Agnon, Shmuel Yosef
tiểu sử &  tác phẩm 

SHMUEL YOSEF AGNON (hoặc Chmuel-Yosif Agnon) sinh ngày 17 tháng 7 năm 1888 ở Buczacz, một ngôi làng nhỏ miền đông Galicia, về sau là tây Ukraine, từng thuộc Liên bang Xô-viết, trong một gia đình gồm nhiều học giả Do-thái. Thuở nhỏ ông sống trong một bầu khí sùng đạo, được hấp thụ nền văn hoá cổ truyền Do-thái do chính thân phụ truyền dạy. Khởi sự văn nghiệp rất sớm trên các báo tiếng Hy-bá [Hebrew] và tiếng Yiddish ở địa phương, năm 1907 ông về sống tại Jaffa, Israel [bấy giờ gọi là Palestine], chỉ sáng tác bằng tiếng Hy-bá của nền văn chương Hy-bá cổ truyền, và cho xuất bản truyện đầu tay “Agunot” [“Những kẻ bị ruồng bỏ”], rồi truyện vừa Vehaya He’Akov Lemishor [Và những nơi cong queo sẽ được uốn ngay lại] từng làm say mê độc giả Do-thái đương thời. Từ năm 1913 đến 1924, vì chiến tranh, ông kẹt lại ở Đức, tiếp xúc với văn chương châu Âu, viết truyện ngắn và một tiểu thuyết tự sự và sửa chữa những tác phẩm cũ của mình. Năm 1924, nhà ông ở Hamburg bị cháy, bản thảo và tủ sách Hy-bá của ông biến thành tro. Ông trở về Jerusalem [1924], Palestine [1929], rồi trở lại Galicia. Sau đó ông sống ở Đức gần một năm và tại đây ông cho ấn hành 4 cuốn đầu những tác phẩm đã sửa chữa. Ngoài công việc sáng tác, Agnon còn biên soạn các tuyển tập văn chương bằng tiếng Đức cũng như bằng tiếng Hy-bá. Năm 1934, ông được tặng Giải thưởng Bialik nhờ cuốn Hakhnasat Kalla [Của hồi môn của nàng dâu, 1931] và Giải thưởng Ussischkin nhờ cuốn Tmol Shilshom [Cách đây không lâu, 1946]. Năm 1954, Agnon được bầu vào Hàn Lâm Viện Hy-bá, toàn bộ tác phẩm của ông được coi như một công trình nối kết các thế hệ tiền phong trong phong trào phục quốc Do-thái và thế hệ đang lên ở Israel. Giải Nobel văn chương được Hàn Lâm Viện Thụy-điển trao cho ông năm 1966 cùng với nữ thi sĩ Nelly Sachs [Đức Do-thái, quốc tịch Thụy điển] đã làm thế giới biết ông nhiều hơn, không phải chỉ như một nhà văn nhân bản của Do-thái, mà còn như một nhà văn đã “thể hiện [...] trong thế giới Do-thái [...] tính nhân loại chung của chúng ta...” – nghĩa là nhà văn của mọi người.

Agnon mất năm 1970 tại Revohot, Jerusalem, đến nay vẫn được coi là người trước tiên và hiếm hoi đã biến ngôn ngữ Hy-bá thành một thứ nghệ thuật có một không hai: toàn bộ tác phẩm ông để lại mãi mãi là một nguồn cảm hứng bất tận cho những người Do-thái khắp nơi trên thế giới. Và chúng ta không lấy làm lạ khi nghe nói gần ngôi nhà xưa kia của ông, Nhà nước Do-thái có hãnh diện cho dựng một tấm bảng ghi: IM LẶNG: AGNON ĐANG VIẾT.

tác phẩm

Tấm bạt  (truyện / tuỳ bút) 
Thuở xưa, có một quốc gia đột nhiên gặp phải một tai hoạ lớn. Từ khi được tạo lập ra đến nay chưa bao giờ quốc gia ấy phải đương đầu với một cảnh ngộ thảm khốc đến như vậy: trời không có mây và đất đai khô cằn không còn sanh sản cây trái gì được nữa... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)

Con dê  (truyện / tuỳ bút) 
Ngày xưa có một ông già ho từng cơn dữ dội. Những vị thầy thuốc khám cho ông khuyên ông uống sữa dê. Ông mua một con dê và nhốt nó ngay trong nhà mình. Ít lâu sau, con dê biến mất... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)

Trăng trên thung lũng Jerusalem [VII]  (truyện / tuỳ bút) 
... Tại sao khi nàng hát anh lại đặt bàn tay lên miệng nàng, tại sao anh lại khép môi nàng lại? Thì bởi vì những tiếng hát nối kết với nhau, bởi vì nó buộc chặt vào nhau. Tiếng hát của những dòng suối nối kết với tiếng hát của những ngọn núi cao, tiếng hát của những ngọn núi cao nối kết với tiếng hát của những con chim trên trời... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)

Trăng trên thung lũng Jerusalem [VI]  (truyện / tuỳ bút) 
Guemoula trong trắng như mặt trăng. Mắt nàng long lanh, gương mặt nàng chiếu sáng như sao mai và giọng nói của nàng dịu dàng như bóng đêm. Khi nàng mở miệng để hát, thì hình như tất cả những cánh cửa của âm nhạc đều mở ra... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)

Trăng trên thung lũng Jerusalem [V]  (truyện / tuỳ bút) 
Cửa toa xe mở hướng ra những ngọn núi cao và những suối nước và người ta nghe có một giọng cất lên hát yedal yedal yedal va pa ma. Giọng hát thu hút tôi, tôi muốn đi theo nó, nhưng cánh cửa khép lại trước mặt tôi. Mặt trăng hiện ra và ánh trăng tỏa tràn lên người tôi. Tôi nheo mắt cười với nó và bằng cả gương mặt nó cười lại với tôi... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)

Trăng trên thung lũng Jerusalem [IV]  (truyện / tuỳ bút) 
... Trăng chiếu sáng rực và cả thành phố nằm trọn trong vùng ánh sáng đó. Ai được thấy một đêm như vậy sẽ không ngạc nhiên về việc những kẻ mộng du rời giường mình để đi bách bộ dưới trăng... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)

Trăng trên thung lũng Jerusalem [III]  (truyện / tuỳ bút) 
... “Nàng bị chứng mộng du.” Tôi nhìn anh ta như một người được nghe kể một câu chuyện gì ghê gớm lắm. Anh cảm thấy được điều đó nên anh nói: “Mỗi đêm, khi ánh trăng thật tỏ, vợ tôi rời khỏi giường ngủ và theo ánh trăng đi khắp nơi.” ... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)

Trăng trên thung lũng Jerusalem [II]  (truyện / tuỳ bút) 
... Tất cả mọi ân sủng đều nằm trong cái im lặng tuyệt diệu của buổi ban đêm phía dưới những thung lũng của thành phố Jérusalem. Người ta tưởng những thung lũng đó tách biệt khỏi thế giới và đồng thời cả thế giới lại nằm trong những thung lũng đó... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)

Trăng trên thung lũng Jerusalem [I]  (truyện / tuỳ bút) 
... Tôi cầm tách trà trong tay; tim tôi bắt đầu đập và trong tiếng tim đập, tôi thấy được một thứ tiếng dội đang bắt đầu dồn dập. Điều này không làm cho tôi ngạc nhiên, vì từ khi tôi đọc những bài thánh ca Eynam, tôi đã nghe thấy tiếng dội của một bài hát cổ từ những thời đại đầu tiên của lịch sử và được truyền lại từ thế hệ này qua thế hệ khác... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)

Cái vỏ cam  (truyện / tuỳ bút) 
Đây chỉ là câu chuyện một cái vỏ cam vứt giữa đường. Thật ra đây là một cái vỏ rất thường, người ta có thể tìm thấy hàng chục cái tương tự trên khắp các lề đường và dưới những đường mương, trên khắp các công trường và trong những sân nhà, nói vắn tắt là khắp mọi nơi trong Thành... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021