tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Không có gì phải ầm ĩ!  [đối thoại]

 

Tình cờ, tôi được tặng cuốn Online... Balô của Nguyễn Đình Chính. Thói thường, thứ gì ầm ĩ, tôi ít quan tâm. Nhưng lần này bạn tặng, nên dành thời gian đọc. Đọc xong, thấy, như mọi lần, như mọi người, hóa ra bản năng mình vẫn là tò mò. Tò mò sinh lắm chuyện!

 

Hậu hiện đại và Hậu... nhảm đại?

Bìa sách được in rõ “tiểu thuyết Hậu hiện đại”. Tôi đồ nó sẽ gây tò mò nơi người đọc, nhất là những người siêng đọc, vốn lâu nay chưa thực rõ khái niệm “Hậu hiện đại” thực chất là gì, ảnh hưởng tới văn học ra sao, đi vào đời sống văn chương Việt Nam thế nào, và nên lấy ai làm tiêu biểu đây? Và một người đọc nếu hiểu “Online... Balô” là tiểu thuyết Hậu hiện đại, sẽ tự dưng rút ra một vài kết luận sau:

- Hậu hiện đại là phiên tiếng Tây ra tiếng ta tùy tiện (kiểu báo cũ ngày xưa) (Pớ ti ka đồ = Petit Cadeau???, Mác Kẹt = Marquez???)

- Hậu hiện đại là (cố tình) viết sai chính tả, nói cách khác, thích viết gì viết nấy? (Zăng, Zê, rủa sả,...)

- Hậu hiện đại là làm tình, và làm bằng nhiều cách = ấu dâm, quần dâm, mộng dâm,... (Tóm lại là dâm mọi lúc mọi nơi)

- Hậu hiện đại là câu cú phải ngắt lung tung. Không quan tâm nó vô nghĩa hay có ý nghĩa. Không quan tâm nó có truyền tải thông điệp gì không. Thích ngắt, cứ ngắt...

 

Nhưng với ai, cứ tưởng Hậu hiện đại là cái gì phải mới, phải khác lạ, thì:

- Ơ, hóa ra Hậu hiện đại vẫn cũ, cũ kinh khủng. Từ cấu trúc truyện, tuyến nhân vật đến đề tài, tình tiết,...

- Hậu hiện đại sáo và sến kinh khủng. Lại một anh nghệ sỹ nửa mùa khao khát thi thoảng... yêu và giải phóng (vài thời khắc nào đó) cho vài em dân tộc, nữ sinh hoàn cảnh nào đó. Lại một anh thương binh thiếu cái ...ấy, khao khát có được tình yêu. Lại những cuộc tình chớp nhoáng miền ngược miền xuôi người già người trẻ. Rồi những cô gái dân tộc đi làm cave, chồng nghiện hút,...

 

Với ai, chẳng thấy Hậu hiện đại là cái gì quan trọng, đọng lại cả cuốn truyện chỉ là cái sự nhảm ba lăng nhăng của một lão nghệ sỹ nửa mùa, đại nhảm. Cũng có phần nào văng mạng như tác giả đã cho biết (mà văng chưa tới nơi). Nhưng, xét về khía cạnh nào đó, sự nhảm ấy, sự cố gắng nhảm ấy, lại càng làm tăng thêm sự bất lực của một lớp người, càng cố tỏ lại hóa ra chỉ là càng cố tưởng (mình còn ngon lắm!). Điều này, không biết có nằm trong ý đồ của tác giả?

Online... Balô được viết xong phần I năm 2007, không biết tác giả đã văng mạng đủ sức ra phần II chưa, chứ tôi e cứ tiếp tục thế này, tác giả phải gồng lắm nữa mới mong có... hậu nhảm đại tiếp!

 

Một vài liên tưởng

Từ trường hợp Online... Balô, người viết có một vài liên tưởng:

Việc không cấp phép tái bản cho Online... Balô là... việc làm thừa. Nội dung của Online...Balô không có gì là quá nếu so với trường hợp những tập truyện, tiểu thuyết,... của các nhà văn Việt Nam cũng như nước ngoài đã được cấp phép xuất bản trước đây. Thậm chí, nó còn... nhạt hơn nhiều. Quyết định này, có chăng, chỉ khiến người đọc nói chung tò mò hơn, vô tình quảng bá và khiến người ta tìm tới tác phẩm này nhiều hơn mà thôi. Văn học có giá trị nội tại của riêng nó, những gì thực chất sẽ được chắt lọc lại. Mọi thứ khác, rồi sẽ đi qua, rất nhanh mà thôi.

Qua đó, cũng thấy rằng, tình trạng xét duyệt nội dung xuất bản ở Việt Nam đang có vấn đề. Có những thứ lẽ ra không bỏ qua được thì bỏ qua, có nhiều thứ chẳng có gì cần mạnh tay thì lại làm hơi quá. Quy trình xét duyệt nội dung xuất bản không biết có vấn đề chỗ nào???

Cùng với những dư luận ầm ào xung quanh các tác phẩm của mình (không phải là tranh luận mang tính học thuật hay nghệ thuật mới hay!), ông Nguyễn Đình Chính, cũng như một số tác giả khác người Việt, hay của Việt Nam trở thành tâm điểm truyền thông của một số trang báo mạng trong và ngoài nước, đặc biệt những trang thông tin của một số hãng tin nước ngoài (phổ biến nhất chắc là BBC Tiếng Việt?). Cá nhân tôi, thấy rằng, tất cả những điều này chỉ phản ánh cái nhìn lãng qua, ơ hờ và mang tính bề nổi của các phương tiện truyền thông. Biết rằng, báo chí cần có thông tin giật gân để lôi kéo người đọc, nhưng nên chăng, đã đến lúc các phóng viên văn hóa, các nhà phê bình nghệ thuật,... cần thực sự thấu hiểu và theo dõi những gì ngòi bút của các vị đang phản ánh. Thay vì nhanh chóng gửi một e-mail, gọi vài cuộc điện thoại để... phỏng vấn (hình thức có tin bài nhanh nhất thì phải?), các vị hãy chăm chú ngồi đọc, tra cứu, đối chiếu, so sánh,... để viết ra một bài phê bình cho ra hồn. Nhiều tòa soạn, theo tôi biết, chưa có phóng viên chuyên trách cho từng mảng riêng như văn học, mỹ thuật, âm nhạc,... nhưng dù sao, nếu đã nghĩ rằng mình có thể viết bài về một vấn đề thuộc một trong những phạm trù trên, thì các vị cũng nên có đôi chút hiểu biết, hoặc cũng có quá trình theo dõi liên tục nhân vật, tác phẩm,... trong mảng đó để có bài viết mang thông tin chính xác hơn, khách quan hơn và... có vẻ có kiến thức hơn cho người đọc.

Chứ đọc hoài những tuyên ngôn, đại ngôn,... của các tác giả lùm xùm, đôi lúc cũng... buồn cười, nhưng nhiều khi cũng mệt mỏi lắm, thưa các nghệ sỹ và các nhà báo!

 

Vài ý kiến nhỏ đóng góp vậy thôi, cũng không có gì phải ầm ỹ lắm!

 

 

--------------

Bài liên hệ:

02.03.2009
[VĂN HỌC] ... Không biết ông Hiến đã tổng hợp bao nhiêu sách vở, bài viết, nghiên cứu, thảo luận... về “hậu hiện đại” để nặn ra một công thức cô đọng đến thế! Theo công thức đó, ta có thể đi ngược thời gian và tìm thấy từ nhiều thế kỷ trước đây đã có vô số tác phẩm mang khí vị hay hơi hướng “hậu hiện đại”... (...)
 
[VĂN HỌC] ... So sánh hai cuộc phỏng vấn, tôi lại càng thấy... ớn tới tận óc, vì càng nói thì nhà văn Nguyễn Đình Chính càng cho thấy ông chỉ nói... bậy... (...)
 
01.03.2009
[VĂN HỌC] ... Về kỹ thuật và hình thức cấu trúc, văn phong của Online... ba lô không tuân thủ theo một khuôn mẫu bất biến. Nó chưa định hình. Nó còn đang ở dạng bào thai. Có thể nó sẽ là một đứa trẻ xinh xắn nhưng cũng có thể là quái thai. Về nội dung, Online... ba lô đang cố gắng dò tìm những đại giá trị mới. Có thể những đại giá trị này không có hoặc có mà chưa có tên gọi. Đó là những yếu tố hậu hiện đại... (...)
 
28.02.2009
[VĂN HỌC] ... Nhơn tiện cũng nói thiệt luôn. Cái trò đưa phong bì để dựng phỏng vấn giả mà làm tiếp thị này thì quá phổ biến ở nước ta. Tự lăng-xê dỏm để tiếp thị. Nhan nhản ca sĩ ra CD, nhà thơ nhà văn ra sách mới, đều chơi cái trò này. Ớn tới tận óc!... (...)
 
27.02.2009
[VĂN HỌC] ... Trời ơi, bác Hiệt dạy em sai rồi! Truyền thống dân tộc “Tôn sư trọng đạo” ngời sáng như thế, sao bác lại xui dại em? Hơn nữa, em lấy tư cách gì mà dám nện? Bản thân em còn chưa rõ “Hậu hiện đại” thế nào, kiến thức em cũng còn “nhếch nhác” lắm, nào dám lên mặt dạy dỗ gì ai, nói gì tới “nện nhừ xương” hả bác?... (...)
 
[VĂN HỌC] ... Thiển nghĩ, nếu tác phẩm của Alessandro Baricco được dịch trên 30 thứ tiếng vì có một giọt cà cuống, tác phẩm của Nguyễn Đình Chính được nữ thi sĩ Phạm Thị Điệp Giang đọc và phê bình trên mục Đối Thoại vì có nửa lọ cà cuống, thì thơ Nở Ngày có “hơi hướng hậu nhảm đại” của bần sĩ chỉ có... xác cà cuống mà thôi... (...)
 
26.02.2009
[VĂN HỌC] ... Cô Giang ơi, ông Nguyễn Đình Chính đã làm đúng phóc theo tinh thần “hậu hiện đại” do ông Hoàng Ngọc Hiến truyền giảng đấy! Ông Chính còn triển khai tối đa cho thật đậm đà chất “hậu hiện đại”... Vậy mà cô Giang lại chê trách ông Chính là “cũ kinh khủng”, “sáo và sến kinh khủng”, “dâm mọi lúc mọi nơi”, thì tội nghiệp cho ông Chính quá đi chứ. Con dại, thì cái mang... (...)
 
24.02.2009
[VĂN HỌC] ... Bìa sách được in rõ “tiểu thuyết Hậu hiện đại”... đọng lại cả cuốn truyện Online... Balô chỉ là cái sự nhảm ba lăng nhăng của một lão nghệ sỹ nửa mùa, đại nhảm. Cũng có phần nào văng mạng như tác giả đã cho biết (mà văng chưa tới nơi). Nhưng, xét về khía cạnh nào đó, sự nhảm ấy, sự cố gắng nhảm ấy, lại càng làm tăng thêm sự bất lực của một lớp người, càng cố tỏ lại hóa ra chỉ là càng cố tưởng (mình còn ngon lắm!)... (...)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021