tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Great & Magnifique là tuyệt vời, nhưng “chiến” thuật đối thoại thì “ngoạn mục”!  [đối thoại]

 

Cuối bài “Chuyện văn hoá và ngữ nghĩa về 'Vĩ đại' và VĨ ĐẠI” (30.01.2009) tôi có hẹn sẽ viết thêm một bài để trình bày tiếp về sự khác biệt căn bản trong tính cách của Trimalchio và Gatsby, và về ý nghĩa của chữ GREAT trong văn cảnh của cuốn The Great Gatsby. Nhưng trong khi đang còn loay hoay kiếm thì giờ để viết, thì tôi lại đọc được thêm 3 bài mới của ông Phạm Quang Tuấn: “Dịch sách bằng... từ điển” (30.01.2009), “Great và Vĩ đại là hai từ phản nghĩa!” (31.01.2009), và “Magnifique là tuyệt vời?” (01.02.2009).

Có lẽ ông Phạm Quang Tuấn xem cuộc đối thoại này là một loại mạn đàm để tiêu khiển, nên ông không cần vận dụng học thuật mà lại áp dụng một số “chiến” thuật để tranh luận... cho vui chăng?

Mời độc giả thử xem những “chiến” thuật của ông Phạm Quang Tuấn.

 

1. “Chiến” thuật CHỖ NÀO KẸT THÌ TẢNG LỜ

“Chiến” thuật CHỖ NÀO KẸT THÌ TẢNG LỜ đầu tiên được ông Phạm Quang Tuấn áp dụng để “đối thoại” với ông Nguyễn Đăng Thường.

Ngày 29.01.2009, trong bài “Great là vĩ đại... châm biếm?”, ông Nguyễn Đăng Thường nêu ra một số tên người gắn liền với chữ Great để chứng minh rằng họ đều thực sự vĩ đại trong phạm vi chuyên môn của họ, chứ chữ Great ấy không hề mang ý châm biếm dành riêng cho “những người sống bằng nghề diễn trò bình dân gì đó” như ông Phạm Quang Tuấn khẳng định. Ông Nguyễn Đăng Thường viết:

Phải chăng The Great Houdini, The Great Satani, The Great Caruso, The Great Ziegfeld, The Great O'Malley, The Great Einstein, The Great Waldo Pepper, The Great Sinner, Catherine The Great / Great Catherine... thảy đều «vĩ đại» như nhau trong phạm vi chuyên môn của mình?

Ngày 30.01.2009, trong bài “Dịch sách bằng... từ điển”, ông Phạm Quang Tuấn phản biện để tự bảo vệ luận điểm của mình bằng cách tảng lờ tên của The Great Caruso (đại danh ca opera), The Great Einstein (đại khoa học gia) và The Great Sinner (tức là Dostoyevsky, đại văn hào). Ông viết:

The Great Houdini, The Great Caruso, The Great Ziegfeld, The Great Waldo Pepper: như tôi đã viết trong thư trước, những người này đều trong entertainment business, những nghề phải phô trương quảng cáo bằng những cái tên thật “kêu”. Do đó, khi gọi The Great Gatsby tác giả có thể đã muốn so sánh Gatsby với những showmen (cũng như tựa nguyên thủy của cuốn truyện, Trimalchio, rõ ràng có ý so sánh Gatsby với anh “nhà giàu mới” trong Satyricon).

Kẹt chỗ nào thì tảng lờ chỗ ấy. Chứ nếu không gạt phắc mấy ông Caruso, Einstein, Dostoyevsky đi chỗ khác, thì làm sao mà... nhất quán! “Ngoạn mục” quá! Rồi sau đó, cũng để tự bảo vệ chính luận điểm ấy, ông lại áp dụng cái “chiến” thuật ấy với tôi nữa.

Tôi chỉ xin nêu ra một ví dụ cụ thể nhất:

Trong bài “Great là vĩ đại?” (28.01.2009), ông Phạm Quang Tuấn khẳng định:

Những danh nhân hàng đầu của họ như Washington, Jefferson, Kennedy cũng không được gọi là great. Trái lại, chữ great thường được dành cho những tay... ảo thuật như The Great Houdini, hay đô vật như The Great Khali, nói chung là những người sống bằng nghề diễn trò bình dân gì đó. [...] Tóm lại, chữ great đi trước tên người thường đượm một ý nghĩa châm biếm và ám chỉ sự phô trương, diễn xuất.

Trong bài viết của tôi, tôi chứng minh rằng ông Phạm Quang Tuấn nói sai, vì người Mỹ hôm nay vẫn gọi những danh nhân hàng đầu của họ là great. Tôi nêu ra các ví dụ cụ thể về the great Washington, the Great Jefferson, the great Kennedy. Tôi còn nêu thêm the great Lincoln, The Great Beethoven, và tôi kết luận:

... các ví dụ The Great Washington, The Great Jefferson, The Great Kennedy, The Great Lincoln, The Great Beethoven... chứng tỏ chữ “The Great” đi trước vẫn không hề “đượm một ý nghĩa châm biếm và ám chỉ sự phô trương, diễn xuất” nào cả, và không có lý do gì để phân biệt The Great Beethoven là sự ca ngợi, và The Great Houdini là sự châm biếm.

Ngay hôm sau (31.01.2009), ông Phạm Quang Tuấn viết bài “Great và Vĩ đại là hai từ phản nghĩa!”, và ông lờ tịt về khoản này. Ông nhập đề:

Đáng lẽ không viết gì thêm nữa về chuyện này vì đã nói hết những cái tôi thấy cần nói và không thích dài dòng...

Có vẻ như ông không chấp nhận sự chứng minh của tôi là đúng. Nghĩa là ông vẫn đúng, ông đã “nói hết rồi”, ông không cần nói thêm gì cả vì ông “không thích dài dòng”.

 

2. “Chiến” thuật KIM THIỀN THOÁT XÁC

Ấy vậy mà, chỉ sau đó một ngày (01.02.2009), trong bài “Magnifique là tuyệt vời?”, ông lại viết tỉnh khô:

Ông Nguyễn Đăng Thường hỏi khi người Mỹ nói The great Caruso, The great Beethoven, The great Einstein, the great Washington, the Great Jefferson, the great Lincoln thì có châm biếm không? Xin thưa là không.

Nghĩa là thế nào? Ngày 28.01.2009 thì ông khẳng định “Những danh nhân hàng đầu của họ như Washington, Jefferson, Kennedy cũng không được gọi là great”, và “chữ great đi trước tên người thường đượm một ý nghĩa châm biếm và ám chỉ sự phô trương, diễn xuất”, nhưng ngày 01.02.2008 thì thình lònh ông lại nêu tên các danh nhân đó với chữ great đi kèm, và còn khẳng định rằng chữ great đó không có ý gì châm biếm cả, mà đúng nghĩa là vĩ đại! Không lẽ người Mỹ đã thoắt một cái... thay đổi văn hoá ngôn ngữ của họ chỉ sau 3 ngày?

Chuyện dễ hiểu thôi mà! Lời khẳng định ngày 28.01.2009 là lời của cái vỏ khô của con ve. Sau khi nghe góp ý, nhưng làm ra vẻ không nghe (hay là uống thuốc bổ mà làm ra vẻ không uống) con kim thiền mới trút bỏ cái vỏ khô ấy, và lời khẳng định ngày 01.02.2009 là lời của con kim thiền đã thoát xác. Con kim thiền đâu còn dính dấp gì với cái vỏ khô nữa!

 

3. “Chiến” thuật DĨ ĐỘC TRỊ ĐỘC

Dùng “chiến” thuật KIM THIỀN THOÁT XÁC (một dạng “dĩ bổ trị độc”) cũng chưa đủ, ông Phạm Quang Tuấn còn dùng thêm “chiến” thuật DĨ ĐỘC TRỊ ĐỘC.

Ngày 29.01.2009, trong bài “Great là vĩ đại... châm biếm?”, ông Nguyễn Đăng Thường chép lại nguyên văn các định nghĩa của chữ Great trên Answers.com để chứng minh là không có định nghĩa nào mang ý châm biếm cả.

Để phản biện, ông Phạm Quang Tuấn viết bài “Dịch sách bằng... từ điển”, với đoạn nhập đề rất trịch thượng:

Từ điển dịch great là vĩ đại là chuyện ai cũng biết. Tuy nhiên, như tôi đã nói, muốn hiểu đúng không phải là chỉ cần tra từ điển mà còn phải hiểu rõ tư duy, văn hóa của người viết. Một chữ có thể có những hàm ý khác nhau tùy theo cách dùng, mà người mới bập bẹ học tiếng nước ngoài không nắm bắt được...

Ngày 31.01.2009, ông Nguyễn Đăng Thường — người mới bập bẹ học tiếng nước ngoài — bèn viết bài “Xin đừng giận cá chém thớt”, trong đó ông không dám trích từ điển nữa, mà chú tâm bàn luận về tiểu thuyết The Great Gatsby, về tác giả, về tính cách nhân vật Gatsby, về văn hoá Mỹ thời ấy, về bối cảnh xã hội Pháp lúc bản dịch Gatsby le magnifique ra đời... để chứng minh rằng Great/Magnifique không phải là “đại gia”.

Lập tức, ngày 01.02.2009, ông Phạm Quang Tuấn tung ra bài “Magnifique là tuyệt vời?”. Ở ngay đoạn đầu bài, ông viết, vẫn rất trịch thượng:

Ông Nguyễn Đăng Thường đưa việc các dịch giả Pháp dịch The Great GatsbyGastby Le Magnifique để chứng minh rằng người Pháp hiểu Gatsby là vĩ đại hay tuyệt vời. Ông đọc được tiếng Pháp mà không (thực sự) hiểu Le Magnifique hàm ý gì sao?

Rồi để dạy cho “người mới bập bẹ học tiếng nước ngoài” (tiếng Anh) và người “đọc được tiếng Pháp mà không (thực sự) hiểu Le Magnifique hàm ý gì”, ông Phạm Quang Tuấn vác từ điển Trésor online ra mà... trích giảng!

Đúng là “dĩ từ điển trị... từ điển”! Quá “ngoạn mục”!

 

4. “Chiến” thuật MỘT PHẦN TRĂM CỦA SỰ THẬT LÀ... SỰ THẬT

Cái màn trích giảng từ điển này còn “ngoạn mục” hơn nữa! Từ một trang sách dài hơn 1.600 chữ, ông Phạm Quang Tuấn ngắt ra một cành hoa thạch thảo cách đây đã... mấy trăm năm! Cái nghĩa của chữ “magnifique” mà ông trích để giảng bài là một cái nghĩa của thời xa xưa. Người dùng từ điển đều biết những chữ hay nghĩa mà từ điển tiếng Pháp xếp vào loại “vielli” thì cũng giống như từ điển tiếng Anh xếp loại “archaic” vậy. Tức là con người của thế kỷ 20 và 21 không còn dùng nữa.

Ông trích và dịch câu ấy sang tiếng Việt:

magnifique: Qui est riche, qui a un train de vie fastueux, qui est généreux avec éclat, qui dépense sans compter pour lui ou pour les autres (giàu có, sống xa hoa, hào phóng một cách chói lọi, tiêu tiền như nước cho mình hay cho người khác).

Rồi ông khéo léo rào giậu cái “chiến” thuật của mình để ép cho cái định nghĩa này biến thành sự khẳng định: Đúng nghĩa “đại gia!” Ông viết:

Còn nhiều nghĩa khác (kể cả đẹp, hay, tuyệt vời) nhưng hẳn ai cũng thấy nghĩa này (nghĩa nguyên thủy) tả lối sống xa hoa hào phóng của Gatsby và Trimalchio rất sát. Đúng nghĩa “đại gia”! Từ điển Trésor nói là cách dùng này “vielli” (hơi cổ, nhưng vẫn dùng được), như vậy cũng hợp ý Scott Fitzgerald vì tựa Trimalchio (mà ông thích nhất) còn cổ hơn. (Sự thực cấu trúc “le Magnifique” đi sau tên người đã là một cấu trúc cổ rồi, tiếng Pháp thông thường không nói như vậy.)

Thế nhưng ông khéo léo đến mức ông... tảng lờ một điều cực kỳ quan trọng. Đó là: những ví dụ đi kèm theo định nghĩa ấy.

Ngay trên trang từ điển ấy, ở mục nói về chữ “le magifique” gắn liền với tên người, thì ai cũng đọc được 2 cái ví dụ. Tôi xin chép nguyên văn:

Emploi subst. (avec parfois valeur de surnom). Personne riche, qui a un train de vie fastueux. Une fois de plus l'Ascète [Shelley] dut s'adapter au mode de vie du Magnifique [Byron] (Maurois, Ariel, 1923, p. 289). Quel Laurent? Y a-t-il deux Laurent à Florence? Je te parle de Laurent le magnifique (...), de notre prince (Salacrou, Terre ronde, 1938, i, 1, p. 132).

Ví dụ thứ nhất, trích từ cuốn Ariel của André Maurois, nói về Byron le Magnifique, tức là đại thi hào, nam tước George Gordon Noel Byron (1788-1824) của nước Anh. Byron thuộc dòng dõi quý tộc đang hồi sa cơ, nhưng ông đã vươn lên, trở thành nổi danh tột bậc nhờ thiên tài thi ca của mình. Tên tuổi của Byron là biểu tượng của nền thi ca Lãng Mạn. Thơ của ông là nguồn cảm hứng cho hàng ngàn tác phẩm âm nhạc, và ông tạo nên ảnh hưởng lớn lao trong văn học, đáng sánh với Shakespeare và Homer.

Ví dụ thứ hai, trích từ cuốn Terre ronde của Armand Salacrou, nói về Laurent le magnifique, tức là Lorenzo il Magnifico (Lorenzo de' Medici, 1449–1492), một người thuộc dòng dõi thượng lưu ở Florence, một học giả kiêm thi gia khả kính, một đại mạnh thường quân của nền văn học và nghệ thuật thời Phục Hưng ở Ý, và ông chính là nhà bảo trợ của những thiên tài như Sandro Botticelli, Ghirlandaio, Filippino Lippi, Andrea del Verrocchio, Michelangelo... Toàn dân ở Florence ngưỡng mộ ông như một đại ân nhân đã cứu họ thoát nạn đói khổng lồ năm 1472.

Như vậy, cái danh hiệu “le Magnifique” của Byron và Laurent tương ứng với danh hiệu ĐẠI GIA theo nghĩa cổ trong văn hoá Trung Hoa, như ông Võ Văn Nam đã nói trong bài “Khi nhà văn Fitzgerald bị biến thành... ‘đại gia’”. Cái danh hiệu “le Magnifique” ở phương Tây thời ấy hoàn toàn không dính gì đến cái nghĩa của chữ “đại gia” để chỉ bọn trọc phú thiếu văn hoá, nhơ nhuốc của Việt Nam hôm nay, cũng không hề giống với trò khoe khoang của Trimalchio trong hài kịch của Petronius, và cũng không hề giống với lối chơi cực kỳ hào hoa vì động cơ ái tình của Gatsby trong tiểu thuyết của Fitzgerald.

Lối sử dụng “le Magnifique” kèm với danh tính của một bậc đại danh gia quý tộc là lối sử dụng ở thời xưa, ngày nay không còn nữa, nên từ điển Trésor mới xếp nó vào loại “vielli”.

Ông Phạm Quang Tuấn viết:

Sự thực cấu trúc “le Magnifique” đi sau tên người đã là một cấu trúc cổ rồi, tiếng Pháp thông thường không nói như vậy.

Nói vậy là nói bừa. Ngày nay, người ta vẫn dùng cấu trúc ấy nhưng với nội dung mới. Ngày nay, người ta dùng “le Magnifique” kèm với danh tính là để ca ngợi sự tuyệt vời/cao cả/hiển hách/hào hoa/vĩ đại của một con người, mà con người ấy không nhất thiết phải thuộc dòng dõi thế gia vọng tộc hay thượng lưu phú quý. Nói riêng về chuyện sách vở, tôi xin đưa ra một số ví dụ:

Ngoài những khuôn mặt lớn trong văn học mà ai cũng biết, như Hugo le Magnifique (Victor Hugo, 1802-1885), Rilke le Magnifique (Rainer Maria Rilke, 1875-1926), Blaise le Magnifique (Blaise Cendras, 1887-1961), Saint-Pol-Roux le Magnifique (Paul-Pierre Roux, 1861-1940), v.v... ta còn thấy có những nhà thơ lớn đương đại như Senghor le Magnifique (Léopold Sédar Senghor, 1906-2001, người Senegal), và đặc biệt là Miron le magnifique (Gaston Miron, 1928-96, người Canada), nhà thơ đương đại lừng lẫy nhất trong văn chương tiếng Pháp ở Québec. Ngày 24.03.2007, tại Galerie Port-Maurice đã có cuộc triển lãm L’exposition Miron le magnifique, trưng bày hình ảnh 20 con tem do các hoạ sĩ vẽ theo những bài thơ của Gaston Miron. [Để tìm hiểu thêm về thi sĩ Gaston Miron, xem cuốn Miron le magnifique của Jacques Brault].

Trong kịch nghệ và điện ảnh đương đại, có Jacques Hébertot le magnifique (André Daviel, 1886-1970), nhà đạo diễn sân khấu của Pháp. Đặc biệt, thế giới nghệ thuật đương đại Pháp còn ca ngợi một nhà đạo diễn điện ảnh người nước ngoài là Paradjanov le Magnifique (Sergei Paradjanov, sinh năm 1924 tại Tbilisi, Georgia - mất năm 1990 tại Yerevan, Armenia). Từ ngày 25.04.2007 đến 20.05.2007, tại Musée d'art moderne de Saint-Étienne Métropole ở Paris, đã có cuộc triển lãm Paradjanov le Magnifique để tưởng niệm và vinh danh nhà điện ảnh đại tài này. [Xem thêm chi tiết trong cuốn Paradjanov le Magnifique của Zaven Sargsyan et al.]. Một nhà làm phim trẻ hơn nhưng rất mực tài ba, người Liban, cũng được ca ngợi là Rassam le magnifique (Jean-Pierre Rassam). [Xem thêm chi tiết trong cuốn Rassam le Magnifique của Mathias Rubin].

Hiện nay ở Pháp, tiểu thuyết và sách về người thật việc thật có nhan đề “... le Magnifique” cũng khá nhiều. Xin kể một vài:

- Các truyện thiếu nhi Dakil, le Magnifique của Marie-Sabine Roger và Eric le magnifique của Serge Dalens là những truyện phiêu lưu kỳ thú.

- Tiểu thuyết Froidure, le berger magnifique của Martine-Marie Muller (giải thưởng Prix du Printemps du livre, 1997) là câu chuyện về một người quyết rời bỏ đời sống đô thị, trở thành một người chăn cừu tuyệt vời trên cao nguyên Pyrenées.

- Tiểu thuyết Ali le magnifique của Paul Smaïl là câu chuyện về Sid Ali Rezzala, một thanh niên gốc Hồi giáo đã trải qua một đời sống trong cùng cực đau đớn và ô nhục và cuối cùng đã vươn lên tìm ánh sáng.

- Samarkand la magnifique của Frédérique Beaupertuis-Bressand là cuốn sách nói về những danh lam thắng cảnh ở Samarkand, một thành phố phía tây nam Tashkent.

- Lý thú nhất để kể ra đây là cuốn Bertrand le Magnifique : Enquête au coeur du système Delanoë của Yves Stefanovitch. Đây là cuốn sách xiển dương sự nghiệp và lý tưởng chính trị của Bertrand Delanoë, thị trưởng Paris, người có hy vọng tranh cử tổng thống Pháp năm 2012 sắp đến.

Vân vân và vân vân.

Tóm lại, “le Magnifique” hiện nay được người Pháp sử dụng để vinh danh một con người (hay ngay cả một sự vật, phong cảnh...), với ý nghĩa đẹp đẽ/tuyệt vời/cao cả/vĩ đại/ngoạn mục...

 

5. “Chiến” thuật NHÉT VÔ RỌ ĐỂ... NỆN

“Chiến” thuật này gom nhét tất cả đối thủ vô chung một rọ, túm lại, rồi mặc sức mà... nện. Trong bài “Great và Vĩ đại là hai từ phản nghĩa!”, ông Phạm Quang Tuấn viết:

Quan điểm B (Nguyễn Đăng Thường, Phạm Chí Diệp): Great là “vĩ đại thiệt”, Scott Fitzgerald ngưỡng phục Gatsby tới độ cho rằng anh ta là một vĩ nhân, ngang hàng với Washington và Einstein.

Tiếc thay, ông Nguyễn Đăng Thường và tôi chưa bao giờ điên rồ ngớ ngẩn đến mức có thể nói “Scott Fitzgerald ngưỡng phục Gatsby tới độ cho rằng anh ta là một vĩ nhân, ngang hàng với Washington và Einstein”!

Fitzgerald tưởng tượng ra nhân vật Gatsby để viết cuốn tiểu thuyết. Chứ Gatsby có phải là một con người thật đâu mà Gatsby ngưỡng mộ? Ai lại đi ngưỡng mộ một nhân vật giả tưởng do mình bịa ra? Nhân vật ấy lại là một hình ảnh cực kỳ lãng mạn, thì làm sao mà đem ra so sánh là ngang hàng hay không ngang hàng với những vĩ nhân chính trị?

Độc giả tiểu thuyết hay khán giả điện ảnh có thể ngưỡng mộ nhân vật Gatsby, xem anh ta là tuyệt vời. Đọc đi đọc lại, xem đi xem lại. Chỉ thế thôi. Chứ có ai trên đời này mà đem Gatsby ra so sánh với những vĩ nhân chính trị nhỉ?

Vậy mà ông Phạm Quang Tuấn đã dệt ra một cái rọ phi lý đến thế và tống cổ ông Nguyễn Đăng Thường và tôi vào trong đó, túm lại, và... nện. Biết đâu có khán giả vỗ tay, vì điên rồ đến thế thì ăn đòn là phải!

Nếu ứng dụng vào đòn phép chính trị, thì ngón này có thể gọi là “chụp mũ, rồi... thịt”. “Ngoạn mục” quá!

 

6. “Chiến” thuật CÀN QUÉT

“Chiến” thuật này cũng tương tự như “chiến” thuật NHÉT VÔ RỌ ĐỂ... NỆN, nhưng ở tầm vĩ mô và “trừu tượng” hơn. Trong năm “chiến” thuật, thì “chiến” thuật này có vẻ hiệu nghiệm nhất, xét trên lý thuyết. Ngày xưa, vua Herod không biết ông Jesus hài nhi ở chỗ nào, nên vua Herod ra lệnh cho lính càn quét hết mọi trẻ sơ sinh ở Bethlehem. Khó mà thoát! Vậy mà ông Phạm Quang Tuấn đã tranh luận với ông Nguyễn Đăng Thường và tôi theo “chiến” thuật này đấy nhé!

Thật ra ông vốn Phạm Quang Tuấn thích so sánh tư duy Tây phương và tư duy Việt Nam, (và tất nhiên ông tự xem ông là có tư duy Tây phương.)

Trong bài “Great là vĩ đại?”, ông viết:

Chữ great mà ta hay dịch là vĩ đại thì cũng đúng, nhưng cách dùng chữ great/vĩ đại của người Việt và người Mỹ khác hẳn nhau, vì tư duy của hai dân tộc khác nhau. Khi một người Việt nói “chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại” thì họ nói với một thái độ kính cẩn, thậm chí thần thánh hoá. Nhưng khi một người Mỹ gọi bạn là ... vĩ đại thì bạn đừng vội mừng!

Trong bài “Dịch sách bằng... từ điển”, ông tái bút:

Thành thực xin lỗi ông Nguyễn Đăng Thường nếu ví dụ “chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại” của tôi đã làm ông bất bình và “xổ nho” một tràng về vị lãnh tụ này một cách lạc đề. Sống ở ngoại quốc quá lâu, tôi thường bị vấn đề bất đồng tư duy ngôn ngữ với người Việt. Trong tư duy Tây phương, đưa ra một ví dụ không có nghĩa là đồng ý với nó.

Trong bài “Great và Vĩ đại là hai từ phản nghĩa!”, ông kết luận bằng câu hỏi mỉa mai:

Hay là... người Mỹ và người Việt cũng suy nghĩ giống nhau?

Cuối cùng, trong bài “Magnifique là tuyệt vời?”, ông gom đối phương vào cái “lối tư duy đặc biệt Việt Nam”, rồi ông... càn quét:

Cả hai ông Phạm Chí Diệp và Nguyễn Đăng Thường đều nhấn mạnh những điểm tốt của Gatsby để chứng minh rằng Scott Fitzgerald không thể “nói xấu” Gatsby. Đó là lối tư duy đặc biệt Việt Nam: hễ ngưỡng phục ai là phải thần thánh hóa đủ mọi khía cạnh, mà ghét ai thì... ma quỷ hóa mọi chuyện!

Quá “ngoạn mục”! Toàn dân Việt Nam có tư duy như vậy thì ông Phạm Chí Diệp và Nguyễn Đăng Thường... chạy đâu cho khỏi!

 

Nói tóm lại, tôi đoán là ông Phạm Quang Tuấn đã ứng dụng những “chiến” thuật cực kỳ “ngoạn mục” này để tranh cãi chơi vui, chứ không có chủ ý gì nghiêm trọng. Vì cãi để tiêu khiển, thì mới vui như vậy, mới “ngoạn mục” như vậy.

Chứ tranh luận nghiêm túc mà ứng dụng những “chiến” thuật như vậy thì chẳng có chút xíu nào... tuyệt vời.

 

 

--------------

Bài liên hệ:

 
06.02.2009
[DỊCH THUẬT] ... Trong một bản thảo cũ của cuốn tiểu thuyết, có câu sau đây: ‘Jay Gatsby!’ anh kêu lên bằng một giọng sang sảng, ‘Coi kìa great Jay Gatsby! Thiên hạ sẽ nói vậy, đợi mà coi. Ta chỉ mới ba mươi hai tuổi thôi mà.’ Câu này bị xóa đi khỏi bản cuối nhưng hẳn tác giả đã nghĩ đến nó khi đặt tên cho cuốn truyện. Không hiểu Gatsby có ý gì?... (...)
 
05.02.2009
[DỊCH THUẬT] ... Trong cuộc đối thoại này, tất cả những lối lý luận loanh quanh để bênh vực cho cái nhan đề “Đại gia Gatsby” đều không chịu hiểu một điều đơn giản nhất, căn bản nhất, và cần lưu ý nhất, là sự nhất quán giữa nội dung và nhan đề tác phẩm... (...)
 
04.02.2009
[DỊCH THUẬT] ... Nhan đề The Great Gatsby được Fitzgerald đặt ra để phản ảnh cái nhìn ngưỡng mộ của Nick Carraway đối với Jay Gatsby. Khi dịch sang tiếng Việt, thì phải dịch sao cho trung thành với ý định của tác giả. Chứ không phải dịch để thoả mãn một ý đồ nào đó của riêng mình, một thứ cảm tính của riêng mình, bất chấp tác giả, phản bội tác giả... (...)
 
[DỊCH THUẬT] ... Tôi luôn luôn cho rằng dịch thuật là việc làm hết sức chủ quan, hết sức tương đối, đối với một số độc giả, cách dịch này là hay, với người khác các dịch ấy lại là dở, do cách cảm nhận của từng cá nhân là rất... cá nhân. Tuy vậy nói thế không có nghĩa cào bằng tất cả... (...)
 
03.02.2009
[DỊCH THUẬT] ... Riêng tôi, xin phép gọi cái ước mơ của Gatsby là “dễ thương” và “đáng thương” chứ không “tuyệt vời” hay “vĩ đại”, và người dễ/đáng thương không phải là đại gia Gatsby mà là chàng thanh niên James Gatz... (...)
 
02.02.2009
[DỊCH THUẬT] ... So sánh Gatsby với “đại-gia-đô-la-đỏ-nhà-giàu-mới” bóc lột làm giàu trên xương máu dân nghèo trong nước hiện nay là một sự thoá mạ tôi không thể chấp nhận, vì thế mà tôi đã lên tiếng. Với tôi, nếu cần “ngưỡng phục thần thánh hóa” ai thì phải là “những người khốn khổ” trong nước bây giờ... (...)
 
[DỊCH THUẬT] ... Tôi đoán là ông Phạm Quang Tuấn đã ứng dụng những “chiến” thuật cực kỳ “ngoạn mục” này để tranh cãi chơi vui, chứ không có chủ ý gì nghiêm trọng. Vì cãi để tiêu khiển, thì mới vui như vậy, mới “ngoạn mục” như vậy. Chứ tranh luận nghiêm túc mà ứng dụng những “chiến” thuật như vậy thì chẳng có chút xíu nào... tuyệt vời... (...)
 
[DỊCH THUẬT] ... Nếu Trịnh Lữ có đủ thông minh để, qua bản dịch Việt ngữ, diễn tả chính xác diện mạo của nhân vật Gatsby trong nguyên tác, độc giả Việt Nam sẽ nhận ra tính chất mỉa mai (nếu có một sự mỉa mai như thế) trong chữ “great/vĩ đại”... (...)
 
01.02.2009
[DỊCH THUẬT] ... Còn nhiều nghĩa khác (kể cả đẹp, hay, tuyệt vời) nhưng hẳn ai cũng thấy nghĩa này (nghĩa nguyên thủy) tả lối sống xa hoa hào phóng của Gatsby và Trimalchio rất sát. Đúng nghĩa “đại gia”!... (...)
 
31.01.2009
[DỊCH THUẬT] ... Dù muốn hay không, Gatsby là một con người/nhân vật tuyệt vời/vĩ đại, The Great Gatsby là một cuốn tiểu thuyết vĩ đại, Scott Fitzgerald là một nhà văn vĩ đại, của Hoa kỳ và... thế giới... (...)
 
[DỊCH THUẬT] ... Có thể nói là trong cuộc đối thoại về The Great Gatsby có hai quan điểm đối nghịch, tạm gọi là A và B... Ý nghĩ của tôi là: dù là quan điểm A đúng hay quan điểm B đúng, thì dịch The Great Gatsby thành Gatsby vĩ đại cũng không ổn! Nếu A đúng, thì dịch vậy sẽ làm sự châm biếm trở thành sự sùng bái. Còn nếu B đúng thì ngược lại, khi đọc Gatsby vĩ đại người Việt Nam sẽ liên tưởng ngay đến “Bác Hồ vĩ đại” và sẽ “hiểu lầm” là tác giả mỉa mai Gatsby!... (...)
 
30.01.2009
[DỊCH THUẬT] ... Chúng tôi xin khẳng định rằng Tiền Vệ luôn luôn sẵn sàng đón nhận bất kỳ ý kiến phản hồi nào từ dịch giả Trịnh Lữ. Ngoài ra, mọi ý kiến đối thoại trong tinh thần học thuật từ bất kỳ khuynh hướng và quan điểm nào cũng đều được Tiền Vệ đăng tải công khai và kịp thời... (...)
 
[DỊCH THUẬT] ... Ngày hôm nay, thỉnh thoảng khi ta nghe người Việt nói “chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”, thì không chắc gì họ “nói với một thái độ kính cẩn, thậm chí thần thánh hóa”, mà ngược lại, họ có thể nói với ý mỉa mai. Trừ khi được đọc lên trong những bài diễn văn ở các dịp lễ, câu “Bác Hồ vĩ đại” khi được dùng trong những câu chuyện thường đàm của người Việt ở quốc nội cũng như quốc ngoại thì hầu như phần lớn là hàm ý mỉa mai, giễu cợt... (...)
 
[DỊCH THUẬT] ... Từ điển dịch great là vĩ đại là chuyện ai cũng biết. Tuy nhiên, như tôi đã nói, muốn hiểu đúng không phải là chỉ cần tra từ điển mà còn phải hiểu rõ tư duy, văn hóa của người viết. Một chữ có thể có những hàm ý khác nhau tùy theo cách dùng, mà người mới bập bẹ học tiếng nước ngoài không nắm bắt được... (...)
 
29.01.2009
[DỊCH THUẬT] ... Dù không rành tiếng Anh, thiển nghĩ của tôi là từ great đứng trước hay sau đều có chung một nghĩa, là vĩ đại, lớn lao, to tát, tuyệt vời... trừ một, hai trường hợp rất hiếm hoi nhưng phải dựa vào ngữ cảnh, cách phát âm, để trong dấu nháy («...») hay nội dung... (...)
 
28.01.2009
[DỊCH THUẬT] ... Những từ thông dụng lại thường là những từ khó dịch và dễ lầm nhất. Chữ great mà ta hay dịch là vĩ đại thì cũng đúng, nhưng cách dùng chữ great/vĩ đại của người Việt và người Mỹ khác hẳn nhau, vì tư duy của hai dân tộc khác nhau... (...)
 
27.01.2009
[DỊCH THUẬT] ... Trong bài “Về [đại] dịch [ma] thuật” của Phong Vệ, có vài chi tiết hơi thiếu sót hay lệch một chút. Vì thế tôi xin góp ý để bổ khuyết... Đúng ra, chữ “chính” 政 trong “chính trị” 政治 thì viết khác với chữ “chính” 正 trong “chính tà” 正邪... (...)
 
26.01.2009
[DỊCH THUẬT] ... Thực tế dịch thuật ở Việt Nam có nhiều tai nạn và thảm họa... Việt Nam vốn là một nước bán thuộc địa, phần lớn mọi người xuất thân nông dân. Vì vậy tinh thần “phân gio” và những tiểu xảo kiểu “tam/tứ/... nông” (nông nghiệp, nông thôn, nông dân và nông... cạn) đã được phát huy cao độ trong học thuật và dịch thuật, đặc biệt là trong mấy chục năm qua... (...)
 
25.01.2009
[DỊCH THUẬT] ... Cũng như chữ GREAT, những chữ “Magnifique”, “Große”, “Gran”, “Grande”, và “Μέγας” đều có nghĩa là “tuyệt vời”, “vĩ đại”, “to tát”, “cao quý”... Từ những nghĩa đó biến thành “đại gia” theo nghĩa của Trịnh Lữ thì quả là... ngoài sức tưởng tượng... (...)
 
24.01.2009
[DỊCH THUẬT] ... “Gatsby vĩ đại” ít nhứt là vì tim anh còn chứa đựng một tình yêu chân thật. Tiền bạc không quan trọng đối với anh. Tiền bạc chỉ là phương tiện vật chất có thể đưa anh vào xã hội thượng lưu của Daisy người tình cũ. “Gatsby vĩ đại” nên Nick Carraway, một láng giềng xa lạ, mới muốn xích gần để tìm hiểu con người và quá khứ của anh... (...)
 
23.01.2009
[DỊCH THUẬT] ... Quái đản thật! Lại thêm cái ý tưởng là “người Mỹ từng hình dung về chính F. Scott Fitzgerald và Gatsby” như những “đại gia”! Đã thế, dịch giả Trịnh Lữ và nhà xuất bản Nhã Nam còn dùng cái trò xuyên tạc ý nghĩa này như một phương tiện để “cảnh tỉnh” nhân dân Việt Nam... (...)
 
[DỊCH THUẬT] ... Điều đã khiến tôi sững sờ là cái nhan đề tiếng Việt “Đại gia Gatsby”... Dịch từ “great” thành “đại gia” là hoàn toàn sai bậy, vì nó không cho độc giả thấy ngay mẫu người khác đám đông, vượt trội của Gatsby, chí ít là qua cái nhìn rất “đáng tin cậy” của Nick Carraway, người kể chuyện, cũng như qua nhan đề tiếng Anh, tiếng Pháp... (...)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021