tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
tác phẩm của tháng
Nhận định của ban biên tập 

 

TẶNG THƯỞNG TIỀN VỆ THÁNG 9/2006

 

Trong tháng 9 vừa qua, Tiền Vệ đăng cả thảy hơn 120 tác phẩm đủ loại, bao gồm hơn 40 bài thơ; hơn 20 truyện ngắn và truyện cực ngắn, và hơn 60 văn bản dịch thuộc nhiều thể loại khác nhau. Rất nhiều tác phẩm được anh em trong Ban Biên Tập chú ý. Tuy nhiên cuối cùng, chúng tôi quyết định trao tặng thưởng TÁC PHẨM CỦA THÁNG cho hai tác phẩm: chùm thơ Chuyện người đời thường của Inrasara và truyện ngắn (hay truyện thật ngắn, rất ngắn, cực ngắn cũng được) Tầng 2 của Ngọc Bảo An.

Chùm thơ “Chuyện người đời thường” của Inrasara, cho đến nay, bao gồm 23 bài; trong đó có 6 bài được xuất bản trong tháng 9 (từ bài 18 đến bài 23). Điểm đặc sắc của cả chùm thơ không phải là ở đề tài đời thường của người dân Chăm mà là ở giọng thơ rất riêng của Inrasara. Bài tiêu biểu hơn cả có lẽ là bài số 23 “Chuyện tôi”, một cái nhìn tự vấn về cuộc đời và việc cầm bút với một thứ ngôn ngữ và một phong cách rất riêng, thoáng chút chán chường nhưng không mất hết hy vọng.

Cùng chia tặng thưởng TÁC PHẨM CỦA THÁNG với Inrasara là truyện thật ngắn “Tầng 2” của Ngọc Bảo An. Chuyện bắt đầu bằng câu “Buồn cười quá cô nhỉ?” như mở đầu một biến cố hài hước. Nhưng sự thực sau đó lại là một bi kịch, xoay quanh cái chết của một bà vợ trẻ khi thấy chồng mình ngoại tình. Một câu chuyện như thế, thật ra, cũng chẳng có gì đặc biệt. Điều đặc biệt chỉ nằm trong cách kể chuyện. Câu chuyện được kể thông qua hàng loạt các câu hỏi, trước hết là các câu hỏi của cô bé về cái chết của mẹ, sau đó là câu hỏi của ai đó, có thể là của một cô giáo. Hết câu hỏi này đến câu hỏi khác. Chỉ hỏi thôi. Trong cả câu chuyện, chỉ có một câu duy nhất không phải là câu hỏi. Đó là câu cuối cùng. Câu trả lời ấy — không rõ đến từ nhân vật nào — chỉ có một từ. Từ ấy chỉ có một âm tiết: “Ừ!” Nếu tác giả thêm một số góc nhìn khác, chẳng hạn, từ cái nhìn của người mẹ kế hay của người bố hay của nhân vật thứ ba nào đó, chẳng hạn người hàng xóm hay công an, câu chuyện sẽ có thêm những kích thước khác nữa. Tuy nhiên, ngay cả khi chỉ giới hạn trong một khuôn khổ rất ngắn như vậy, truyện "Tầng 2” cũng là một câu chuyện thú vị. Đó là một chuyện tình bi thảm được nhìn từ một em bé, con của nạn nhân. Câu chuyện được kể qua hàng loạt các câu hỏi rất hờ hững và một câu trả lời cũng rất hờ hững. Điểm đặc sắc của câu chuyện nằm ở chính sự hờ hững ấy: một bi kịch bị tự phủ định.

 

Ban Biên Tập Tiền Vệ

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021