tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
tác phẩm của tháng
Ý kiến độc giả 

 

Những đề nghị và nhận xét của độc giả và thi văn hữu về

TÁC PHẨM CỦA THÁNG 5/2007

 

08.05.2007 — Tôn Nữ Thuỳ Dung (Đà Lạt, Việt Nam)

Tháng này Nhật Chiêu lại đến với độc giả qua truyện ngắn "Tờ giấy trắng". Ý tưởng mới lạ, chữ nghĩa đẹp đẽ, bút pháp uyển chuyển theo từng truyện khác nhau. Nhật Chiêu là nhà văn hiếm hoi trong thời buổi viết nhanh, viết ẩu, viết kiếm tiền này.

 

11.05.2007 — Trần Kim Huệ (Huế, Việt Nam)

Chùm thơ cụ thể "Citizen blue" của Lê Văn Tài thật khó đoán ý nghĩa. Có lẽ loại thơ này cho độc giả nhiều tự do nhất trong cách diễn dịch. Hình ảnh trung tâm của chùm thơ là cái cầu tiêu. Trên bồn cầu có những dấu chân súc vật như trâu, ngựa... và dấu chân, dấu giày của con người. Bài đầu tiên và cuối cùng có hai chữ "CULTURE" và "POLLUTION". Có lẽ tác giả muốn nói đến sự ô nhiễm văn hoá. Tôi đang tiếp tục suy nghĩ. Chùm thơ đập vào mắt tôi trước hết vì graphic quá đẹp. Cảm ơn nhà thơ / hoạ sĩ.

 

13.05.2007 — Võ Văn Thiệt (Brisbane, QLD, Úc)

Tôi thích bài thơ "Ảnh cũ" của Vũ Dy, đặc biệt ở câu này:

Hôm qua tôi lục tìm một ảnh cũ. Tôi đã đánh cắp tôi một cách trắng trợn thời ẵm ngửa và bàng hoàng nhận ra một điều: tấm ảnh sống còn tôi đã chết từ lâu

 

14.05.2007 — Lý Tòng Chinh (Phú Yên, Việt Nam)

Ý tưởng “Đôi-Chân-Đánh-Mất-Bước-Chân” trong bài thơ "Đó là cuộc gặp gỡ giữa Agnes, Kundera và H" của Như Huy là một ý tưởng có khả năng gợi nhiều suy nghĩ nơi người đọc. Tôi phân vân không biết nên gọi đó là một ý tưởng đẹp (chỉ hiện hữu trong tư duy thuần tuý), hay là một ý tưởng hay (có thể được phản ánh trong cuộc sống thực tại). Cảm ơn Như Huy.

 

14.05.2007 — Lưu Hy Lạc (San Francisco, CA, USA)

CUỐN SỔ LỚN như vậy là hết à??? Sao mà hay vậy!

Gì đi nữa tôi cũng cảm ơn dịch giả đã cho đọc một tiểu thuyết tuyệt vời.

In thành sách được chăng? Tôi đề nghị tác phẩm của tháng 5 này là bản dịch CUỐN SỔ LỚN, được chứ???

Phải nói, chưa bao giờ tôi đón, đọc từng kỳ một bản dịch như thế. Nó hấp dẫn tôi ở cung cách, thái độ sống của hai ông nhô con, ở lời lẽ từ mồm Bà Ngoại; và tôi cứ nghĩ, Việt Nam mình cũng có chiến tranh, cũng có biên giới, cũng có trốn thoát mà rồi chả có ai viết được như thế.

Tóm lại tôi rất tâm đắc, và cuối cùng, một lần nữa: cảm ơn.

 

21.05.2007 — Nguyễn Thứ (Sacramento, CA, USA)

Đọc các chương trích từ cuốn tiểu thuyết ÂM VỌNG của Lê Thị Thấm Vân, tôi kinh ngạc, bàng hoàng, run rẩy, khiếp hãi, sững sờ…Dường như chưa có cây bút Việt Nam nào viết táo bạo đến thế? So với cuốn này, cuốn “Cậu chó” của Trần Đức Lai ngày xưa ở Sài Gòn chỉ là chuyện con nít, những tác phẩm đang gây xôn xao trong dư luận ở Việt Nam trở thành những câu chuyện “hiền như ma-xơ”.

 

22.05.2007 — Nguyễn Lệ Quyên (Bordeaux, Pháp)

Đọc bài "Chuyện buồn [Hết] ...Cười [Nổi]: Về bài “Văn chương mạng” của Inrasara trên báo Văn Nghệ số 20, 19.05.2007" của Inrasara, tôi không biết là nên buồn hay là nên cười, đúng như nhan đề bài viết. Những chuyện như vậy có lẽ chỉ có ở Việt Nam. Theo tôi nghĩ đó cũng là vấn đề “nhân quyền”. Nó là biểu hiện của sự thiếu tôn trọng từ phía các biên tập viên và các tờ báo đối với đồng nghiệp của họ. Hiện tượng này có lẽ đã xảy ra từ lâu và với nhiều người nhưng nay Inrasara mới lên tiếng. Chúng ta có nên hy vọng là việc lên tiếng của ông sẽ ngăn chận hay giảm bớt việc vi phạm lên “nhân quyền” ấy không? Có lẽ còn phải chờ xem mới biết được.

 

29.05.2007 — Võ Văn Nam (Sài Gòn, Việt Nam)

Bài "Viết" của Nguyễn Thị Thanh Phượng có những phát hiện thông minh. Tôi đặc biệt thích cách so sánh việc viết với “người bạn tình có thể âu yếm mọi ngóc ngách tâm hồn nàng, người bạn tình thủy chung có thể trao trọn vẹn cho nàng nụ hôn man dại trong cái nhìn đắm đuối và thở ra trên môi nàng những niềm hoan lạc mà không một người bạn tình bằng xương bằng thịt nào có thể làm được.”

Xin hoan hô nhà văn/nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Phượng và mong đợi được đọc nhiều tác phẩm khác.

 

30.05.2007 — Nguyễn Cai Lậy (Tiền Giang, Việt Nam)

Cảm ơn nhà thơ Nguyễn Đăng Thường đã tặng cho "fan" này một cú "Đàn em Việt" rất đẹp mắt.

Nghĩ lại thấy ông Văn Cao cũng thiệt tội. Là tác giả bài quốc ca "đường vinh quang xây xác quân thù" (mà nguyên là "thề phơi gan uống máu quân thù", sau này sửa lại cho văn minh hơn), rồi tác giả của bài "Ngợi ca Hồ Chủ Tịch": "Người về đem tới ngày vui, mùa Thu nắng toả Ba Đình, với tiếng Người còn dịu dàng như tiếng đất trời...", vậy mà chỉ mới trây vô cái Nhân Văn một chút đã bị đì mút chỉ. Mới biết, ở đời, nịnh mỹ nhơn thì còn có cơ may, chớ nịnh thiên lôi thì tới lúc hớ hênh cũng ăn búa nát xương như thường.

 

31.05.2007 — Nguyễn Văn Định (Đà Nẵng, Việt Nam)

Nhà văn Võ Phiến hình như đã lớn tuổi lắm rồi? Nếu tôi nhớ đúng, ông sinh năm 1925, năm nay, ngoài 80. Vậy mà mấy bài viết vừa rồi của ông trên Tiền Vệ vẫn hết sức dí dỏm và duyên dáng. Bài "Nghĩ mông về bạn" có những cách nhìn mới mẻ. Ông khám phá ra là chữ “bạn đời” quen thuộc đến thế mà lại thường các cuốn từ điển tiếng Việt bỏ sót. Từ đó, ông suy nghĩ mông lung về “bạn”. Có lẽ cũng nằm trong sự liên tưởng ấy mà ông viết bài "Người nghĩa" chăng? Đó cũng là một bài viết độc đáo. Đúng là ”gừng càng già càng cay”

 

31.05.2007 — Lê Phương (Hà Nội, Việt Nam)

Cảm ơn bài viết "‘Ta, một công dân ô nhục bậc nhất, một thánh nhân nát rượu…’ — Thơ và Lề trong xã hội Việt Nam đương đại" của Đoàn Cầm Thi. Chị đã phân tích và lý giải rất thuyết phục về lối thơ của nhóm Mở Miệng. Tôi cũng rất thích thú khi chị mô tả lối thơ chính thống của Hội Nhà Văn là "vừa đèm đẹp vừa tử tế". Nhiều năm nay tôi không muốn đọc báo Văn Nghệ nữa vì đã quá ngán ngẩm cái thứ thơ ấy.

Cái thứ thơ "vừa đèm đẹp vừa tử tế" ấy cũng có thể được mô tả bằng câu văn này của Như Huy trong bài "Đời-đời-không-đổi…" : "... đúng một kiểu khuôn mặt, một kiểu giọng nói, một kiểu tư duy, một kiểu hành vi, một kiểu tốt bụng và ngốc..."

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021