tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
tác phẩm của tháng
Nhận định của ban biên tập 

 

TẶNG THƯỞNG TIỀN VỆ THÁNG 11/2006

 

Về số lượng, bài vở được đăng tải trên Tiền Vệ vẫn giữ nguyên nhịp điệu như trước: mỗi ngày có ít nhất là ba bài viết mới thuộc nhiều thể loại khác nhau. Tổng cộng, không kể các tác phẩm thuộc các loại hình nghệ thuật khác như nhiếp ảnh, hội hoạ, và âm nhạc, chỉ giới hạn trong phạm vi văn học, trong tháng 11 vừa qua, Tiền Vệ đã đăng 43 bài thơ, 12 tác phẩm tự sự (bao gồm truyện ngắn, truyện cực ngắn, tuỳ bút và cả kịch bản văn học), 7 bài/chương nghị luận, và 39 văn bản dịch (một “văn bản” có thể là một chương truyện hoặc một bài thơ hoặc một bài tuỳ bút/tiểu luận, v.v…).

Một trong những những đặc điểm nổi bật nhất trong tháng 11 là sự xuất hiện của một số nhà thơ mới, trong đó được chú ý nhất là Nam DiNguyễn Thị Từ Huy. Nguyễn Thị Từ Huy, người được tặng thưởng Tiền Vệ tháng 9 với bài tiểu luận về Alain Robbe-Grillet, đã xuất hiện trên Tiền Vệ từ lâu như một nhà nghiên cứu và một cây bút văn xuôi có nhiều tìm tòi (ký dưới bút hiệu khác) lần đầu tiên xuất hiện với tư cách một nhà thơ với một số bài trong tập Chữ cái (chưa xuất bản). Nam Di thì hoàn toàn mới xuất hiện nhưng ở những bài thơ đầu tiên của chị đã có sự vững vàng trong kỹ thuật khiến chúng ta có thể tin tưởng và chờ đợi.

Để lại nhiều ấn tượng trong Ban Biên Tập Tiền Vệ còn có bài “Trong khoảng tối của gió mùa” của Inrasara, hai bài “Rụng hạt sương mù”“Vì người” của Miên Đáng, “Chúng tôi chào Bush” của Thận Nhiên, “Người đi xin nước mắt” của Hoàng Ngọc Thư, v.v...

Tuy nhiên, gây ấn tượng mạnh nhất và được chọn trao Tặng Thưởng Tiền Vệ tháng 11 là truyện ngắn “Mưa mặt nạ” của Nhật Chiêu.

Truyện “Mưa mặt nạ” có nhiều cái lạ. Lạ ở cú pháp: Cả truyện dài ngót 3000 chữ không hề có một dấu chấm. Chỉ có các dấu phảy. Ngay sau những chữ “tại sao” cũng không có dấu hỏi nào. Cuối truyện là hai chữ “KHÔNG BIẾT” viết hoa, sau đó, cũng không có một dấu chấm. Truyện cứ như còn lửng lơ, chưa chịu kết thúc. Lạ ở nhạc điệu: nhiều từ và nhóm từ cứ được lặp đi lặp lại, ở những vị trí khác nhau, như là vần trong thơ. Lạ ở giọng điệu: có cái gì bất quyết ngay ở những đoạn văn miêu tả: lá như mặt nạ; mặt nạ “trông tựa như da người, mà có thể đó chính là da người”; “dân làng tranh nhau nhặt mặt nạ, và biết đâu, mặt nạ cũng đang tranh nhau nhặt con người”, v.v... Lạ ở không gian, ở bối cảnh câu chuyện: một ngôi làng không có tên, không biết cười, không biết tưởng tượng, không biết sáng tạo, không biết nói dối. Lạ ở cấu trúc: tự nhiên lọt vào giữa truyện là một câu thơ của Nguyễn Du, trong Truyện Kiều, và một đoạn thơ của Octavio Paz; cả hai đều nói về mặt, mặt người. Và lạ ở không khí truyện: nó cứ hư hư thực thực.

Lạ và đẹp. Chữ dùng đẹp. Cấu trúc câu đẹp. Cấu trúc cả truyện đẹp. Hơi văn nghe như thơ. Đọc, có cảm tưởng như đọc một bài thơ. Thơ hay, dĩ nhiên.

 

Ban Biên Tập Tiền Vệ

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021