tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
“Thơ đến từ đâu” hay “mượn màu son phấn đánh lừa con đen”  [đối thoại]

 

Vụ in cuốn Thơ đến từ đâu gây nhiều tai tiếng tranh cãi trên diễn đàn talawas hồi đầu tháng 12 năm ngoái thì có lẽ nhiều người đã theo dõi và biết rõ rồi. Từ khi talawas bị tin tặc đánh sập, tưởng chuyện này yên luôn, nào dè nó lại chạy qua trang Tiền Vệ. Có lẽ vì nhà xuất bản còn nhu cầu tiếp thị? Bèn dấy lên thêm một chút xôn xao cho bàn dân để ý?

Mà chắc đúng là nhu cầu tiếp thị. Đọc qua bài viết của Đặng Thân thì có lẽ ai nấy cũng thấy rõ đó không phải là một bài điểm sách hay phê bình cuốn Thơ đến từ đâu, vì không hề có sự phân tách tác phẩm. Nói trắng ra thì đó in hệt là một bài lăngxê mà lối nói bây giờ gọi là bài PR thương mãi cho nhà xuất bản, tức là loại bài chỉ gân cổ khen tưới hột dưa bằng những mĩ từ bóng bẩy rổn rảng rỗng tuếch để rao bán sách, mà đọc xong những lời khen đó thì độc giả chỉ mang cảm giác có lẽ là sách hay ho lắm nhưng không biết cái gì hay ho trong đó.

Mở đầu, Đặng Thân kê luôn một toa thiệt là rổn rảng:

“Có thể thấy nhiều chiều kích văn học trong Thơ đến từ đâu: tính báo chí, tính thơ, tính lý luận, tính phê bình, tính sáng tạo, tính kịch, tính phi hư cấu, tính chính trị, tính văn hóa, tính truyền thống, tính đương đại...”

Độc giả mới nghe qua thì bùng lỗ tai, tưởng cuốn sách giàu có lắm. Nào dè nghĩ lại một chút thì thấy những cái “tính” đó cũng có thể đem ra mà ca tụng bất kì một tờ báo nào. Cứ mua đại một tờ báo rồi giở ra đọc từ đầu tới cuối, thì quả nhiên độc giả sẽ thấy nó cũng có đủ các “tính” đó chớ không có gì lạ: tính báo chí, tính thơ, tính lý luận, tính phê bình, tính sáng tạo, tính kịch, tính phi hư cấu, tính chính trị, tính văn hóa, tính truyền thống, tính đương đại...

Cũng như bài Vài cảm nhận về “Thơ đến từ đâu” của Tạ Duy Anh có viết:

“Tôi nhận ra Thơ đến từ đâu là một cuốn sách chứa trong nó nhiều cuốn sách, ít nhất tôi có thể kể ra 5 cuốn: Một cuốn sách về thơ. Một cuốn sách về nhân cách của nhà thơ. Một cuốn sách về văn hoá. Một cuốn sách về sự hoà giải và tha thứ. Một cuốn sách về Tình yêu nước Việt. Tôi đã góp phần làm mọi cách để những cuốn sách ấy ra đời, đến được tay độc giả. Đó là công việc biên tập chính của tôi dành cho Thơ đến từ đâu. Và tôi mong thật nhiều người sẽ đọc cuốn sách công phu này.”

Quả là giọng điệu của tay rao hàng rành nghề. Vừa tự đánh bóng và kể công, vừa thổi phồng để làm độc giả tưởng cuốn sách đồ sộ. Một cuốn mà chứa nhiều cuốn, ít nhất chứa 5 cuốn! Ghê chưa. Nhưng rao kiểu đó thì cũng áp dụng được cho bất kì cuốn sách nào vì nói cho cùng thì cuốn sách nào cũng có thể được nhìn qua nhiều góc độ khác nhau. Sao Tạ Duy Anh không nói Thơ đến từ đâu chứa thêm 7 cuốn nữa luôn cho đủ tá? Một cuốn sách về tình bạn văn nghệ. Một cuốn sách về kĩ thuật phỏng vấn. Một cuốn sách về giai thoại. Một cuốn sách về lí luận văn học. Một cuốn sách về các xu hướng thẩm mĩ. Một cuốn sách về cách tự lăngxê. Một cuốn sách về nghệ thuật thù tạc. Vân vân.

Trở lại lời rao hàng của Đặng Thân, thì người đọc thấy anh ta chỉ dụ khị được những ai không theo dõi sự tình. Anh ta liệt ra một đống những lời khen, làm độc giả choáng váng mặt mày, tưởng thiệt. Nào dè những lời khen đó lại không phải là những lời khách quan, mà toàn là của những người dính dấp với cuốn sách, giống y như mèo khen mèo dài đuôi! Đặng Thân nói những lời khen đó là của các “thi sỹ, văn nhân và người đọc”. Nhưng coi lại thì không thấy lời khen nào là của người đọc. Chỉ có lời khen của các thi sĩ và văn nhân cây nhà lá vườn tự biên tự diễn. Họ nhúng tay vô làm cuốn sách, thì khi sách ra lò, họ rao hàng, chớ có gì lạ đâu mà kể!

Nhưng Đặng Thân ham kể ra cho nhiều để gây choáng người đọc nên cố tình gian lận. Anh ta trích ra lời khen của Nam Dao từ cuộc phỏng vấn trong nguyên bản cuốn sách nhưng anh ta lại giả lờ sự việc là sau khi cuốn sách vừa ra lò thì Nam Dao đã viết bài “Thơ không đến từ kiểm duyệt” chua như giấm:

“... Đọc lại, tôi ngạc nhiên thấy bài phỏng vấn tôi được “chiếu cố” khá nhiều, đục bỏ tất cả 1532 chữ trong hai câu vấn-đáp (không kể làm gì dăm câu đục bỏ khác lẻ tẻ đó đây)... “Chơi dao có ngày đứt tay”, nếu không khéo. Bài phỏng vấn tôi đã lên talawas, và khi in mà có kiểm duyệt (kiểm duyệt tư tưởng chứ không là biên tập) thì rành rành khó chối. Tôi lại là Việt kiều, và cùng thời điểm ra mắt tập TĐTĐ, Nhà nước bỏ bạc tỉ ra triệu tập Đại hội Việt kiều lần 1, dùng xe có hú còi thao tác sự trọng vọng, hô hào Việt kiều đóng góp đôla và chất xám, mà đi kiểm duyệt đục bỏ bài phỏng vấn tôi thì… rất phản tác dụng, hơi hướm kiểu chúng ta quen nghe là “nói dzậy mà không phải dzậy”. Để lời kêu gọi lòng yêu nước, tinh thần xây dựng v.v… trong Đại hội Việt kiều có chút thực tế, tất phải chứng minh rằng hai đoạn bị đục bỏ của tôi nó “ngược dòng” chính thống thế nào. Động thái kiểm duyệt thô bạo trên có lẽ là thái độ chống báng chính sách Việt kiều của Nhà nước. Nếu vậy, các cơ quan có chức năng cần rà soát lại ý đồ cũng như khả năng nghiệp vụ của Bộ 4T, chứ cứ trống đánh xuôi kèn thổi ngược thì khó khá... Ngày xưa thực dân chúng nó còn “tử tế” như thế khi kiểm duyệt kẻ bị trị, lẽ nào ngày nay đất nước đã giải phóng mà ta lại tệ mạt với nhau? Và tệ mạt với một “khúc ruột ngàn dặm” như tôi đây thì quả là vô tích sự.

Đặng Thân lờ đẹp những chuyện như vậy, cũng như lờ đẹp những lời ta thán mà một số nhà thơ nạn nhân khác đã lên tiếng trên diễn đàn talawas hồi đầu tháng 12 lúc cuốn Thơ đến từ đâu mới ra lò.

Mà lờ cũng phải. Rao hàng thì thường là “tốt khoe, xấu che”. Khi rao thì rao “ngon, rẻ, đẹp, bền”, còn thực chất thế nào thì... hồi sau sẽ rõ. Rao đầu dê mà bán thịt chó thì cũng là chuyện thường thôi. Đặng Thân, cũng như những Trung Trung Đỉnh, Tạ Duy Anh, Nguyễn Thụy Kha, Trần Thị Trường.... đều là những người rao hàng rành nghề. Những chuyện thô bạo như “đục bỏ 1532 chữ” mà Nam Dao tố giác thì được khỏa lấp bằng những mĩ từ thơm tho. Những chuyện đối xử tệ mạt với “khúc ruột ngàn dặm” thì lại được rao thành “hoà giải và tha thứ”!

Mà kể cũng ngộ. Cuốn Thơ đến từ đâu đã nằm nguyên vẹn mấy năm trời trên talawas, có lẽ đã được cả vạn người đọc, thì không ầm ĩ gì ráo. Ấy vậy mà khi nó được vác về Hà Nội, bị tùng xẻo, rồi in thành chừng một ngàn bản, chưa kịp đem ra bán ngoài thị trường, thì đã nghe trống chiêng phèng la kêu rân lên muốn điếc con ráy.

Cũng cùng một giọng với tập thể những người rao hàng kia Đặng Thân ca tụng cuốn Thơ đến từ đâu“bốc lửa” với tình yêu nước Việt, hòa giải và khoan dung, mong muốn có đổi mới thực sự trong văn học... và “chẩy nước” với tình thơ, tình người và sự hy sinh...

Nằm trên talawas cho cả vạn người đọc thì cũng bình thường thôi, mà vác về Hà Nội, đút đầu vô tròng kiểm duyệt cho bị cắt tai gọt mũi xong thì thình lình lại biến thành một tác phẩm có “tình yêu nước Việt, hòa giải và khoan dung”? Mà ai hòa giải với ai, ai khoan dung với cái gì, thì mới được cho là “mong muốn có đổi mới thực sự trong văn học”? Chịu đút đầu vô tròng kiểm duyệt thì “hy sinh” cho cái gì? Bị cắt tai gọt mũi thì mới có “tình thơ, tình người” hay sao?

Đến mức này thì giọng điệu rao hàng rành rành biến thành giọng điệu khác. Cái giọng điệu hương hoa son phấn giả dối của phường bịp chuyên nghiệp. Diễn tả cái giọng điệu này cho có “tình thơ” thì không gì bằng câu lục bát của Nguyễn Du:

Tuồng gì hoa thải hương thừa

Mượn màu son phấn đánh lừa con đen.

 

 

---------------

Bài liên hệ:

05.01.2010
[VĂN HỌC & CHÍNH TRỊ] ... Cái đọng lại lớn nhất trong tâm trí tôi sau khi đọc Thơ đến từ đâu chính là tính giai thoại. [...] Tôi thấy những tác gia được nhớ tới thường đi kèm với những giai thoại khó quên về cuộc đời của họ, chứ không phải chỉ vì thơ. Ấy mà rồi qua bao năm tháng hầu như nhiều người hiếm khi nhớ được bài thơ hay đoạn văn của tác gia nổi tiếng nào, cái ăn sâu mãi vào tâm trí có chăng chỉ còn là những GIAI THOẠI về họ. [...] Với các giai thoại, các nhà thơ nhà văn đã trở nên “đáng yêu” và “dễ thương” hơn rất nhiều và càng làm cho họ được nhớ mãi... (...)
 
04.01.2010
[VĂN HỌC & CHÍNH TRỊ] ... Bất cứ một chính quyền nào, bất cứ một xã hội nào — bất cứ một viễn cảnh của một xã hội tương lai nào — mà có sự tôn trọng đối với các nhà văn thì cũng đều phải cho họ được tự do tối đa để họ viết theo những cách khác nhau của riêng họ, theo những sự chọn lựa của riêng họ về hình thức và ngôn ngữ, và theo cái sự thật mà riêng họ phát hiện... (...)
 
29.12.2009
[VĂN HỌC & CHÍNH TRỊ] ... Tôi không ảo tưởng về kiểm duyệt của một chế độ toàn trị bất kì, nhưng cộng đồng chữ nghĩa Việt Nam hôm nay đang sống với vài huyền thoại rất vớ vẩn. Huyền thoại về hiện tượng inP là một. Vậy làm sao có thể nhận mặt ai là người kí sinh huyền thoại? Chỉ có kẻ trong cuộc mới có thể trả lời được câu hỏi này. Nếu họ không trả lời được — do tự huyễn hay ngoan cố hoặc ngu muội — thì người đọc có thể nhận ra bằng đọc lại căn cước họ hoặc nhìn vào tài năng hiện tại qua chính sáng tác của họ. Bởi đã từng xảy ra hiện tượng người viết ăn theo cái bóng của mình, tệ hơn nữa, ăn theo chính cái bóng của huyền thoại do mình tạo ra... (...)
 
27.12.2009
[VĂN HỌC & CHÍNH TRỊ] ... Không bên lề / không trung tâm / tôi trú trên đường biên // Không ngoài luồng / không chánh lưu / sống như thể không đường biên // Cũng chẳng có gì trầm trọng cả / mỗi các ông cứ dựng chòi / mỗi các ông cứ có mặt như một biên giới... (...)
 
26.12.2009
[VĂN HỌC & CHÍNH TRỊ] ... Trong thời đại này, hình như một ý thức văn hoá cũng đồng thời là một ý thức về chính trị. Những ám ảnh về kiểm duyệt ở xã hội Việt Nam hiện tại một phần có thể do chính bản thân người viết, với nỗi sợ hãi lẫn hèn hạ tự thân... (...)
 
[VĂN HỌC & CHÍNH TRỊ] ... Một khi quyền lực và quyền lợi thống nhất, như ở Việt Nam, thì quyền con người trở nên bấn loạn. Trong sự bấn loạn của quyền con người, tôi chỉ có một cách vớt vát là thể hiện tối đa quyền từ chối... (...)
 
19.12.2009
[VĂN HỌC & CHÍNH TRỊ] ... đêm trước anh ngủ mơ / thấy những con chữ mình mẩy thương tích / bò chậm chạp lên người / chui vào thất khiếu vùng vẫy rên la / réo tên anh đòi mạng / anh thức giấc / sợ hãi kinh hoàng... (...)
 
15.12.2009
[VĂN HỌC & CHÍNH TRỊ] ... Nadine Gordimer: “Tất cả những gì nhà văn có thể làm, như một nhà văn, là tiếp tục viết ra cái sự thật như chính anh ta nhìn thấy. Đó là cái mà tôi gọi là “quan điểm riêng” về những sự kiện, cho dù là những sự kiện lớn của đại chúng như những cuộc chiến tranh và những cuộc cách mạng, hay là những sự kiện cá nhân và thân mật của đời sống thường nhật.” ... (...)
 
08.12.2009
[VĂN HỌC & CHÍNH TRỊ] ... Người biên tập thật đúng nghĩa phải là người bảo vệ cho tác phẩm, góp phần làm tác phẩm hoàn hảo hơn, và dũng cảm chống lại sự kiểm duyệt của chính quyền độc tài, chứ không để chính mình biến thành công cụ của hệ thống kiểm duyệt... (...)
 
07.12.2009
[VĂN HỌC & CHÍNH TRỊ] ... Thơ tôi đến từ đâu thì tôi đã nói sơ qua trong bài trả lời phỏng vấn của tôi do nhà thơ Nguyễn Đức Tùng thực hiện, đăng trên Talawas bộ cũ ngày 1.8.2006. Thơ hải ngoại đến từ đâu thì xin thưa tôi thực tình không biết vì tôi ít giao thiệp. Còn thơ trong nước? Có thể một phần lớn (xịn, ngầu nhất?) đến từ bàn tiệc rượu (và mâm thịt chó?)... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021