tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
tác phẩm của tháng
Nhận định của ban biên tập 

 

TẶNG THƯỞNG TIỀN VỆ THÁNG 8/2006

 

Tháng 8 vừa qua, ngoài hội hoạ, kịch và nhạc, Tiền Vệ đăng tải tổng cộng hơn 100 tác phẩm văn học, bao gồm 6 bài nhận định (tiểu luận cũng như trao đổi ý kiến), 17 truyện (bao gồm truyện cực ngắn), 65 bài thơ và 52 văn bản dịch (bao gồm thơ, nhận định, truyện ngắn hoặc từng chương truyện dài).

Từ khối lượng tác phẩm đồ sộ như vậy, chọn ra được một tác phẩm đáng chú ý nhất không phải là điều dễ. Truyện, bao gồm truyện cực ngắn, tuy ít, nhưng rõ ràng là truyện nào cũng có nét độc đáo riêng. Thơ càng khó chọn hơn bởi số lượng quá nhiều và hầu như tất cả đều định hình được một phong cách khá mới.

Sau nhiều ngày phân vân bàn luận, Ban Biên Tập cuối cùng quyết định trao tặng thưởng tháng 8 cho bài tiểu luận “Xoá bỏ trong tác phẩm của Robbe-Grillet: cơ chế tạo sinh và tái tạo sinh văn bản” của Nguyễn Thị Từ Huy. Đó là một tiểu luận văn học công phu và nghiêm túc về một tác giả được nhiều thế hệ nhà văn Việt Nam yêu thích. Ở miền Nam, ngay từ đầu thập niên 1960, đã có nhiều người giới thiệu Allain Robbe-Grillet và nhóm Tiểu Thuyết Mới nói chung (Nguyễn Văn Trung, Võ Phiến, Bửu Ý, v.v....), và nhiều nhà văn đã dịch tác phẩm của Robbe-Grillet hoặc theo gót Robbe-Grillet sáng tác theo phong cách Tiểu Thuyết Mới. Nguyễn Thị Từ Huy thuộc thế hệ sau, quay lại đề tài Robbe-Grillet không phải với sự tò mò của một người thưởng ngoạn từ xa mà với khát vọng tìm hiểu của một nhà nghiên cứu. Chị bỏ qua những nhiễu âm về phương diện xã hội từng ám ảnh nhiều cây bút lớp trước để tập trung thẳng vào một số khía cạnh quan trọng nhất trong thi pháp của Robbe-Grillet: sử dụng kỹ thuật xoá bỏ (thời gian / tác giả / bản sắc của tác phẩm) như một “dấu hiệu của tổn thất” đồng thời là dấu hiệu của “năng lực tái tạo”. Có lẽ do giới hạn của bài viết khá ngắn, Nguyễn Thị Từ Huy không nêu lên được lịch sử nghiên cứu của mỗi vấn đề để từ đó làm nổi bật những phát hiện riêng của chị, tuy nhiên, ở luận điểm nào, chị cũng phân tích một cách sâu sắc bằng giọng văn gọn, chắc và chặt.

Trong công cuộc đổi mới văn học Việt Nam hiện nay, một nỗ lực nghiên cứu tập trung và nghiêm chỉnh như bài viết của Nguyễn Thị Từ Huy là một việc rất nên làm và cũng rất nên được đọc một cách cẩn thận.

 

Ban Biên Tập Tiền Vệ

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021