Cardenal, Ernesto
tiểu sử &  tác phẩm 

ERNESTO CARDENAL thường được coi như «người đổi mới thơ Mỹ la-tinh mãnh liệt nhất kể từ Neruda». Ông sinh tại Granada, Nicaragua ngày 25.1.1925. Theo học văn chương và triết lý ở Mễ-tây-cơ và Hoa-kỳ (Đại học Columbia). Cardenal bước vào đời sống tu hành từ năm 1957, trở thành môn đệ của nhà thơ Thomas Merton ở tu viện Trappe, Kentucky. Được phong linh mục ở Managua năm 1965 sau khi đã học thần học ở Cuernavaca, Mễ-tây-cơ và ở Medellin, Colombia.

Ngay từ những năm 1950, Cardenal đã tham gia mặt trận chống độc tài ở nước ông, sử dụng một lối viết mà ông gọi là exteriorismo để ghi lại những cảm nghĩ của mình về đời sống, tình yêu, lịch sử… Ông định nghĩa lối viết này như «Thơ khách quan, có tính thuật sự và giai thoại, làm bằng những yếu tố của đời sống thực sự và những điều cụ thể, với những tên riêng và chi tiết rành rẽ và ngày tháng và những con số, những sự kiện, những câu nói đích xác… thứ thơ duy nhất có thể diễn tả sự thật của châu Mỹ la-tinh, đi tới nhân dân và trở thành cách mạng.»

Ngày 19.7.1979, khi độc tài Somoza bị lật đổ, Ernesto Cardenal trở thành bộ trưởng bộ Văn hóa đầu tiên ở Nicaragua trong chính quyền Sandinista, một chính quyền cách mạng duy nhất trên thế giới đã tuân phục ý dân trong những cuộc bầu cử dân chủ kế tiếp. Do sự «dấn thân» của ông, Cardenal đã bị cả Tả lẫn Hữu công kích, «khai trừ»,… Ông còn «được» hay «bị» kêu là người «mác-xít.. thiên chúa giáo!» Các nhà nhận định văn học thế giới cũng nhận thấy nơi thơ Cardenal một «ảnh hưởng rõ rệt» của thơ thuộc thế hệ Beat.

Các thi phẩm thường được nhắc tới của Cardenal là 0 giờ (1954-1956), Thánh thi (1964), Kinh cầu cho Marilyn Monroe và những bài thơ khác (1965), Ngợi ca thổ dân châu Mỹ (1969),...

Thánh thi của Ernesto Cardenal đã được dịch trọn vẹn sang tiếng Việt từ những năm 1990, in lần đầu năm 1992, tái bản năm 1999. Bản dịch tiếng Việt tác phẩm 0 giờ, của Ernesto Cardenal, nói về cuộc đấu tranh và cái chết của nhà lãnh đạo Cách mạng Nicaragua là Sandino, đã được gửi tới báo Văn nghệ ở thành phố Hồ Chí Minh, qua Ô. Nguyễn Ngọc Lương (cựu chủ nhiệm báo Tin văn), đã bị khước từ và bản thảo (duy nhất) hiện được coi như «bị thất lạc».

(Diễm Châu biên soạn)

tác phẩm

THÁNH THI [II]  (thơ) 
Tiền Vệ trân trọng gửi đến độc giả, qua bản dịch của nhà thơ Diễm Châu, một thi phẩm của Ernesto Cardenal (1925~) — «người đổi mới thơ Mỹ la-tinh mãnh liệt nhất kể từ Neruda». Thánh thi (Salmos) «cất lên như một tiếng kêu thống thiết chống lại mọi thứ áp bức mà con người man dã có thể áp đặt trên mọi người...» Thi phẩm được đăng thành 2 kỳ liên tục.

THÁNH THI [I]  (thơ) 
Tiền Vệ trân trọng gửi đến độc giả, qua bản dịch của nhà thơ Diễm Châu, một thi phẩm của Ernesto Cardenal (1925~) — «người đổi mới thơ Mỹ la-tinh mãnh liệt nhất kể từ Neruda». Thánh thi (Salmos) «cất lên như một tiếng kêu thống thiết chống lại mọi thứ áp bức mà con người man dã có thể áp đặt trên mọi người...» Thi phẩm được đăng thành 2 kỳ liên tục.

Thánh thi 1 | Một viện bảo tàng ở Kampuchea  (thơ) 
Phúc cho người / không theo lệnh Đảng / không dự những cuộc mít-tinh của Đảng / không ăn cùng bàn với bọn côn đồ...


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021