tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Không cần biết đúng hay sai, mà vẫn thật hay, vẫn thành công?  [đối thoại]

 

Ðọc bài của độc giả Trần Nguyễn, tôi thấy có nhiều chỗ rất là lúng túng. Khen bài “Về yêu xứ Quảng” của nhà văn Trần Vũ là một bài “thật hay” và “thành công”, độc giả Trần Nguyễn lại đưa ra những luận điểm không có sức thuyết phục chút nào cả.

- Luận điểm đầu tiên:

Ðây là một bài viết nói lên tình cảm của nhà văn đối với Miền Trung nói chung chứ không phải một xứ Quảng riêng biệt nào cả... Quê hương xứ Quảng của nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc chỉ là cái cớ để tác giả mượn, nhằm nói lên nội dung mà mình muốn diễn tả.

Lạ quá! Nếu muốn biểu lộ tình cảm đối với “Miền Trung nói chung” thì tại sao Trần Vũ lại ghi cái đầu đề to tướng là “Về yêu xứ Quảng”, mà lại không ghi cái đầu đề là “Về yêu miền Trung” cho đúng đắn? Đầu đề một nơi, nội dung một ngả, hóa ra là viết lạc đề hay sao?

- Luận điểm thứ nhì:

Bài viết thể hiện tính chủ quan đầy cảm xúc của tác giả, chính đây là nét riêng của mỗi nhà văn, cách cảm của mỗi người về một vùng đất, từ giọng nói, đến tính cách, đến phong vị ẩm thực.

O hay, “Về yêu xứ Quảng” thì hiển nhiên “vùng đất” tác giả nói tới là “xứ Quảng” chứ còn “vùng đất” nào vô đây? Nói về xứ Quảng nhưng sao cái “cách cảm” của tác giả về “giọng nói” của “vùng đất” này lại “biểu hiện tính chủ quan đầy cảm xúc” một cách lạ lùng tới mức tác giả mô tả một loại “giọng nói” không giống chút nào với giọng xứ Quảng? (Điều này ông Võ Văn Nam đã có phân tích trong bài Về yêu xứ Quảng! Nhưng “Quảng” nào?)

Còn nếu ráng cho rằng “vùng đất” mà tác giả nói là gồm cả miền Trung thì cũng tức cười quá, vì cái giọng nói mà tác giả đem ra mô tả đó vẫn là một thứ giọng nói lạ lùng không giống giọng nào ở miền Trung cả! Ừ thì nhà văn “thể hiện tính chủ quan đầy cảm xúc” để tạo “nét riêng”. Nhưng “chủ quan đầy cảm xúc” đâu có nghĩa là nói bừa, bất kể đúng sai! Nói chuyện con cuốc để bày tỏ cảm xúc về con gà mà được xem là một “nét riêng” ư?

- Luận điểm thứ ba:

Người đọc không cần biết đúng hay sai, chỉ thấy bài viết lôi cuốn, hấp dẫn người đọc từ ngôn ngữ đến hình ảnh là thành công.

Vui quá! “Người đọc không cần biết đúng hay sai”! Nghĩa là mặc kệ tác giả muốn trông gà hóa cuốc, muốn lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia, muốn vu khoát đến thế nào cũng được hay sao? Thử tưởng tượng trong một bài bình thơ Nguyễn Bính mà tác giả cứ vác những câu thơ Hàn Mặc Tử ra khen, thậm chí bịa ra những câu thơ đâu đâu để tán phét, “không cần biết đúng hay sai”, mà bài bình ấy vẫn được khen là “rất hay”, là “thành công” chỉ vì nó “lôi cuốn, hấp dẫn người đọc từ ngôn ngữ đến hình ảnh”?

Vừa rồi, cuộc thi văn tuyển sinh đại học khối C năm 2009 đem một câu văn của “tổng thống Lincoln” ra mà bắt học sinh bình luận. Hàng trăm ngàn học sinh lên gân ca tụng ý tưởng đẹp đẽ của “tổng thống Lincoln”. Rốt cuộc té ra đó lại là một câu của nhà văn Dan Valentine! Chuyện này có khác chi cái chuyện nhà văn Trần Vũ lên gân bày tỏ cảm xúc cuồn cuộn dạt dào với “giọng Quảng Nam”, mà rốt cuộc té ra đó lại là một thứ giọng nào khác?

Vậy mà vẫn cho là “thật hay”, là “thành công”, “không cần biết đúng hay sai”. Lạ quá.

 

 

--------------

Bài liên hệ:

16.07.2009
[VĂN HỌC] ... Bài viết thể hiện tính chủ quan đầy cảm xúc của tác giả, chính đây là nét riêng của mỗi nhà văn, cách cảm của mỗi người về một vùng đất, từ giọng nói, đến tính cách, đến phong vị ẩm thực. Người đọc không cần biết đúng hay sai, chỉ thấy bài viết lôi cuốn, hấp dẫn người đọc từ ngôn ngữ đến hình ảnh là thành công... (...)
 
15.07.2009
[VĂN HỌC] ... Trần Vũ, sau khi tán sai về giọng Quảng, tán nhảm về bia Sông Hàn, tán trật về rượu Bầu Đá, thì kết thúc bằng câu nhắn nhủ: “Viết blog, cũng giống chế rượu Bầu Đá, cái cay phải lan tỏa. Phải làm ghiền.” Nhắn nhủ như vậy thì cũng thiệt là... rởm... (...)
 
14.07.2009
[VĂN HỌC] ... Mỗi lần ra miền Trung, tôi đều say mê giọng nói của người Trung, đặc biệt từ Quy Nhơn đến Đông Hà. Nghe giọng nói của họ, tôi thấy đặc chất Việt, đậm đà trong hơi thở, đặc sệt âm Việt, tính Việt, đến kẹo lại như món mắm xưa. Nếu giọng Huế thanh, trong như bát chè mạn và ngọt như bát chè sen, thì giọng Quảng nghe mới thật đã. Những Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi... (...)
 
13.07.2009
[VĂN HỌC] ... Nhiều người tiên đoán chính các blog sẽ là tên sát thủ của tất cả các tờ báo. Không phải ai cũng đồng ý. Nhưng có một sự thật: gần đây, số lượng các tờ báo phải bị đóng cửa hoặc đang sống ngắc ngoải khá nhiều. Kẻ thù chính là internet. Trong internet, kẻ thù chính là các blog... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021