tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Quyền tác giả và cách hành xử trên các website miễn phí  [đối thoại]

 

Tôi không hề biết ông Phan Nhiên Hạo, ông Phùng Nguyễn và ông Trần Tân Định ngoài đời thực, mà hoàn toàn chỉ tiếp xúc với con người – tư tưởng của các ông trên mạng. Nhưng qua cuộc trao đổi giữa các ông, tôi cũng có một vài suy nghĩ muốn trao đổi lại: đầu tiên là về vấn đề quyền tác giả trên các website tiếng Việt về văn chương, nghệ thuật, chính trị, xã hội... miễn phí và sau đó là cách hành xử giữa những người góp phần tạo nên đời sống văn hóa trên mạng.

Về vấn đề quyền tác giả, bản thân tôi cũng là một tác giả trên mạng internet nên tôi có lý do cá nhân để băn khoăn. Trước khi giải thích vì sao băn khoăn, tôi trình bày một cách đơn giản nhất cách hiểu của mình về quyền tác giả trên các website miễn phí hiện nay: một website văn học, nghệ thuật, chính trị, xã hội,... miễn phí (nghĩa là hoàn toàn không trả tiền nhuận bút cho tác giả và độc giả cũng không phải trả tiền để đọc nội dung thông tin) là những website hoạt động trên cơ sở ý chí, nguyện vọng chung của nhóm sáng lập và những người tự nguyện đóng góp vào sự phát triển của website. Mặc dù chúng có những quy tắc, tiêu chuẩn của riêng mình, nhưng chúng không phải là cơ quan ngôn luận của bất cứ một tổ chức chính trị-xã hội nào. Nguyên tắc tự nguyện chia sẻ là xuyên suốt. Hầu hết các trang đều nêu rõ nguyên tắc này trong phần giới thiệu chủ trương của mình, ví dụ trang Tiền Vệ có mục đích “nhằm góp phần xây dựng khối Thịnh Vượng Chung của văn học nghệ thuật Việt Nam, nơi bất chấp những dị biệt về địa lý và chính trị, mọi người có thể gặp gỡ nhau trong nỗ lực tìm tòi và thử nghiệm...”, trang Da Màu nhằm thúc đẩy sự cảm thông và chấp nhận những dị biệt...”, trang Talawasblog chủ trương “góp phần xây dựng một công luận độc lập, đa nguyên, đa chiều của người Việt trong và ngoài nước. Talawas blog là diễn đàn công dân, tự nguyện, phi thương mại, không phụ thuộc vào bất kỳ một tổ chức chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội, tôn giáo nào. Talawasblog là diễn đàn mở cho sự tham gia của tất cả những ai quan tâm...” v.v.

Vì vậy, khi những người chủ trương thành lập trang web và những tác giả đã chấp nhận luật chơi là “tự nguyện chia sẻ” và không chịu áp lực của bất cứ tổ chức chính trị-xã hội nào thì không có một nguyên tắc nào khác có thể chen chân vào. Là một tác giả, nếu hôm nay tôi có nhu cầu chia sẻ, tôi sẵn sàng chia sẻ những gì tôi nghĩ, tôi viết với độc giả thì tôi đồng ý cho ban biên tập công bố bài của tôi trên website của họ, ngược lại, nếu ngày mai, vì bất cứ lý do gì (cá nhân cũng như không cá nhân) tôi không còn nhu cầu chia sẻ nữa, tôi tự nguyện rút lui khỏi trang đó, thì tôi có quyền yêu cầu được rút lui. Là một BBT, nếu bài viết của tác giả phù hợp với mục đích, tôn chỉ của website thì chúng tôi đăng, nếu không phù hợp thì thôi. Chính vì vậy, khi theo dõi cuộc trao đổi giữa hai ông Phan Nhiên Hạo và ông Phùng Nguyễn, tôi không khỏi lo lắng: thế ngộ nhỡ một ngày nào đó tôi đột nhiên rơi vào tâm trạng trầm cảm, muốn xa lánh sự đời và chả muốn ai nhớ đến tôi nữa, tôi không có quyền được rút tên và tác phẩm của mình ra khỏi trang web đó sao? BBT lấy quyền gì mà giữ lại những tác phẩm của tôi ngay cả khi tôi không muốn nữa? Vì họ đã mua lại quyền tác giả của tôi chăng? Hay họ là một cơ quan quyền lực của Nhà nước đòi hỏi sự đóng góp miễn phí của công dân và giữ lại tất cả đóng góp đó cho sự nghiệp chung của đất nước? Chả có lý do nào cả. Nếu họ viện cớ vì sự tôn trọng độc giả, không muốn độc giả ngỡ ngàng vì sự biến mất của một vài tác phẩm, thì tôi e rằng lý do này không thỏa đáng, bởi lẽ tất cả độc giả trên mạng đều hiểu nguyên tắc chia sẻ tình nguyện này. Ban biên tập chỉ cần thông báo vài lời chính thức: “vì lý do cá nhân, ông A, ông B, bà X nọ không muốn tác phẩm của họ tiếp tục xuất hiện trên website này. Tôn trọng nguyện vọng của tác giả, chúng tôi đã rút toàn bộ tác phẩm của ông/bà này khỏi trang web của chúng tôi. Quý độc giả nếu muốn tiếp tục tìm hiểu tác phẩm của ông/bà này thì có thể liên hệ trực tiếp với tác giả hoặc tìm tác phẩm từ nguồn khác”. Với vai trò là độc giả, sau khi đọc thông báo này, tôi sẽ rất phục cách làm việc chuyên nghiệp của ban biên tập. Chính vì vậy, tôi khá bất ngờ về cách hành xử của ông Phùng Nguyễn. Tôi thực sự có lý do để lo lắng như ông Phan Nhiên Hạo nói trong bài viết của mình:

“Những tác giả này, nếu có chuyện cá nhân không hay xảy ra với ông Phùng Nguyễn, đòi lấy tác phẩm của mình xuống, có thể sẽ nhận được một bài... tùy bút như bài ông Phùng Nguyễn dành cho tôi. Tệ hại hơn, họ có thể đối mặt với nguy cơ tác phẩm của mình bỗng chốc trở thành tài sản... công cộng. Lúc đó, muốn đòi lại có thể phải lôi nhau ra toà, tiền bạc và thời gian đâu mà theo đuổi, đối với các tác giả ở Việt Nam thì coi như vô phương.”

Về trường hợp các bản dịch của ông Phan Nhiên Hạo, theo tôi, dịch giả hay tác giả thì đều có quyền như nhau với sản phẩm của anh ta. Nếu BBT yêu quý tác phẩm của nhà văn Đinh Linh thì có thể tìm kiếm sự đồng ý của những dịch giả khác, trên những bản dịch khác.

Về cách ứng xử giữa BBT và tác giả, tôi đồng ý với ý kiến của ông Trần Tân Định, không nên đem nội dung email trao đổi riêng giữa BBT và tác giả ra mà công bố trước độc giả. Ông Phùng Nguyễn giải thích việc làm đó nhằm phục vụ “quyền được biết” của độc giả. Thưa ông, độc giả cần được biết cái gì và họ có quyền được biết cái gì? Thế ông có nghĩ đến “quyền được tôn trọng những trao đổi riêng tư” của tác giả hay không? Cách giải thích của ông về lý do công bố email rất thiếu thuyết phục: khi một tác giả tìm đến website văn học bằng tác phẩm, thì con người anh ta là con người-văn học, được độc giả biết tới thông qua tác phẩm. Còn khi ông công bố toàn bộ thư từ giữa BBT và tác giả về những nội dung không liên quan đến văn học, mà thuần túy là những vấn đề giữa tác giả và BBT, là ông đã xử lý rất sai hoàn cảnh. Ông không thể lên giảng đường đại học tuyên bố với toàn thể sinh viên là ông Giáo sư ở nhà có tật nọ, tật kia mà gọi là đáp ứng “quyền được biết” của sinh viên. Trên giảng đường đại học, “quyền được biết” của sinh viên giới hạn trong tri thức nhà trường, chứ không phải là đời tư của vị Giáo sư. Suy nghĩ của tôi về cách thức ứng xử giữa BBT và tác giả trên mạng thì còn nhiều, nhưng có lẽ viết như vậy cũng đã khá dài.

Cuối cùng, tôi xin phép được nói lên cảm giác chung của tôi, dĩ nhiên không ai phải chịu trách nhiệm về cảm giác của tôi cả. Cảm giác của tôi là ông Phùng Nguyễn rất có khiếu hù dọa và giễu cợt, bôi nhọ người khác, ngay cả những người ngoài cuộc đưa ra những ý kiến cá nhân nhưng không phải là thiếu công tâm theo cách đánh giá của tôi. Vì không muốn liệt kê trường ngôn ngữ mang tính hù dọa và giễu cợt này, tôi chỉ xin trích đúng cái tít bài viết của ông “Đừng vượt qua lằn ranh!”. Tôi thấy cái tít này giống với thứ ngôn ngữ mang màu sắc uy hiếp tinh thần của lực lượng an ninh trong những quốc gia độc tài.

 

Nguyễn Thị Thanh Phượng

 

 

--------------

Bài liên hệ:

28.09.2009
[VĂN HỌC] Đúng ra, góp ý này phải được gởi đến Tiền Vệ từ tuần trước, nhưng rồi tôi đổi ý chỉ vì không muốn làm sự việc rắc rối thêm. Nhưng nay, nhân đọc bài của ông Phùng Nguyễn trả lời Phan Nhiên Hạo và một độc giả, tôi quyết định gửi đến Tiền Vệ ý kiến của tôi... (...)
 
[VĂN HỌC] chia tay mùa hè / chia tay phan nhiên hạo / chia tay ễnh ương / “có cuộc chia tay nào mà không đầy / nước mắt?” / (nguyên sa) / nhưng may thay... (...)
 
27.09.2009
[VĂN HỌC] Trong cách nhìn của tôi, bài viết “Trả lời ông Phùng Nguyễn” của Phan Nhiên Hạo (Phan Nhiên Hạo) gần đây là một cử chỉ gỡ gạc tuyệt vọng của kẻ hụt chân và chỉ giúp bạn đọc nhìn rõ hơn tính khí không được rộng rãi của người viết... (...)
 
23.09.2009
[VĂN HỌC]... Trước nay thỉnh thoảng ta lại thấy có những kẻ sau khi cơm không lành canh không ngọt, nghỉ chơi với nhau, thì lôi thư từ của nhau ra mà đem lên báo, lên mạng để bôi bác. Trong quan hệ cá nhân, những trò đó đã không ngửi được thì trong quan hệ chữ nghĩa lại càng không ngửi nổi. Chia tay kiểu đó là chia tay luôn với văn minh chứ còn gì nữa?.. (...)
 
22.09.2009
[VĂN HỌC]... Trong bài “Chia tay mùa hè” đăng trên Da Màu mới đây, ông Phùng Nguyễn đã viết một đoạn dài có tựa đề “Chia tay Phan Nhiên Hạo”, trong đó đề cập đến chuyện lấy bài của tôi xuống khỏi Da Màu. Cách viết của ông Phùng Nguyễn có thể gây ngộ nhận và không được đàng hoàng. Tôi thấy cần phải lên tiếng. Tôi hy vọng chuyện này cũng đem lại một kinh nghiệm bổ ích cho những người làm văn chương mạng Việt Nam hôm nay... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021