tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Bất cần nhân cách, thì không còn gì để nói  [đối thoại]

 

Sau khi tôi công bố bài viết “Khi một con người không còn biết tự trọng” (trong đó, tôi phê phán việc ông Nguyễn Quốc Trụ thoá mạ tôi một cách vô căn cứ, vô cớ và thiếu lương thiện), ông Nguyễn Quốc Trụ vội vàng “thành thực xin lỗi”, và công nhận rằng bài viết của tôi là “rất mực đàng hoàng”, nhưng ngay sau đó lại loay hoay tìm cách xuyên tạc, tráo trở, để tiếp tục thoá mạ tôi một cách vô căn cứ, vô cớ và thiếu lương thiện.

 

1/ Trường hợp bản dịch “Sự tự do của một nhà văn”:

Sau khi tôi công bố bài viết “Khi một con người không còn biết tự trọng”, thì lập tức ông Nguyễn Quốc Trụ viết trên trang nhà Tin Văn:

Trên Tiền Vệ, có bài trả lời của nhà thơ Nguyễn Tôn Hiệt. Xin post lại nguyên văn, và thành thực xin lỗi nhà thơ. Trong trường hợp này, quả NQT mới đúng là anh mù sờ voi, vì không có trong tay nguyên tác!
 

Nếu ông Nguyễn Quốc Trụ biết “thành thực xin lỗi” như vậy thì tốt biết mấy. Đằng này, vừa nói ra lời xin lỗi, ông lại nói thêm:

Đây có lẽ là bài viết đầu tiên, rất mực đàng hoàng, từ cái trang web mà Gấu gọi là Hậu Vệ...
 
Thì cũng đành phải chịu đòn này, vậy!
 

Thử hỏi: Từ trước đến nay, riêng tôi đã có đăng hơn 40 bài viết trên Tiền Vệ. Tất cả những bài viết ấy của tôi thì thiếu đàng hoàng hay sao? Thiếu đàng hoàng ở chỗ nào? Và trang web Tiền Vệ cho đến nay đã có gần 10,000 tiết mục thơ, truyện, tiểu luận, dịch thuật, âm nhạc, kịch nghệ, mỹ thuật, của gần 1,500 tác giả, thì không lẽ tất cả đều thiếu đàng hoàng hay sao?

Chí ít, đây là thái độ chứng tỏ ông Nguyễn Quốc Trụ không chịu phục thiện. Nói trắng ra, ông Nguyễn Quốc Trụ không hề “thành thực xin lỗi”, vì vừa ông nói bài viết của tôi là “rất mực đàng hoàng”, rồi ông nói lời “thành thực xin lỗi” xong, thì ngay tức khắc ông lại tiếp tục thoá mạ tôi một cách hết sức lạ lùng về chính cái bài viết “rất mực đàng hoàng” của tôi.

Ông viết:

Tôi, NQT, sợ rằng, “thiếu lương thiện”, đúng ra phải áp dụng cho nhà thơ!
 
Ông có nguyên tác trong tay, ông giấu biệt, lâu lâu “xón” ra một câu dịch rất đỗi tức cười, NQT đọc, nghi quá, mới gõ Google, ra được cái bản tóm tắt. So nó với những đoạn ông đã dịch, thì nghĩ trong bụng, nhà thơ không đọc nổi bản văn của Gordimer, từ đó mới xổ ra một số từ khá nặng nề, bởi thế, khi ông lên tiếng, phải nhận lỗi về mình.
 
Câu văn “All that the writer can do, as a writer, is to go on writing the truth as he sees it”, có thể nằm trong nội dung bài viết, thì hiểu được, nhưng vì tách ra, nên NQT mới bị lầm, và cũng đã nhận lỗi.
 
Giả như ông NTH để nguyên văn tiếng Anh, kèm câu dịch, thì đâu có chuyện.
 
Chính vì sợ ‘thiếu luơng thiện’ mà Tin Văn mỗi khi dịch, cố gắng kèm nguyên tác, vậy mà cũng bị hiểu lầm là coi thường độc giả.
 
Trường hợp “thiếu lương thiện” đã từng xẩy ra trên Hậu Vệ, với một dịch giả nổi tiếng. Tin Văn đã khui ra, không tiện nhắc lại.
 
Cách tốt nhất, là, đề nghị NTH dịch toàn bài, sau đó mới có thể nói chuyện tiếp được, về những “dịch đại, dịch nhảm”…
 
V/v Summary, tôi NQT chỉ cần có vậy, nên “đoán ẩu” là của nhà xb, không đúng như sự thực, của AcaDemon, như NTH sửa lại.
 
Tks, anyway. NQT
 

Thật là đáng kinh ngạc vì Nguyễn Quốc Trụ đã áp dụng chữ “thiếu lương thiện” ngược lại cho tôi, đối với chính cái bài viết của tôi mà ông công nhận là “rất mực đàng hoàng” khiến ông phải “thành thực xin lỗi”.

Ông cho rằng tôi là “thiếu lương thiện” vì tôi “có nguyên tác trong tay” mà lại “giấu biệt, lâu lâu 'xón' [sic] ra một câu dịch rất đỗi tức cười.” Ông đòi tôi phải đăng song song nguyên tác và bản dịch, để ông dễ so sánh!

Thật là một lối ăn nói vô cùng ngược ngạo, thiếu văn minh, bất chấp cả lẽ phải và ngay cả pháp luật.

Tôi đi mua sách về đọc, thấy cái gì đắc ý, thì dịch ra tiếng Việt, gửi đăng báo để chia sẻ với độc giả. Tôi đâu có quyền tự ý đăng lại nguyên tác mà không có sự đồng ý của nhà xuất bản. Trong sách, nhà xuất bản đã thông báo rõ ràng:

All rights reserved. No part of this book may be reproduced or transmitted in any form or by means, electronic or mechanical including photocopying, recording any information storage or retrieval system, without prior permission in writing from the publishers.
 

Đó là những điều căn bản nhất của luật bản quyền mà mọi con người lương thiện đều phải tôn trọng. Vì thế, khi đăng một bản dịch, bao giờ tôi cũng ghi rõ tất cả những chi tiết xuất xứ, để giúp cho độc giả dễ dàng tìm nguyên tác ở các thư viện hay mua ở các tiệm sách. Về bản dịch “Sự tự do của một nhà văn”, tôi ghi rõ nhan đề của nguyên tác là “A Writer's Freedom” của Nadine Gordimer, in trong cuốn An Embarassment of Tyrannies, do W.L. Webb và Rose Bell biên tập, và do nhà xuất bản Victor Gollancz ấn hành năm 1997 tại London.

Ông Nguyễn Quốc Trụ không hiểu thế nào là lương thiện hay sao?

Ông lại nói:

Chính vì sợ ‘thiếu luơng thiện’ mà Tin Văn mỗi khi dịch, cố gắng kèm nguyên tác, vậy mà cũng bị hiểu lầm là coi thường độc giả.

Ông Nguyễn Quốc Trụ nói vậy là hoàn toàn ngược đời. Nói cho đúng, việc tự ý đăng song song nguyên tác với bản dịch (mà không có sự đồng ý của nhà xuất bản hay tác giả) thì không phải là “coi thường độc giả” như ông nói, mà chính là coi thường pháp luật. Tất cả những bản dịch thơ, truyện, tiểu luận mà ấn hành song ngữ thì các bên hợp tác xuất bản đều phải theo đúng các quy định luật pháp về sách song ngữ. Các thủ tục pháp lý và tài chính trở nên rườm rà hơn, nếu nguyên tác được một nhà xuất bản ở nước này giữ bản quyền, và bản dịch lại được một nhà xuất bản ở nước khác giữ bản quyền. Chính vì thế, tuyệt đại đa số bản dịch đều xuất hiện dưới hình thức đơn ngữ. Độc giả nào muốn đối chiếu với nguyên tác, thì phải tìm mua nguyên tác.

Mà ngay cái lối lý sự của Nguyễn Quốc Trụ cũng hết sức thiếu thành thật.

Khi ông không có nguyên tác trong tay, ông cho rằng câu dịch tiếng Việt “Tất cả những gì nhà văn có thể làm, như một nhà văn, là tiếp tục viết ra cái sự thật như chính anh ta nhìn thấy là một câu “ngớ ngẩn”, “ngớ ngẩn đến mức bật cười”, rằng người dịch “xón [sic] ra một cục, không tròn, mà lại vuông, thế mới bực đại nhảm”, rằng người dịch “không đọc nổi bài viết của Gordimer”, là “anh mù sờ voi”, là “dịch đại”, là “bịp thiên hạ”.

Khi tôi cho ông biết nguyên văn tiếng Anh của câu đó là “All that the writer can do, as a writer, is to go on writing the truth as he sees it , nghĩa là tôi đã dịch ra tiếng Việt hoàn toàn chính xác, thì Nguyễn Quốc Trụ lại nói:

Giả như ông NTH để nguyên văn tiếng Anh, kèm câu dịch, thì đâu có chuyện.
 

Ý ông muốn nói cái gì vậy? Câu Anh ngữ và câu Việt ngữ hoàn toàn đồng nghĩa với nhau, thì tại sao câu Việt ngữ lại bị ông thoá mạ bằng những từ ngữ nặng nề, thô tục, còn câu Anh ngữ thì được ông cho là hợp lý? Ông có phải là người Việt Nam hay không? Hay là ông không biết đọc tiếng Việt? Hay là ông chỉ cố tình gây sự để kiếm cớ mà tiếp tục thoá mạ tôi?

 

2/ Trường hợp bài thơ “Tôi biết ơn những người vấp ngã”

Sau khi bỏ thì giờ xem lại trang Tin Văn của ông Nguyễn Quốc Trụ, tôi phát hiện rằng không chỉ đối với trường hợp bản dịch “Sự tự do của một nhà văn”, mà ông Nguyễn Quốc Trụ còn thoá mạ tôi một cách vô cớ về bài thơ “Tôi biết ơn những người vấp ngã”. Nguyên văn bài thơ của tôi như sau

 
Tôi biết ơn những người vấp ngã
Sau khi đọc bài thơ “Ở cùng một nơi với những người vấp ngã” của Trần Tiến Dũng
 
Trên con đường đi tìm tiếng nói,
có những người vấp ngã sau khi đã đi được một đoạn.
 
Có những kẻ đã đặt bẫy cho họ vấp ngã.
Có những kẻ đã xô cho họ vấp ngã.
Có những kẻ đã cười thích thú khi chứng kiến những người vấp ngã.
Có những kẻ đã nhổ nước bọt lên những người vấp ngã.
 
Tôi biết ơn những người vấp ngã.
Tôi biết ơn đoạn đường mà những người vấp ngã đã đi được,
trước khi họ vấp ngã.
 
Họ vấp ngã,
nhưng mỗi lần họ vấp ngã
họ đã làm cho con đường của chúng ta ngắn thêm một đoạn.
 
Tôi tin chắc trong chúng ta sẽ còn nhiều người tiếp tục bước tới,
bước tới, bước tới, từ nơi những người đã vấp ngã,
không ngừng bước tới, bước tới,
và ngày chúng ta giành lại được tiếng nói,
chúng ta sẽ nói,
chúng ta sẽ hát ca,
và trong tiếng nói của chúng ta sẽ có tiếng nói của những người đã vấp ngã,
và trong lời hát ca của chúng ta
sẽ có lời hát ca của họ.
 

Bài thơ này đầu tiên đăng trên Tiền Vệ. Sau đó, nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc giới thiệu và nhận định về bài thơ này trên VOA blog như sau:

Ở đây, tôi chỉ xin giới thiệu một bài thơ viết nhân ngày Lê Công Định và Nguyễn Tiến Trung bị bắt và sau đó, xuất hiện trên màn ảnh truyền hình với lời nhận tội và xin khoan hồng. Về sự kiện ấy, rất nhiều người đã lên tiếng. Người thì thông cảm, cho họ bị công an lừa gạt hoặc gây sức ép. Người thì thất vọng, cho là họ quá nhẹ dạ và yếu đuối.
 
Tôi thích nhất là thái độ của nhà thơ Nguyễn Tôn Hiệt. Trong bài “Tôi biết ơn những người vấp ngã”, ông đưa ra một cái nhìn nhân hậu và nhân bản, bày tỏ sự trân trọng đối với những người từng dũng cảm lên tiếng chống lại tội ác ngay cả những khi họ bị vấp ngã.
 

Trên trang Tin Văn, ông Nguyễn Quốc Trụ liền gây hấn:

Vấp ngã, là sao?
Ai vấp ngã ở đây?
Cái nhìn nhân hậu và nhân bản?
 
Ai cần ông nhà thơ đưa ra những cái nhìn như thế, mà cần ông biết ơn họ, vì họ dũng cảm, không vấp ngã, mới đúng!
 
Mượn đến cả nỗi đau của những con người dũng cảm như thế để mà công kênh lẫn nhau, thì đúng là hết thuốc chữa!
 

Tôi không biết vì sao ông Nguyễn Quốc Trụ lại đưa ra những câu hỏi kiểu đó, những lời bình phẩm kiểu đó. Ông căn cứ vào cái gì để cho rằng khi tôi viết bài thơ đó, tôi đã “mượn đến cả nỗi đau của những con người dũng cảm như thế để mà công kênh lẫn nhau”. Tôi công kênh ai? Ai công kênh tôi? Ở đây, rõ ràng ông Nguyễn Quốc Trụ cho rằng nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc và tôi dùng bài thơ này để “công kênh lẫn nhau”!

Rồi ông Nguyễn Quốc Trụ bắt đầu thoá mạ:

... có “những thằng ngu” [ngu gì lũ này, cũng tính ăn theo tí ti!], giả đò khóc lóc, biết ơn cái sự vấp ngã...
 

Rồi ông Nguyễn Quốc Trụ chụp mũ tôi là ngầm chấp nhận nhà nước VC là “đúng”. Ông viết:

Nhưng làm gì có chuyện vấp ngã.
 
Nội nghĩ đến một từ như thế, rồi gán cho họ, rồi giả đò biết ơn, là đã ngầm chấp nhận nhà nước VC “đúng”.
 
VC đúng, thì mới có chuyện sai lầm, vấp ngã của những LCD, NTT!
 

Rồi ông Nguyễn Quốc Trụ cố tình xuyên tạc chữ “vấp ngã” trong bài thơ của tôi một cách hết sức lố bịch để tiếp tục thoá mạ. Ông viết:

Chuyện rõ như ban ngày, vậy mà mấy thằng ngu cũng vẫn eo xèo, anh hùng gì mà yếu như sên! Vấp ngã như con nít!
 

Sau khi cố tình xuyên tạc rằng chữ “vấp ngã” trong bài thơ của tôi là có ý hạ nhục Lê Công Định và Nguyễn Tiến Trung là “yếu như sên”, là “vấp ngã như con nít”, ông Nguyễn Quốc Trụ lại tiếp tục thoá mạ nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc và tôi bằng những lời lẽ đạo đức giả và phi lý cực độ như sau:

Chúng ta cứ thử tưởng tượng, khi LCD đang ngồi đọc bản thú tội, có hai thằng khốn kiếp lăm le làm nhục vợ con ông?
 
Hỏi tức là trả lời vậy.
 

*

 

Thế rồi, sau khi tôi công bố bài “Khi một con người không còn biết tự trọng” lên trang Tiền Vệ, ông Nguyễn Quốc Trụ bắt đầu đổi giọng. Ông viết:

Bài thơ của Nguyễn Tôn Hiệt, Gấu mầy mò tìm lại xuất xứ, hóa ra là được gợi hứng từ bài thơ của Trần Tiến Dũng, và cái từ “vấp ngã”, là của TTD.
 
Nhà thơ TTD sử dụng từ này, thì OK, ấy là bởi vì, ông không thể sử dụng một từ khác. Trong tinh thần bài thơ của ông hình ảnh ‘vấp ngã’ thật đẹp, vì nó không nhắm thẳng vào những cá nhân như LCD, NTT, mà chỉ khiến người đọc nhìn ra, và nhập vào khổ nạn của tất cả những người như họ, được tượng trưng bằng một số nhân vật trong bài thơ.
 
Cũng theo cái dòng đó, mà bài thơ của Nguyễn Tôn Hiệt đi tiếp.
Nói rõ hơn, nhà thơ NTH không sử dụng bài thơ của ông, để chỉ đích danh, và để nhớ ơn, những LCD, NTT. Thành thử bài viết của NHQ, với cái tít: Một bài thơ cho Lê Công Định và Nguyễn Tiến Trung, là sai.
 
Đây là đòn “mượn hoa hiến Phật”, “của người phúc ta”, khiến Gấu bị mắc hỡm!
 
Bởi vì, Nguyễn Tôn Hiệt không hề làm bài thơ cho LCD và NTT.
[Không hiểu, ở những chỗ khác, ông có ghi là “tặng và nhớ ơn LCD, NTT vì vấp ngã” hay không.]
 
Khi đọc cái tít, trên, khi đọc những dòng sau đây, của NHQ, tôi, NQT đã bị lầm.
 

Ông “đã bị lầm”? Vì ông “bị lầm” nên ông có quyền xuyên tạc và thoá mạ tôi liên tục bằng những lời lẽ ghê gớm đến mức đó hay sao? Và ông tự cho phép chính ông tiếp tục “bị lầm” để rồi ông lại tiếp tục thoá mạ tôi một cách vô cớ hay sao? Cái đạo đức gì mà lạ lùng thế!

Sau đó, Nguyễn Quốc Trụ giải thích lý do vì sao ông đã thoá mạ tôi về bản dịch “Sự tự do của một nhà văn”:

Những đoạn của Gordimer nhà thơ Nguyễn Tôn Hiệt thích, và dịch, xuất hiện cũng đã lâu rồi. Sở dĩ Gấu đến bây giờ dám ‘đụng’ tới nó, là vì bài thơ ‘Tôi biết ơn những người vấp ngã’ được nhà đại phê bình mang ra thổi vung vít, khiến Gấu ‘lại đâm bực’!
 

Thì ra, vì Nguyễn Quốc Trụ thấy nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc giới thiệu bài thơ “Tôi biết ơn những người vấp ngã” của tôi trên VOA blog và nhận định rằng bài thơ ấy “đưa ra một cái nhìn nhân hậu và nhân bản, bày tỏ sự trân trọng đối với những người từng dũng cảm lên tiếng chống lại tội ác ngay cả những khi họ bị vấp ngã”, nên Nguyễn Quốc Trụ “đâm bực” và vì thế ông tự cho ông cái quyền thoá mạ tôi tối đa về bài thơ ấy, rồi sẵn trớn, sau đó, thoá mạ tôi luôn cả về bản dịch “Sự tự do của một nhà văn”“ngớ ngẩn”, “đại nhảm”, “không đọc nổi bài viết của Gordimer”, “anh mù sờ voi”, “dịch đại”,“bịp thiên hạ”, dù chính ông không có nguyên tác trong tay để mà so sánh!

Rồi để giải thích thêm về sự “đâm bực” dẫn đến sự thoá mạ tôi một cách vô lý, vô căn cứ và thiếu lương thiện đến mức đó, Nguyễn Quốc Trụ lại tiếp tục dùng giọng điệu đạo đức giả để xuyên tạc chữ “vấp ngã” trong bài thơ:

Hãy thử tưởng tượng, gia đình LCD đang ló sốt vó, không biết ông có bị VC đem ra làm vật tế thần hay không, mà phải đọc những tình cảm nhân hậu và nhân bản dành cho người yếu đuối, quá nhẹ dạ, và vấp ngã, thì có điên lên không?
 
Gấu này, người ngoài cuộc, đọc, mà còn giận điên lên, và như người ta nói, giận mất khôn, mất luôn cả 'tư cách nhà văn', mất luôn 'lòng tự trọng', là như vậy.
 
Dù sao, cũng xin lỗi thi sĩ, một lần nữa.
 

*

 

Không, đến hôm nay thì tôi không còn tin và không còn muốn nghe ông Nguyễn Quốc Trụ nói chữ “xin lỗi” đối với tôi nữa. Sự việc diễn biến đầu đuôi như vậy là đã quá rõ để tôi hiểu bản chất của ông.

Tôi viết bài thơ “Tôi biết ơn những người vấp ngã”, rồi tôi dịch bài “Sự tự do của một nhà văn” của Nadine Gordimer. Tôi đã làm những công việc ấy như một nghệ sĩ khao khát tự do và công bằng cho cuộc sống con người. Những công việc ấy của tôi không hề xúc phạm đến bất cứ ai. Những công việc ấy của tôi được làm một cách thành tâm, cẩn trọng và hoàn toàn lương thiện. Vì thế, tôi đã không thể hiểu nổi tại sao thình lình ông Nguyễn Quốc Trụ lại đem tôi ra để thoá mạ bằng những lời lẽ ghê gớm đến thế, rồi giả vờ xin lỗi, rồi lại tiếp tục thoá mạ.

Nhưng bây giờ thì tôi đã hiểu. Tôi không cần phải nói ra điều tôi hiểu về ông, vì có lẽ chính ông tự hiểu ông hơn ai hết.

Thuở tôi bắt đầu yêu văn chương, mẹ tôi có nói với tôi rằng một con người khi đến với văn chương thì chí ít cũng mang sẵn trong mình một hạt mầm đẹp đẽ của đạo làm người. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy lời nói của mẹ tôi quá lý tưởng, có lẽ mẹ tôi nói thế chỉ để nhắn nhủ với con mình, chứ thật ra, trong cuộc sống này, không phải con người nào đến với văn chương cũng mang cái mầm đẹp đẽ ấy. Mà đôi khi, ngược lại!

 

 

----------------
Xin lưu ý: Ông Nguyễn Quốc Trụ thường xuyên thay đổi vị trí các bài trên trang Tin Văn, thậm chí có vài người đã tố giác rằng ông có thể xoá mất dấu những bài ông viết để đánh phá vô cớ và bị phản công. Vì thế, tôi không thể đặt những đường link cố định dẫn đến những bài trên trang ấy. Thay vào đó, tôi đã chụp hình tất cả những trang có liên quan đến tôi để giữ làm tài liệu. Trong trường hợp cần thiết, tôi sẽ xuất trình những bản chụp ấy trước công luận.

 

 

---------------

Bài liên hệ:

07.01.2010
[TƯ CÁCH NHÀ VĂN] ... Ông Nguyễn Quốc Trụ, trong tay không có nguyên tác của Nadine Gordimer, chỉ đọc lóm 200 chữ của công ty AcaDemon, rồi đoán mò, mà đã dám ngang nhiên thoá mạ tôi là “ngớ ngẩn”, “đại nhảm”, “không đọc nổi bài viết của Gordimer”, “anh mù sờ voi”, “dịch đại” ,“bịp thiên hạ”! ... Một con người còn một chút lòng tự trọng thì không thể thoá mạ một người khác một cách vô căn cứ, vô lý và thiếu lương thiện như vậy được... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021