tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Về yêu xứ Quảng! Nhưng “Quảng” nào? Và...  [đối thoại]

 

GIỌNG QUẢNG?

Trần Vũ “về yêu xứ Quảng”. Ý anh muốn nói Quảng Nam, nhưng anh đã nhầm với một “Quảng” nào khác!

Anh viết:

U tôi là người Quảng Nam. U phát âm nặng trịch nhưng tôi lại thấy nhẹ. U chẳng bao giờ phát âm được dấu sắc, dấu ngã, u bỏ dấu nặng tất. Tôi không hiểu vì sao u không phát âm được dấu sắc, mà tôi thích vậy, thích giọng trầm la đà trên mặt đất của u.

Tôi không thể tưởng tượng được rằng bà u của anh nói giọng Quảng Nam, vì giọng Quảng Nam vẫn phát âm được dấu sắc và dấu ngã một cách chính xác.

Chỉ có người Quảng Trị, Quảng Bình, mới phát âm các dấu ấy với âm thấp xuống, GẦN GIỐNG như dấu nặng. Nói chung, giọng Quảng Trị, Quảng Bình phát âm tương tự như giọng Huế, nhưng nặng hơn. Tuy nhiên, ngay cả Huế, Quảng Trị và Quảng Bình đều không hề “bỏ dấu nặng tất” như Trần Vũ tưởng tượng.

Người Huế, Quảng Bình và Quảng Trị phát âm nhiều chữ mang dấu sắc nghe GẦN GIỐNG như dấu nặng, chứ KHÔNG GIỐNG HỆT như dấu nặng, NHƯNG có những âm họ vẫn phát ra đúng với dấu sắc như: ắc, ắt, ấc, ất, uất, ích, ức, ứt. Ví dụ, nếu họ phát âm hai chữ “nhất nhật”, thì họ vẫn nói đúng là “nhất nhật”, chứ họ không hề nói là “nhật nhật.”

Người Huế, Quảng Bình và Quảng Trị vẫn phát âm được dấu ngã, tuy với âm thấp hơn so với dấu ngã ở miền Bắc và miền Nam. Ví dụ, nếu họ phát âm chữ “lãng mạn”, ta vẫn nghe ra hai âm ngã và nặng khác nhau, chứ họ không phát âm là “lạng mạn”.

Chỉ có cái lỗ tai nghe hời hợt thì mới cho rằng người Huế, Quảng Trị và Quảng Bình “bỏ dấu nặng tất” cho những chữ mang dấu sắc và dấu ngã.

Còn người Quảng Nam thì tuyệt đối không hề phát âm dấu sắc và dấu ngã thành ra dấu nặng như Trần Vũ nói. Cái cảm giác của Trần Vũ về giọng Quảng Nam chẳng qua chỉ là một ảo giác!

Nếu bà u của Trần Vũ “chẳng bao giờ phát âm được dấu sắc, dấu ngã, u bỏ dấu nặng tất”, và anh “không hiểu vì sao u không phát âm được dấu sắc”, thì rõ ràng là bà u của Trần Vũ thuộc về một “Quảng” nào khác, chứ hoàn toàn không phải Quảng Nam. Vì vậy, Trần Vũ đem so sánh giọng “Quảng” nào đó của bà u với giọng Quảng Nam của Nguyễn Hưng Quốc thì hoàn toàn không thích hợp, giống như đem cam mà so với táo vậy.

Đặc điểm của giọng Quảng Nam không ở sự cao thấp của âm thanh, mà ở lối phát âm các nguyên âm. Ví dụ: Chữ “ai”, nói gần giống như “ưa”. Chữ “ăn”, nói gần giống như “eeng”. Chữ “àm”, nói gần giống như “ồm”. Chữ “ác”, nói gần giống như “oác”, vân vân.

Vậy nên, Nguyễn Hưng Quốc nói: “Boác có mua gộ không, boác?” (thay vì: “Bác có mua gạo không, bác?”). Các chữ “bác” và “có” thì hoàn toàn nói đúng dấu sắc (“boác”“có”), chứ không biến thành “bạc”“cọ”.

Trần Vũ viết:

Ba miền Nam, Trung, Bắc, khác nhau tách bạch. Nếu giọng nói của người Nam là nước đường thắng, của người Bắc là bát bún riêu nhiều khế tươi, thì giọng nói của người Trung là món mắm còng mặn tím môi, mà ăn với trái vả xanh lại ngon vô cùng.

Và:

Mỗi lần ra miền Trung, tôi đều say mê giọng nói của người Trung...

Chỉ những người Trung nhẹ dạ mới khoái khi nghe Trần Vũ tán như vậy. Là người miền Trung, tôi xin nhắc Trần Vũ rằng người miền Trung có nhiều giọng nói HOÀN TOÀN khác nhau. Ở miền Trung, ít nhất có 3 giọng HOÀN TOÀN khác nhau: giọng Bình Định, giọng Quảng Nam, và giọng Huế. Khác nhau đến độ rất nhiều người Bình Định không thể hiểu giọng Huế. Rất nhiều người Huế không thể hiểu giọng Quảng Nam. Vân vân...

Tương tự với giọng Bình Định thì có giọng Phú Yên. Tương tự với giọng Quảng Nam thì có giọng Quảng Ngãi. Tương tự với giọng Huế thì có giọng Quảng Bình và Quảng Trị.

Vì vậy, xin chớ nhầm lẫn các giọng “Quảng” và không nên cho rằng có một “giọng nói của người Trung”.

 

BIA SÔNG HÀN?

Trần Vũ tán:

Dạo đó nhà phê bình chưa “hậu hiện đại”, mà tôi thích vậy, thích anh thuần Việt, thuần chất bia sông Hàn. Ai đã uống bia sông Hàn, vẽ hình con cọp vằn, nhận ra tức khắc bia sông Hàn ngon hơn bia Sàigòn. Vì đậm. Vì mạnh. Còn bia Foster Úc lại nhẹ. Ít vị.

Lời tán này có nhiều chỗ... nhảm:

1. “Hậu hiện đại” thì chẳng có gì mà không “thuần Việt”, vì “hậu hiện đại” có thể dung hợp thoải mái với địa phương tính.

2. “Thuần Việt”? Thôi thì tạm cho rằng có cái gọi là “thuần Việt”, nhưng “thuần Việt” thì chưa hẳn phải là “thuần chất bia sông Hàn”, vì bia Sông Hàn vẫn là BIÈRE/BEER, một thức uống của Tây, dù nó được sản xuất ở Đà Nẵng. Vả lại, bia Sông Hàn chẳng có truyền thống gì cho xa xưa cả. Nó chỉ mới xuất hiện trên thị trường từ năm 1990. Đến năm 2002 thì hãng bia Sông Hàn đã bị công ty bia Foster’s của Úc mua đứt!

3. Bia này ngon hơn bia kia là tuỳ khẩu vị. Nếu nói bia này “tức khắc” ngon hơn bia kia chỉ “vì đậm”, “vì mạnh”, thì chỉ nói liều cho sướng miệng, chứ chưa phải là cách nói của người sành uống bia.

4. Bia Sông Hàn không thể gọi là “đậm” hay “mạnh”, vì lượng cồn của nó chỉ có 3.8%. Ngược lại, bia Foster’s của Úc không thể gọi là “nhẹ”, vì hãng Foster’s sản xuất rất nhiều loại bia, trong đó bia Foster’s Lager có lượng cồn là 4.9%.

 

RƯỢU BẦU ĐÁ?

Trần Vũ viết “Về yêu xứ Quảng”, nhưng lại kết thúc bằng rượu Bầu Đá, thì cũng quá là... trật lất, vì rượu Bầu Đá không dính líu gì đến xứ Quảng, bất kỳ Quảng nào!

Rượu Bầu Đá (còn gọi là rượu Bàu Đá) là một loại rượu đế đặc sản nổi tiếng của tỉnh Bình Định, có nồng độ rất cao, hơn 50 độ. Người ta gọi nó bằng cái tên đó vì từ nguyên thuỷ nó được nấu ở làng Bàu Đá, xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Dân Bình Định nói rằng rượu Bàu Đá đựng trong hũ Gò Sành (cũng là một địa danh ở Bình Định) đến một trăm ngày rồi đem ra uống thì mới đúng cách. Vì vậy nên có thơ (chưa chắc tôi nhớ đúng) rằng:

Rượu Bàu Đá, hũ Gò Sành,

Thì lai rai mãi, chớ sao đành bỏ đi...

 

VIẾT PHẢI CAY? CAY PHẢI LAN TỎA? PHẢI LÀM GHIỀN?

Nguyễn Hưng Quốc, người Quảng Nam, là một nhà phê bình văn học, bây giờ bắt đầu làm cái việc tay trái là viết blog. Trần Vũ, sau khi tán sai về giọng Quảng, tán nhảm về bia Sông Hàn, tán trật về rượu Bầu Đá, thì kết thúc bằng câu nhắn nhủ:

Viết blog, cũng giống chế rượu Bầu Đá, cái cay phải lan tỏa. Phải làm ghiền.

Nhắn nhủ như vậy thì cũng thiệt là... rởm.

Nguyễn Hưng Quốc là dân Quảng Nam, có lẽ chẳng bao giờ biết rượu Bầu Đá là cái quái gì, mà bây giờ viết blog phải cay, “cái cay phải lan toả”, “phải làm ghiền” như rượu Bầu Đá, thì phải viết làm sao!

Nhắn nhủ như vậy, nhưng chính Trần Vũ lại viết: “...tiếc là nhà phê bình không tập uống rượu...” Đã tiếc rằng Nguyễn Hưng Quốc “không tập uống rượu”, mà lại khuyên ông viết blog giống như chế rượu Bầu Đá, thứ rượu “mạnh đến vỡ tim”? Buồn cười quá.

Nói thật, đọc bài viết của Trần Vũ, tôi thấy giống như anh kiếm cớ để khoe cái phong độ lịch lãm sành điệu của kẻ từng trải qua... bốn vùng chiến thuật. Tiếc rằng cái giọng văn ra vẻ trịch thượng một cách tự nhiên của một kẻ lõi đời lại bị những cái sai, cái nhảm, cái rởm làm hỏng bét. Nó chẳng cay, chẳng lan tỏa, chẳng làm ghiền chút nào cả. Nó chỉ gây buồn cười. Và chán ngấy, như ngồi cạnh một bàn nhậu, nghe mấy anh chàng tán nhảm ba hoa thiên địa quanh một chai cuốc lủi.

 

 

--------------

Bài liên hệ:

14.07.2009
[VĂN HỌC] ... Mỗi lần ra miền Trung, tôi đều say mê giọng nói của người Trung, đặc biệt từ Quy Nhơn đến Đông Hà. Nghe giọng nói của họ, tôi thấy đặc chất Việt, đậm đà trong hơi thở, đặc sệt âm Việt, tính Việt, đến kẹo lại như món mắm xưa. Nếu giọng Huế thanh, trong như bát chè mạn và ngọt như bát chè sen, thì giọng Quảng nghe mới thật đã. Những Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi... (...)
 
13.07.2009
[VĂN HỌC] ... Nhiều người tiên đoán chính các blog sẽ là tên sát thủ của tất cả các tờ báo. Không phải ai cũng đồng ý. Nhưng có một sự thật: gần đây, số lượng các tờ báo phải bị đóng cửa hoặc đang sống ngắc ngoải khá nhiều. Kẻ thù chính là internet. Trong internet, kẻ thù chính là các blog... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021