tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
“Tản mạn” [hay “tạp cảm”] về mượn  [đối thoại]

 

(viết ngắn, nêu để rút kinh nghiệm)

 

1.

Bài viết của Lâm Quang Thăn nối kết 2 bài của Inrasara “Cái nhìn sòng phẳng” ở trên báo Quân đội nhân dân, 22-12-2009 và bài trả lời phỏng vấn trên Tạp chí Văn hóa Dân tộc, số 1-2010, thì hơi xa nhau về thời điểm và tọa độ, khiến độc giả khó biện biệt. Đúng ra, toàn bộ ý trên tôi đã trả lời Hà Thanh Vân trong bài phỏng vấn trên báo Đà Nẵng số ra ngày 13-9-2009:[1]

Riêng ở viết ngắn: “Cái nhìn sòng phẳng”,[2] tôi đã diễn đạt đầy đủ và nhịp nhàng hơn. Để độc giả có cơ sở đối chiếu, tôi xin trích nguyên văn, cả đoạn chuyển tiếp:

“Khi có mấy í kiến cho rằng các tác giả dân tộc thiểu số Việt Nam chưa có tác phẩm sáng giá, theo tôi, có thể nêu ra vài nguyên nhân chính: 1. Nhà văn dân tộc thiểu số ít tiếp cận với cái mới, nên cứ viết theo lối cũ. 2. Thiếu sự dũng cảm cần thiết để dám đề cập đến các vấn đề trọng yếu đụng đến thân phận cộng đồng. 3. Nhà văn cũng chưa thật sự dấn thân vào cộng đồng để có thể hiểu cuộc sống thực của dân tộc, đôi khi còn khá quan cách. 4. Nhà văn chúng ta chưa biết/ dám tư duy độc lập, mà cứ tư duy theo mô thức định sẵn, thì làm gì có khai phá, có sáng tạo? Và cuối cùng, nguyên nhân thứ 5. Vấn đề tài năng và sự đam mê nghề nghiệp.
 
Thế nhưng, nhìn một cách toàn cảnh, văn học dân tộc thiểu số Việt Nam năm năm qua đã có những bước chuyển rõ rệt, cả ở tự thân lẫn nhìn nhận từ phía công chúng.
 
Về thơ, các tác giả thế hệ trước vẫn viết đều đặn, vẫn cho ra đời tác phẩm ngày càng chín hơn. Y Phương, Mai Liễu,… Hữu Tiến từ văn xuôi chuyển sang thơ, năm 2008 cũng kịp cho ra đời một tập thơ đặc sắc. Thế hệ chuyển tiếp có Lò Cao Nhum, Dương Khâu Luông, Ngọc Minh,… Thế hệ mới, bên cạnh Bùi Tuyết Mai ở miền Bắc, Hoàng Thanh Hương ở Tây Nguyên là hàng loạt tác giả Chăm xuất hiện qua Tuyển tập Tagalau, đã hình thành giọng điệu riêng, độc đáo. Đây là các khuôn mặt hoàn toàn mới, mang cảm thức mới, có lối viết rất khác và khác cả cách xuất hiện: họ không chọn cách in truyền thống mà đăng các sáng tác lên mang toàn cầu hay Blog cá nhân. Trà Vigia, Jalau Anưk càng viết càng hay. Sau đó hai tập thơ của Tuệ Nguyên (Những giấc mơ đa chiều) lẫn của Đồng Chuông Tử (Mùi hương của im lặng) đều lọt vào chung khảo Giải thưởng thơ Bách Việt năm 2009. Là tín hiệu sáng sủa”.

 

Bài của Phong Điệp:

“Từng có ý kiến cho tằng các tác giả dân tộc thiểu số ViệtNam chưa có tác phẩm sáng giá, bởi những nguyên nhân chính: 1. Nhà văn dân tộc thiểu số ít tiếp cận với cái mới, nên cứ viết theo lối cũ. 2. Thiếu sự dũng cảm cần thiết để dám đề cập đến các vấn đề trọng yếu đụng đến thân phận cộng đồng. 3. Nhà văn cũng chưa thật sự dấn thân vào cộng đồng để có thể hiểu cuộc sống thực của dân tộc, đôi khi còn khá quan cách. 4. Nhà văn chúng ta chưa biết và dám tư duy độc lập, mà cứ tư duy theo mô thức định sẵn, thì làm gì có khai phá, có sáng tạo? Và cuối cùng, nguyên nhân thứ 5: Vấn đề tài năng và sự đam mê nghề nghiệp.
 
Nhưng, theo nếu theo dõi sự chuyển động của văn học những năm qua, đặc biệt hai năm trở lại đâu thì có thể nhận thấy văn học của các tác giả dân tộc thiểu số dần định hình được trong lòng công chúng và xác lập vị trí của mình trong đời sống văn học nước nhà. Bên cạnh thành tích rất đáng nể của các nhà văn lớp trước như Cao Duy Sơn (Ngôi nhà xưa bên suối - giải thưởng Hội nhà văn 2008 và giải thưởng văn học ASEAN 2009), Inrasara (Lễ tẩy trần tháng tư - giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2003 và Giải ASEAN 2004) , Y Phương (Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007).… thì thế hệ mới cũng đã định hình và phát triển không ngừng. Đó là Bùi Tuyết Mai, Tằng A Tài, Chu Thị Minh Huệ ở miền Bắc; Nie Thanh Mai, Hoàng Thanh Hương ở Tây Nguyên. Đó là một loạt các tác giả Chăm xuất hiện qua Tuyển tập Tagalau, đã hình thành giọng điệu riêng. Đây là các khuôn mặt hoàn toàn mới, mang cảm thức mới, có lối viết rất khác và khác cả cách xuất hiện: họ không chọn cách in truyền thống mà đăng các sáng tác lên mạng . Hai tập thơ của Tuệ Nguyên (Những giấc mơ đa chiều) lẫn của Đồng Chuông Tử (Mùi hương của im lặng) đều lọt vào chung khảo Giải thưởng thơ Bách Việt năm 2009”.[3]

 

2.

Sự việc như thế thì đã rõ, xin miễn í kiến. Dù sao tôi tin rằng đây là lần đầu cũng là lần cuối với bạn văn Phong Điệp.

“Nhân” dư luận về chuyện đạo văn mươi ngày qua, nêu chuyện hôm qua, tôi muốn làm rõ vài khía cạnh ẩn khuất của vấn đề bên cạnh chỉ xem sự thể như một cái cớ để đưa ra vài “kiến nghị”. Kiến nghị nảy sinh từ trải nghiệm của tôi (và nhiều người khác) qua cuộc chữ nghĩa đầy cam go và cạm bẫy.

Bỏ qua vấn đề “nhạy cảm”, ở đây chỉ đề cập thuần chuyên môn về 3 khía cạnh giữa vô vàn trong nghề văn và nghiệp chữ.

 

- Vài tờ báo ở trong nước đôi lúc nổi hứng “biên tập” làm thay đổi nội dung bài viết mà không cần hỏi í kiến tác giả, không phải là chuyện hiếm. Tôi đã một lần nêu vấn đề này.[4]

Gặp trường hợp như thế, mỗi nhà văn phải có thái độ quyết liệt, chống lại sự độc đoán của kẻ tưởng đang nắm quyền hành trong tay.

 

- Không biên tập, nhưng có báo chuyên lại làm thao tác lược bỏ phần “chú thích”, cả phần chú thích gói gọn trong bài. Có lẽ họ nghĩ đó chỉ là bài báo, chứ không phải bài nghiên cứu, nên không cần thiết lắm, chú thích càng làm cho nó nặng nề thêm. Nhiều nhà văn dễ tính đã “tập làm quen” với thói tật đó, lấy í người khác mà bỏ qua phần chú dẫn. Tôi đã một lần đụng phải chuyện trớ trêu kia. Trong một tiểu luận, tôi đã hạn chế tối đa để chỉ ghi 4 chú thích thật cần thiết ngay trong bài, tòa soạn xóa hẳn 3 nhưng lại bỏ sót 1. 1 đó như thế này: “Sđd, trang 132”! Còn “Sđd” kia là sách gì, thì người đọc cứ mà đoán mò!

Bên “bị hại” hay độc giả nhận thấy, thẳng thắn chỉ ra là cần, để tác giả đấu tranh với tòa soạn, làm trong sạch môi trường chữ nghĩa.

 

- Riêng bạn đồng nghiệp “mượn” của nhau, là sự thể xảy ra thường xuyên với nhiều biến thái, nhiêu khê khó biện biệt. Sơ suất có, ảnh hưởng có, mượn rồi quên cũng có. Chắc chắn, trong đời cầm bút hay gõ vi tính khó ai tránh khỏi một vài lần vướng lụy kiểu này.

Mượn ý nhỏ để diễn khác đi trong một bài lớn, là chuyện xảy ra hầu như hàng ngày. Nhất là ở các bài báo phổ thông.

Mượn đặc ngữ với hàm nghĩa khác. Tôi đã mượn từ “song thoại” của Phạm Công Thiện như thế. Có lẽ đây là từ do anh bày ra đầu tiên; tôi lấy lại và cho nó một nghĩa khác để vận dụng vào phê bình thơ Việt đương đại. Tôi gọi là “song thoại với cái mới”. “Song thoại với cái mới” tôi đã một lần “cho” Trần Wũ Khang mượn vào năm 2004 ở Talawas, ba năm sau tôi “lấy” lại và sai bảo nó thường xuyên hơn. (Nguyễn Hữu Hồng Minh vào năm 2008 đã “mượn” lại nó: “Song thoại về cái mới”).[5]

Ví dụ khác. “Ăn chữ” là từ đặc biệt của Chăm. Cùng thời điểm, vào năm 2004, Trà Vigia và tôi có truyện ngắn và bài thơ lấy từ này đặt tên bài[6] (4 năm sau Nguyễn Hữu Hồng Minh có truyện chớp lấy tên là “Ăn chữ”!).[7]

Tạm nêu 2 ví dụ nhỏ. Nhỏ lẻ như thế, thì ít ai đi bắt bẻ. Nhất là với người sáng tác chuyển hệ viết tiểu luận, phê bình. Bạn văn nhắc nhở nhau cần kĩ lưỡng để chuyên nghiệp hơn, là đủ. Như Hoàng Ngọc-Tuấn đã “ghi chú” giúp tôi trong một tiểu luận về chữ mới lạ “hiện thực thậm phồn” do anh dịch chữ hyper-reality.

Hiểu ra, ta “à, hén”. Ta nói lời cảm ơn, và nghiêm chỉnh chấp hành. Bởi, không vì thế mà ta bớt đi cá tính sáng tạo; ngược lại: công việc ta sòng phẳng hơn. Cá nhân tôi, quen thao tác làm nghiên cứu, với bài báo phổ thông thì có thể tự cho phép mình bỏ qua vài ghi chú, nhưng khi chúng được chuyển khẩu sang tạp chí hay in thành sách, tôi cố gắng đến mức tối đa truy tìm lí lịch trích ngang của các í, đặc ngữ kia. Đến lúc đó mà còn sơ suất, thì hoàn toàn là do mình kém cỏi. Chứ trên không trách trời, dưới không oán người được.

 

Sài Gòn, 18-2-2010.

 

_________________________

[1]Báo Đà Nẵng, số ra ngày 13-9-2009.

[2]Báo Quân đội nhân dân, số ra ngày 22-12-2009.

[3]Phong Điệp, “"Điểm danh" văn học trẻ 2009”, phongdiep.net.

[4]Inrasara, “Lối ‘biên tập’ văn học chính thống ở Việt Nam hôm nay”, Tienve.org.

[5]Nguyễn Hữu Hồng Minh, “Cuộc song thoại về cái mới của thi ca”, evan.vnexpress.net.

[6]Truyện của Trà Vigia đăng trên eVan, 2004; bài thơ của tôi đăng trên Tienve, 2004. Về mặt tình cảm, tôi, Trà và Wũ, không vấn đề gì cả, vay mượn thoải mái. Nhưng khi đã bước lên văn đàn “thế giới” ngoài Chăm, thì công việc cũng rất cấn minh bạch.

[7]Truyện chớp “Ăn chữ” của Nguyễn Hữu Hồng Minh, đăng trên Damau, 3-12-2009.

 

 

---------------

Bài liên hệ:

17.02.2010
[ĐẠO ĐỨC TRÍ THỨC] ... Y chang! Mà người sao chép lại quên khuấy đi dấu ngoặc kép, hử đỉnh cao trí tuệ XHCN đã từng “nếu theo dõi sự chuyển động của văn học những năm qua”??? Nếu nói tư tưởng lớn đụng nhau, thì tang chứng rành rành đây: Inrasara đã viết nhầm Mùi thơm của im lặng thành Mùi hương của im lặng, Phong Điệp đã cắt dán lại hệt cái sai kia!!!... (...)
 
14.02.2010
[ĐẠO ĐỨC TRÍ THỨC] ... Tại sao lại thế nhỉ? Tại sao không hối cải? Vì tự ái? Vì tự cao? Vì mải lo noi gương sáng của Bác Hồ vĩ đại mà quên hết những đạo đức căn bản của một con người nhỏ bé nhưng lương thiện? Hay do mặc cảm? Hay do cá nhân mình thực sự chỉ là một tên ăn cắp đáng bị độc giả và dư luận khinh khi?... (...)
 
13.02.2010
[ĐẠO ĐỨC TRÍ THỨC] ... Bài “Bàn thêm về cái gọi là ‘đạo văn’ của Nguyễn Hưng Quốc” trên Da Màu ngày 10/02/2010 là một trong một loạt những phản ứng kỳ lạ của Ngô Hương Giang, kẻ đã đạo văn của Nguyễn Hưng Quốc. Đầu đuôi câu chuyện như sau... (...)
 
17.01.2010
[ĐẠO ĐỨC TRÍ THỨC] ... Theo tôi, điều đáng lo ngại nhất chính là ở chỗ “bất chấp liêm sỉ” ấy. Ăn cắp thì ở đâu cũng có. Nhưng, bình thường, bọn ăn cắp thường bị xã hội khinh miệt, do đó, ít nhiều cảm thấy xấu hổ; cũng do đó, bao giờ cũng có vẻ lén lén lút lút. Ở đây, ngược lại, những người ăn cắp lại không có vẻ gì thẹn thùng cả. Nó cho thấy có sự xói mòn về phương diện đạo đức, đặc biệt, đạo đức trí thức... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021