tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Chung & riêng / Ký ức & sự quên lãng lịch sử  [đối thoại]

 

Đáp lại loạt bài “HỘI HOẠ HÔM NAY CỦA NGƯỜI VIỆT TRONG & NGOÀI NƯỚC” của họa sĩ Trịnh Cung, bài phản hồi của Trường Thụ đã nêu lên một số thắc mắc, trong đó có vài ý tưởng đáng lưu tâm.

Tôi chỉ góp tiếng bằng một chút ý nghĩ đơn sơ sau đây.

 

1. Lô-gích của “chung” và “riêng”:

Tôi chưa có cơ hội xem nhiều tranh của những họa sĩ được Trịnh Cung và Trường Thụ nêu tên, nên tôi không dám đưa ra một ý kiến nào về những nét chung và riêng của hội họa miền Bắc. Ở đây tôi chỉ xin có một nhận xét về lô-gích:

- Trịnh Cung nhận định về “một điểm chung” của hội họa miền Bắc, thì Trường Thụ phản biện bằng cách chọn ra một bức tranh của mỗi họa sĩ để chứng minh cho nét “riêng” của mỗi họa sĩ.

- Lối phản biện này thiếu lô-gích, vì không thể chỉ dùng một nét riêng trong một bức tranh của mỗi họa sĩ là có thể phủ quyết một nhận định mang tính khái quát về cả một tập thể họa sĩ.

Thử lấy một ví dụ tương đương: ông X nhận định rằng “nhìn chung” thì tranh của các họa sĩ lớn của châu Âu thời cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20 thường vẽ phụ nữ khỏa thân. Ta không thể dễ dàng phủ quyết nhận định của ông X chỉ bằng cách đưa ra một bức tranh “Lão nhạc sĩ guitar” của Picasso, một bức tranh “Đua ngựa ở Longchamps” của Degas, một bức tranh “Vẽ trong vườn ở Argenteuil” của Renoir, vân vân, để nói rằng “Đấy, họ có vẽ đàn bà khỏa thân đâu nào?”

Phản biện như vậy thì hỏng về lô-gích.

Để phản biện nhận định này, thì ta phải xem lại TẤT CẢ tác phẩm của các họa sĩ lớn của châu Âu thời ấy, rồi mới xét xem có phải “điểm chung” mà ông X nhận định là hợp lý hay không.

Cũng thế, để phản biện nhận định của Trịnh Cung, thì ta phải xem lại TẤT CẢ tác phẩm của các hoạ sĩ miền Bắc, rồi mới xét xem có phải “điểm chung” mà Trịnh Cung nhận định là hợp lý hay không.

 

2. Ký ức và sự quên lãng lịch sử:

Trường Thụ viết:

Họa sĩ Trịnh Cung có lẽ cũng có những tâm sự riêng về chiến tranh quá khứ. Tôi hoàn toàn có thể chia sẻ và thông cảm những nỗi niềm của các bậc tiền bối. Nhưng mặc cảm “Quốc Cộng”, “Thắng-Thua” là mặc cảm của những “người già, và nghệ sĩ cũng như nghệ thuật dù ở trong nước cũng như nước ngoài có lẽ ít người có tâm trạng này bởi nghệ thuật là để hàn gắn, liên kết mọi người (“Cái đẹp cứu chuộc thế giới” - Dostoievski) chứ không phải để chia rẽ. Chỉ khi nào mọi người Việt Nam ở trong nước cũng như nước ngoài có thể gạt bỏ được quá khứ, nhìn rõ những nguy cơ cho dân tộc từ phía Bắc và phiá Đông... chúng ta mới có thể có được một nội lực đoàn kết đủ mạnh để tìm hướng cho việc xây dựng một xã hội Việt Nam giàu mạnh, trân trọng các giá trị tự do, dân chủ, văn minh của loài người.

Để đáp lại ý tưởng này của Trường Thụ, tôi xin trích một câu văn của Milan Kundera:

Cuộc đấu tranh của con người chống lại bạo quyền, chính là cuộc đấu tranh của ký ức chống lại sự quên lãng.

Thật vậy, để “xây dựng một xã hội Việt Nam giàu mạnh, trân trọng các giá trị tự do, dân chủ, văn minh của loài người”, chúng ta không thể “gạt bỏ quá khứ”, vì cái thảm trạng của chúng ta trong hiện tại chính là hậu quả của một “quá khứ” ghê tởm. Chúng ta phải nhớ rõ cái “quá khứ” ấy và, hơn nữa, phải thấy rằng cái “quá khứ” ấy vẫn đang ngự trị trong hiện tại, vẫn đang đè lên cuộc sống của chúng ta bằng sức nặng cụ thể của quyền lực của nó, và có thể sẽ còn kéo dài cho đến tương lai. Ngày nào chúng ta không nhớ đến nó, không cảnh giác để chống lại nó, ngày đó nó vẫn còn ngự trị, vẫn còn nắm giữ quyền lực, vẫn còn đè lên chính cuộc sống của chúng ta, ngăn chặn tất cả những nỗ lực “xây dựng một xã hội Việt Nam giàu mạnh, trân trọng các giá trị tự do, dân chủ, văn minh của loài người”.

Chỉ có những nghệ sĩ Việt Nam được chế độ ưu đãi, hoặc quá thờ ơ, ích kỷ, thì mới vô tình, hay cố ý, quên đi cái “quá khứ” ấy.

Herta Muller, nữ văn sĩ Rumania-Đức vừa đoạt giải Nobel Văn chương 2009, là một nhà văn chống lại sự quên lãng lịch sử. Từ khi còn ở trong nước, cho đến khi đã thoát ra nước ngoài, bà vẫn không ngừng viết về nguyên nhân của những thảm trạng mà cả đất nước Rumania phải chịu đựng, và bà không ngừng phê phán bệnh mất ký ức của tập thể xã hội.

Nhận định về Herta Muller, ông Horst Koehler, Tổng thống của nước Đức, nói:

Bà đã viết để chống lại sự quên lãng lịch sử và qua đó nhắc nhở cho chúng ta về giá trị của tự do, cái giá trị mà không bao giờ chúng ta có thể xem nhẹ.

“Cái đẹp cứu chuộc thế giới”, Dostoievski nói đúng. Nhưng ngày nào chúng ta chưa có tự do thật sự để thực hiện “cái đẹp” trong nghệ thuật và trong cuộc sống, thì ngày ấy chúng ta vẫn chưa có được “cái đẹp” đúng nghĩa để cứu chuộc bất cứ thứ gì.

 

 

---------------

Bài liên hệ:

13.11.2009
[MỸ THUẬT] ... Họa sĩ Trịnh Cung có lẽ cũng có những tâm sự riêng về chiến tranh quá khứ. Tôi hoàn toàn có thể chia sẻ và thông cảm những nỗi niềm của các bậc tiền bối. Nhưng mặc cảm “Quốc Cộng”, “Thắng-Thua” là mặc cảm của những “người già”, và nghệ sĩ cũng như nghệ thuật dù ở trong nước cũng như nước ngoài có lẽ ít người có tâm trạng này bởi nghệ thuật là để hàn gắn, liên kết mọi người (“Cái đẹp cứu chuộc thế giới” - Dostoievski) chứ không phải để chia rẽ... (...)
 
08.11.2009
... Trong một lúc nào đó xuất hiện một khe hở quản lý văn hoá ở Hà Nội hay Sài Gòn, thì cũng đã có những triển lãm sắp đặt, trình diễn của Trương Tân, Trần Lương, Nguyễn Minh Thành,... và tranh sơn dầu của Lê Quảng Hà (“Người Máy”), Nguyễn Thái Tuấn (“Black Painting”), qua đó các nghệ sĩ đã rất mạnh mẽ lên tiếng phản biện bóng tối toàn trị của nhà cầm quyền, phản biện sự tiêu diệt hoàn toàn quyền tự do ngôn luận, quyền chọn lựa chính kiến, kể cả quyền chống ngoại xâm của người dân ở đây... (...)
 
09.11.2009
... Dù muốn hay không thì tiến trình toàn cầu hoá vẫn cứ xảy ra và đã xảy ra qua vô số ngõ ngách, nhất là khi nhà cầm quyền Việt Nam giảm bớt chủ trương “ngăn sông cấm chợ”. Sự va chạm với văn hoá bản địa trên đường xâm nhập vào Việt Nam tất nhiên không thể nhỏ, vì bản sắc chính trị của một quốc gia cộng sản và bản sắc văn hoá truyền thống của người Việt nặng chất đình làng, hoặc cũng do mặc cảm lâu đời bị xâm lăng, thế nên nhà cầm quyền luôn có cảm giác đầy e sợ rằng những gì thuộc về tự do dân chủ sẽ tràn vào Việt Nam theo con đường toàn cầu hoá và sẽ lật mặt trái của chủ nghĩa toàn trị của Việt Nam xã hội chủ nghĩa... (...)
 
10.11.2009
... Nếu chúng ta đặt chính trị-dân tộc đứng ngoài phạm trù sáng tác nghệ thuật thì liệu có hạ thấp vai trò người hoạ sĩ Việt Nam? Chẳng lẽ chỉ có nghệ sĩ Phương Tây như Goya, Rembrandt, Delacroix, Picasso, Dalí, Marc Chagall,... mới có quyền vẽ về những bi thảm mà chính trị đã gây ra cho dân tộc của mình? Chẳng lẽ vì thế mà phần đông các hoạ sĩ bạn tôi nên xa lánh các vấn đề chính trị tồi tệ đang xảy ra cho đồng bào của họ? Theo tôi, nếu anh hay chị là nghệ sĩ đích thực thì không bao giờ dửng dưng với nỗi đau thương lớn của dân tộc mình, trừ phi sự dửng dưng ấy xác định chỗ đứng của anh hay chị ở về một phía khác của lịch sử... (...)

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021