tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Ảnh khoả thân và... “tinh thần dân tộc học rất rõ nét”!  [đối thoại]

 

Kính thưa anh Nguyễn Đăng Thường

Thủy có thấy bài lên tiếng của anh và Thủy cảm thấy rằng mình cũng cần lên tiếng vì sự ngộ nhận của anh, cũng như nếu bài viết của Thủy có gây ngộ nhận cho độc giả thì Thủy xin lỗi vì mục đích chính của bài viết là:

1) T muốn lên tiếng trình bày quan điểm riêng của mình sau lời tuyên bố của ông Lê Cường, hội viên hội Khoa học lịch sử:

“Điều này chứng tỏ, nho giáo đã không chạm tay đến tất cả mọi người trong xã hội. Và trong dân gian, tín ngưỡng phồn thực vẫn có sức sống riêng. Điều này không chỉ thể hiện rõ qua những cảnh yêu đương trên những thạp đồng Đào Thịnh, bia chùa Tứ Liên mà còn tồn tại trong sinh hoạt thường ngày. Và ngay cả những người có ý thức nho giáo thì các cụ cũng chỉ nho lúc đông người thôi. Điều đó xin được khẳng định là không hề dung tục”.

Theo bài báo “Lý lịch bằng ảnh của một thuộc địa” của Kiều Trinh: ông Cường cũng cho rằng không nên nghi ngờ về tính “dàn dựng” phi thực tế của bộ ảnh này bởi chúng được xây dựng trên tinh thần dân tộc học rất rõ nét...

2) T muốn phản bác lời phát biểu của ông Cường rằng “không nên nghi ngờ tính dàn dựng của bộ ảnh”.

Bất cứ tài liệu hay hình ảnh có tính lịch sử nào không rõ xuất xứ hay không rõ ràng đều tạo nên sự nghi ngờ. Ngay đến những sử liệu được ghi chép bởi các danh sử gia, ai có thể bảo đảm được tính trung thực không thiên vị khi sử gia ấy chép sử trong bối cảnh hiện tại nơi sử gia ấy đang sống?

Theo T, sự dàn dựng đã biểu lộ rõ trong các tấm ảnh, tư thế ngồi không phải tư thế của một người phụ nữ VN truyền thống xưa. Việc vạch áo yếm để chụp không phải xây dựng trên tinh thần dân tộc học. Những bức ảnh hở ngực này được triển lãm lẫn lộn trong những bức ảnh đứng đắn có giá trị văn hóa thực thụ làm người xem bị ngộ nhận rằng văn hoá xưa là như vậy. T có thể khẳng định xuất xứ của các tấm ảnh này vì T có trong tay bộ sưu tập những tấm ảnh chụp khoả thân mà một hay hai trong những khuôn mặt những phụ nữ này đều là cùng một người.

Sự ngộ nhận đã thấy rõ trong bài viết của Kiều Trinh:

“Điều kỳ lạ với người xem là độ ‘hở hang’ của những phụ nữ này. Trái với quan niệm ‘hiện hành’ của nhiều người về sự kín đáo của người Hà Nội, phần lớn người trong ảnh đều mặc áo yếm mà hở ngực. Chiếc yếm chỉ che kín phần giữa ngực, còn hai bầu ngực thì lại hoàn toàn lộ ra!”

Người xem triển lãm đã hiểu lầm về một nét văn hoá của người phụ nữ xưa. Họ nghĩ là người phụ nữ lao động hở hang, nhếch nhác đến độ bỏ lơi chiếc yếm như vậy khi làm việc.

3) Việc người Pháp đem những tấm hình hở ngực làm bưu thiếp lưu hành khắp nơi nếu chúng ta xem đó là những bức ảnh nghệ thuật thì có lẽ tùy quan niệm bảo thủ hay thoáng riêng của từng người Việt Nam anh ạ.

Khi suy nghĩ điều này, T đã tự đặt mình vào địa vị một người phụ nữ xưa mà nghĩ. Một người, theo mẹ T kể, khi ra đường gặp đàn ông không dám nhìn thẳng; một người thiếu nữ e thẹn không dám đi hàng ngang với người mình yêu, không dám nói và phát biểu ý kiến của mình trong đám đông. Và suy nghĩ từ địa vị thời xa xưa ấy, T không thể chấp nhận việc này. Nếu T tự chụp một tấm hình hở hang như vậy được in thành bưu thiếp có dán tem gởi cho thế giới xem hay phát tán khắp nơi trên mạng, chắc T sẽ tìm một chỗ nào đó dấu mình hoặc đi mà không dám ngẩng mặt lên nhìn thiên hạ. T chỉ căn cứ trên những tấm hình rất đứng đắn của Hà nội xưa và đạo đức nho học truyền thống mà suy nghĩ dùm cho người phụ nữ Việt thôi.

Ranh giới giữa ảnh nghệ thuật và khiêu dâm rất mập mờ.

Giả dụ những tấm ảnh hở ngực ấy có tính nghệ thuật, nhưng lưu truyền chúng qua bưu thiếp như một góc nhìn văn hoá áo yếm của phụ nữ VN xưa thì nó quá lệch lạc. Một pho tượng hở hang, một bức họa khoả thân thời cổ của Tây Phương in trên bưu thiếp, người xem nhìn nó như một tác phẩm nghệ thuật. Nhưng một tấm ảnh chụp áo yếm hở ngực nhếch nhác như vậy in trên bưu thiếp, mắt nhìn của người xem có thể hình dung ra một dân tộc lạc hậu, nghèo đói, thiếu văn hoá đến vậy. Ngay cả chúng ta khi xem cũng nghĩ: các phụ nữ VN thời xưa như vậy sao?

4) Tất cả những gì T viết chỉ là một suy luận cá nhân của một phụ nữ Việt, quanh vài tấm ảnh xưa thôi. Nó chỉ là tiếng nói của một phụ nữ khi nhìn thấy những tấm ảnh của tổ tiên mình, theo suy nghĩ riêng của mình, là một sự lăng nhục. Dưới lăng kính của người khác nó màu hồng thì đó là suy nghĩ riêng của họ. Nếu bài viết T tạo sự ngộ nhận thì T chân thành xin lỗi độc giả.

 

 

---------------

Bài liên hệ:

12.02.2010
[MỸ THUẬT & VĂN HOÁ] ... “những mưu đồ chính trị gian trá” của đế quốc và thực dân? Nếu nghĩ vậy thì bạn hãy mau mau... mà giương cao ngọn cờ “chùm vú phẫn nộ” để giải phóng bọn nô lệ đáng thương!... (...)
 
11.02.2010
[MỸ THUẬT & VĂN HOÁ] ... Thành thật mà nói, tôi rất ngại “tranh cãi” chỉ bởi cái lẽ rất giản dị là đa số những kẻ tham dự không “tranh” nhau để nghe mà chỉ “tranh” nhau để cãi. Tuy nhiên, cuối cùng tôi cũng phải ráng “lên tiếng” vì thiển nghĩ của tôi là bài viết “Sự thật đằng sau chiếc yếm bỏ ngỏ” của tác giả Trịnh Thanh Thủy đăng trên Talawas Blog ngày 10.02.2010 chẳng những không hay ho, không bổ ích mà lại còn có thể gây ra những ngộ nhận tai hại đáng tiếc... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021