|
Đáp lời nhắn nhủ của Ngọc Hương
[đối thoại]
|
![]() |
Lài rất cảm động khi đọc những lời nhắn nhủ của Ngọc Hương và xin chân thành hồi âm thể theo lời yêu cầu, như sau:
1/ Ngọc Hương viết: "Tôi thấy bài của Thị Lài rõ ràng có ý chê bai, đập bài của Inrasara, tôi thấy như vậy là không nên.”
Lài cho rằng hai bài thơ không thể chê bai hay đập nhau, nhất là trong trường hợp này. Mà thật ra, bài trước đã gợi hứng cho bài sau (xin đọc ở mục 6 dưới đây). Nói cho chính xác, bài “Khóc lóc Tây Tạng” đã sử dụng thủ pháp (hay kỹ thuật) giễu nhại trên chính văn bản của bài “Khóc Tây Tạng” để họa lại nó. Thủ pháp này đã được nhiều người sử dụng từ lâu nay và nó không có gì mới mẻ đối với người đọc nói chung, và có lẽ cả người đọc Ngọc Hương nói riêng. Vì vậy, vấn đề sau cùng nên nói đến là thủ pháp giễu nhại được vận dụng trong bài thơ này có làm cho độc giả thấy thú vị vì yếu tố hài hước (humor) của nó hay không. Khi Ngọc Hương cho rằng ‘tôi thấy như vậy là không nên’ thì vấn đề đã đi qua một phạm trù khác (có lẽ Ngọc Hương muốn lái nó qua phạm trù đạo đức chăng?), không còn nằm trong phạm trù nghệ thuật nữa. Và ngay cả trong phạm trù đạo đức nghề nghiệp hay đạo đức xã hội thì việc họa lại một bài thơ bằng thủ pháp giễu nhại hoàn toàn không phải là một điều sai phạm. Rốt ráo, Lài quan niệm rằng chỉ nên xét đến bài thơ hay hay bài thơ dở, chứ không xét bài thơ nên hay bài thơ không nên.
2/ Ngọc Hương cho rằng: "Tôi nghĩ Tiền Vệ là nơi sinh hoạt tự do, ai có thơ văn thì cứ gửi đến, dở hay đã có ban biên tập lo.”
Vâng, ban biên tập Tiền Vệ đã lo cho cả hai bài thơ một cách cụ thể rồi: họ đã quyết định cho đăng bài “Khóc Tây Tạng”, rồi sau đó đến bài “Khóc lóc Tây Tạng”. Chính sự xuất hiện của bài thơ sau đã là động lực khiến Ngọc Hương đọc lại cả hai bài thơ để có ý kiến, thay vì chúng – “Khóc Tây Tạng” và “Khóc lóc Tây Tạng” – cùng dắt tay nhau đi khỏi trí nhớ người đọc Ngọc Hương.
3/ Ngọc Hương cho rằng: "Nếu thơ anh dở, tự khắc người đọc sẽ bỏ qua, lần sau thấy tên tác giả đó thì họ chẳng thèm quan tâm nữa. Đó cũng là động lực khiến tác giả đó buộc phải viết hay hơn hoặc là nghỉ viết.”
Nếu thi sĩ Inrasara cũng có ý nghĩ như Ngọc Hương, nghĩa là có thể diễn dịch như sau: “Nếu người đọc Bùi thị Lài cho rằng thơ anh Inrasara dở, thì tự khắc Bùi Thị Lài sẽ bỏ qua, lần sau thấy tên Inrasara thì Bùi Thị Lài chẳng thèm quan tâm nữa”, thì điều đó quả là đáng buồn. Vâng, thật là đáng buồn! Nhưng điều đó đã không xảy ra, vì cho đến lúc này Bùi Thị Lài vẫn luôn nồng nhiệt quan tâm đến Inrasara. Nếu hoán vị Lài là thi sĩ Inrasara thì Lài sẽ mừng lắm vì thấy mình có một ‘tri âm’ đã quan tâm thật sâu sát đến những gì mình viết. Và, “Đó cũng là động lực khiến mình buộc phải viết hay hơn hoặc là nghỉ viết.” Thiển nghĩ, sự quan tâm ấy đáng trân trọng lắm chứ?
4/ Ngọc Hương hỏi rằng: “Nếu một người lần đầu cầm bút mà thấy tình hình bị đập như vầy, liệu họ có dám gửi bài đến không?”
Lài thì nghĩ rằng, nếu một người viết mà chỉ vì có một bài thơ được/bị họa lại bằng thủ pháp giễu nhại (chứ không phải bị đập, xin lưu ý ở mục số 1) như thế này, mà đã cảm thấy tuyệt vọng, không dám gửi bài đến nữa, thì có lẽ người ấy cũng không nên dấn thân vào chuyện viết văn làm thơ làm gì nữa, phí thì giờ lắm. Vì điều đó tiết lộ người viết này không đủ tự tin vào giá trị của những gì mình viết ra; trí lực không đủ kiên trì và mạnh mẽ để tự vệ, phản biện, phản công lại bằng chữ nghĩa; tệ hơn nữa, đi đến một quyết định non nớt: giận lẫy và nghỉ chơi! Nhưng có lẽ Ngọc Hương đã khéo lo, vì thi sĩ Inrasara đã là một người chiến chinh lẫy lừng trên trường chữ nghĩa, thì sá gì chuyện ấy mà lấy làm điều. Lại nữa, vấn đề có gửi bài đến nữa hay không là vấn đề giữa tác giả và ban biên tập, chứ không phải vấn đề giữa hai tác giả với nhau. Thật là vô duyên nếu thi sĩ Inrasara trách Bùi Thị Lài và đi đến quyết định rằng: vì em Lài yêu kiều giễu nhại thơ tôi nên tôi sẽ không gửi bài cho Tiền Vệ nữa (?). Lời trách này nếu có thì nó đã đi sai địa chỉ rồi. Lại nữa, một tác phẩm khi xuất hiện trước công chúng thì tất nhiên nó phải chấp nhận sự đón nhận và phản hồi của người đọc là chuyện thường tình. Nó đã có một định mệnh, một đời sống riêng rồi. Thôi, mình mần bài thơ khác nghen. Mà chưa hẳn đó là một thất bại, bài thơ không chinh phục được người đọc này nhưng có thể chinh phục những người đọc khác thì sao?
5/ Ngọc Hương cho rằng: “Thái độ của cá nhân đối với nghệ thuật là quan trọng, những tị hiềm, chê bai chỉ giết chết nó mà thôi.”
Câu này không rõ ý. Ở đây Ngọc Hương muốn nói ‘nó’ là cái gì? Là ‘Thái độ của cá nhân đối với nghệ thuật’ hay là ‘nghệ thuật’? Tuy nhiên thế nào đi nữa, Lài xin minh định đây là trường hợp ‘một bài thơ giễu nhại một bài thơ khác’ trong phạm trù nghệ thuật, chứ không có yếu tố tị hiềm, chê bai, vốn ở trong phạm trù đạo đức. Khi nào Bùi Thị Lài tấn công đời tư hay nhân thân (những nội dung ngoài văn chương) của Inrasara thì xin lúc đó hãy xét đến yếu tố tị hiềm. Làm một bài thơ để giễu nhại một bài thơ khác, theo quan điểm riêng của Lài, thì đó không phải là tị hiềm. Mà là một điều bình thường, và lành mạnh, trong nền sinh hoạt văn nghệ dân chủ.
6/ Để rốt ráo và rạch ròi theo tinh thần nói thẳng nói thật, nói chân thành, như Ngọc Hương đã đề nghị, Lài xin trình bày việc bài thơ “Khóc Tây Tạng” đã gợi hứng cho mình họa lại bằng bài “Khóc lóc Tây Tạng” như thế nào. Vì nó, bài thơ “Khóc Tây Tạng” , có những khiếm khuyết – theo nhận định chủ quan của Lài – và ở vị trí một người đọc Lài phát biểu ý kiến và cảm nhận của mình như sau. a. Sự liên tưởng khiên cưỡng: Từ: Tây tạng
tang tậy
tẩy tan
đến tan đàn xẻ nghé
đến nghé con
bê con
bê thui
bia hơi
nhậu nhẹt
b/ Kỹ thuật đảo ngữ cho người đọc một hiệu ứng ngô nghê: Tây tạng
tang tậy
...
Lạt ma
ma lạc
c/ Yếu tố sau đây quan trọng nhất: Tình cảm mang chút màu sắc chính trị trong bài thơ nếu không giả dối thì cũng áp đặt khiên cưỡng và nhạt nhẽo (lạt) trong tình huống: ngồi cụng ly bia hơi, nhậu nhẹt ở một nơi xa tít và không dưng tỏ lòng thương cảm, khóc than đến Tây Tạng, đến người em gái Tây Tạng; rồi cất cao lời than: có ai nhớ tây tạng không
còn ai thương em gái tây tạng không
...
có ai khóc tây tạng không
còn ai khóc tây tạng không
Chỉ hình dung đến tình huống đó thì Lài thấy ngay sự cường điệu giả dối và hài hước của những giọt nước mắt (nhưng có lẽ làm gì có!) cá sấu của nhậu sĩ. Suy cho cùng, tất cả câu chuyện về Tây Tạng và những giọt nước mắt khóc than ngớ ngẩn ấy chẳng qua là một món mồi trên bàn nhậu. Đúng vậy, một món mồi rất nhạt, hổng có bắt chút nào! Một món mồi cần phải nêm nếm các loại gia vị hành tỏi, ngũ vị hương, xì dầu... thì may ra có đường gắp đũa. d/ Sự chuyển động và kết thúc của bài thơ thật là lãng xẹt: Điểm nóng vừa dời qua bàn khác.
Cái gì vậy? Điểm nóng nào vậy? Vấn đề Tây Tạng và những giọt nước mắt ấy ư? Vậy những giọt nước mắt trong bài thơ tiếp theo (và cũng là món mồi tiếp theo) để đưa cay là món gì đây? Tân Cương hay Nữu Ước? Cũng sụt sùi một kiểu vậy ư? Tuy nhiên, phải cần xác định rõ là Lài không có ý định giễu nhại việc thi sĩ Inrasara bày tỏ thái độ chính trị với vấn đề Tây Tạng, và có thể ở những điểm nóng khác trên thế giới, mà chỉ dị ứng với phương cách bày tỏ nhõng nhẽo, hời hợt và phản tác dụng này thôi. Ôi, sao nhiều nước mắt, nước mũi, nước dãi trên các bàn nhậu này quá! Vậy đó, bài thơ “Khóc Tây Tạng” này đã gợi hứng cho Lài viết “Khóc lóc Tây Tạng” như vậy. Mà không chừng đó là sự thành công của nó. Chứ nếu không thì, như Ngọc Hương viết, “tự khắc người đọc [Thị Lài] sẽ bỏ qua, ... chẳng thèm quan tâm nữa.”
7/ Trong văn học Việt Nam có trường hợp hai nhà thơ Phan Văn Trị và Tôn Thọ Tường từng họa lại thơ của nhau, và họ đã để lại cho văn học Việt Nam những tác phẩm rất hay. Tất nhiên, Lài không nghĩ đến việc so sánh giá trị văn học của hai trường hợp, nhưng muốn nhắc lại và mở rộng thêm ý ở mục 1 rằng: họa thơ bằng thủ pháp giễu nhại là một việc bình thường, không có gì sai trái trong sinh hoạt văn nghệ, thậm chí nó còn làm cho không khí văn nghệ thêm phần sinh động và lành mạnh.
*
Sau cùng, Bùi Thị Lài thú nhận rằng rất cảm động với lời nhắn nhủ của Ngọc Hương nên rón rén họa một câu thơ rằng: “Lài nằm gào tên Hương suốt một đêm...”[*]
BÙI THỊ LÀI
_______
* “tôi đứng gọi hương trọn buổi chiều...” (một câu thơ trong Ngày Sanh Của Rắn của Phạm Công Thiện)
-------------- Bài liên hệ:
04.08.2009
[VĂN HỌC] ... Thái độ của cá nhân đối với nghệ thuật là quan trọng, những tị hiềm, chê bai chỉ giết chết nó mà thôi. Đó cũng là thái độ chung của nhiều văn sĩ trong nước hiện nay và có lẽ đó cũng là lý do khiến nhiều người mất đi cơ hội được viết và trình bày tác phẩm của mình... (...)
|