tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Đừng yêu xứ Quảng!  [đối thoại]

 

Tôi không thấy bất ngờ khi bài viết của nhà văn Trần Vũ, nhan đề “Về yêu xứ Quảng”, đã nhận được khá nhiều phản hồi tranh luận. Tuy nhiên, có hai lý do để tôi viết bài này. Bài viết của anh đã gợi hứng cho tôi rất nhiều về tình yêu và cách yêu với dải đất quê hương miền Trung, và có hay không nên nhầm lẫn giữa các thể loại văn học.

Tôi có cảm giác các phản hồi bài “Về yêu xứ Quảng” đã kết luận Trần Vũ không hiểu gì về dư địa chí của Quảng (chừng mực nào đó thể hiện trong bài là Quảng Nam) cả. Điều đó thì… hoàn toàn đúng (!?). Chẳng có gì phải bàn cãi. Chỉ cần đọc cái tít “Về” và “Yêu” và “Xứ Quảng”. Có cái tật lạ! Mấy ông người Quảng nghe nhắc đến chữ Quảng là cứ đinh ninh “ta đúng” là Quảng Nam (hay Quảng Nôm). Tôi là gốc dân Quảng Bình, sinh tại Đà Nẵng vậy tôi có phải là dân Quảng Nôm không? Tôi vẫn không chịu cách nghĩ cứ xứ Quảng phải là Quảng Nôm. Bởi nếu thế còn Quảng Trị, Quảng Ngãi? Nếu vậy tại sao một thời về hành chính đã có Quảng Nam - Đà Nẵng? Hay trước đó là Quảng - Đà? Ôi thôi thôi, cãi nhau về chuyện này thì chỉ có rối tinh rối mù. Mà tôi cá là không ai chịu ai cả. Chỉ một ông có thể bình luận được là nhà Quảng Nam học Nguyễn Văn Xuân. Nhưng ông Xuân thì cũng đã mất. Có lẽ vì vậy, các sách dư địa chí vẫn luôn cần thiết (!).

Vì lẽ đó, tôi tâm đắc với anh Vũ là có một vùng Quảng trong không gian tâm hồn và văn học. Tôi không hiểu nhiều nhưng tôi yêu thì có sao? Đôi khi vì quá hiểu rồi thì lại không yêu nữa (!?). Cuộc đời nó thế! Như mấy tranh luận đúng sai “tè lè” về cái Quảng vừa qua tôi thấy tẻ ngắt, sượng trân chẳng còn gì thơ mộng. Cứ bắt bẻ như chỉ thị và giáo huấn vậy. Xin nhắc lại: bài viết đâu có ý khảo cứu hay dư địa chí. Hơn nữa, hình như xuất phát từ chuyện anh Nguyễn Hưng Quốc, từ “nhà phê bình chuyển sang nhà blogger”. Từ blogger so với phê bình có khoảng cách như thế nào thì một Trần Vũ nhà văn với một Trần Vũ blogger cũng như vậy. Nếu ai đó bắt bẻ Trần Vũ viết ẩu, viết không chính xác thì nên đọc văn và các khảo cứu, nghiên cứu của anh. Tôi cho rằng, dù không muốn, nhưng Trần Vũ đã có những biên khảo công phu, đảm bảo tính nghiêm nhặt của khoa học. Xin đọc chuỗi bài viết về Điện Biên Phủ của anh để hiểu anh là người làm việc nghiêm túc như thế nào khi xử lý các dữ liệu.

Cũng sẽ là rất khó khăn cho anh Nguyễn Hưng Quốc nếu giữ chuyên mục blogger với gương mặt khó đăm đăm, doạ “ăn thịt trẻ con” của các nhà phê bình. Bởi blog chỉ là nơi xuất phát điểm của một ý tưởng. Từ đây có thể tập hợp, xâu chuỗi thành các vấn đề. Rồi mới “lý thuyết soi rọi”, “vấn đề quy chiếu” khai mở trong một bài viết. Kinh nghiệm của Trần Vũ blogger với cách viết nhanh, cảm xúc, “chém dứt điểm” đã có thấy vẻ “yếu cơ” của một thể loại. Nhà văn còn thế huống hồ phê bình. Vì thế, tôi thấy thế khó khăn vừa chịu chơi của anh Quốc khi chấp nhận tạm thời vai trò “hoạt náo viên” này.

Cái vùng Quảng Văn học và trong góc ký ức tâm hồn ấy đủ để làm tình yêu thăng hoa. Nếu đi sâu hơn vào cá tính, con người mỗi vùng đất sẽ thấy “Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay co, Bình Định hay lo, Thừa Thiên ních hết” như thế nào.

Có câu chuyện nhỏ nhưng không nhỏ . Thời gian tôi lưu lạc về miền Tây và có dịp sống trong rừng Cà Mau, như cách nói của nhà văn Sơn Nam, tôi mục kích được khá nhiều chuyện. Ở đó có thể xem là một thế giới khác hẳn vì con người giao lưu, đi lại chỉ toàn trên sóng nước. Rất ít người dân có khái niệm về phố xá hoặc xe máy. Và vì thế bàn về “tính Quảng” như thế nào lại càng xa xôi. Nhưng tại sao lại đặt chuyện Quảng ra ở đây? Vì khi tiếp xúc với tôi, từ giọng nói đến tính cách, họ biết tôi không phải dân vùng này. Và họ nói “Huế hả?”. Trời đất, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Quảng Đà… gì họ gom lại là “Huế” tất. Cứ giọng nghe trọ trẹ là Huế. Nhưng đừng lầm tưởng là người Bắc họ gom luôn vào “Huế” nha. Họ phân biệt rất rõ. Nếu có ông Huế nào ở đây nghe vậy nổi sung, chắc cãi sặc máu! Thú vị là vậy. Nhưng có lẽ phần đông những người dân hiền lành sống trên sông nước, ở tận vùng sâu vùng xa, heo hút này hiếm khi có dịp đến xứ Quảng, xứ Huế bao giờ. Như vậy tại sao lại mặc định khúc ruột “eo miền Trung” đó là Huế? Dựa trên những thành tố nào? Họ đâu cần lý lẽ. Đâu cần phân định đúng sai. Họ có tình yêu của họ. Thế thôi!

Tôi thích “Về yêu xứ Quảng” của nhà văn Trần Vũ còn vì lý do: cách đây mấy năm tôi có dịp gặp anh ở Pháp. Đọc truyện ngắn anh (Ngôi Nhà Sau Lưng Văn Miếu) thấy đã. Sướng hơn, khoái hơn là tập Chết Sau Quá Khứ mà nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn lúc mới gặp tôi đã gợi ý “nên đọc”, để biết “một bút pháp viết truyện ngắn”, và sau này, để tránh lý do tranh biện “chưa đọc vì không có sách”, chính Sơn, chứ không phải là ai khác, từ Hà Nội gửi trực tiếp vào cho tôi. Vì thích bút pháp, “kiểu chơi lạ”, Trần Vũ là người tôi nôn nóng muốn gặp mặt khi đến Paris. Báo hại cho anh Trần Thiện Đạo đã thu xếp đến ba lần, đánh xe đưa tôi đi, nhưng cả ba lần đều không gặp được nhau, vì kẻ hẹn người chờ sai một cung đường, một ga metro nào đó. Và cuối cùng được gặp anh ở nhà chị Thụy Khuê. Tôi không nghĩ trong con người vạm vỡ, lý trí và có vẻ hơi “thép nguội” này lại có thể đắm đuối với tình yêu văn học như vậy giữa trời Paris tuyết đổ. Cùng với chị Thụy Khuê, anh Trần Thiện-Đạo, anh Cổ Ngư, đêm đó, Trần Vũ đã uống khá nhiều và nói khá nhiều. Anh làm tôi đi hết ngạc nhiên này đến thú vị khác vì trí nhớ đặc biệt của anh. Dưới góc nhìn của một nhà văn, những vẻ khuất lấp, bình thường hoặc quá tầm thường của cuộc sống được hiển hiện dưới một lăng kính khác. Nó là một mê lộ trong bán kính.

Và bây giờ, “mê lộ” đó hiện lên trong bài viết nhỏ dưới dạng viết blog (tôi muốn nhấn mạnh lại để kết bài này là viết blog), một tình yêu với xứ Quảng. Từ rượu Bầu Đá, bia sông Hàn, nước da, từ những âm tiết, đến tính cách… đều có độ nồng nàn, tươi mới của nhịp hồi sinh mà đáng lẽ nếu một người bình thường với những oan nghiệt, cay đắng trả qua, đã mãi mãi hay vĩnh viễn “chết sau quá khứ”. Một tình yêu về một vùng đất có thể nói là ở ngoài anh. Chỉ hiện hữu bằng những sợi dây ký ức lang thang chắp nối, loé sáng trong tâm tưởng. Đôi khi còn tưởng tượng thêm ít nhiều cho tình yêu ấy thêm nồng, thêm đượm, thêm hương vị. Ai cấm được anh có một tình yêu xứ Quảng của riêng anh? Một người đang ở xa, nhìn về. Phải chăng đã yêu mà cần phải yêu đúng “thuần phong mỹ tục” mới được phép? Tình yêu đâu có lỗi. Hay phải đừng yêu xứ Quảng?...

 

Sài gòn, Café Bông Giấy, 18.7.2009.

 

 

--------------

Bài liên hệ:

17.07.2009
[VĂN HỌC] ... Tôi chưa có khả năng phân biệt Quảng Tín, Quảng Nam, Quảng Ngãi hay Quảng Trị. Quảng nào đối với tôi cũng là Quảng. Nên tôi gộp tất cả các Quảng vào hai chữ “miền Trung”, như tôi gộp hết Quy Nhơn, Bình Định, Tam Kỳ, Bồng Sơn, Sa Huỳnh cũng vào “miền Trung”. Vào một chữ “Trung” mà mình ưa. Vào một giọng Trung mà mình thấy lạ. Ưa vì cảnh vật đẹp. Ưa vì thức ăn ngon. Ưa vì chiếc lưng cong của đất nước hữu tình. Miền Trung là đất của tình cảm... (...)
 
[VĂN HỌC] ... Cảm xúc về xứ Quảng, về miền Trung, mà chỉ cần thay đổi địa danh thì có thể áp dụng cho bất cứ xứ nào, miền nào. Lối viết này ta thấy nhan nhản trên báo chí Việt Nam bây giờ. Đại loại như một bài báo nào đó tán tụng một nhà thơ X, nhưng nếu ta thử đổi tên nhà thơ X thành ra tên nhà thơ Y, thì đọc cũng lọt lỗ tai như thường. Đúng là “nhất dĩ quán chi”... (...)
 
[VĂN HỌC] ... Đọc bài của độc giả Trần Nguyễn, tôi thấy có nhiều chỗ rất là lúng túng. Khen bài “Về yêu xứ Quảng” của nhà văn Trần Vũ là một bài “thật hay” và “thành công”, độc giả Trần Nguyễn lại đưa ra những luận điểm không có sức thuyết phục chút nào cả... (...)
 
16.07.2009
[VĂN HỌC] ... Bài viết thể hiện tính chủ quan đầy cảm xúc của tác giả, chính đây là nét riêng của mỗi nhà văn, cách cảm của mỗi người về một vùng đất, từ giọng nói, đến tính cách, đến phong vị ẩm thực. Người đọc không cần biết đúng hay sai, chỉ thấy bài viết lôi cuốn, hấp dẫn người đọc từ ngôn ngữ đến hình ảnh là thành công... (...)
 
15.07.2009
[VĂN HỌC] ... Trần Vũ, sau khi tán sai về giọng Quảng, tán nhảm về bia Sông Hàn, tán trật về rượu Bầu Đá, thì kết thúc bằng câu nhắn nhủ: “Viết blog, cũng giống chế rượu Bầu Đá, cái cay phải lan tỏa. Phải làm ghiền.” Nhắn nhủ như vậy thì cũng thiệt là... rởm... (...)
 
14.07.2009
[VĂN HỌC] ... Mỗi lần ra miền Trung, tôi đều say mê giọng nói của người Trung, đặc biệt từ Quy Nhơn đến Đông Hà. Nghe giọng nói của họ, tôi thấy đặc chất Việt, đậm đà trong hơi thở, đặc sệt âm Việt, tính Việt, đến kẹo lại như món mắm xưa. Nếu giọng Huế thanh, trong như bát chè mạn và ngọt như bát chè sen, thì giọng Quảng nghe mới thật đã. Những Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi... (...)
 
13.07.2009
[VĂN HỌC] ... Nhiều người tiên đoán chính các blog sẽ là tên sát thủ của tất cả các tờ báo. Không phải ai cũng đồng ý. Nhưng có một sự thật: gần đây, số lượng các tờ báo phải bị đóng cửa hoặc đang sống ngắc ngoải khá nhiều. Kẻ thù chính là internet. Trong internet, kẻ thù chính là các blog... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021