tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
tác phẩm của tháng
Ý kiến độc giả 

 

Những đề nghị và nhận xét của độc giả và thi văn hữu về

TÁC PHẨM CỦA THÁNG 3/2007

 

06.03.2007 — Võ Tri Tâm (Lyon, Pháp)

Lâu lâu mới được đọc một bài thơ của P.K. Bài nào cũng hay. Tôi không có khả năng giải thích cái hay này. Tôi chỉ cảm nhận. Có lẽ tôi thấy thơ P.K. hay vì thế này : thơ P.K. thoát ra khỏi thứ cảm tính thông thường, nên lời lẽ gọn chắc, khô ráo, nhưng ý rộng và sâu. Phải thế không?

 

09.03.2007 — Nguyễn Thứ Vịnh (Dallas, USA)

Truyện “Mơ” của Lê Thị Thấm Vân không hẳn là truyện, không hẳn là tuỳ bút. Có vẻ giống một loại film script? Hay là thơ? Tác phẩm này rất ngắn, thể loại khó phân định, nhưng rất đẹp và gây ám ảnh. Tôi cho rằng đó là một thứ hồi ký. Tác giả đã ghi lại một (hay ba) giấc mơ. Tôi rất thích lối viết như thế.

 

10.03.2007 — Lê Thanh Trì (Hà Nội, Việt Nam)

Nguyễn Viện đây rồi! Tôi đã từng theo dõi tác giả này từ lâu. Hôm nay, vừa đọc “ĐI.COM [1]” đã thấy... “có vấn đề” :-) Cái sướng là ở đó! Đa số nhà văn Việt Nam hiện nay chỉ làm ồn để chơi nổi mà tác phẩm lại chẳng lôi cuốn đọc giả chút nào cả. Đọc cái nhập đề như thế này mà không thấy thú sao?

Một nửa trái đất bị bao phủ trong bóng tối sợ hãi. Mỗi ngày lại có một tin đồn mới về sự xuất hiện của “ĐI.COM”. Chưa ai dám khẳng định là mình đã nhìn thấy “ĐI.COM”, nhưng tất cả các chính phủ, các phương tiện thông tin đều không thể trấn an dân chúng thoát khỏi sự hoang mang. Không ai giải thích được hiện tượng có những nhóm người tự quây quần với nhau vào ban đêm dưới một lá cờ màu đen vuông vức, gào rú như những kẻ lên đồng, khi chính những người này cũng không biết họ đã làm gì vào đêm hôm trước. Lúc đầu, người ta cho rằng đó chỉ là sinh hoạt của một nhóm người dị giáo. Nhưng tiếng gào rú của họ mỗi ngày một lớn, đến khi không một ai không nghe thấy tiếng gào rú ma quái ấy, thì người ta tin rằng một thời kỳ mới của con người đã thật sự bắt đầu...

 

12.03.2007 — Thành Nguyễn (California, USA)

Có lẽ ai chứng kiến cuộc bầu cử đang diễn ra ì xèo ở Cali mới thấy bài thơ “Mây giữa những mái nhà” của Lê Đình Nhất-Lang là “chua” như thế nào. Chữ “chua” ở đây có nghĩa là đúng, đúng một cách ironically. Cảm ơn nhà thơ.

 

13.03.2007 — Viễn Phương (California, USA)

“Năm bài thơ” của Nguyễn Ðức Tùng cho thấy một Nguyễn Đức Tùng khác, khác với Nguyễn Đức Tùng mà tôi vẫn thường đọc trong nhiều năm qua. Nói chung, tôi thấy thơ Nguyễn Đức Tùng từ năm 2006 đến nay càng ngày càng dứt bỏ lối viết của những năm trước. Càng ít cái “dễ thương” hơn, càng nhiều cái “dễ nể” hơn! Khoái lắm.

 

16.03.2007 — Nguyễn Cai Lậy (Tiền Giang, Việt Nam)

Lâu rồi mới thấy Nguyễn Đăng Thường trở lại với ngòi bút nhộn nhịp. "Chế tạo vần vè" là một cú hấp dẫn, một cú "độc", chứng tỏ gừng càng già càng cay. Còn bài "Úp mặt vào tường với cái chụp đèn lắc lư trên đầu" của Trần Tiến Dũng là một bài làm cho tôi rất "đã". Một món nhắm hạng "nặng".

 

17.03.2007 — Trần Cổn (Quy Nhơn, Việt Nam)

Đọc bài “Nàng Tố của Vũ Hoàng Chương” của Thế Uyên mà tôi bàng hoàng. Hồi còn ở trung học, ông thầy dạy văn đã bắt bọn tôi học bài thơ “Tháng Sáu Mười Hai”, tôi học thuộc đến độ nhập tâm, rồi tưởng tượng đủ chuyện về giai nhơn này. Nào ngờ nàng Tố lại có một cuộc đời đau đớn đến vậy. Cảm ơn hồi ức của nhà văn Thế Uyên.

 

18.03.2007 — Nguyễn Đức Tùng (Vancouver, Canada)

Bài thơ Brassens anh Nguyễn Đăng Thường dịch trên Tiền Vệ hôm nay hay quá. Lời giới thiệu rất ngắn mà cách viết chọn chữ chính xác, đầy xúc động. Tôi ít có dịp đọc thơ dịch mà lần này phải đọc hết và đọc lại lần nữa. Bravo anh Thường.

 

19.03.2007 — Phan Bộ (Cần Thơ, Việt Nam)

"Bài [tương tự] cho ngày cạo trọc lần thứ 1" của Lý Ðợi thiệt là “bốc”. ... nhờ một ít cứt trâu mới ỉa, và một ít may mắn / nên tuổi nhỏ tôi đứng bên ngoài màu đen / và đương nhiên nhảy múa tha hồ trong màu đỏ... Hay! Cái hình của nhà thơ cũng rất là “xóc ốc”. Vậy là chịu chơi đó!

 

20.03.2007 — Nguyễn Lệ Quyên (Bordeaux, Pháp)

Vừa đọc xong “Đi tìm thi sĩ”, thơ Ðinh Trường Chinh, rất cảm động. Tác giả không nói ra, nhưng chắc chắn ông viết về thi sĩ Thanh Tâm Tuyền.

... Nhưng khi tôi đứng trước một nghĩa trang lạ ở Minnesota, tôi không thể nào tìm được ông ta. Một ngày bão lớn. Cho đến cú trượt té điếng lặng. Bật dậy bộ óc ù lãng. Tôi chợt nhớ ra tên họ thật của ông. & tôi đã tìm thấy ông nằm im trong tuyết...

Thi sĩ nằm im trong tuyết ở Minnesota, mặc cho người ta đem tên tuổi mình ra đóng trò ba xu trên sân Văn Miếu.

 

20.03.2007 — Nguyễn Linh Vương (Hà Nội, Việt Nam)

Trong vòng hơn 2 năm vừa qua, tôi và bà xã là bạn đọc thường xuyên của Tiền Vệ. Hết sức vui mừng về chất lượng văn học trên trang này, và điều kì lạ: bạn đọc được thưởng thức những tác phẩm hàng đầu của Việt Nam mà được miễn phí hoàn toàn.

Trang Tiền Vệ cho chúng tôi niềm tin vào sức mạnh tiềm tàng của văn chương tiếng Việt. Gần 1 năm trở lại đây, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến sáng tác mới và dịch thuật của các bậc cao niên như Thế Uyên, Trần Tiến Dũng ..., cũng như các cây viết trẻ đầy hứa hẹn như Hoàng Ngọc Thư, Ái Vân Quốc, Lê Đình Nhất-Lang ...

Trong tháng này, tôi đặc biệt thích thú với những đóng góp về sáng tác và dịch thuật của Ái Vân Quốc. Xem tiểu sử được biết anh đang sống ở Nhật Bản. và cũng là thế hệ trẻ tuổi. Tác giả này có phong cách tư duy rất mới, lạ, và hết sức trí tuệ. Tôi tin là nếu anh rèn luyện tiếp tục trên con đường này thì nhất định sẽ vươn được ra tầm thế giới. Giọng của anh rất khác. rất mới, khác hẳn với những cây bút mà trước nay tôi đã từng quen đọc, chẳng hạn Vi Thuỳ Linh, Phan Huyền Thư, Phan Nhiên Hạo, Nguyễn Bình Phương ... Mỗi người một vẻ nhưng tôi thấy và tin tưởng mãnh liệt vào nội lực của Ái Vân Quốc. Mong anh sáng tác mạnh.

Tháng này, xin đề nghị trao giải thưởng cho tác phẩm "Di ngôn" (thơ) của Ái Vân Quốc.

 

22.03.2007 — Trần Đăng Thọ (Utah, USA)

Khá lâu mới thấy Nguyễn Đạt trở lại. Truyện "Một giả định đã có thể" bắt tôi đọc đi đọc lại mấy lần. Cái thú đọc truyện ở chỗ đó.

 

27.03.2007 — Viễn Phương (California, USA)

Mười ngày trước là “Năm bài thơ”, hôm nay lại thêm “Năm bài thơ khác” của Nguyễn Ðức Tùng! Thích lắm. Cảm ơn nhé. Chúc nhà thơ làm thêm năm trăm bài nữa.

 

28.03.2007 — Thanh Châu (Quezon City, Phillippines)

người đàn bà đi trước người đàn ông / người đàn bà đi trước người đàn ông / người đàn bà đi trước người đàn ông / người đàn bà / lại đi trước / người đàn ông... Đúng là một loại thần chú thơ mộng. Weekend nào tôi cũng phải làm cái nhiệm vụ đẩy trolley đi sau phu nhân của tôi trong siêu thị. Thú thật là công việc rất chán. Nhưng kể từ hôm nay tôi sẽ lẩm nhẩm đọc bài “Thần chú trong siêu thị”, thơ Ái Vân Quốc. “Maraming salamat!” ("Cảm ơn rất nhiều" - tiếng Phi-luật-tân)

 

28.03.2007 — Nguyễn Công Du (Dunedin, New Zealand)

Tôi luôn luôn chờ đợi đọc thơ của một số thi sĩ nhất định, trong đó có Vũ Thành Sơn. Dường như lâu lắm rồi anh mới trở lại, và bài “Brasília” quả là tuyệt. Cảm ơn.

 

29.03.2007 — Nguyễn Cai Lậy (Tiền Giang, Việt Nam)

Nguyễn Đăng Thường lại đùa giỡn qua “Trả lời bảng câu hỏi của Proust” với một lối đùa giỡn “độc” (đáo/địa). “Hạnh phúc hoàn toàn, theo ông? / Dân Chủ thực sự ở quê nhà. / Trúng độc đắc vài trăm triệu đô la. // Lần ông bật cười gần đây nhất? / Tự cù lét. // Lần ông khóc gần đây nhất? / Gọt củ hành...” Mời đọc thêm. Hết ý.

 

29.03.2007 — Lê Phương Trình (Đà Nẵng, Việt Nam)

Nhờ Lê Đình Nhất-Lang, lần đầu tiên tôi được đọc thơ Catherine French. “Ba bài thơ” là một chọn lựa hay, và được chuyển ngữ rất trôi chảy, lôi cuốn. Cảm ơn Lê Đình Nhất-Lang.

 

30.03.2007 — Võ Văn Trí (California, USA)

“Giải thoát, hay trở về thời thơ ấu thứ hai” của Lê Văn Tài là thơ hay hoạ? Gọi là “thơ cụ thể”, nhưng lại do hoạ sĩ thực hiện, nên cũng đẹp không khác gì hoạ. Nhưng dù gọi là “thơ” hay “hoạ”, cái còn lại là những thắc mắc trong óc người đọc/xem. Qua một góc nhìn chủ quan, hai bài “thơ cụ thể” này rất... sexy, nhưng bên trong cái sexy có lẽ còn nhiều ý nghĩa khác. Mong được thưởng thức thêm.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021