tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Bình thơ, vẽ bùa và vái cây đa  [đối thoại]

 

Đọc thơ là một cái thú. Đọc những bài bình thơ cũng là một cái thú.

Người bình thơ giỏi là người có tầm cảm thụ cao, có kiến văn quảng bác, và có đủ hay thừa văn tài để diễn tả được những nét tinh tế trong thơ, chứng minh luận điểm của mình và thuyết phục độc giả đồng í với sự đánh giá của mình về những điều hay/dở trong bài thơ. Khi đọc một bài bình rất hay, thì độc giả như được “sáng” con mắt hơn, như được “cởi” tấm lòng.

Chán ngấy là khi đọc những bài bình thơ theo kiểu “vẽ bùa”, trong đó chỉ có những í tưởng lỏng bỏng, mù mờ, những kiến thức lổ đổ, những lối quy nạp hồ đồ, những kiểu tán dương vô căn cứ, rỗng tuếch, không làm sáng tỏ được điều gì đáng thưởng thức nơi bài thơ, mà giống như chỉ dùng bài thơ làm cái cớ để tung ra những câu chữ rổn rảng, múa may, màu mè, khoe mẽ, kiểu thầy pháp khua chiêng, đốt nhang, đọc thần chú, vẽ bùa.

Nhưng chán nhất là đọc nhằm những bài bình thơ theo kiểu mượn thơ để “vái cây đa”. Trước đây, kiểu này rất phổ biến trên báo chí, trong đó tác giả chỉ mới viết được dăm ba câu về nhà thơ, thì đã quay sang ca tụng Bác, ca tụng Đảng. May thay, kiểu này bây giờ không còn thịnh hành nữa. Nhưng thỉnh thoảng vẫn còn những “nhà phê bình” mượn cớ bình thơ người này để ca tụng... người khác, vì muốn mưu cầu một điều gì đó, vì thế bài bình trở thành lãng xẹt, nhảm nhí.

Hôm nay, tình cờ đọc được bài thơ “Gió thổi” của Mai Văn Phấn, tôi rất thích, nhưng lại bị mất hứng vì lời bình của Đỗ Quyên. Lời bình được in ngay bên dưới bài thơ. Vì nó khá ngắn nên tôi xin trích lại nguyên văn:

Mai Văn Phấn vẫn còn nhiều rung động rất hiện thực và hiện sinh của TUỔI YÊU với hình ảnh “Con sâu đo em đu lên người anh”. Tôi tâm đắc câu kết: “nhưng tất cả ngọn cây đều bạt về một phía.” Nhà thơ J. Brodsky là bậc thày của thủ pháp để hình tượng lớn đứng trên vai các hình tượng nhỏ. “Gió thổi” có nhiều hình tượng nhỏ để đỡ một hình tượng lớn là vậy. Đó là một thủ pháp khó của thơ ca Tây phương; tạo nên vẻ đẹp của thơ vừa giản dị, vừa bất ngờ vừa... dân chủ! Khác thơ Đông phương, thường hội tụ vào một hình tượng chính, mang nặng ý đồ tư tưởng, tốn nhiều tu từ... Cái lớn của “hình tượng trung tâm” không phải vì nó lớn thật sự, lớn tuyệt đối mà lớn tương đối, lớn nhờ được nhiều cái nâng nó lên. “Tất cả ngọn cây đều bạt về một phía” đã được tôn lên từ “hôn nhau trong hành lang hẹp”, “Bốn bề nước tràn”, “Con sâu đo em đu lên”, “ong vẫn nhởn nhơ”; “thác đổ đều đều, mưa rơi rất chậm”; v.v... Thủ pháp đó thường làm cho triết lý của thơ ca đến được từ hình ảnh, từ sự mô tả. Thơ Nguyễn Đình Thi chinh phục chúng ta một cách nhẹ và dai dẳng có lẽ cũng nhờ thủ pháp này?

 

Tôi có một số thắc mắc, nêu ngay ra đây, mong ông Đỗ Quyên giải đáp.

 

Đỗ Quyên: Mai Văn Phấn vẫn còn nhiều rung động rất hiện thực và hiện sinh của TUỔI YÊU với hình ảnh “Con sâu đo em đu lên người anh”.

- Xin ông Đỗ Quyên giải thích giùm: cái “rung động rất hiện thực và hiện sinh” là cái gì? Và do đó, ngược lại, thì cái gì là cái rung động không hiện thực và không hiện sinh?

 

Đỗ Quyên: Nhà thơ J. Brodsky là bậc thày của thủ pháp để hình tượng lớn đứng trên vai các hình tượng nhỏ.

- Xin ông Đỗ Quyên đưa ra một số ví dụ cụ thể để giải thích và chứng minh cái “thủ pháp” này, vì tôi thấy vô số bài thơ từ trước đến nay từ Đông sang Tây cũng đều có cả hình tượng lớn và nhỏ, trong đó tất nhiên hình tượng lớn thì quan trọng hơn, nổi bật hơn hình tượng nhỏ, chứ chẳng có gì lạ.

 

Đỗ Quyên: Đó là một thủ pháp khó của thơ ca Tây phương; tạo nên vẻ đẹp của thơ vừa giản dị, vừa bất ngờ vừa... dân chủ! Khác thơ Đông phương, thường hội tụ vào một hình tượng chính, mang nặng ý đồ tư tưởng, tốn nhiều tu từ...

- Xin ông Đỗ Quyên cảm phiền chứng minh cho độc giả thấy thơ của Brodsky (một nhà thơ của phương Tây) thì “vừa giản dị, vừa bất ngờ vừa... dân chủ” hơn là thơ của Bashô (một nhà thơ rất tiêu biểu của phương Đông). Đồng thời, để làm tăng sức thuyết phục của luận điểm của ông, ông cũng nên chứng minh cho độc giả thấy thơ của Bashô thì “mang nặng ý đồ tư tưởng, tốn nhiều tu từ” ở chỗ nào.

 

Đỗ Quyên viết câu kết của bài bình thơ Mai Văn Phấn như sau: Thơ Nguyễn Đình Thi chinh phục chúng ta một cách nhẹ và dai dẳng có lẽ cũng nhờ thủ pháp này.

- Xin ông Đỗ Quyên cho biết “chúng ta” ở đây là ai, và bị “chinh phục một cách nhẹ và dai dẳng” bởi những bài thơ nào của Nguyễn Đình Thi.

 

Ở đây tôi cũng xin nói thêm là cái việc ông Đỗ Quyên đem thơ Nguyễn Đình Thi ra để tán dương ngay trong câu kết của lời bình về thơ Mai Văn Phấn thì hơi... kì cục. Tất nhiên ông Đỗ Quyên có quyền nhắc đến thơ Nguyễn Đình Thi hay bất kì thơ ai khác. Nhưng câu kết của bài bình về thơ Mai Văn Phấn thì phải là một câu về thơ Mai Văn Phấn, chứ sao lại là một câu tán dương thơ Nguyễn Đình Thi?

Đọc câu kết này, độc giả có thể nghĩ ông Đỗ Quyên muốn nói Mai Văn Phấn làm thơ như thế thì không có gì mới mẻ hay ho cả, vì Nguyễn Đình Thi đã làm như thế từ khuya rồi và làm thành công đến mức bây giờ “chúng ta” vẫn còn bị “chinh phục một cách nhẹ và dai dẳng” bởi thơ của Nguyễn Đình Thi.

Còn nếu quả thật ông Đỗ Quyên không có í chê thơ Mai Văn Phấn, thì việc đem thơ Nguyễn Đình Thi ra để tán dương ngay trong câu kết của lời bình về thơ Mai Văn Phấn lại là việc nhảm nhí, lãng xẹt, giống như mượn cớ bình thơ Mai Văn Phấn để “vái cây đa” vậy.

 

Liège, 11/3/2009

 

--------------

Những bài đối thoại khác về các vấn đề văn học:

11.03.2009
[VĂN HỌC] ... Tình yêu và tình dục như hoà quyện lại với nhau, thành một. Người ta không yêu nhau như thần linh yêu nhau, ở đó, chỉ có tình cảm tinh ròng, thuần tuý, trừu tượng và mơ hồ. Ngược lại, người ta yêu nhau bằng tất cả thân thể của mình. Yêu với trái tim, với đầu óc, với môi, lưỡi, răng, với bộ phận sinh dục, với da, thịt, với toàn bộ con người của mình... (...)
 
07.03.2009
[VĂN HỌC] ... Cái nỗ lực “hiện đại” hoá thẩm mĩ thơ Tượng Trưng (như cái nỗ lực của ông Hoàng Ngọc Hiến), níu nó về thế kỉ 21 (để chê trách thơ của các thi sĩ trẻ hôm nay là “mơ hồ nhưng chưa chính xác” và “chính xác nhưng lại chẳng mơ hồ” [sic], và để dạy cho họ làm thứ thơ “phải có tính nhạc hiện đại” “kết hợp giữa cái mơ hồ và cái chính xác” [sic]) là một nỗ lực vô hiệu. Thậm chí vô nghĩa... (...)
 
06.03.2009
[VĂN HỌC] ... Ông Hiến thường có lối lý luận vơ đũa cả nắm, thích rút gọn mọi chi tiết phức tạp thành một vài câu phán đơn giản, ra vẻ là đã nắm được cái chìa khóa độc đáo, duy nhất của vấn đề. Nhưng kỳ thực những câu phán đơn giản ấy của ông Hiến lại chứa đầy những điểm tự mâu thuẫn hay lệch lạc một cách rất căn bản về phương pháp luận... (...)
 
02.03.2009
[VĂN HỌC] ... Không biết ông Hiến đã tổng hợp bao nhiêu sách vở, bài viết, nghiên cứu, thảo luận... về “hậu hiện đại” để nặn ra một công thức cô đọng đến thế! Theo công thức đó, ta có thể đi ngược thời gian và tìm thấy từ nhiều thế kỷ trước đây đã có vô số tác phẩm mang khí vị hay hơi hướng “hậu hiện đại”... (...)
 
[VĂN HỌC] ... So sánh hai cuộc phỏng vấn, tôi lại càng thấy... ớn tới tận óc, vì càng nói thì nhà văn Nguyễn Đình Chính càng cho thấy ông chỉ nói... bậy... (...)
 
01.03.2009
[VĂN HỌC] ... Về kỹ thuật và hình thức cấu trúc, văn phong của Online... ba lô không tuân thủ theo một khuôn mẫu bất biến. Nó chưa định hình. Nó còn đang ở dạng bào thai. Có thể nó sẽ là một đứa trẻ xinh xắn nhưng cũng có thể là quái thai. Về nội dung, Online... ba lô đang cố gắng dò tìm những đại giá trị mới. Có thể những đại giá trị này không có hoặc có mà chưa có tên gọi. Đó là những yếu tố hậu hiện đại... (...)
 
28.02.2009
[VĂN HỌC] ... Nhơn tiện cũng nói thiệt luôn. Cái trò đưa phong bì để dựng phỏng vấn giả mà làm tiếp thị này thì quá phổ biến ở nước ta. Tự lăng-xê dỏm để tiếp thị. Nhan nhản ca sĩ ra CD, nhà thơ nhà văn ra sách mới, đều chơi cái trò này. Ớn tới tận óc!... (...)
 
27.02.2009
[VĂN HỌC] ... Trời ơi, bác Hiệt dạy em sai rồi! Truyền thống dân tộc “Tôn sư trọng đạo” ngời sáng như thế, sao bác lại xui dại em? Hơn nữa, em lấy tư cách gì mà dám nện? Bản thân em còn chưa rõ “Hậu hiện đại” thế nào, kiến thức em cũng còn “nhếch nhác” lắm, nào dám lên mặt dạy dỗ gì ai, nói gì tới “nện nhừ xương” hả bác?... (...)
 
[VĂN HỌC] ... Thiển nghĩ, nếu tác phẩm của Alessandro Baricco được dịch trên 30 thứ tiếng vì có một giọt cà cuống, tác phẩm của Nguyễn Đình Chính được nữ thi sĩ Phạm Thị Điệp Giang đọc và phê bình trên mục Đối Thoại vì có nửa lọ cà cuống, thì thơ Nở Ngày có “hơi hướng hậu nhảm đại” của bần sĩ chỉ có... xác cà cuống mà thôi... (...)
 
26.02.2009
[VĂN HỌC] ... Cô Giang ơi, ông Nguyễn Đình Chính đã làm đúng phóc theo tinh thần “hậu hiện đại” do ông Hoàng Ngọc Hiến truyền giảng đấy! Ông Chính còn triển khai tối đa cho thật đậm đà chất “hậu hiện đại”... Vậy mà cô Giang lại chê trách ông Chính là “cũ kinh khủng”, “sáo và sến kinh khủng”, “dâm mọi lúc mọi nơi”, thì tội nghiệp cho ông Chính quá đi chứ. Con dại, thì cái mang... (...)
 
24.02.2009
[VĂN HỌC] ... Bìa sách được in rõ “tiểu thuyết Hậu hiện đại”... đọng lại cả cuốn truyện Online... Balô chỉ là cái sự nhảm ba lăng nhăng của một lão nghệ sỹ nửa mùa, đại nhảm. Cũng có phần nào văng mạng như tác giả đã cho biết (mà văng chưa tới nơi). Nhưng, xét về khía cạnh nào đó, sự nhảm ấy, sự cố gắng nhảm ấy, lại càng làm tăng thêm sự bất lực của một lớp người, càng cố tỏ lại hóa ra chỉ là càng cố tưởng (mình còn ngon lắm!)... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021