Simon, Claude
tiểu sử &  tác phẩm 

CLAUDE SIMON sinh ngày 10 tháng 10 năm 1913 ở Tananarive, Madagascar, trong một gia đình phần lớn đều là sĩ quan, kể cả cha ông, mất từ hồi ông một tuổi – những người mà kỷ niệm phần nào đã được sống lại trong La Route des Flandres. Thuở nhỏ ông sống với mẹ và gia đình bên phía mẹ ở Perpignan, gần biên giới Tây ban nha. Vốn rất mê hội họa, rất mê Poussin, ông đã bỏ École Navale ở Saint-Louis để đi học vẽ với André Lhôte. Ông có một thời gian khá dài trong quân ngũ, tính từ khi gia nhập quân đội Pháp cho đến khi bị Đức bắt đưa vào trại tù ở Saxe, và đã bỏ trốn khi tù được chuyển về Pháp. Phòng làm việc ông một thời treo đầy tranh Matisse, Léger, và cả những chân dung vợ do chính ông vẽ. Ông có một vườn nho ngày xưa do chính ông chăm sóc dùng làm sinh sống ở Salses (Pyrénées-Orientales), Perpignan, từng là bối cảnh cho tiểu thuyết Le Vent. Những tiểu thuyết đầu tiên của ông, xuất bản trong những năm 1945-1954 (Le Tricheur, 1945, viết xong khi kết thúc chiến tranh, La Corde raide, 1947, Gulliver, 1952, chẳng hạn) tuy hình thức vẫn còn khá truyền thống, với nhân vật và tình tiết dễ nhận ra, và tuy không có tiếng vang trong văn giới Paris, cũng đã cho thấy một hơi thở mạnh mẽ, một cái nhìn mới sắc bén và mãnh liệt, cùng với một bút pháp giản dị mà chứa đựng một thứ ngôn ngữ “đi tìm” rất thơ. Ông băt đầu được chú ý từ cuốn Le Vent (1957), thử dựng lại một nền móng baroque, trong đó ông khởi sự phát triển bút pháp Simon, với câu chuyện chỉ là một biến cố chính được nhìn từ nhiều góc độ khác nhau, và cuốn L'Herbe (1958), như một cách phủ nhận lối viết lịch sử truyền thống, với nghệ thuật của riêng ông nhằm bắt chúng ta đi sâu vào ý nghĩa của một cử chỉ, hay của một thái độ, và bằng cái nhìn của mình, xây dựng lại (chung quanh cử chỉ đó hay chung quanh thái độ đó) toàn cả thế giới và lịch sử của nó. Những tác phẩm sau của ông, kể từ La Route des Flandres (1960), Histoire (1967), Triptyque (1973) đến Leçon de choses (1975), Les Géorgiques (1981), rồi L'Acacia (1989), tuy mỗi cuốn là một Simon mới, nhưng tựu trung đều là sự pha trộn giữa một câu chuyện kể và dòng ý thức, toàn bộ kiến trúc dày đặc, thường khi không chấm phẩy, và với nhiều chữ & đoạn nằm trong ngoặc đơn...

Theo Claude Simon, nghệ thuật cũng như khoa học, là một phương tiện để biết, dựa trên việc xây dựng những liên hệ, bởi thế nên nghệ thuật tự nó có một giá trị vững vàng và sâu xa. Viết một cuốn sách với ông là một “cuộc phiêu lưu đáng sợ”. Nhưng ông đã làm nhiều cuộc phiêu lưu như thế, và quả là cuộc phiêu lưu nào của ông cũng đáng sợ.

(Hoàng Ngọc Biên giới thiệu)

tác phẩm

Hai nhân vật  (truyện / tuỳ bút) 
Nhân vật hoàn toàn trần truồng. Mặc dù đã đứng tuổi, như gương mặt phệ với những nét thô dày, hai cái má sệ rõ nét cho thấy, chắc chắn việc thường xuyên tập thể dục, như một số những kỵ binh hay các quân nhân, đã giữ cho thân hình một hệ cơ bắp lực lưỡng, cho dù thân thể đẫy đà, người ta vẫn có thể thấy rõ được những phần nhô ra dưới lớp mỡ, ngay cả những nếp xếp ở bụng, bất chấp tư thế ngồi làm nổi bật cái bụng lỏng lẻo, những nếp xếp sắp thành tầng, vạm vỡ, như ta thấy nơi những võ sĩ đánh vật già mà trọng lượng, thay vì cản trở, còn tăng cường cho sức mạnh... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)

Đối thoại  (tiểu thuyết) 
[Trích đoạn từ cuốn tiểu thuyết L’Herbe của Claude Simon (1913-2005) — nhà văn Pháp đoạt giải Nobel Văn Chương năm 1985.] ... Nàng nhớ lại điều này, không đúng hẳn là mẩu đối thoại, không đúng hẳn là những chữ được nói đi hay nói lại, được lặp đi hay lặp lại, mà là hai giọng nói trả lời nhau, luân phiên, phối hợp với nhau, hoà tan với nhau trong ký ức nàng thành một khối độc nhất, không phân ra được, những câu hỏi và những câu trả lời gắn liền trong một thứ liên hệ không dứt được và phi lý của mọi đối thoại, của mọi lời nói... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)

Tro tàn  (truyện / tuỳ bút) 
Một đoản văn tuyệt đẹp của Claude Simon (1913~) — nhà văn Pháp đoạt giải Nobel Văn Chương năm 1985, người đã "kết hợp óc sáng tạo của nhà thơ và nhà hội hoạ với một ý thức sâu sắc về thời gian trong việc mô tả điều kiện nhân sinh" — lần đầu tiên được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch Việt ngữ của nhà văn Hoàng Ngọc Biên. (...)


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021