Pavlović, Miodrag
tiểu sử &  tác phẩm 

MIODRAG PAVLOVIĆ là một trong hai thi sĩ kiệt xuất của Nam-tư thời hậu chiến. Người kia là Vasko Popa (đã được giới thiệu sơ lược với bạn đọc Tiền Vệ). Ông sinh năm 1928 tại Novi Sad, trên sông Danube; theo học y khoa từ 1947 tới 1954, học ngoại ngữ và viết tập thơ đầu tay tựa là 87 bài thơ (1952), ở Belgrade. Ra trường, ông theo đuổi nghề bác sĩ y khoa một thời gian. Năm 1960, ông được cử làm giám đốc kịch ở Nhà hát Nhân dân. Ông cũng làm người biên tập trong hai mươi năm tại nhà xuất bản lớn Prosveta. Tác phẩm của ông đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Ông đã nhận được nhiều giải thưởng văn chương và vinh dự ở Nam-tư cũng như ở nước ngoài. Vì vấn đề gia đình, ông hiện sống khi thì ở Tuttlingen (Đức) khi thì ở Belgrade.

Cựu Nam-tư (cộng sản) của thống chế Tito có một lịch sử thơ “hơi khác” với các nước “anh em” trong vùng. Nam-tư cũng có thơ truyền thống, thơ siêu thực,… thế nhưng trong lúc thơ truyền thống bị cái áo bó “hiện thực xã hội” làm khó dễ thì các nhà thơ siêu thực trước chiến tranh ở Nam-tư (chịu ảnh hưởng trường Siêu thực Pháp) may mắn hơn các đồng bạn ở trong nước hoặc ở nước ngoài, như ở Tiệp-khắc chẳng hạn. Nhờ sự tích cực tham gia kháng chiến, nên sau chiến tranh, các nhà thơ siêu thực Nam-tư không đến nỗi bị chính quyền mới (và các nhà thơ ăn theo) “hất hủi”. Thêm nữa, sau khi Nam-tư đoạn tuyệt với Stalin, “hiện thực xã hội” chỉ còn là một cơn ác mộng! Người ta chỉ cần... quên đi, nếu có thể. Do đó, cựu Nam-tư tương đối “tự do” về lối làm thơ, gây thèm thuồng không ít cho các thi sĩ của các nước anh em.

Miodrag Pavlović sống giữa khung cảnh ấy. Ông chọn lối viết siêu thực của ngườI Serbie và thêm vào đấy một số đề tài... lịch sử! (Người ta có thể vừa thưởng thức nghệ thuật siêu thực trong những đề tài lịch sử, vừa hiểu ra những gì tác giả muốn nói về... hiện tại!) Tuy nhiên, chính quyền tiếp nối cái mộng bá chủ của người Serbie ở Nam-tư đã có những lối ứng xử khác, hiệu nghiệm hơn, hãi hùng hơn và cũng... “siêu thực” không kém đối với các nhà trí thức, thi sĩ, văn sĩ không chịu thần phục. Ngày 1.2.1994, khi gặp tôi (Diễm Châu) và Gs. Vladimir Claude Fišera ở Lộ-trấn, Pháp, Miodrag Pavlović đã cho chúng tôi biết: mỗi khi ông về Belgrade (dưới thời nhà lãnh đạo cộng sản trá hình xã hội chót), ban đêm, ông luôn luôn phải thay đổi chỗ ngủ... Dịp này, ông cũng đặc biệt cho tôi coi tập thơ đầu tiên của ông và mỉm cười nói thật nhẹ nhàng: “trước tất cả các tác phẩm của (Vasko) Popa!” Giờ này, nếu ông về Belgrade hay bất cứ nơi nào ở Serbie, tôi cầu mong, đêm đêm, ông có thể ngủ yên...

(Diễm Châu biên soạn)

tác phẩm

"Cơn lốc" và những bài thơ khác  (thơ) 
Mười một bài thơ của Miodrag Pavlović, thi sĩ kiệt xuất của Nam-tư thời hậu chiến, lần đầu được giới thiệu đến độc giả Tiền Vệ qua bản dịch Việt ngữ của nhà thơ Diễm Châu.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021