Ferlinghetti, Lawrence
tiểu sử &  tác phẩm 

Lawrence Ferlinghetti (nhà thơ, dịch giả, nhà văn, kịch tác gia, hoạ sĩ, và phê bình gia) sinh ở Yonkers năm 1919. Lúc chưa đầy một tuổi, ông đã bị đưa vào một trại mồ côi ở New York vì thân phụ ông qua đời và thân mẫu bị mất trí. Sau đó, Emily Monsanto, một thân nhân bên ngoại, đã đem Ferlinghetti về nuôi và mang ông sang Pháp từ năm 1920 đến 1924. Thế rồi Emily Monsanto cũng bị điên, nên ông được một gia đình tên là Lawrence đem về nuôi, và có lẽ vì thế nên sau này ông lấy tên là Lawrence. Sau khi tốt nghiệp đại học North Carolina, ông gia nhập hải quân Hoa Kỳ trong Đệ Nhị Thế Chiến và giữ chức vụ thuyền trưởng. Năm 1947, ông đậu thạc sĩ văn chương tại đại học Columbia, và năm 1950 ông đậu tiến sĩ văn chương tại đại học Paris (Sorbonne). Từ 1951 đến 1953, ông về cư trú tại San Francisco, dạy tiếng Pháp, vẽ, và viết tiểu luận phê bình nghệ thuật. Năm 1953, cùng Peter D. Martin, ông thành lập thư quán City Lights (mượn tên từ một cuốn phim lừng danh của Charlie Chaplin) — nơi chuyên bán sách bìa giấy đầu tiên ở Hoa Kỳ — và, vào năm 1955, ông mở thêm nhà xuất bản City Lights.

Suốt nửa thế kỷ qua, thư quán và nhà xuất bản City Lights là tụ điểm của các nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ và giới trí thức khai phá của Hoa Kỳ. Đó là nơi đã cho ra đời những tác phẩm lẫy lừng và gây chấn động. Chẳng hạn, năm 1956, Ferlinghetti đã xuất bản tập thơ Howl của Allen Ginsberg, và bị bắt giam về tội truyền bá tác phẩm ô uế, tục tĩu. Sự việc đã biến thành một vụ án nổi tiếng trong lịch sử văn học Hoa Kỳ. Cuối cùng, được sự ủng hộ mạnh mẽ của rất nhiều nhân vật lớn trong giới văn chương và hàn lâm trên toàn quốc, Ferlinghetti đã được tha bổng. Vụ án này đã tạo nên một tiền lệ pháp lý cho việc xuất bản những tác phẩm gây tranh cãi về "đạo đức" nhưng lại đem đến những thay đổi quan trọng cho nghệ thuật và xã hội.

Ferlinghetti đã viết rất nhiều sách. Trong số đó, tập thơ A Coney Island of the Mind (1958) đã được tiêu thụ trên một triệu ấn bản và được dịch ra chín ngoại ngữ. Những thi phẩm nổi danh khác của ông là Pictures of the Gone World (1955), The Secret Meaning of Things (1969), Open Eye, Open Heart (1973), Landscapes of Living and Dying (1979), Endless Life: Selected Poems (1981), và Over All the Obscene Boundaries: European Poems and Transitions (1984). Song song với thơ, ông viết hai cuốn tiểu thuyết, Her (1960) và Love in the Days of Rage (1988), và dịch thơ Jacques Prévert và Pier Paulo Pasolini. Ở tuổi tám mươi, ông vẫn viết đều đặn, và những tác phẩm gần đây nhất là A Far Rockaway of the Heart (1997), How to Paint Sunlight (2001), và Americus Book I (2004).

Allen Ginsberg nhận định rằng phong cách thơ của Ferlinghetti là sự kết hợp giữa thơ tự do của Pháp (với ảnh hưởng đến từ Prévert, Cendrars và một vài thi sĩ khác) và mỹ học thi ca đương đại Hoa Kỳ. Thật vậy, chính Ferlighetti đã cho biết rằng ông đã sáng tác nhiều bài thơ lúc tưởng tượng đến một nền nhạc jazz đệm theo, và do đó những bài thơ ấy để đọc và nghe, thay vì để xem bằng mắt trên trang giấy in.

Như một hoạ sĩ, tác phẩm của Ferlinghetti đã được triển lãm tại rất nhiều phòng tranh nổi tiếng trên thế giới, từ Butler Museum of American Painting đến Il Palazzo delle Esposizioni tại Rome. Hiện nay, tranh của ông vẫn thường được treo tại George Krevsky Gallery, San Francisco.

Ngoài Hoa Kỳ, hoạt động nghệ thuật của Ferlinghetti đặc biệt năng động ở Ý. Ông đã đi khắp nước Ý, đọc thơ tại Roma, Napoli, Bologna, Firenze, Milano, Verona, Brescia, Cagliari, Torino, Venezia, và Sicilia. Ông đoạt giải Premio Taormino năm 1973, và sau đó là những giải thưởng lớn khác như Premio Camaiore, Premio Flaiano, và Premio Cavour.

Tại Hoa Kỳ, ông đoạt rất nhiều giải thưởng, đáng kể nhất là các giải: Los Angeles Times’ Robert Kirsch Award; BABRA Award for Lifetime Achievement; National Book Critics Circle Ivan Sandrof Award for Contribution to American Arts and Letters; American Civil Liberties Union’s Earl Warren Civil Liberties Award. Năm 1998, Ferlinghetti đoạt danh hiệu San Francisco’s Poet Laureate. Năm 2003, ông nhận huy chương Robert Frost Memorial Medal, cùng với giải thưởng Author’s Guild Lifetime Achievement Award, và được bầu làm viện sĩ Viện Hàn Lâm Nghệ Thuật và Văn Chương Hoa Kỳ.

(HN-T soạn)

tác phẩm

Họ dựng tượng | Một mùa đông u ám chói chang ở Paris  (thơ) 
... Và trong khi những kẻ loanh quanh đứng nhìn / ngước mắt lên tượng Thánh Phanxicô / vươn dài đôi cánh tay / đón những con chim không hề hiện diện / thì một thiếu nữ cao lớn và mình trần cực kỳ tinh khiết / một trinh nữ / tóc rũ rất dài và thẳng / như những sợi rơm / và chỉ khoác lên mình mỗi một tổ chim / rất nhỏ... | Ở Paris vào một mùa đông chói chang u ám / lúc mặt trời đã ló dạng ở Provence / khi tôi bắt gặp những bài thơ / của René Char... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]

Điệu blues Santa Rita  (thơ) 
Người ở trong tù là một người không ở đâu cả / và người ở trong tù là một người không là gì cả / và tên hắn là Nada / Hắn không gì khác hơn một con số / và con số của hắn là số không / và hắn là một chuỗi những số không / trong một vũ trụ khắc nghiệt / trong một thế giới khắc nghiệt / nơi hắn vẫn còn làm chủ linh hồn mình / nếu như hắn sở hữu một linh hồn / Và hắn vẫn còn sở hữu thân xác mình / Nhưng Nhà nước đã đăng bạ nó... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]

Xin chào  (thơ) 
Mọi loài thú ăn thịt và bắn vào đồng loại của chính mình... / Và mọi con người thô bỉ mang giày ống đem theo chó và súng cưa nòng / Và mọi Viên chức An ninh với lũ chó được huấn luyện tìm và diệt / Và mọi võ sĩ đai đen của một trường karate cảnh sát dạy người ta chết không biết đau / Và mọi tên mật vụ mặc thường phục hay bọn thám tử tư và lính kín với bao súng đeo vai đầy chết chóc / Và mọi thứ đày tớ nhân dân bắn vào nhân dân... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]

Không lâu lắm  (thơ) 
... một người có cái đầu là một tấm gương soi / trông chẳng có gì bất bình thường lắm / trừ mỗi chuyện / là đôi tai thật vểnh ra / và anh ta mang một tấm biển / người ta đọc thế này / MỘT BÀI THƠ LÀ MỘT TẤM GƯƠNG SOI ĐI XUỐNG MỘT CON ĐƯỜNG / LẠ LÙNG... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]

Allen Ginsberg hấp hối  (thơ) 
Chàng đang chết cái chết mọi người chết / Chàng đang chết cái chết của nhà thơ / Chàng cầm trên tay một cái điện thoại / và chàng gọi mọi người / từ giường mình / ở Lower Manhattan / Khắp thế giới giữa giờ khuya điện thoại kêu vang / “Allen đây” tiếng nói cất lên... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]

Vào thời buổi cách mạng chẳng hạn | Ristorante Vittoria, Milan  (thơ) 
Tôi vừa kêu một món cá ở quầy thì / ba con người ba bứa / rất bảnh bao bước vào / Tôi không biết làm sao hay tại sao tôi / nghĩ bọn này phải là / ba bứa trừ chỗ là / chúng trông rất bảnh... | Ba ông đầu hói ngồi bàn bên cạnh / nói tiếng Anh giọng trọ trẹ vốn không / phải là tiếng mẹ đẻ của người nào cả... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]

Thế giới là một nơi đẹp...  (thơ) 
Thế giới là một nơi đẹp / để ta ra đời / nếu ta không màng hạnh phúc / không phải lúc nào cũng / có rất nhiều cái vui / nếu ta không ngại một chút địa ngục / khi này khi khác / ngay cái lúc mọi thứ đều tốt đẹp / bởi lẽ ngay ở thiên đường / cũng không phải bất cứ lúc nào / người ta cũng hát... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]

Trở về Paris với Pissaro | Giấc mơ ấn tượng đến muộn  (thơ) 
Tôi đang ở trong một bức tranh Camille Pissaro / Quảng trường Théâtre Français / Paris trong Mưa 1898 / có điều bấy giờ không phải năm 1898 / Bấy giờ là năm 1948 / đại để là các con số tung hứng / và không có những chiếc xe ngựa... | Trong một giấc mơ ấn tượng đến muộn tôi thấy mình đang ngồi trên một chiếc xe tham quan lòng vòng với một nhóm phụ nữ Pháp áo quần mùa hè và nón hoa rộng vành... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]

Thơ là gì?  (tiểu luận / nhận định) 
Chẳng nghi ngờ gì nữa, có bao nhiêu bài thơ thì có bấy nhiêu định nghĩa. Có lẽ còn nhiều hơn, bởi có nhiều giáo sư thi ca và phê bình gia thi ca hơn là thi sĩ. Có lẽ trong thế kỷ mới ta lại cần thêm một số định nghĩa mới... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

Tình nhân của những nhà ga  (thơ) 
Bài thơ "Amant des gares" của Lawrence Ferlinghetti (1919~) — một nghệ sĩ đa năng và giữ vai trò quan trọng trong sinh hoạt văn học nghệ thuật hậu hiện đại Hoa Kỳ. Bản dịch Việt ngữ của nhà thơ Hoàng Ngọc Biên.

Quần áo lót | Những con ngựa rạng đông  (thơ) 
Hai bài thơ "Underwear" và "Horses at Dawn" của Lawrence Ferlinghetti (1919~) — một nghệ sĩ đa năng và giữ vai trò quan trọng trong sinh hoạt văn học nghệ thuật hậu hiện đại Hoa Kỳ. Bản dịch Việt ngữ của nhà thơ Hoàng Ngọc Biên.

[Trong những cảnh vĩ đại nhất của Goya chúng ta dường như nhìn thấy...]  (thơ) 
Bài thơ "[In Goya’s Greatest Scenes We Seem to See...]" của Lawrence Ferlinghetti (1919~) — một nghệ sĩ đa năng và giữ vai trò quan trọng trong sinh hoạt văn học nghệ thuật hậu hiện đại Hoa Kỳ. Bản dịch Việt ngữ của nhà thơ Hoàng Ngọc Biên.

Đọc Apollinaire bên sông Rogue  (thơ) 
Bài thơ "Reading Apollinaire by the Rogue River" của Lawrence Ferlinghetti (1919~) — một nghệ sĩ đa năng và giữ vai trò quan trọng trong sinh hoạt văn học nghệ thuật hậu hiện đại Hoa Kỳ. Bản dịch Việt ngữ của nhà thơ Hoàng Ngọc Biên.

Ba bài thơ  (thơ) 
Ba bài thơ "[In Golden Gate Park that day]", "All Too Clear", và "Monet’s Lilies Shuddering" của Lawrence Ferlinghetti (1919~) — một nghệ sĩ đa năng và giữ vai trò quan trọng trong sinh hoạt văn học nghệ thuật hậu hiện đại Hoa Kỳ — lần đầu tiên được giới thiệu đến độc giả Tiền Vệ qua bản dịch của các nhà thơ Hoàng Ngọc Biên, Nguyễn Đăng Thường, và Hoàng Ngọc-Tuấn.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021