Lipska, Ewa
tiểu sử &  tác phẩm 

EWA LIPSKA là một trong những nhà thơ Ba-lan thuộc thế hệ hậu chiến, hoàn toàn sinh trưởng dưới chế độ cộng hòa nhân dân. Sinh ngày 8.10.1945, Ewa Lipska đã viết bài thơ đầu tiên vào năm 15 tuổi và đã đoạt nhiều giải thưởng dành cho các nhà văn trẻ. Năm 1963 được nhận vào Viện Mỹ nghệ Cracovie, Ewa Lipska đã theo học ngành Lịch sử Nghệ thuật và ngành Hội họa.

Trong một số năm bà cho xuất bản rất ít và không thuộc một nhóm nào trong các nhóm văn nghệ khá đông đảo của những năm sáu mươi. Mãi đến năm 1967, tập thơ đầu tay của bà với tựa đề Wiersze (Những bài thơ) mới ra đời ở Cracovie. Từ đấy cho đến năm 1993, bà đã cho xuất bản thêm mười tác phẩm gồm thơ, thơ xuôi hoặc những tuyển tập thơ. Bà còn viết văn xuôi và kịch.

Từ năm 1969 hoặc 1970 bà làm biên tập viên và phụ trách về thơ tại Nhà Xuất bản Văn nghệ (Wydawnictwo Literackie). Bà cũng là người đồng-sáng lập nguyệt san văn nghệ Pismo và đã biên tập tờ báo này từ 1981 tới 1983. Bà đã đi nhiều và từng được mời làm việc một nửa năm tại đại học Iowa, Hoa-kỳ (1975-76). Năm 1990 bà trở thành người «đại diện văn hóa Ba-lan» ở Vienne. Theo tài liệu của Isabelle Macor-Filarska, in năm 1996, bà còn là «bí thư thứ nhất» của đại sứ quán Ba-lan tại thủ đô nước Áo...

Ewa Lipska đã được tặng nhiều giải thưởng văn nghệ cả ở trong nước lẫn ở nước ngoài, trong số này có giải thưởng của viện Koscielski ở Genève (1973) và Giải Robert Graves (1978). Tác phẩm của Ewa Lipska đã được dịch sang khoảng trên mười thứ tiếng ở Âu châu. Các dịch giả đầu tiên của bà có nhận xét: «Được phần lớn các nhà phê bình Ba-lan coi như người có thiên tư nhất của nền thi ca trẻ Ba-lan», Ewa Lipska gần với Wislawa Szymborska «qua nét hài hước cũng như những phản hưởng tinh thần của tác phẩm»; nhưng trong «thái độ cẩn mật phê phán đối với thực tại Ba-lan», bà lại cùng theo đuổi «những lý thuyết “Đợt sóng mới” của những người đồng thời với bà là (Stanislaw) Baranczak và (Ryszard) Krynicki» (C. Jelenski,1981).

Lời thơ của Ewa Lipska có vẻ giản dị như văn xuôi – nhưng không phải thứ văn xuôi «thẳng tuột». So sánh câu thơ của Lipska với câu thơ cùa những bậc đàn anh, đàn chị trong thơ Ba-lan như Wat, Milosz, Rózewicz, Szymborska và Herbert, người ta nhận thấy sự khác biệt của Lipska về cách dùng hình ảnh, ẩn dụ và nhất là thái độ nghi hoặc của bà đối với thực tại. Ở đâu đó, giữa những dòng chữ đơn sơ, những hình ảnh hài hước... vẫn len vào một thoáng buồn của một kẻ yếm thế.. không muốn chán đời, vẫn ẩn hiện đôi chút suy tư của một người liêm sỉ.. không muốn ở lại lâu với những chuyện thực ra không hẳn là riêng tư...

(Diễm Châu biên soạn)

tác phẩm

Những lời cuối | Nếu có một Thượng đế  (thơ) 
Chúng ta thiếu thời gian / có lẽ lại là điều tốt hơn / để nói với nhau / những lời cuối... | Nếu có một Thượng đế / – ta sẽ ăn tối với người. / Thay vì những đèn hiệu, một cây táo gai đỏ. / Một thiên thần sẽ đến với ta trên xe hơi... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]

Chúng ta đã để mất | Khi kẻ thù ta buồn ngủ | Điều gì đã xảy ra cho Giáo sư White khi ông từ cửa hàng nón đi ra | Halloween cho người sống  (thơ) 
Bốn bài thơ của Ewa Lipska (1945~) — một trong những khuôn mặt quan trọng của thi ca Ba-lan đương đại. ... Khi kẻ thù ta buồn ngủ / ta đột kích chúng từ phía sau / mở toang cửa đi vào sọ của chúng / hạ cái cầu kéo / trước xương trán... [Bản dịch của nhà thơ Hoàng Ngọc Biên]

Sử gia | Cố gắng | Chính tả | Di chúc | ... | Ngày của người sống | Pha chế | Nhà thuyền  (thơ) 
Tám bài thơ của Ewa Lipska (1945~) — một trong những khuôn mặt quan trọng của thi ca Ba-lan đương đại. Viết sao cho người ăn xin / có thể coi đó là tiền bạc // Và kẻ hấp hối / có thể coi đó là sự ra đời... [Bản dịch của nhà thơ Hoàng Ngọc Biên]

"Nhà thơ? Kẻ gây tội ác? Người điên?" và những bài thơ khác  (thơ) 
Hai mươi bài thơ của Ewa Lipska (1945- ), nhà thơ Ba-lan thuộc thế hệ hậu chiến, lần đầu được giới thiệu đến độc giả Tiền Vệ qua bản dịch của nhà thơ Diễm Châu.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021