tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Kết luận: The Great Gatsby = Gatsby Tuyệt Vời!  [đối thoại]

 

Thực sự mà nói, không còn gì để nói...
Maiakovsky

 

Ban đầu tôi tưởng cuộc đối thoại về cách dịch nhan đề The Great Gatsby có thể đạt đến kết luận nhanh chóng, vì ý nghĩa của nó quá hiển nhiên đối với những ai từng đọc kỹ tác phẩm. Thế nhưng cuộc đối thoại đã kéo dài ra vì có những ý kiến lệch lạc xuất hiện liên tục, đòi hỏi sự giải thích càng ngày càng đi sâu vào chi tiết của cốt truyện. Tôi đã hẹn sẽ viết thêm một bài để trình bày tiếp về những yếu tố nòng cốt nhằm xác định ý nghĩa của chữ GREAT trong văn cảnh của cuốn The Great Gatsby. Đang kiếm thì giờ để viết, thì bất ngờ tôi thấy bài “Hiểu sao cũng được” của ông Phạm Quang Tuấn xuất hiện. Đó là một bài có rất nhiều sai lệch trong cách dịch và hiểu văn bản. Mà văn bản lại là một bài luận mẫu rất đơn giản và căn bản giúp cho học sinh trung học bàn luận về sự vĩ đại/tuyệt vời của Gatsby qua quan điểm của Nick Carraway (người kể chuyện, xưng “tôi”, thay mặt cho tác giả để kể lại cuộc đời của Gatsby). Vì vậy tôi sẽ dựa trên chính bài luận mẫu ấy để làm một số thao tác nhằm khai triển vấn đề và giải quyết vấn đề luôn một thể.

 

VỀ CHUYỆN DỊCH

Có lẽ vì đã lỡ ủng hộ quá đà cái ý tưởng “great” là “đại gia”, ông Phạm Quang Tuấn khá loay hoay khi dịch 4 chữ “great” trong bài luận mẫu. Bài luận ấy rất ngắn, vậy xin mời độc giả xem lại cho rõ. Ông Phạm Quang Tuấn dịch:

Bàn về con người Gatsby dưới con mắt của Nick suốt trong truyện. Cái gì làm anh “great” ?
 
Theo một nghĩa, tên cuốn truyện có tính châm biếm; vai chính không “great” mà cũng không phải tên là Gatsby. Anh ta là một kẻ tội phạm tên thật là James Gatz, và cuộc sống mà anh tự tạo là một ảo ảnh. Tên cuốn tiểu thuyết nói về cái tài năng dựng kịch (hay đóng kịch) mà Gatsby dùng để làm ảo ảnh có vẻ thật: biệt hiệu “the Great Gatsby” làm liên tưởng đến cái kiểu biệt hiệu vaudeville thường dành cho những nhà biểu diễn nhào lộn, thoát trói hay ảo thuật.
 
Nick mê thích Gatsby và cho rằng anh ta là một người tuyệt vời. Nick thấy tính hy vọng lạ thường của Gatsby và giấc mơ lý tưởng của anh được sống với Daisy trong một thế giới hoàn hảo. Tuy Nick thấy những khuyết điểm của Gatsby khi gặp lần đầu, anh không thể không ngưỡng mộ nụ cười rất tươi của Gatsby, sự lãng mạn lý tưởng hóa Daisy, và sự mong ước tương lai. Gatsby riêng tư đưa tay về phía ánh đèn xanh bên bến phía nhà Daisy dường như thật hơn là Gatsby thiếu tao nhã, ưa giao thiệp, mặc bộ suit hồng đi party và gọi mọi người là “old sport”. Trong các nhân vật trong truyện chỉ có Nick thấy rằng tình yêu của Gatsby với Daisy không phải do phẩm chất của Daisy mà là của Gatsby. Nghĩa là, Daisy là giấc mơ của Gatsby vì trái tim của anh đòi hỏi giấc mơ chứ không phải tại vì Daisy xứng đáng với sự say mê của anh. Hơn nữa, Gatsby làm Nick thán phục với khả năng làm những giấc mơ trở thành sự thật – khi còn bé anh mơ giàu sang, và anh đã thực hiện được, dù bằng phương tiện bất chính. Lớn lên, anh mơ được Daisy, và đã có lúc chiếm được nàng. Trong một thế giới không có trung điểm luân lý, trong đó việc cố gắng thực hiện giấc mơ giống như chèo thuyền ngược dòng, khả năng mơ ước của Gatsby đưa anh lên cao hơn xã hội vô nghĩa và tìm thú vui của New York. Trong con mắt của Nick, khả năng mơ ước của Gatsby làm cho anh “great” dù rằng anh có những khuyết điểm và cuối cùng bị tai họa.

Như thế, ông Phạm Quang Tuấn để nguyên 3 chữ “great”, chỉ dịch 1 chữ thành tuyệt vời. Tôi không hiểu tại sao ông lại làm vậy? Có lẽ ông để dành lại 3 chữ “great” để mong độc giả hiểu rằng 3 chữ ấy có nghĩa là “đại gia” chăng!

Vậy ta hãy thử chuyển 3 chữ “great” ấy thành “đại gia” xem ra sao:

Bàn về con người Gatsby dưới con mắt của Nick suốt trong truyện. Cái gì làm anh thành “đại gia” ?
 
Theo một nghĩa, tên cuốn truyện có tính châm biếm; vai chính không là “đại gia” mà cũng không phải tên là Gatsby...
 
Nick mê thích Gatsby và cho rằng anh ta là một người tuyệt vời... Trong con mắt của Nick, khả năng mơ ước của Gatsby làm cho anh thành “đại gia” dù rằng anh có những khuyết điểm và cuối cùng bị tai họa.
 

Dịch vậy thì rõ là... khùng, vì đầy mâu thuẫn và chẳng còn nghĩa lý gì nữa. Vậy ta thử dịch tất cả 4 chữ “great” thành “đại gia” cho... nhất quán:

Bàn về con người Gatsby dưới con mắt của Nick suốt trong truyện. Cái gì làm anh thành “đại gia” ?
 
Theo một nghĩa, tên cuốn truyện có tính châm biếm; vai chính không là “đại gia” mà cũng không phải tên là Gatsby...
 
Nick mê thích Gatsby và cho rằng anh ta là một “đại gia”... Trong con mắt của Nick, khả năng mơ ước của Gatsby làm cho anh thành “đại gia” dù rằng anh có những khuyết điểm và cuối cùng bị tai họa.

Lại cũng quá ngớ ngẩn. Trước hết, ở trường trung học và trong sách giáo khoa không ai mà ra cái đề luận kỳ cục như vậy vì, trong tiểu thuyết, Nick Carraway chưa bao giờ cho rằng Gatsby là một “đại gia”. Nick luôn luôn nhìn thấy Gatsby là một người tuyệt vời. Vậy ta thử dịch tất cả 4 chữ “great” thành “tuyệt vời” xem sao. Ngoài ra, cụm từ “in one sense” không có nghĩa vụng về là “theo một nghĩa”, mà có nghĩa là “theo một cách hiểu nào đó (trong nhiều cách hiểu)”.

Bàn về con người Gatsby dưới con mắt của Nick suốt trong truyện. Cái gì làm anh ta “tuyệt vời” ?
 
Theo một cách hiểu nào đó, tên cuốn truyện có tính châm biếm; vai chính không “tuyệt vời” mà cũng không phải tên là Gatsby. Anh ta là một kẻ tội phạm tên thật là James Gatz, và cuộc sống mà anh tự tạo là một ảo ảnh. Tên cuốn tiểu thuyết nói về cái tài năng dựng kịch (hay đóng kịch) mà Gatsby dùng để làm ảo ảnh có vẻ thật: biệt hiệu “the Great Gatsby” làm liên tưởng đến cái kiểu biệt hiệu vaudeville thường dành cho những nhà biểu diễn nhào lộn, thoát trói hay ảo thuật.
 
Nick mê thích Gatsby và cho rằng anh ta là một người tuyệt vời. Nick thấy tính hy vọng lạ thường của Gatsby và giấc mơ lý tưởng của anh được sống với Daisy trong một thế giới hoàn hảo. Tuy Nick thấy những khuyết điểm của Gatsby khi gặp lần đầu, anh không thể không ngưỡng mộ nụ cười rất tươi của Gatsby, sự lãng mạn lý tưởng hóa Daisy, và sự mong ước tương lai. Gatsby riêng tư đưa tay về phía ánh đèn xanh bên bến phía nhà Daisy dường như thật hơn là Gatsby thiếu tao nhã, ưa giao thiệp, mặc bộ suit hồng đi party và gọi mọi người là “old sport”. Trong các nhân vật trong truyện chỉ có Nick thấy rằng tình yêu của Gatsby với Daisy không phải do phẩm chất của Daisy mà là của Gatsby. Nghĩa là, Daisy là giấc mơ của Gatsby vì trái tim của anh đòi hỏi giấc mơ chứ không phải tại vì Daisy xứng đáng với sự say mê của anh. Hơn nữa, Gatsby làm Nick thán phục với khả năng làm những giấc mơ trở thành sự thật – khi còn bé anh mơ giàu sang, và anh đã thực hiện được, dù bằng phương tiện bất chính. Lớn lên, anh mơ được Daisy, và đã có lúc chiếm được nàng. Trong một thế giới không có trung điểm luân lý, trong đó việc cố gắng thực hiện giấc mơ giống như chèo thuyền ngược dòng, khả năng mơ ước của Gatsby đưa anh lên cao hơn xã hội vô nghĩa và tìm thú vui của New York. Trong con mắt của Nick, khả năng mơ ước của Gatsby làm cho anh “tuyệt vời” dù rằng anh có những khuyết điểm và cuối cùng bị tai họa.

Hiển nhiên, dịch như trên thì vừa nhất quán, vừa chính xác, không hề tự mâu thuẫn.

 

VỀ CHUYỆN HIỂU

Sau khi dịch lập lờ, ông Phạm Quang Tuấn đã hiểu hoàn toàn sai lệch về bài văn mà ông mang ra làm luận cứ. Trước hết, ông hiểu sai về chức năng của loại bài luận mẫu trong các study guide. Ông nói:

“Vì là study guide, nên nó phải nói đủ khía cạnh, nhưng cũng không nói gì thực sự controversial, để vừa lòng các thầy cô.”

Ông lầm to rồi! Thầy cô dạy văn ở Mỹ chứ đâu phải thầy cô dạy văn ở Việt Nam mà ông nói thế! Nếu ông có điều kiện tìm hiểu, tiếp xúc hay tham gia trong công việc dạy văn bậc trung học tại Mỹ, ông sẽ thấy các thầy cô, và ngay cả Bộ Giáo Dục, không bao giờ chủ trương tránh những ý kiến “controversial” trong việc dạy văn. Ngược lại, họ khuyến khích và đánh giá cao các học sinh có tư duy độc lập và sáng tạo. Trong số những bài luận thi tú tài được trao giải thưởng xuất sắc, ta thấy có rất nhiều bài đã khai triển những quan điểm “controversial” một cách đầy thông minh và sáng tạo. Thậm chí có những bài luận đoạt giải của học sinh đã gây ra tranh cãi trên mặt báo.

Ở Mỹ, những bài luận mẫu trong các study guide chỉ cung cấp những kiến thức căn bản nhất. Nếu học sinh chỉ dựa vào đó, thì khi đi thi tú tài rất khó đạt điểm trung bình, vì đề thi bao giờ cũng đòi hỏi học sinh phân tích và bình luận những khía cạnh tinh tế, phức tạp hơn là những bài luận mẫu trong các study guide. Học sinh phải trực tiếp đọc kỹ và hiểu đúng nội dung các tác phẩm văn học trong phạm vi chương trình, và được thầy cô khuyến khích tra cứu, tham khảo sâu rộng các sách phê bình, các tài liệu mang tính chuyên môn. Nếu vào xem các thư viện của trường trung học, ở phần văn học, ta sẽ thấy có rất nhiều sách phê bình và nghiên cứu văn học do ban tu thư của các trường đại học lớn (Cambridge, Oxford, Yale...) xuất bản. Riêng khi học về tiểu thuyết The Great Gatsby, thì học sinh còn được xem thêm các cuốn phim The Great Gatsby khác nhau, rồi được thầy cô hướng dẫn để so sánh giữa phim và tiểu thuyết, bàn luận, đánh giá...

 

Trở lại với bài luận mẫu mà ông Phạm Quang Tuấn đưa ra làm ví dụ. Đó một bài luận mẫu rất ngắn gọn, do công ty “Sparknotes” biên soạn, có bố cục như sau:

ĐỀ BÀI: Bàn về con người Gatsby dưới con mắt của Nick suốt trong truyện. Cái gì làm Gatsby “tuyệt vời”?

(Đề bài đòi hỏi học sinh bàn về con người Gatsby dưới con mắt của Nick chứ không phải dưới con mắt của ai khác. Vì thế, học sinh phải đưa ra cái đáp án bằng cách trình bày chính xác quan điểm của Nick để cho thấy vì những lý do gì mà Nick xem Gatsby là “vĩ đại/tuyệt vời”.)

PHẦN NHẬP ĐỀ (đoạn 1): “Sparknotes” đưa ra một cách hiểu (trong nhiều cách hiểu) về cái đề sách The Great Gatsby (Gatsby vĩ đại/tuyệt vời). Theo riêng cách hiểu đó, cái đề sách Gatsby vĩ đại/tuyệt vời thì mang vẻ châm biếm, vì Gatsby thì không “vĩ đại/tuyệt vời”, và nhân vật chính tên thật là James Gatz chứ không phải là Gatsby nên cuộc đời của Gatsby chỉ là một ảo ảnh. Theo riêng cách hiểu đó, thì “cái biệt hiệu “the Great Gatsby” làm liên tưởng đến cái kiểu biệt hiệu vaudeville thường dành cho những nhà biểu diễn nhào lộn, thoát trói hay ảo thuật.”

(Đây là một cách hiểu lệch lạc của một số người bị ám ảnh bởi cái biệt hiệu “the Great Gatsby” và không đọc kỹ tác phẩm. Kỳ thực, không hề có cái biệt hiệu “the Great Gatsby” trong toàn văn cuốn tiểu thuyết, ngoại trừ ở nhan đề [sẽ trình bày thêm ở đoạn sau]. Và đó chính là cái lỗi mà nhiều học sinh trung học vấp phải vì... lười đọc. Cách hiểu lệch lạc ấy không phải là cái nhìn của Nick Carraway (như đề bài đòi hỏi), mà chỉ là một (trong những) cái nhìn của kẻ lười đọc.)

PHẦN BÀN LUẬN (đoạn 2): “Sparknotes” trình bày con người Gatsby dưới con mắt của Nick suốt trong truyện. Nick mê thích Gatsby và, dưới con mắt của Nick, Gatsby là một người có tính hy vọng lạ thường; có giấc mơ lý tưởng được sống với Daisy trong một thế giới hoàn hảo; có nụ cười rất tươi; có sự lãng mạn lý tưởng hóa Daisy [dù Daisy hoàn toàn khác với lý tưởng của Gatsby], và sự mong ước tương lai; có một tình yêu vô biên dành cho Daisy dù Daisy hoàn toàn bất xứng; có khả năng làm những giấc mơ trở thành sự thật bằng bất cứ giá nào; và khả năng mơ ước của Gatsby đã đưa anh lên cao hơn xã hội vô nghĩa và tìm thú vui của New York.

(“Sparknotes” đã trình bày quan điểm của chính Nick Carraway (người xưng “tôi”, thay mặt tác giả kể lại toàn bộ câu chuyện về cuộc đời của Gatsby) để cho thấy vì những lý do gì mà Nick xem Gatsby là “vĩ đại/tuyệt vời”. Đây mới chính là đáp án cho cái đề bài.)

KẾT LUẬN: Dưới con mắt của Nick, khả năng mơ ước của Gatsby làm cho anh “tuyệt vời” dù rằng anh có những khuyết điểm và cuối cùng bị tai họa.

 

*

 

Tôi không biết ông Phạm Quang Tuấn đã đọc thế nào mà lại cho phần nhập đề (đoạn 1) và phần bàn luận (đoạn 2) là “hai cách hiểu”, rồi đem ra so sánh “hai cách hiểu” đó theo một lối... dị thường. Ông viết:

Cách hiểu thứ nhất được 87 chữ, còn cách hiểu thứ hai được 250 chữ. Người thích dài dòng sẽ nghĩ rằng điều đó chứng tỏ cách giải thích trước kém chính xác, còn người thích ngắn gọn sẽ nghĩ rằng điều đó chứng tỏ cách giải thích sau không thuyết phục lắm nên phải diễn giải vòng vo. Thôi thì tạm coi là cả hai bên đều đúng.

Không lẽ ông Phạm Quang Tuấn đã quên cách viết và hiểu một bài luận đơn giản đến như thế!? Hay vì ông quá vội vã, đọc không kỹ, nên lầm tưởng rằng cái đề bài yêu cầu Discuss Gatsby's character as YOU perceives him throughout the novel. What makes Gatsby “great”?

 

*

 

Ở trên, tôi có nói phần nhập đề của “Sparknotes” đưa ra một cách hiểu lệch lạc của một số người bị ám ảnh bởi cái biệt hiệu “the Great Gatsby” và lười biếng, không đọc kỹ tác phẩm. Vì vậy, tôi xin giải thích cái lệch lạc ấy để vấn đề được rõ ràng:

 

1. Vai chính không “great” mà cũng không phải tên là Gatsby, anh ta là một kẻ tội phạm tên thật là James Gatz?SAI.

- Vai chính là Gatsby. Jay Gatsby là một cái tên mà James Gatz tự đặt cho mình khi anh ta lên 17 tuổi và quyết định thay đổi cuộc đời để tìm lại người yêu cũ.

- Cuốn The Great Gatsby có 9 chương, và Gatsby là nhân vật chính mà Nick Carraway kể suốt 9 chương ấy. Trong cả cuốn tiểu thuyết, tên Gatsby được sử dụng 263 lần (chương 1: 12 lần, chương 2: 1 lần, chương 3: 28 lần, chương 4: 38 lần, chương 5: 36 lần, chương 6: 37 lần, chương 7: 63 lần, chương 8: 21 lần, chương 9: 27 lần).

- Trong cả cuốn tiểu thuyết, tên James Gatz chỉ được nhắc đến có 5 lần (trong chương 6).

- Anh thanh niên dưới cái tên James Gatz, xuất hiện thoáng qua, không phải là nhân vật chính của tác phẩm. Cũng anh thanh niên ấy nhưng dưới cái tên Jay Gatsby mới là nhân vật chính, là hình ảnh trung tâm của toàn bộ câu chuyện.

- Gọi Gatsby là “một kẻ tội phạm” thì không đúng, vì trong cuốn truyện không có chỗ nào khẳng định Gatsby thực hiện hành động tôi phạm cụ thể nào cả. Toàn là lời đồn đãi suy đoán trong vòng bọn nhà giàu ở West Egg. Chỉ có Tom Buchanan (chồng của Daisy) là kẻ mạnh miệng nói sau lưng Gatsby rằng Gatsby là “Some big bootlegger” (người buôn rượu lậu có tổ chức lớn), nhưng ông chồng ghen tuông này không thể đưa ra một bằng chứng nào cả.

 

2. Tên cuốn tiểu thuyết nói về cái tài năng dựng kịch (hay đóng kịch) mà Gatsby dùng để làm ảo ảnh có vẻ thật: biệt hiệu “the Great Gatsby” làm liên tưởng đến cái kiểu biệt hiệu vaudeville...?SAI.

- Ngoại trừ cái nhan đề, trong toàn bộ câu chuyện không hề có bất cứ một chữ “the Great Gatsby” nào cả.

Gatsby chưa bao giờ tự xưng hay mang biệt hiệu “the Great Gatsby”, và cũng không có bất cứ ai gọi anh ta bằng cái “biệt hiệu” như vậy ở trong truyện.

- Trong truyện, sau khi Gatsby đã chết, cha của Gatsby chính là người đầu tiên gọi Gatsby là great, và Nick Carraway đồng ý. Đây là mẩu đối thoại giữa cha của Gatsby và Nick Carraway (người kể chuyện, xưng “tôi”) lúc hai người đứng bên xác chết của Gatsby:

“... Có phải ông là bạn của con trai tôi, Ông—?”
“Chúng tôi là bạn thân.”
“Nó có một tương lai to lớn trước mặt nó, ông biết đấy. Nó chỉ là một người đàn ông trẻ tuổi, nhưng nó đã có rất nhiều sức mạnh trí óc ở đây.”
Ông sờ vào đầu của ông một cách đầy ấn tượng, và tôi gật đầu.
“Nếu nó còn sống, chắc hẳn nó là một con người vĩ đại (a great man). Một con người như James J. Hill. Ông ấy đã giúp xây dựng đất nước này.”
“Đúng vậy,” tôi nói, một cách xót xa.

- Ở trang sách cuối cùng của cuốn tiểu thuyết, chính Nick Carraway (người kể chuyện), khi đứng bên bờ biển và hồi tưởng về Gatsby, đã nhìn thấy giấc mơ của Gatsby — tự vươn lên để xây dựng đời mình và được một tình yêu hoàn mỹ — nằm trong giấc mơ dài lâu nhất và vĩ đại nhất của mọi giấc mơ của con người. Đoạn này hơi dài và khó dịch cho hay, tôi xin để nguyên văn và tô đậm chỗ cần nhấn mạnh:

Most of the big shore places were closed now and there were hardly any lights except the shadowy, moving glow of a ferryboat across the Sound. And as the moon rose higher the inessential houses began to melt away until gradually I became aware of the old island here that flowered once for Dutch sailors’ eyes—a fresh, green breast of the new world. Its vanished trees, the trees that had made way for Gatsby’s house, had once pandered in whispers to the last and greatest of all human dreams; for a transitory enchanted moment man must have held his breath in the presence of this continent, compelled into an aesthetic contemplation he neither understood nor desired, face to face for the last time in history with something commensurate to his capacity for wonder.

Do đó, nhan đề The Great Gatsby/Gatsby Tuyệt Vời nói lên cảm tưởng và ấn tượng của chính Nick Carraway (người kể chuyện) về con người Gatsby.

 

GATSBY VÀ TRIMALCHIO

Nhân đây, tôi cũng xin nói rõ về việc so sánh giữa Gatsby và Trimalchio:

Trong toàn bộ cuốn tiểu thuyết, tên Trimalchio được nhắc đến chỉ đúng 1 lần, ngay trong câu đầu tiên của chương 7:

It was when curiosity about Gatsby was at its highest that the lights in his house failed to go on one Saturday night—and, as obscurely as it had begun, his career as Trimalchio was over.

Đó là khi dân nhà giàu ở West Egg thắc mắc tại sao vào đêm thứ Bảy mà nhà của Gatsby không đèn đóm rực rỡ như trước nữa. Họ không biết nguyên nhân là vì Gatsby đã gặp lại Daisy và không còn màng đến điều gì khác ngoài tình yêu.

Ngay ở cái đề từ (epigraph) ở đầu sách, trước khi vào truyện, Fitzgerald đã ghi mấy câu thơ:

Then wear the gold hat, if that will move her; If you can bounce high, bounce for her too, Till she cry “Lover, gold-hatted, high-bouncing lover, I must have you!”
Thomas Parke D'Invilliers
[Xin lưu ý: đây là một bút danh của chính Fitzgerald]

Tạm dịch nghĩa:

Rồi đội mão vàng, nếu điều đó sẽ làm nàng rung động; Nếu anh có thể phóng ngược lên cao, thì hãy phóng lên cho nàng nữa, Cho đến khi nàng kêu lên “Người tình ơi, người tình đội mão vàng, phóng lên cao vút ơi, em phải có anh!

Cái đề từ ở đầu cuốn truyện đã tóm lược cái ý chính của cuốn truyện.

Gatsby xuất thân từ gia đình nghèo, quyết tâm làm ra tiền của và dùng tiền của như một phương tiện để tìm gặp lại Daisy, người yêu cũ, một hình ảnh mà anh đã lý tưởng hoá như một người yêu hoàn hảo. Daisy là người của chốn thượng lưu giàu có, vì thế Gatsby tổ chức tiệc lớn vào mỗi đêm thứ Bảy để bọn thượng lưu giàu có kéo đến, và Gatsby hy vọng một ngày nào anh sẽ gặp lại Daisy — cô bé năm xưa mà anh đã hôn và yêu — xuất hiện trong đám đó.

Gatsby không có gì giống với Trimalchio. Anh không cần biết ai là ai trong đám người kéo đến nhà anh. mặc cho họ đồn đại và rủ nhau đến. Anh không màng đến chuyện khoe khoang tiền bạc giàu sang gì cả. Ở chương 3, lần đầu tiên Nick Carraway đến chơi trong một bữa tiệc ở nhà Gatsby, anh đã nhận ra điều đó:

I believe that on the first night I went to Gatsby’s house I was one of the few guests who had actually been invited. People were not invited—they went there. They got into automobiles which bore them out to Long Island, and somehow they ended up at Gatsby’s door. Once there they were introduced by somebody who knew Gatsby, and after that they conducted themselves according to the rules of behavior associated with amusement parks. Sometimes they came and went without having met Gatsby at all, came for the party with a simplicity of heart that was its own ticket of admission.

Thậm chí Gatsby cũng không thèm uống rượu với khách. Anh chỉ ngong ngóng mong đến một ngày Daisy xuất hiện. Gatsby chỉ tỏ ra hào nhoáng trong đêm đầu tiên khi anh vừa gặp lại Daisy, vì anh muốn khoe với Daisy rằng anh không còn là một thanh niên nhà nghèo như ngày xưa nữa. Nhưng anh nhận ra rằng Daisy không vui trong đêm tưng bừng đó. Ngay lập tức, Gatsby chấm dứt tất cả tiệc tùng, chỉ còn nghĩ đến Daisy và thiết tha giành lại tình yêu (vì Daisy đã có chồng).

Để mô tả sự kinh ngạc và tò mò của dân West Egg lần đầu tiên khi họ thấy trong đêm thứ Bảy mà nhà của Gatsby không còn ồn ào rực rỡ, Fitzgerald đã dùng chữ “Trimalchio”, vì ông muốn mô tả cái hình ảnh mà dân West Egg lầm tưởng về bản chất của Gatsby.

 

VỀ NHIỆM VỤ CỦA DỊCH GIẢ

Có lẽ nhiều người ở miền Nam Việt Nam còn nhớ hồi năm 1956 nhà văn Mặc Đỗ đã dịch The Great Gatsby là CON NGƯỜI HÀO HOA. Đó là bản dịch đầu tiên của tiểu thuyết này tại Việt Nam. Từ 1956 đến 1975, bản dịch đó vẫn được nhiều người (trong đó có tôi) say mê, yêu thích. Tôi đã mua được một cuốn tại nhà sách Khai Trí, và sau này tôi còn thấy nhiều cuốn nằm trong những nhà cho thuê sách và trên những sạp bán sách cũ. CON NGƯỜI HÀO HOA. Rất hay. HÀO có nghĩa là “vượt trên người khác”, “rộng rãi, không bủn xỉn chật hẹp”. HOA có nghĩa là “đẹp”, “tốt”. Nhan đề CON NGƯỜI HÀO HOA chứng tỏ cụ Mặc Đỗ đã hiểu cuốn sách một cách đúng đắn. Gatsby đúng là CON NGƯỜI HÀO HOA qua nhãn quan của Nick Carraway (người kể chuyện), và cái nhan đề The Great Gatsby đã đi vào lòng bao nhiêu triệu độc giả (sách) và khán giả (phim) trên thế giới.

Tôi cũng thích dịch là GATSBY, CON NGƯỜI TUYỆT VỜI. Tôi nghĩ nên tránh chữ VĨ ĐẠI, vì chữ ấy đã bị ô nhiễm bởi thói sùng bái lãnh tụ (ở Việt Nam, chỉ có một người được xem là “vĩ đại”!). Ngay ở Mỹ, chữ “great” bây giờ cũng bị ô nhiễm bởi thói xã giao lịch sự, nói quá lên để làm vui người khác (You're great!).

Nhiệm vụ tiên quyết của dịch giả là trung thành với ý tưởng của tác giả. Nếu không trung thành, thì hoá ra là phóng tác, thậm chí xuyên tạc, chứ không phải là dịch (translate, traduire).

Dịch giả không thể “hiểu sao cũng được” theo cách nhìn của mình mà tuỳ tiện dịch The Great Gatsby “Đại gia Gatsby”, “Gatsby con người đáng thương”, “Gatsby con người đáng ghét”, “Gatsby con người si tình”, “Gatsby con người buôn rượu lậu”, “Gatsby con người ảo vọng”... Tệ hại hơn nữa và tự đánh mất nhân cách của mình, nếu dịch giả cố tình dùng cái tên “Đại gia Gatsby” để câu khách vì mục đích thương mại trong lúc thị trường giải trí ở Việt Nam hôm nay đang đua nhau gợi óc tò mò hạ cấp để bán những sản phẩm có nói đến “gái nhảy”, “chân dài", và các “đại gia” ăn chơi trụy lạc.

Thử tưởng tượng nếu có một dịch giả trí thức đạo mạo nào đó dịch nhan đề cuốn Zorba the Greek của Nikos Kazantzakis thành “Zorba, con người thô lỗ” (hay “dâm ô”, “dốt nát”, v.v...) vì dịch giả trí thức đạo mạo ấy không ưa tính cách của Zorba! Thì độc giả sẽ nghĩ sao?

Trong cuộc đối thoại này, tất cả những lối lý luận loanh quanh để bênh vực cho cái nhan đề “Đại gia Gatsby” đều không chịu hiểu một điều đơn giản nhất, căn bản nhất, và cần lưu ý nhất, là sự nhất quán giữa nội dung và nhan đề tác phẩm. Nếu Nick Carraway (người kể chuyện, xưng “tôi”, thay mặt cho tác giả Fitzgerald) đã kể câu chuyện về cuộc đời của nhân vật Gatsby qua một con mắt ngưỡng mộ và xem đó là một con người tuyệt vời, thì Fitzgerald không thể ngớ ngẩn hay điên rồ đến mức đặt ra một cái nhan đề ngược lại, như “Đại gia Gatsby” chẳng hạn, để mỉa mai, châm biếm chính cái nhân vật Gatsby của mình! Nếu Fitzgerald đặt ra cái tên sách “Đại gia Gatsby” thì ông đã ngu xuẩn “tự vả vào mồm” của chính ông. Nếu dịch giả, chỉ vì mục đích thương mại, miễn sao bán chạy bản dịch của mình, mà cố tình gán cho cuốn sách cái tên “Đại gia Gatsby” thì dịch giả đã vô đạo đức đến mức bất chấp tất cả, sẵn sàng liều lĩnh vả vào mồm tác giả.

Trong bài "Đại gia Gatsby” thành “Gatsby Đáng Thương”!, ông Nguyễn Đăng Thường đã nói hoàn toàn đúng, và tôi xin trích lại ở đây một câu của ông, với hy vọng cuộc đối thoại này có thể kết thúc một cách bổ ích:

Nhan đề The Great Gatsby được Fitzgerald đặt ra để phản ảnh cái nhìn ngưỡng mộ của Nick Carraway đối với Jay Gatsby. Khi dịch sang tiếng Việt, thì phải dịch sao cho trung thành với ý định của tác giả. Chứ không phải dịch để thoả mãn một ý đồ nào đó của riêng mình, một thứ cảm tính của riêng mình, bất chấp tác giả, phản bội tác giả.

 

 

--------------

Bài liên hệ:

 
06.02.2009
[DỊCH THUẬT] ... Trong một bản thảo cũ của cuốn tiểu thuyết, có câu sau đây: ‘Jay Gatsby!’ anh kêu lên bằng một giọng sang sảng, ‘Coi kìa great Jay Gatsby! Thiên hạ sẽ nói vậy, đợi mà coi. Ta chỉ mới ba mươi hai tuổi thôi mà.’ Câu này bị xóa đi khỏi bản cuối nhưng hẳn tác giả đã nghĩ đến nó khi đặt tên cho cuốn truyện. Không hiểu Gatsby có ý gì?... (...)
 
05.02.2009
[DỊCH THUẬT] ... Trong cuộc đối thoại này, tất cả những lối lý luận loanh quanh để bênh vực cho cái nhan đề “Đại gia Gatsby” đều không chịu hiểu một điều đơn giản nhất, căn bản nhất, và cần lưu ý nhất, là sự nhất quán giữa nội dung và nhan đề tác phẩm... (...)
 
04.02.2009
[DỊCH THUẬT] ... Nhan đề The Great Gatsby được Fitzgerald đặt ra để phản ảnh cái nhìn ngưỡng mộ của Nick Carraway đối với Jay Gatsby. Khi dịch sang tiếng Việt, thì phải dịch sao cho trung thành với ý định của tác giả. Chứ không phải dịch để thoả mãn một ý đồ nào đó của riêng mình, một thứ cảm tính của riêng mình, bất chấp tác giả, phản bội tác giả... (...)
 
[DỊCH THUẬT] ... Tôi luôn luôn cho rằng dịch thuật là việc làm hết sức chủ quan, hết sức tương đối, đối với một số độc giả, cách dịch này là hay, với người khác các dịch ấy lại là dở, do cách cảm nhận của từng cá nhân là rất... cá nhân. Tuy vậy nói thế không có nghĩa cào bằng tất cả... (...)
 
03.02.2009
[DỊCH THUẬT] ... Riêng tôi, xin phép gọi cái ước mơ của Gatsby là “dễ thương” và “đáng thương” chứ không “tuyệt vời” hay “vĩ đại”, và người dễ/đáng thương không phải là đại gia Gatsby mà là chàng thanh niên James Gatz... (...)
 
02.02.2009
[DỊCH THUẬT] ... So sánh Gatsby với “đại-gia-đô-la-đỏ-nhà-giàu-mới” bóc lột làm giàu trên xương máu dân nghèo trong nước hiện nay là một sự thoá mạ tôi không thể chấp nhận, vì thế mà tôi đã lên tiếng. Với tôi, nếu cần “ngưỡng phục thần thánh hóa” ai thì phải là “những người khốn khổ” trong nước bây giờ... (...)
 
[DỊCH THUẬT] ... Tôi đoán là ông Phạm Quang Tuấn đã ứng dụng những “chiến” thuật cực kỳ “ngoạn mục” này để tranh cãi chơi vui, chứ không có chủ ý gì nghiêm trọng. Vì cãi để tiêu khiển, thì mới vui như vậy, mới “ngoạn mục” như vậy. Chứ tranh luận nghiêm túc mà ứng dụng những “chiến” thuật như vậy thì chẳng có chút xíu nào... tuyệt vời... (...)
 
[DỊCH THUẬT] ... Nếu Trịnh Lữ có đủ thông minh để, qua bản dịch Việt ngữ, diễn tả chính xác diện mạo của nhân vật Gatsby trong nguyên tác, độc giả Việt Nam sẽ nhận ra tính chất mỉa mai (nếu có một sự mỉa mai như thế) trong chữ “great/vĩ đại”... (...)
 
01.02.2009
[DỊCH THUẬT] ... Còn nhiều nghĩa khác (kể cả đẹp, hay, tuyệt vời) nhưng hẳn ai cũng thấy nghĩa này (nghĩa nguyên thủy) tả lối sống xa hoa hào phóng của Gatsby và Trimalchio rất sát. Đúng nghĩa “đại gia”!... (...)
 
31.01.2009
[DỊCH THUẬT] ... Dù muốn hay không, Gatsby là một con người/nhân vật tuyệt vời/vĩ đại, The Great Gatsby là một cuốn tiểu thuyết vĩ đại, Scott Fitzgerald là một nhà văn vĩ đại, của Hoa kỳ và... thế giới... (...)
 
[DỊCH THUẬT] ... Có thể nói là trong cuộc đối thoại về The Great Gatsby có hai quan điểm đối nghịch, tạm gọi là A và B... Ý nghĩ của tôi là: dù là quan điểm A đúng hay quan điểm B đúng, thì dịch The Great Gatsby thành Gatsby vĩ đại cũng không ổn! Nếu A đúng, thì dịch vậy sẽ làm sự châm biếm trở thành sự sùng bái. Còn nếu B đúng thì ngược lại, khi đọc Gatsby vĩ đại người Việt Nam sẽ liên tưởng ngay đến “Bác Hồ vĩ đại” và sẽ “hiểu lầm” là tác giả mỉa mai Gatsby!... (...)
 
30.01.2009
[DỊCH THUẬT] ... Chúng tôi xin khẳng định rằng Tiền Vệ luôn luôn sẵn sàng đón nhận bất kỳ ý kiến phản hồi nào từ dịch giả Trịnh Lữ. Ngoài ra, mọi ý kiến đối thoại trong tinh thần học thuật từ bất kỳ khuynh hướng và quan điểm nào cũng đều được Tiền Vệ đăng tải công khai và kịp thời... (...)
 
[DỊCH THUẬT] ... Ngày hôm nay, thỉnh thoảng khi ta nghe người Việt nói “chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”, thì không chắc gì họ “nói với một thái độ kính cẩn, thậm chí thần thánh hóa”, mà ngược lại, họ có thể nói với ý mỉa mai. Trừ khi được đọc lên trong những bài diễn văn ở các dịp lễ, câu “Bác Hồ vĩ đại” khi được dùng trong những câu chuyện thường đàm của người Việt ở quốc nội cũng như quốc ngoại thì hầu như phần lớn là hàm ý mỉa mai, giễu cợt... (...)
 
[DỊCH THUẬT] ... Từ điển dịch great là vĩ đại là chuyện ai cũng biết. Tuy nhiên, như tôi đã nói, muốn hiểu đúng không phải là chỉ cần tra từ điển mà còn phải hiểu rõ tư duy, văn hóa của người viết. Một chữ có thể có những hàm ý khác nhau tùy theo cách dùng, mà người mới bập bẹ học tiếng nước ngoài không nắm bắt được... (...)
 
29.01.2009
[DỊCH THUẬT] ... Dù không rành tiếng Anh, thiển nghĩ của tôi là từ great đứng trước hay sau đều có chung một nghĩa, là vĩ đại, lớn lao, to tát, tuyệt vời... trừ một, hai trường hợp rất hiếm hoi nhưng phải dựa vào ngữ cảnh, cách phát âm, để trong dấu nháy («...») hay nội dung... (...)
 
28.01.2009
[DỊCH THUẬT] ... Những từ thông dụng lại thường là những từ khó dịch và dễ lầm nhất. Chữ great mà ta hay dịch là vĩ đại thì cũng đúng, nhưng cách dùng chữ great/vĩ đại của người Việt và người Mỹ khác hẳn nhau, vì tư duy của hai dân tộc khác nhau... (...)
 
27.01.2009
[DỊCH THUẬT] ... Trong bài “Về [đại] dịch [ma] thuật” của Phong Vệ, có vài chi tiết hơi thiếu sót hay lệch một chút. Vì thế tôi xin góp ý để bổ khuyết... Đúng ra, chữ “chính” 政 trong “chính trị” 政治 thì viết khác với chữ “chính” 正 trong “chính tà” 正邪... (...)
 
26.01.2009
[DỊCH THUẬT] ... Thực tế dịch thuật ở Việt Nam có nhiều tai nạn và thảm họa... Việt Nam vốn là một nước bán thuộc địa, phần lớn mọi người xuất thân nông dân. Vì vậy tinh thần “phân gio” và những tiểu xảo kiểu “tam/tứ/... nông” (nông nghiệp, nông thôn, nông dân và nông... cạn) đã được phát huy cao độ trong học thuật và dịch thuật, đặc biệt là trong mấy chục năm qua... (...)
 
25.01.2009
[DỊCH THUẬT] ... Cũng như chữ GREAT, những chữ “Magnifique”, “Große”, “Gran”, “Grande”, và “Μέγας” đều có nghĩa là “tuyệt vời”, “vĩ đại”, “to tát”, “cao quý”... Từ những nghĩa đó biến thành “đại gia” theo nghĩa của Trịnh Lữ thì quả là... ngoài sức tưởng tượng... (...)
 
24.01.2009
[DỊCH THUẬT] ... “Gatsby vĩ đại” ít nhứt là vì tim anh còn chứa đựng một tình yêu chân thật. Tiền bạc không quan trọng đối với anh. Tiền bạc chỉ là phương tiện vật chất có thể đưa anh vào xã hội thượng lưu của Daisy người tình cũ. “Gatsby vĩ đại” nên Nick Carraway, một láng giềng xa lạ, mới muốn xích gần để tìm hiểu con người và quá khứ của anh... (...)
 
23.01.2009
[DỊCH THUẬT] ... Quái đản thật! Lại thêm cái ý tưởng là “người Mỹ từng hình dung về chính F. Scott Fitzgerald và Gatsby” như những “đại gia”! Đã thế, dịch giả Trịnh Lữ và nhà xuất bản Nhã Nam còn dùng cái trò xuyên tạc ý nghĩa này như một phương tiện để “cảnh tỉnh” nhân dân Việt Nam... (...)
 
[DỊCH THUẬT] ... Điều đã khiến tôi sững sờ là cái nhan đề tiếng Việt “Đại gia Gatsby”... Dịch từ “great” thành “đại gia” là hoàn toàn sai bậy, vì nó không cho độc giả thấy ngay mẫu người khác đám đông, vượt trội của Gatsby, chí ít là qua cái nhìn rất “đáng tin cậy” của Nick Carraway, người kể chuyện, cũng như qua nhan đề tiếng Anh, tiếng Pháp... (...)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021