tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
tác phẩm của tháng
Ý kiến độc giả 

 

Những đề nghị và nhận xét của độc giả và thi văn hữu về

TÁC PHẨM CỦA THÁNG 8/2006

 

08.08.2006 — Lê Ðình Nhất-Lang (California, USA)

Ðề cử tác phẩm của tháng 8: Chuyện người đời thường [8, 9, 10, 11 & 12], thơ Inrasara

Inrasara viết về một nền văn minh đang chết bằng một giọng thơ nghiêm trang và sâu lắng. Tôi nghĩ rằng chúng ta đang chứng kiến một nhà thơ hàng đầu công bố những bài thơ quan trọng trong chủ đề tâm huyết nhất của ông. Những điều này khiến chuỗi bài thơ “Chuyện người đời thường” cần được người đọc tiếp nhận với thái độ trân trọng.

 

08.08.2006 — Lê Ðình Nhất-Lang (California, USA)

Ðề cử tác phẩm của tháng 8: Bảng hiệu, truyện cực ngắn, Hoàng Long

Như những truyện cực ngắn khác của Hoàng Long, “Bảng hiệu” gợi lên một số lớn những liên tưởng bằng những hình tượng nhân vật và sự kiện đơn giản nhưng kỳ dị. Tôi thích truyện này vì ý tưởng những cảnh sát LÀ những bảng cấm rượt đuổi người dân — rất độc đáo.

 

15.08.2005 — Lê Ðình Nhất-Lang (California, USA)

Ðề nghị tác phẩm của tháng 8: Buổi chiều cơn dậy mùi từ thể trạng sâu khắm của mụ, thơ eL

Giọng của bài thơ (chua ngoa) đóng góp vào hình tượng nhân vật ("mụ") và những khẩu ngữ có tính vè, đó là hai yếu tố làm cho bài thơ rất đặc biệt, chứa cá tính và nghệ thuật từ ngữ. Ðọc rất thích.

 

22.08.2006 — Trần Xuân Bẩy (Việt Nam)

Kính gửi BBT Tiền Vệ!

Tôi là Trần Xuân Bẩy, cựu học sinh ở Brisbane, và là độc giả thường xuyên của Tiền Vệ. Qua các tác phẩm đọc được trên TV trong tháng 8 tôi thấy nổi bật lên là bài thơ Hội phố mộng của tác giả Ðặng Thân và tôi xin được chọn đây là "Tác phẩm đáng đọc nhất trong tháng" vì những lí do sau đây:

- Bài thơ như 1 tác phẩm hội hoạ đặc sắc. Khởi đầu bài thơ đã thấy cảm xúc bay lên từ 5 màu cơ bản. Sau đó là miên man dòng cảm thức của 1 hoạ sĩ đích thực thông qua những cơn buồn ngủ. Cuối cùng là giấc mộng về 1 hoạ sĩ triển lãm tranh “siêu thực”. Vậy là “mộng trung hữu mộng”, thật tài tình.

- Có thể nói đây là bài thơ đầu tiên có người đã tái hiện được trạng thái vừa buồn ngủ vừa đi du hí, 1 cảm thức tạo được chủ đề lạ. Ta thấy nhân vật vừa muốn ngủ vừa muốn cố tỉnh táo vì những cảnh sắc mới bắt gặp. Tuy nhiên những cảnh sắc dù hay ho mới lạ đến mấy vẫn bị cơn buồn ngủ làm cho say mờ. Tiếng chuông nhà thờ hay tiếng chuông chùa cũng không đủ để “thức tỉnh” hay làm “dứt cơn buồn ngủ”. Cái buồn ngủ này còn như muốn nói lên cả thực trạng xã hội trì trệ, u mê, khó có gì vận động được nó.

- Cái hay và lạ nhất có lẽ nằm ở đoạn cuối cùng. Đó đúng là ngôn ngữ trong mơ, rất ngô nghê nhưng người mơ thì cứ như thấy rất thật, rất tỉnh. Câu chuyện cũng gửi gắm những gì như thể tiên tri. Kết thúc bằng 4 chữ “hỡi ôi / rồi tỉnh” ta thấy sự luyến tiếc vô cùng 1 giấc mộng đẹp hay cũng là không muốn quay về với thực tại nhàm chán và có vẻ “kinh hoàng”. Cũng có thể xã hội là 1 giấc mộng lớn mà chỉ giấc mơ là thực.

- Như những bài khác tôi đã được đọc, tác giả Đặng Thân luôn có “giọng” độc đáo, hay, lạ, rất cuốn hút. Bài này còn bật lên cái giọng “làm thơ mà cứ như không”.

Xin cảm ơn Tiền Vệ đã cho độc giả cơ hội được tham gia diễn đàn!

 

25.08.2006 — Đinh Kiều Oanh (Nice, France)

Tôi bầu truyện ngắn Nghĩa Trang Đồng Nhi của Lynh Bacardi vì đó là một truyện hay và rất kinh dị. Tôi không biết các chi tiết mô tả có thực hay không nhưng khi đọc xong, tôi liên tưởng ngay đến xã hội Việt Nam hiện nay, một xã hội không còn tình yêu và đạo lý gì hết. Đó cũng là nơi phụ nữ bị đối xử như những con vật, chỉ để thoả mãn dục vọng của đàn ông.

 

28.08.2006 — Vĩnh Tâm (Perth, Australia)

Trong tháng 8 này tôi thích nhất là truyện Quả chuông bay đi của Nhật Chiêu. Tôi bị quyến rũ bởi tác giả này kể từ khi ông bắt đầu đăng truyện trên Tiền Vệ cách đây hơn nửa năm. Trong một thời gian ngắn như thế, Nhật Chiêu đã xuất hiện liên tục với hơn hai mươi truyện, mà truyện nào cũng thể hiện những tìm tòi mới trong lối viết, lối kết cấu. Thỉnh thoảng tôi tự hỏi nên gọi dạng truyện của Nhật Chiêu là gì, truyện hiện thực thần kỳ hay truyện huyễn tưởng, hay nên có một tên gọi khác?

Tôi thấy "Quả chuông bay đi" là một trong những tác phẩm gây ấn tượng nhất đối với tôi trong tháng 8.

 

29.08.2006 — Phan Thanh Chất (Paris, France)

Tôi xin đề nghị chọn bài thơ Tường trình — một phác thảo của Hoàng Ngọc Biên. Bài thơ văn xuôi này có ngôn ngữ đẹp một cách trong sáng và tư tưởng thì sâu sắc. Tôi đang cô đơn và cô độc, cảm thấy bài thơ như là sự mô tả hoàn cảnh và tâm sự của mình vậy. Tôi nghĩ là những người cô đơn và cô độc khác cũng chia sẻ với tôi nhận định này.

 

30.08.2006 — Trần Hồng Thu (California, USA)

Trong các bài đăng trên Tiền Vệ tháng 8 này, tôi thích nhất các tác phẩm của Ðinh Linh. Văn chương tiếng Việt của anh càng ngày càng nhuần nhuyễn, không thua bất cứ một nhà văn nổi tiếng nào của Việt Nam hiện nay.

 

31.08.2006 — Hà Văn Thu (San Diego, USA)

Đề cử tác phẩm hay của tháng 8: Tình thế và khả năng (hay là một chiều nắng đẹp) - truyện của Phước An.

Nhà thơ Inrasara, trong bài ĐA TẠ — Đáp lời Phước An về «sự thua sút của cánh chị em», đã cho rằng Phước An là một «tên tuổi xa lạ». Có lẽ nhà thơ không đọc truyện, chứ thật ra Phước An đã góp mặt từ mấy năm nay trên Tiền Vệ với hơn một chục truyện ngắn đặc sắc. Riêng trong tháng 8 này, nhà văn đã có hai truyện, và cả hai đều đáng được lưu ý về bút pháp. “Tình thế và khả năng (hay là một chiều nắng đẹp)” là một truyện được kể qua ba góc nhìn khác nhau nối tiếp và xen lẫn vào nhau: một người bị cưỡng bách làm bệnh nhân tâm thần, một bác sĩ thư lại của chế độ, và một con gián. (Tôi đặc biệt thích góc nhìn của con gián!). Ngày cưới là một dòng độc thoại nội tâm với những câu văn rất đẹp, xoay quanh một cuộc tình tan vỡ và màu trắng của trang giấy.

Tôi nghĩ truyện “Tình thế và khả năng (hay là một chiều nắng đẹp)” đáng được xem là tác phẩm của tháng 8.

 

31.08.2006 — Nguyễn Lâm (Hà Nội)

Tôi lấy làm tiếc là Tiền Vệ không chọn tác phẩm dịch để phát tặng thưởng. Nếu có, tôi xin đề nghị truyện CUỐN SỔ LỚN của Agota Kristof do Hoàng Ngọc-Tuấn dịch. Từng chương rất ngắn nhưng rất hấp dẫn. Chương “Sứt Môi” đăng vào ngày 30 vừa rồi làm tôi rúng động. Tôi chưa thấy nhà văn Việt Nam nào tả những điều khủng khiếp bằng lối văn tỉnh khô như vậy.

 

31.08.2006 – Trần Lam Phương (Toronto, Canada)

Trong cái thế giới "nghiêm và buồn" của văn chương Việt bây giờ, thơ của Lý Ðợi cho chúng ta bật một lên tiếng cười, nhưng không phải cười nắc nẻ như xem một show hề, mà cười xoà một cách khinh bỉ trước tấn tuồng dàn dựng công phu của một guồng máy đạo diễn bất tài và lưu manh đang diễn ra trên đất nước chúng ta. Tôi rất thích 2 bài thơ Hạch tội xứ Xích Quỷ trước ngưỡng cửa WTO còn đóng kínLời hứa của Doi Ly. Thơ của họ Lý không phải là khôi hài "đen". Mà là khôi hài… "đỏ".

 

31.08.2006 – Liêu Kim Lễ (Đài Bắc, Đài Loan)

Tôi cho rằng Thơ & nhà thơ — dễ & khó, thơ Trúc-Ty, là một trong những tác phẩm thú vị nhất của tháng 8. Tôi không biết phải bình luận về bài thơ này như thế nào. Tôi chỉ đọc và cảm thấy hết sức thích thú. Nó vừa là thơ mà vừa không phải là thơ (theo cách hiểu thông thường). Nó tinh nghịch, như đùa giỡn, mà lại chạm đến một số vấn đề đương thời ở Việt Nam.

Hai truyện cực ngắn của Trần Tất Đạt, Truyện cổ tích duy nhấtTruyện hay muôn thuở cũng xứng đáng được xếp vào trong số những tác phẩm thú vị nhất của tháng 8. Hai truyện cực ngắn này kể truyện mà cũng như không kể truyện gì cả. Nhưng lại kể được rất nhiều?!

 

31.08.2006 – Thanh Uyên (Wellington, New Zealand)

Tôi không dám nói truyện Nghĩa Trang Đồng Nhi của Lynh Bacardi là tác phẩm hay nhất trong tháng 8. Nhưng truyện này đã làm tôi mất ngủ vì bị ám ảnh. Nhiều chi tiết trong truyện cứ loanh quanh trong đầu óc tôi sau khi đọc xong. Nếu được phép góp ý cùng tác giả, tôi xin nhận xét là truyện này hơi quá dài cho một truyện ngắn. Nếu được viết gọn sắc hơn, có lẽ nó tác động đến người đọc hơn nữa. Ngược lại, tác giả có thể khai triển rộng hơn nữa để viết thành một tiểu thuyết.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021