tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
tác phẩm của tháng
Ý kiến độc giả 

 

Những đề nghị và nhận xét của độc giả và thi văn hữu về

TÁC PHẨM CỦA THÁNG 12/2006

 

04.12.2006 — Phan Bộ (Cần Thơ, Việt Nam)

Truyện “Lấp lỗ châu mai” của Nguyễn Viện rất "xóc ốc", làm tôi suy nghĩ lan man và nhớ tới cái huyền thoại Lê Văn Tám em bé tẩm dầu. Có một thời đồng bào chúng ta không ít người đã được cho uống thứ thuốc bổ lang băm này. Tác giả Nguyễn Viện lâu lâu lại khoèo một cú đẹp mắt.

 

05.12.2006 — Nguyễn Lệ Quyên (Bordeaux, Pháp)

Đọc bài thơ “Cánh cửa” của Lê Thị Thấm Vân, tôi mang một xúc động nhẹ nhàng nhưng dai dẳng và khiến tôi suy nghĩ nhiều Có lẽ nhiều phụ nữ khác cũng cùng cảm nghĩ như tôi, đặc biệt những người đang sống lưu vong. Cảm ơn nhà thơ.

 

07.12.2006 — Thanh Châu (Quezon City, Phillippines)

Chùm thơ về những chữ cái của Nguyễn Thị Từ Huy rất độc đáo. Tất nhiên tôi không chỉ muốn nói về hình thức dùng từng chữ cái để tạo hình cho bài thơ. Những ý tưởng nằm trong những câu ngắn gọn rải dọc theo viền những chữ cái mới là điều làm tôi thật sự thích thú.

 

11.12.2006 — Võ Văn Trí (California, USA)

Lần đầu tiên đọc bài “Nhà thơ” của Trần Lộc Bình tôi không hiểu nhưng có thấy choáng váng trước sự giàu có của các hình tượng. Dần dần, những hình tượng ấy cứ sáng dần lên, liên kết với nhau, làm cho hình tượng chính của bài thơ cũng rõ hơn và ý nghĩa của nó cũng bớt mơ hồ. Tôi thấy “thấm” lắm.

 

23.12.2006 — Nguyễn Thanh Nam (Sài Gòn, Việt Nam)

Bài viết của Nguyễn Quang Thiều về Tố Hữu thật chính xác, sâu sắc và can đảm. Ở Việt Nam ít người dám viết lên những nhận định thực của mình như thế, nhất là những người trưởng thành ở miền Bắc. Với giới trí thức ở miền Nam chúng tôi, Tố Hữu đã chết từ lâu rồi.

 

24.12.2006 — Phan Lê (San Jose, USA)

Hồi ký của Thế Uyên hay quá. Nhiều chuyện trong gia đình Nguyễn-Tường lần đầu tiên được tiết lộ làm cho người đọc thật sửng sốt. Công việc viết lách của các nhà văn quả là vất vả vì những quan hệ gia đình và xã hội phức tạp ít ai ngờ. Các nhà văn Tây phương chắc không gặp những khó khăn như vậy?

 

27.12.2006 — Tony Nguyen (luật sư, California, USA)

Bài "Chat với luật Sở Hữu Trí Tuệ" của Phạm Quang Tuấn đặt ra nhiều vấn đề quan trọng và có ảnh hưởng lớn lao trong sinh hoạt âm nhạc và văn hoá Việt Nam nhưng không biết giới trí thức và giới chức quyền ở Việt Nam có quan tâm giải quyết hay không?

Tôi rất mong mọi người đọc lại và ngẫm nghĩ về nhận định sau đây:

“[…] điều khoản "Quyền nhân thân được bảo hộ vô thời hạn" trong luật VN là một điều luật thật là kinh khủng! Nó có nghĩa là từ nay, không một người Việt Nam nào có quyền phóng tác, sửa đổi hay chuyển dịch một tác phẩm của một tác giả đã chết quá 50 năm, dù là tác giả ngoại quốc hay Việt Nam, vì đâu còn ai cho phép được nữa! Sẽ không bao giờ có một phóng tác như Đoạn trường tân thanh trong văn học. Sẽ không bao giờ có một bản Vọng Cổ do các nhạc sĩ khai triển từ Dạ cổ hoài lang. 100 năm nữa, nếu có một nhạc sĩ muốn phổ một bản nhạc Văn Cao hay Phạm Duy cho dàn nhạc giao hưởng hay jazz cũng không được, vì làm lời cho nhạc không lời còn bị cấm, huống chi bỏ lời của một ca khúc? Rồi còn chuyện phổ thơ thành ca khúc, phổ truyện thành kịch hay phim, truyện ngắn thành truyện dài, v.v. cũng cấm hết. Các tác giả nằm trong mộ mà biết được người ta "tôn trọng" mình đến thế, chắc cũng dở khóc dở cười!”

Nếu các nhà làm luật không có biện pháp gì sửa đổi để những giả thiết của Phạm Quang Tuấn thành sự thực thì quả là điều khủng khiếp.

Cá nhân tôi xin gửi đến tác giả Phạm Quang Tuấn một tràng pháo tay khen ngợi và ủng hộ!

 

28.12.2006 — Trần Quốc Bảo An (Canberra, Úc)

Đọc Tiền Vệ lâu nay, tôi nhận thấy Lê Đình Nhất-Lang càng ngày dịch càng hay. Cách chọn thơ của anh cũng độc đáo chứng tỏ anh là một độc giả nhạy bén trước khi là một dịch giả tài tình. Tôi hy vọng nhờ những bản dịch ấy, người đọc Việt Nam sẽ quen dần với nền thi ca phong phú của thế giới.

 

30.12.2006 — Trúc-Ty (Việt Nam)

Tiền Vệ tháng cuối năm 2006 tiếp tục và đều đặn mang đến cho độc giả những món ăn mới trong thực đơn mỗi ngày, từ những sáng tác của các tác giả tên tuổi quen thuộc đến những gương mặt mới rất đáng chú ý: Nam Di, Ái Vân Quốc

Trong khi đó mảng dịch thuật vẫn là nơi thoả mãn cơn khát thưởng thức các tác phẩm ngoại văn, với các dịch phẩm của các dịch giả Hoàng Ngọc Biên, Hoàng Ngọc-Tuấn, Lê Đình Nhất-Lang.

Đề nghị tác phẩm của tháng:

“Nhà văn già và cô bé gù” (truyện/tuỳ bút) Thế Uyên

“Trò chơi lắp ráp” (thơ) Nam Di

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021