tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Viết blog cho hay thì bất cần sự chính xác?  [đối thoại]

 

Cuộc đối thoại xôn xao quanh bài viết “Về yêu xứ Quảng” của nhà văn Trần Vũ có thể tóm gọn như thế này:

Trần Vũ yêu miền Trung, yêu xứ Quảng, yêu Quảng Nam. Nhân có sự kiện nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc (người Quảng Nam) bắt đầu viết blog, Trần Vũ viết một bài tuỳ bút về cảm xúc của ông đối với miền Trung và đặc biệt là xứ Quảng, cụ thể là Quảng Nam. Cảm xúc lai láng của ông được chuyên chở bằng những hình ảnh và ngôn từ rất cường điệu, đáng lẽ có thể khiến người đọc thích thú. Rủi thay, trí nhớ và sự quan sát của ông khá mơ hồ, nhập nhoà, khiến bài viết mang nhiều điều lệch lạc. Kết quả là các độc giả miền Trung, và đặc biệt là độc giả Quảng Nam, cảm thấy mất sướng.

Là một trong số người cảm thấy mất sướng đó, nhưng từ đầu tôi không có ý định viết bài phản hồi vì thấy các ý kiến đã khá đủ. Vậy mà hôm nay tôi lại phải viết đôi lời, chỉ vì nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh bất ngờ tung ra bài “Đừng yêu xứ Quảng!” như một lối biện hộ giùm, đầy tính thù tạc, cho nhà văn Trần Vũ, mà chính cái lý lẽ nhà thơ đem ra để biện hộ cho nhà văn lại càng làm tăng thêm sự mất sướng nơi người đọc.

Mất sướng nhất vì kiểu lý luận thế này của Nguyễn Hữu Hồng Minh:

Mấy tranh luận đúng sai “tè lè” về cái Quảng vừa qua tôi thấy tẻ ngắt, sượng trân chẳng còn gì thơ mộng... Nếu ai đó bắt bẻ Trần Vũ viết ẩu, viết không chính xác thì nên đọc văn và các khảo cứu, nghiên cứu của anh.

Nguyễn Hữu Hồng Minh nhấn mạnh rằng Trần Vũ viết theo kiểu viết blog, chứ không phải viết khảo cứu, nên chuyện đúng sai không thành vấn đề. Lý luận này làm sinh ra một loạt những câu hỏi:

1. Đọc văn trên blog, ta chỉ đọc cái cảm xúc trong câu chữ, chứ đừng nên tin cậy bất cứ sự kiện nào mà tác giả nói ra?

2. Một nhà nghiên cứu thì phải đưa ra những sự kiện chính xác trong bài nghiên cứu, nhưng khi anh ta viết blog thì anh ta mặc tình đưa ra những sự kiện sai lệch?

3. Trong một bài viết blog, tất cả những sự kiện sai lệch do tác giả đưa ra đều không hề ảnh hưởng đến cảm xúc và giá trị của bài viết?

4. Người đọc blog phải sẵn sàng chấp nhận hoặc phớt lờ đi tất cả những sự kiện sai lệch do tác giả đưa ra, chỉ cần chú trọng đến ngôn từ và cảm xúc?

Tôi không tin một độc giả văn học lại đọc theo kiểu đó. Chẳng ai lại vừa đọc vừa tự đánh lừa chính mình như vậy. Tôi cho rằng một bài văn hay, dù viết trên blog, trước hết phải dựa trên những sự kiện chính xác. Tất nhiên không cần phải chính xác một cách tinh vi như trong một bài nghiên cứu, nhưng ít nhất phải chính xác một cách căn bản. Sau đó mới nói đến cái hay, cái đẹp. Nếu anh viết một bài blog để ca tụng rượu vang của Pháp mà anh lại mô tả nhầm thành rượu whisky của Scotland, thì anh đừng trách tại sao người đọc cảm thấy mất sướng. Đừng cãi chày, cãi cối rằng anh viết bằng cảm xúc chứ không phải viết như một nhà nghiên cứu về rượu. Cũng đừng ráng thuyết phục người đọc đánh giá bài viết của anh là hay, bất kể chuyện đúng hay sai. Lại càng tránh cái chuyện đem một bài nghiên cứu nào khác của anh ra mà nói: “Khi cần nghiên cứu, thì tôi cũng nghiên cứu chính xác chớ bộ!”

Ngoài việc đưa ra những sự kiện chính xác một cách căn bản, người viết cũng cần phải có một khả năng lý luận căn bản, tránh những mâu thuẫn lộ liễu khiến độc giả mất sướng.

Trong bài “Về yêu xứ Quảng”, Trần Vũ không tránh được điều này.

Ông viết:

Nghe người Quảng nói chuyện, nhìn nước da họ ngăm, ngắm thịt da họ chắc, xương cốt họ cứng cáp, thật đã. Họ như một khối đá vừa bẩy ra từ tháp Chàm, một viên gạch nung còn sót ở thành Đồ Bàn hay lớp gạch đỏ au của tháp Bà...

Nói đến Quảng Nam mà nhắc đến tháp Chàm thì tất nhiên ai cũng biết đó là tháp Chàm ở Mỹ Sơn. Nhưng gộp luôn cả thành Đồ Bàn và tháp Bà vào đây thì hỏng chuyện, vì thành Đồ Bàn ở An Nhơn, tỉnh Bình Định, còn Tháp Bà (hay Po Nagar) thì nằm trên đỉnh một ngọn đồi ở cửa sông Cái tại Nha Trang. Còn nói đến “lớp gạch đỏ au của tháp Bà” thì lại rất kẹt, vì chỉ sau khi Tháp Bà bị Nhà nước “tân trang” một cách nhếch nhác bằng cách vá bừa lên đó một lớp gạch mới, trét xi-măng, thì nó mới có cái màu “đỏ au” rất là giả tạo, made in CHXHCNVN. Chứ trước kia thì nó không “đỏ au” chút nào cả. Lớp gạch xưa nhiều thế kỷ có màu nâu sẫm, nhiều chỗ đóng rêu xanh.

Nếu nói đến một sắc dân “như một khối đá vừa bẩy ra từ tháp Chàm, một viên gạch nung còn sót ở thành Đồ Bàn hay lớp gạch đỏ au của tháp Bà”, thì rõ ràng là nói đến người Chàm (Chăm). Thế nhưng Trần Vũ lại gán cái chất đó cho “người Quảng”. Thế mới lạ! Té ra “người Quảng” chẳng khác gì người Chàm! Hay “người Quảng” của Trần Vũ chính là người Chàm nhỉ?

Ấy, vậy mà cái sắc dân rặc Chàm đó, lại mang “chất Việt hừng hực trong người”, “chất Việt nén đến cứng ngắt”, “chất Việt ép đến quánh đặc”!

Viết như vậy mà bảo là hay?

Nguyễn Hữu Hồng Minh biện hộ:

Phải chăng đã yêu mà cần phải yêu đúng “thuần phong mỹ tục” mới được phép?

Chẳng cần phải yêu đúng “thuần phong mỹ tục”, nhưng nên nhớ rằng lời tỏ tình thì khác xa lời tán phét. Và biện hộ đứng đắn thì khác xa với bông lơn thù tạc.

 

 

--------------

Bài liên hệ:

19.07.2009
[VĂN HỌC] ... Ông Minh ơi, tình cảnh đoã ê chề rồi, moà ông coòng xúi “Đừng iu cô Qoảng”! Ông Vũ ơi, lồm eng chi moà loạ rứa? Iu thì cứ iu, toáng thì cứ toáng, nhưng chớ có toáng trậk lấk! Em nó hổng phê đao!... (...)
 
[VĂN HỌC] ... Không ai cấm anh yêu, tuy nhiên đừng đem cái tình yêu mông lung và ngang phè của anh ra giáo huấn thiên hạ. Võ Phiến rất hiểu về các vùng đất miền Trung thế nhưng có ai dám nói là nhà văn này không yêu miền Trung, không yêu Bình Định, Quảng Nam?... (...)
 
18.07.2009
[VĂN HỌC] ... Tôi thấy rõ ràng là, dưới ánh trăng vằng vặc, mình bước qua khỏi khung cửa, đi qua hiên, bước xuống bậc tam cấp, xuống sân, đi hết khoảng sân rộng, đến lùm cây rậm; và đứng dưới lùm cây, tôi kéo quần xuống... Đang tè, một tên sinh viên chạy ra, kề tai tôi, giọng hốt hoảng: “Thầy! Đi ra xa xa chút chứ sao lại đứng trước hiên nhà người ta đái vậy!” Vừa nói nó vừa đẩy tôi ra xa... Sau lần đó, tôi tởn... (...)
 
[VĂN HỌC] .... Ai cấm được anh có một tình yêu xứ Quảng của riêng anh? Một người đang ở xa, nhìn về. Phải chăng đã yêu mà cần phải yêu đúng “thuần phong mỹ tục” mới được phép? Tình yêu đâu có lỗi. Hay phải đừng yêu xứ Quảng?... (...)
 
17.07.2009
[VĂN HỌC] ... Tôi chưa có khả năng phân biệt Quảng Tín, Quảng Nam, Quảng Ngãi hay Quảng Trị. Quảng nào đối với tôi cũng là Quảng. Nên tôi gộp tất cả các Quảng vào hai chữ “miền Trung”, như tôi gộp hết Quy Nhơn, Bình Định, Tam Kỳ, Bồng Sơn, Sa Huỳnh cũng vào “miền Trung”. Vào một chữ “Trung” mà mình ưa. Vào một giọng Trung mà mình thấy lạ. Ưa vì cảnh vật đẹp. Ưa vì thức ăn ngon. Ưa vì chiếc lưng cong của đất nước hữu tình. Miền Trung là đất của tình cảm... (...)
 
[VĂN HỌC] ... Cảm xúc về xứ Quảng, về miền Trung, mà chỉ cần thay đổi địa danh thì có thể áp dụng cho bất cứ xứ nào, miền nào. Lối viết này ta thấy nhan nhản trên báo chí Việt Nam bây giờ. Đại loại như một bài báo nào đó tán tụng một nhà thơ X, nhưng nếu ta thử đổi tên nhà thơ X thành ra tên nhà thơ Y, thì đọc cũng lọt lỗ tai như thường. Đúng là “nhất dĩ quán chi”... (...)
 
[VĂN HỌC] ... Đọc bài của độc giả Trần Nguyễn, tôi thấy có nhiều chỗ rất là lúng túng. Khen bài “Về yêu xứ Quảng” của nhà văn Trần Vũ là một bài “thật hay” và “thành công”, độc giả Trần Nguyễn lại đưa ra những luận điểm không có sức thuyết phục chút nào cả... (...)
 
16.07.2009
[VĂN HỌC] ... Bài viết thể hiện tính chủ quan đầy cảm xúc của tác giả, chính đây là nét riêng của mỗi nhà văn, cách cảm của mỗi người về một vùng đất, từ giọng nói, đến tính cách, đến phong vị ẩm thực. Người đọc không cần biết đúng hay sai, chỉ thấy bài viết lôi cuốn, hấp dẫn người đọc từ ngôn ngữ đến hình ảnh là thành công... (...)
 
15.07.2009
[VĂN HỌC] ... Trần Vũ, sau khi tán sai về giọng Quảng, tán nhảm về bia Sông Hàn, tán trật về rượu Bầu Đá, thì kết thúc bằng câu nhắn nhủ: “Viết blog, cũng giống chế rượu Bầu Đá, cái cay phải lan tỏa. Phải làm ghiền.” Nhắn nhủ như vậy thì cũng thiệt là... rởm... (...)
 
14.07.2009
[VĂN HỌC] ... Mỗi lần ra miền Trung, tôi đều say mê giọng nói của người Trung, đặc biệt từ Quy Nhơn đến Đông Hà. Nghe giọng nói của họ, tôi thấy đặc chất Việt, đậm đà trong hơi thở, đặc sệt âm Việt, tính Việt, đến kẹo lại như món mắm xưa. Nếu giọng Huế thanh, trong như bát chè mạn và ngọt như bát chè sen, thì giọng Quảng nghe mới thật đã. Những Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi... (...)
 
13.07.2009
[VĂN HỌC] ... Nhiều người tiên đoán chính các blog sẽ là tên sát thủ của tất cả các tờ báo. Không phải ai cũng đồng ý. Nhưng có một sự thật: gần đây, số lượng các tờ báo phải bị đóng cửa hoặc đang sống ngắc ngoải khá nhiều. Kẻ thù chính là internet. Trong internet, kẻ thù chính là các blog... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021