tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
tác phẩm của tháng
Ý kiến độc giả 

 

Những đề nghị và nhận xét của độc giả và thi văn hữu về

TÁC PHẨM CỦA THÁNG 8/2007

 

02.08.2007 — Trịnh Phước Đằng (Sài Gòn, Việt Nam)

Có lẽ tửu lực của nhà thơ / hoạ sĩ Lê Văn Tài đã đạt tới "độ không của lối uống" nên ông không uống rượu nữa mà rượu uống ông. Bài "... uống tôi" là một quả đẹp mắt!

 

09.08.2007 — Lê Tiền Phong (Đà Lạt, Việt Nam)

Mô-típ "mặt nạ" vốn là một trong những mô-típ được giới sáng tác nghệ thuật yêu thích. Từ vở ô-pê-ra "Con ma trong nhà hát kịch" của A.L. Weber cho đến truyện ngắn "Mưa mặt nạ" của Nhật Chiêu, từ tác phẩm lớn đến tác phẩm nhỏ, mô-típ "mặt nạ" vẫn luôn luôn là một hình ảnh hấp dẫn, gợi cảm giác bí ẩn. Truyện "Những chiếc mặt nạ" của Trần Văn Bạn đã góp thêm một góc nhìn lý thú về chiếc mặt nạ.

 

09.08.2007 — Vũ Phú Hảo (Hà Nội, Việt Nam)

Nhiều người cho rằng thơ Nguyễn Thị Từ Huy trong tập Chữ cái là "thơ triết lý".Tôi không tin vậy. Tôi cho rằng những câu viết trong mỗi bài thơ của Từ Huy chỉ là những mảnh ý nghĩ của cá nhân tác giả, nẩy sinh trong một trạng huống nhất định nào đó. Những mảnh ý nghĩ này không phát triển trên cơ sở lý luận có hệ thống, nhưng tự phát và thuộc về cảm tính. Ta không đánh giá chúng có hợp lý hay không, mà đánh giá chúng có "đẹp" hay không, vì chúng là những câu thơ trong những bài thơ. Tôi đọc các bài "T", "R", "B", "L" trên Tiền Vệ và thấy đó là những câu thơ "đẹp". Hình như càng ngày chữ “triết lý” càng bị lạm dụng.

 

12.06.2007 — Trần Kim Thành (Paris, Pháp)

Trong "Có nhiều lần đê mê chết dưới dung nhan thở than", Hoàng Long viết về chuyện sex rất thoải mái đến độ không gợi lên cảm giác tục tĩu. Hình ảnh người đàn bà hoá thành pha lê sau khi làm tình là một hình ảnh độc đáo, có tác dụng thanh tẩy những tạp niệm nơi người đọc. Nhưng không cần hình ảnh ấy, lối viết nhẹ nhàng, ung dung của tác giả cũng đã làm mọi việc trở nên tự nhiên và có thi vị.

 

17.08.2007 — Tôn Nữ Thuỳ Dung (Đà Lạt, Việt Nam)

Đọc Nhật Chiêu bao giờ cũng sướng. Toàn là những hình ảnh đẹp đẽ, ý tưởng thanh tao và diễn biến bất ngờ. "Thác khói" quả là một nét son, công lực của tác giả không hề sút giảm so với những truyện trước đây.

 

21.08.2007 — Lê Minh Chung (Ontario, Canada)

Ðinh Linh viết cái tuỳ bút "La Đi Man O Li Din" rất lý thú. Tôi chỉ thắc mắc có một chữ "phở" mà ông nói là người Việt đã mượn từ chữ "pot-au-feu" của Pháp. Tôi vẫn nghe người ta nói chữ "phở" là chữ thuần Việt. Lại có người nói chữ ấy mượn từ chữ Tàu nào đó. Bây giờ lại nghe nhà văn Đinh Linh nói mượn từ chữ Pháp nữa, thì đúng là quá ly kỳ cái món phở đầy "dân tộc tính" của ta!!!

 

22.08.2007 — Võ Tần (Oregon, USA)

Diệu Linh lần đầu chào sân trên Tiền Vệ với cái truyện cực ngắn "Người mỉm cười" rất là hay, vì chỉ có một đoạn văn rất ngắn mà người đọc vẫn bị bất ngờ, không đoán trước được cái diễn biến. Hy vọng được thưởng thức thêm nhiều tác phẩm của cây bút này.

 

24.08.2007 — Nguyễn Thạch (Hà Nội)

Hoàng Ngọc Thư viết truyện "Trắng và đen" rất là thơ mộng nhưng vẫn gây ngạc nhiên. Tôi thích đoạn kết:

Trắng đang cuộn mình trong nửa chiếc chăn bên phần giường màu đen, và đen đang thích thú cọ má vào chiếc gối trắng muốt bên nửa giường màu trắng.

Điều này xảy ra trong mỗi con người thì đã hẳn, mà nếu xảy ra trong cuộc sống chung của hai người thì lại càng hay.

 

26.08.2007 — Phan Bộ (Cần Thơ, Việt Nam)

Đọc truyện của Nguyễn Viện thì không thể nằm đọc được. Truyện của ông lúc nào cũng "căng" lắm. Những đoạn văn như vầy thì quá thấm ý:

... Hãy lựa gió mà phất cờ. Bão có thể làm đổ cây lớn, nhưng không làm gãy ngọn cỏ. Khi phất cờ ngươi đừng đứng kẻo gió sẽ làm dập mặt ngươi. Hãy nằm xuống mà hô hào. Nhưng đừng quên chửi bọn tiên phong là phá hoại. Cứ nhìn vào đít người đi trước, vì kỷ cương là phép của sự cai trị. Hãy cúi đầu trước người trên vì thế mà lòng trung thành được bày tỏ. Hãy vênh mặt với kẻ dưới vì thế mà sự hiển hách được người đời ngưỡng vọng...

 

28.08.2007 — Lê Thuý Hà (Phan Thiết, Việt Nam)

Truyện của Nguyễn Thị Thanh Phượng bao giờ cũng là những ý nghĩ và hình ảnh chồng chất lên nhau. Đọc qua một lần thật khó nắm được. Đọc lại chầm chậm thì lại thấy nẩy ra những ý tưởng càng lúc càng rõ hơn. Nhưng tôi thích nhất là những câu văn đẹp và giàu cảm xúc. Trong truyện "Đàn bà" có rất nhiều câu văn đọc như thơ. Đẹp lắm.

 

28.08.2007 — Võ Tần (Oregon, USA)

Hai truyện một câu của Ðinh Linh đúng là hai truyện "cực ngắn". Mỗi truyện chỉ có một câu nhưng khiến người đọc nghĩ ngợi mông lung rất lâu. Thú vị!

 

30.08.2007 — Vũ Thái Tân (Florida, USA)

Tôi rất thích lối viết nhẹ nhàng của nhà văn Lữ. Đọc tuỳ bút "Một buổi sáng" của ông, tôi thấy như gió thổi vào hồn. Trong cái đời sống chộn rộn bây giờ, chẳng có mấy ai giữ được tấm lòng thanh thản như vậy. Tôi thật sự mong đợi những tuỳ bút khác của ông.

 

31.08.2007 — Mai Đình Lân (TpHCM, Việt Nam)

Lâu lắm mới được đọc truyện của Nguyễn Thị Minh Ngọc. Lần này nhà làm kịch cho đọc một loạt "Tranh tứ bình" với lối viết mới, thích lắm. Chị viết loạt bốn bài SANH, LÃO, BỊNH, TỬ này nhân mùa Vu Lan và để tặng cho những bạn văn đã khuất. Đọc xong càng thấy ngậm ngùi. Cảm ơn chị.

 

31.08.2007 — Nguyễn Bền (Đà Nẵng, Việt Nam)

Loạt thơ mới trong vài tháng vừa qua của Nguyễn Quang Thiều quả là một chuyển biến hấp dẫn trong cả bút pháp lẫn ý tưởng. Ai bảo tre già khó uốn? Nhiều nhà thơ còn trẻ cứ rên rỉ là khó thay đổi ngòi bút. Nói vậy thì kẹt lắm. Ai từng đọc thơ Nguyễn Quang Thiều trước đây, bây giờ đọc một bài như bài "Những chữ buổi trưa ngày 29/08" thì sẽ thấy sự khác biệt rất ngoạn mục.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021