tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
tác phẩm của tháng
Ý kiến độc giả 

 

Những đề nghị và nhận xét của độc giả và thi văn hữu về

TÁC PHẨM CỦA THÁNG 7/2007

 

06.07.2007 — Trịnh Bản (Hà Nội, Việt Nam)

"Nước mắt không có lịch sử", chỉ cái đầu đề thôi là đã tuyệt vời. Trước kia có một thời người ta khen câu thơ "Tôi đứng về phe nước mắt" của Dương Tường. Nhưng "nước mắt" đâu có phe gì. Nếu "đời là bể khổ" là sự thật vĩnh viễn thì quả là "nước mắt không có lịch sử". Xin bái tạ nhà thơ Hoàng Ngọc Biên.

 

08.07.2007 — Tám Thiện (Bình Dương, Việt Nam)

Truyện “Kết tội một giấc mơ” của Ngọc Bảo An có nhiều cái lạ, gây thích thú. Thích nhất là đoạn:

Món ăn mà Borges gọi rất ngon, tôi dùng tay nhón một miếng. Tôi hỏi anh, anh gọi món gì vậy, thì thấy đấy là chiếc đầu lâu của Borges. Người bán hàng bảo tôi: Chị bỏ nốt tay kia ra đi, ghê quá.

Borges này là Borges hư cấu người Tây Ban Nha, chứ nếu là Borges thực người Ác-hen-ti-na thì chắc chắn sẽ giựt mình... khoái trá.

 

11.07.2007 — Lê Minh Chung (Ontario, Canada)

Tôi rất thích kiểu viết truyện "Bài học viết văn từ một tác giả lớn" của P.K. Kiểu này tôi thấy có điểm tương tự với một số truyện đương đại của các nhà văn Mỹ, Canada, như Barthelme, Atwood, v.v... Truyện mà như là một lời bàn. Tinh nghịch một cách tế nhị. Hay lắm.

 

12.07.2007 — Nguyễn Cai Lậy (Tiền Giang, Việt Nam)

Bao nhiêu năm nay tôi thấy cái đại kế hoạch "trồng người" ở nước ta thất bại thê thảm, tôi cứ tẳn mẳn suy nghĩ xem tại sao lãnh đạo giỏi như vậy, lực lượng cán bộ hùng hậu như vậy mà trồng người chẳng ra người. Hôm nay đọc truyện "Trồng người" của Trần Tất Đạt thì mới ngộ ra cái lý do. Giải thích như vầy thiệt là đạt lý:

— "Vì lợi ích trăm năm trồng người."
— Thế thì trồng bằng gì?
Ông đại diện tinh cầu hổn hển đáp:
— Bằng phân, tất nhiên.

Cảm ơn ông Trần Tất Đạt.

 

13.07.2007 — Lê Đàm Linh (Sacramento, CA, USA)

Lần đầu tiên được đọc hai bài thơ "Vì sao? | Message" của Phạm Thị Điệp Giang, thấy rất thích. Tác giả có phải là một cây bút mới? Thơ thì rõ là đầy bản lĩnh.

 

13.07.2007 — Tôn Nữ Thuỳ Dung (Đà Lạt, Việt Nam)

Mỗi lần đọc một truyện mới của Nhật Chiêu là mỗi lần rất khoái. Truyện "Salon của Chúa Trời" tiếp tục cho thấy tác giả không ngừng thử nghiệm và phát hiện khả năng của ngòi bút chính mình. Xin chúc mừng

 

15.07.2007 — Phan Bộ (Cần Thơ, Việt Nam)

Nhà văn Nguyễn Viện khi làm thơ vẫn không đánh mất cái "giọng" của riêng ông. "Cuộc phiêu lưu của chữ vào văn chương" đúng là ý tứ câu chữ của Nguyễn Viện. Rất chua, rất "độc":

...
Lúc ấy tôi nhìn thấy chữ bóng bẩy được chiếu sáng bởi những đôi mắt giả bộ thơ ngây của những người được gọi là cán bộ chữ
Rồi chữ đi học bổ túc văn hóa và bóp vú những cô gái mới lớn hay còn gọi tuổi trăng tròn
Tổng kết cuối năm chữ được xếp hạng là văn chương vì đã đáp ứng được nhu cầu sinh lý của những cái mu chưa mọc lông

 

19.07.2007 — Nguyễn Thạch (Hà Nội)

Truyện "Lạc lối" cho thấy Hoàng Ngọc Thư đang thử nghiệm một lối viết mới. Giọng văn và câu chữ vẫn trong sáng và thơ mộng, nhưng truyện này rời khỏi tính huyễn ảo để tìm đến tính ngụ ngôn. Tôi tự hỏi đây có phải là điểm mạnh của tác giả hay không. Tuy nhiên tôi luôn ủng hộ mọi sự thử nghiệm

 

24.07.2007 — Võ Tần (Oregon, USA)

"Người đàn ông giấu mặt" là truyện thứ hai của nhà văn Trần Văn Bạn mà tôi đọc được trên Tiền Vệ. Truyện đầu tiên là "Bão". Cả hai truyện đều hết sức thú vị. Mong nhiều truyện khác tiếp tục xuất hiện, ngày càng độc đáo hơn.

 

30.07.2007 — Võ Văn Nam (Sài Gòn, Việt Nam)

P.K. mượn "air" của Kafka rất đạt trong truyện "Trước cửa pháp luật". Sau những ngày chứng kiến cảnh nông dân vật vã khiếu kiện đất đai trước cửa quyền, tôi đọc truyện này và... nín thở. Cảm ơn P.K.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021