Pinget, Robert
tiểu sử &  tác phẩm 

ROBERT PINGET là một trong những đại biểu của nhóm Tiểu thuyết mới gồm những người viết ở Pháp những năm 50 một thời quây quần ở Nhà xuất bản Les Éditions de Minuit, số 7 phố Bernard Palissy, Paris VIè, cùng với Samuel Beckett, Michel Butor, Claude Ollier, Alain Robbe-Grillet, Nathalie Sarraute, Claude Simon – trong Tuyển tập các Nhà văn Pháp hiện đại, Nxb. Trình bầy, Saigon, 1969, chúng tôi đã cảm hứng đưa thêm vào danh sách Marguerite Duras, Jean-Marie Gustave Le Clézio và Claude Mauriac. Sinh năm 1919 ở Genève, Thụy sĩ, thuở nhỏ Robert Pinget học ban cổ điển ở bậc trung học, lớn lên mê hội họa (như Claude Simon), ông dự định trở thành họa sĩ và theo học một thời gian ngắn ở École des Beaux Arts ở Paris, nhưng rốt cuộc lại theo ngành luật, và năm 1946 ông qua Paris hành nghề luật sư (như Nathalie Sarraute). Suốt năm năm vẽ tranh (từng triển lãm một lần ở Paris, 1950), ông không ngừng viết, viết như những nguệch ngoạc chấm phá của một người đi từ cái vẽ, và năm 1951 ông đã cho ra đời tác phẩm đầu tiên, Entre Fantoine et Agapa, gồm 20 truyện ngắn, ấn bản đầu tiên ở Nxb. La Tour de Feu, sau đó in lại ở Nhà Minuit. Ngoài chuyện vẽ, ông làm thơ rất nhiều (“tôi trước tiên là một thi sĩ”) trước khi đột nhiên có một khám phá lạ lùng ở tuổi trên ba mươi: tìm ra tiếng nói của chính mình, với Mahu ou le Matériau (1952), tiếng sét “ái tình” của ông, thời ấy từng được Alain Robbe-Grillet chào đón như “một mẫu đến sớm của những hình thức tiểu thuyết hiện đại nhất” (Le Monde). Khởi sự bằng những truyện ngắn có tính hoạt kê, những loại trào phúng thi vị và ngụ ý – ngụ ý nhưng không mang một ý nghĩa giáo dục mà chỉ do phát minh thuần túy, ông đã dần dà tiến đến một thứ ngôn ngữ và một lối diễn tả kiểu cách riêng biệt (rất tự nhiên chứ không phải khổ công tìm kiếm) để suy niệm về sự thật, về những giới hạn và những cạm bẫy của nó. Câu chuyện kể của ông thường tự tổ chức, như trong truyện kể Fable (1971) chẳng hạn, và như thế người đọc cảnh giác vừa đoán ra được cái kiến trúc của nó, đồng thời có thể khám phá ra những viễn cảnh của nó.

Robert Pinget lần đầu tiên đến với kịch nghệ bằng bản dịch Pháp ngữ vở All That Fall của Samuel Beckett – Tous ceux qui tombent (có phải vì thế mà Beckett đã đáp lễ bạn mình với bản Anh ngữ của La ManivelleThe Old Tune cho đài phát thanh Anh?). Ông từng theo đoàn kịch Tréteau de Paris qua New York (1971) làm cố vấn sân khấu cho các vở diễn của mình (ArchitrucDead Letter), từng là diễn viên kịch trên sân khấu Pháp (1972) trong vở Abel et Bela của chính mình. Có thể nói Pinget là người thích “ngao du” từ thể loại này qua thể loại khác, ngao du từ chính những bản văn của mình, hẳn là để phát hiện một ngôn ngữ thỏa đáng cho một nội dung vừa hiện thực vừa thi vị: sau Le Fiston, ông có bản dành cho sân khấu Lettre morte ra đời cùng năm 1959; ba năm sau Baga, ông lại có kịch bản Architruc; vở kịch truyền thanh La Manivelle ra đời năm 1960, một năm sau ông phát triển thành Clope au dossier.

Pinget là người đi nhiều, viết nhiều, đã từng làm nhiều nghề khác nhau, như họa sĩ thiết kế nhà cửa, giáo viên dạy các trường trung học (ở London), và là một trong những nhà văn Pháp có số phận lạ lùng: nổi tiếng ở ngoài nước trước khi được nhìn nhận xứng đáng trên chính mảnh đất dung thân của mình là nước Pháp, với nhiều giải thưởng văn học lớn như Prix Femina, Prix des Critiques... Robert Pinget mất ngày 25 tháng Tám 1997, để lại một gia tài đồ sộ những tác phẩm tuyệt đẹp trải dài từ truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện kể, kịch trình diễn và kịch truyền thanh...

(Hoàng Ngọc Biên giới thiệu)

tác phẩm

Ông Levert, thư cho con trai  (truyện / tuỳ bút) 
... Ông Levert ngồi ở bàn giấy của ông và ông rút cuốn sổ tay ra. Ông lấy giấy và một cây viết, ông bắt đầu một lá thư. Ngày nào ông cũng viết thư cho thằng con trai đã bỏ đi từ gần mười năm nay. Trước tiên ông viết nháp, kế đến ông sửa lại. Khi lá thư viết xong ông Levert xếp nó trong một cái hồ sơ bởi vì ông không tin các trạm bưu điện... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)

Bà gác-dan thông thái  (kịch bản) 
La Concierge érudite, vở kịch truyền thanh của Pinget (1919-1997) — một trong những đại biểu của nhóm Tiểu thuyết mới ở Pháp. Bản dịch Việt ngữ của nhà văn Hoàng Ngọc Biên.

Cái máy hát quay tay  (kịch bản) 
La Manivelle (1960), vở kịch truyền thanh trào lộng của Pinget (1919-1997) — một trong những đại biểu của nhóm Tiểu thuyết mới ở Pháp —, lần đầu tiên được giới thiệu đến độc giả qua bản dịch Việt ngữ của nhà văn Hoàng Ngọc Biên.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021