khỏi bản cuối nhưng hẳn tác giả đã nghĩ đến nó khi đặt tên cho cuốn truyện. Không hiểu Gatsby có ý gì?... (...)
 
05.02.2009
[DỊCH THUẬT] ... Trong cuộc đối thoại này, tất cả những lối lý luận loanh quanh để bênh vực cho cái nhan đề “Đại gia Gatsby” đều không chịu hiểu một điều đơn giản nhất, căn bản nhất, và cần lưu ý nhất, là sự nhất quán giữa nội dung và nhan đề tác phẩm... (...)
 
04.02.2009
[DỊCH THUẬT] ... Nhan đề The Great Gatsby được Fitzgerald đặt ra để phản ảnh cái nhìn ngưỡng mộ của Nick Carraway đối với Jay Gatsby. Khi dịch sang tiếng Việt, thì phải dịch sao cho trung thành với ý định của tác giả. Chứ không phải dịch để thoả mãn một ý đồ nào đó của riêng mình, một thứ cảm tính của riêng mình, bất chấp tác giả, phản bội tác giả... (...)
 
[DỊCH THUẬT] ... Tôi luôn luôn cho rằng dịch thuật là việc làm hết sức chủ quan, hết sức tương đối, đối với một số độc giả, cách dịch này là hay, với người khác các dịch ấy lại là dở, do cách cảm nhận của từng cá nhân là rất... cá nhân. Tuy vậy nói thế không có nghĩa cào bằng tất cả... (...)
 
03.02.2009
[DỊCH THUẬT] ... Riêng tôi, xin phép gọi cái ước mơ của Gatsby là “dễ thương” và “đáng thương” chứ không “tuyệt vời” hay “vĩ đại”, và người dễ/đáng thương không phải là đại gia Gatsby mà là chàng thanh niên James Gatz... (...)
 
02.02.2009
[DỊCH THUẬT] ... So sánh Gatsby với “đại-gia-đô-la-đỏ-nhà-giàu-mới” bóc lột làm giàu trên xương máu dân nghèo trong nước hiện nay là một sự thoá mạ tôi không thể chấp nhận, vì thế mà tôi đã lên tiếng. Với tôi, nếu cần “ngưỡng phục thần thánh hóa” ai thì phải là “những người khốn khổ” trong nước bây giờ... (...)
 
[DỊCH THUẬT] ... Tôi đoán là ông Phạm Quang Tuấn đã ứng dụng những “chiến” thuật cực kỳ “ngoạn mục” này để tranh cãi chơi vui, chứ không có chủ ý gì nghiêm trọng. Vì cãi để tiêu khiển, thì mới vui như vậy, mới “ngoạn mục” như vậy. Chứ tranh luận nghiêm túc mà ứng dụng những “chiến” thuật như vậy thì chẳng có chút xíu nào... tuyệt vời... (...)
 
[DỊCH THUẬT] ... Nếu Trịnh Lữ có đủ thông minh để, qua bản dịch Việt ngữ, diễn tả chính xác diện mạo của nhân vật Gatsby trong nguyên tác, độc giả Việt Nam sẽ nhận ra tính chất mỉa mai (nếu có một sự mỉa mai như thế) trong chữ “great/vĩ đại”... (...)
 
01.02.2009
[DỊCH THUẬT] ... Còn nhiều nghĩa khác (kể cả đẹp, hay, tuyệt vời) nhưng hẳn ai cũng thấy nghĩa này (nghĩa nguyên thủy) tả lối sống xa hoa hào phóng của Gatsby và Trimalchio rất sát. Đúng nghĩa “đại gia”!... (...)
 
31.01.2009
[DỊCH THUẬT] ... Dù muốn hay không, Gatsby là một con người/nhân vật tuyệt vời/vĩ đại, The Great Gatsby là một cuốn tiểu thuyết vĩ đại, Scott Fitzgerald là một nhà văn vĩ đại, của Hoa kỳ và... thế giới... (...)
 
[DỊCH THUẬT] ... Có thể nói là trong cuộc đối thoại về The Great Gatsby có hai quan điểm đối nghịch, tạm gọi là A và B... Ý nghĩ của tôi là: dù là quan điểm A đúng hay quan điểm B đúng, thì dịch The Great Gatsby thành Gatsby vĩ đại cũng không ổn! Nếu A đúng, thì dịch vậy sẽ làm sự châm biếm trở thành sự sùng bái. Còn nếu B đúng thì ngược lại, khi đọc Gatsby vĩ đại người Việt Nam sẽ liên tưởng ngay đến “Bác Hồ vĩ đại” và sẽ “hiểu lầm” là tác giả mỉa mai Gatsby!... (...)
 
30.01.2009
[DỊCH THUẬT] ... Chúng tôi xin khẳng định rằng Tiền Vệ luôn luôn sẵn sàng đón nhận bất kỳ ý kiến phản hồi nào từ dịch giả Trịnh Lữ. Ngoài ra, mọi ý kiến đối thoại trong tinh thần học thuật từ bất kỳ khuynh hướng và quan điểm nào cũng đều được Tiền Vệ đăng tải công khai và kịp thời... (...)
 
[DỊCH THUẬT] ... Ngày hôm nay, thỉnh thoảng khi ta nghe người Việt nói “chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”, thì không chắc gì họ “nói với một thái độ kính cẩn, thậm chí thần thánh hóa”, mà ngược lại, họ có thể nói với ý mỉa mai. Trừ khi được đọc lên trong những bài diễn văn ở các dịp lễ, câu “Bác Hồ vĩ đại” khi được dùng trong những câu chuyện thường đàm của người Việt ở quốc nội cũng như quốc ngoại thì hầu như phần lớn là hàm ý mỉa mai, giễu cợt... (...)
 
[DỊCH THUẬT] ... Từ điển dịch great là vĩ đại là chuyện ai cũng biết. Tuy nhiên, như tôi đã nói, muốn hiểu đúng không phải là chỉ cần tra từ điển mà còn phải hiểu rõ tư duy, văn hóa của người viết. Một chữ có thể có những hàm ý khác nhau tùy theo cách dùng, mà người mới bập bẹ học tiếng nước ngoài không nắm bắt được... (...)
 
29.01.2009
[DỊCH THUẬT] ... Dù không rành tiếng Anh, thiển nghĩ của tôi là từ great đứng trước hay sau đều có chung một nghĩa, là vĩ đại, lớn lao, to tát, tuyệt vời... trừ một, hai trường hợp rất hiếm hoi nhưng phải dựa vào ngữ cảnh, cách phát âm, để trong dấu nháy («...») hay nội dung... (...)
 
28.01.2009
[DỊCH THUẬT] ... Những từ thông dụng lại thường là những từ khó dịch và dễ lầm nhất. Chữ great mà ta hay dịch là vĩ đại thì cũng đúng, nhưng cách dùng chữ great/vĩ đại của người Việt và người Mỹ khác hẳn nhau, vì tư duy của hai dân tộc khác nhau... (...)
 
27.01.2009
[DỊCH THUẬT] ... Trong bài “Về [đại] dịch [ma] thuật” của Phong Vệ, có vài chi tiết hơi thiếu sót hay lệch một chút. Vì thế tôi xin góp ý để bổ khuyết... Đúng ra, chữ “chính” 政 trong “chính trị” 政治 thì viết khác với chữ “chính” 正 trong “chính tà” 正邪... (...)
 
26.01.2009
[DỊCH THUẬT] ... Thực tế dịch thuật ở Việt Nam có nhiều tai nạn và thảm họa... Việt Nam vốn là một nước bán thuộc địa, phần lớn mọi người xuất thân nông dân. Vì vậy tinh thần “phân gio” và những tiểu xảo kiểu “tam/tứ/... nông” (nông nghiệp, nông thôn, nông dân và nông... cạn) đã được phát huy cao độ trong học thuật và dịch thuật, đặc biệt là trong mấy chục năm qua... (...)
 
25.01.2009
[DỊCH THUẬT] ... Cũng như chữ GREAT, những chữ “Magnifique”, “Große”, “Gran”, “Grande”, và “Μέγας” đều có nghĩa là “tuyệt vời”, “vĩ đại”, “to tát”, “cao quý”... Từ những nghĩa đó biến thành “đại gia” theo nghĩa của Trịnh Lữ thì quả là... ngoài sức tưởng tượng... (...)
 
24.01.2009
[DỊCH THUẬT] ... “Gatsby vĩ đại” ít nhứt là vì tim anh còn chứa đựng một tình yêu chân thật. Tiền bạc không quan trọng đối với anh. Tiền bạc chỉ là phương tiện vật chất có thể đưa anh vào xã hội thượng lưu của Daisy người tình cũ. “Gatsby vĩ đại” nên Nick Carraway, một láng giềng xa lạ, mới muốn xích gần để tìm hiểu con người và quá khứ của anh... (...)
 
23.01.2009
[DỊCH THUẬT] ... Quái đản thật! Lại thêm cái ý tưởng là “người Mỹ từng hình dung về chính F. Scott Fitzgerald và Gatsby” như những “đại gia”! Đã thế, dịch giả Trịnh Lữ và nhà xuất bản Nhã Nam còn dùng cái trò xuyên tạc ý nghĩa này như một phương tiện để “cảnh tỉnh” nhân dân Việt Nam... (...)
 
[DỊCH THUẬT] ... Điều đã khiến tôi sững sờ là cái nhan đề tiếng Việt “Đại gia Gatsby”... Dịch từ “great” thành “đại gia” là hoàn toàn sai bậy, vì nó không cho độc giả thấy ngay mẫu người khác đám đông, vượt trội của Gatsby, chí ít là qua cái nhìn rất “đáng tin cậy” của Nick Carraway, người kể chuyện, cũng như qua nhan đề tiếng Anh, tiếng Pháp... (...)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021