Sorescu, Marin
tiểu sử &  tác phẩm 

MARIN SORESCU (1936-1996) là một nhà thơ, kịch tác gia, người viết bút ký và nhà phê bình văn nghệ kiệt xuất của Ru-ma-ni hiện đại. Ông sinh ngày 19 tháng Hai 1936 tại Bulzésti (Dolj), một làng nhỏ thuộc tỉnh Olténie, ở về phía tây-nam Ru-ma-ni. Cha mẹ là nông dân. Ông đã trải qua những xáo trộn khủng khiếp của các làng thôn Ru-ma-ni vào thời Stalin, khi các nông dân Ru-ma-ni bị tước đoạt đất, và các truyền thống tinh thần của họ bị hủy hoại.

Có thể nói các tác phẩm của ông đã khởi đi từ những kinh nghiệm ấy, từ «tất cả những gì đã có thể diễn ra sau đó, – những kẻ bị người ta đánh đập chỉ vì có chút đất, những tiểu nông còn chần chừ và bị người ta đánh đập để hết còn muốn chần chừ, Trời hỡi Trời!, – những kẻ mà người ta đã bắt đi trong đêm tối trên chiếc xe đen, tất cả những điều tôi đã sống trải khi bước ra khỏi tuổi thơ và còn gắn liền trong đầu óc tôi với cây dùi-cui, cây chày vồ của Goadjé»...

Marin Sorescu khởi sự viết từ những năm ông còn học trung học. và đã đoạt giải thưởng thi ca đầu tiên vào năm 1950. Ông theo học văn chương ở Phân khoa Ngữ ngôn học và Lịch sử ở Jassy, tốt nghiệp vào năm 1960 và bắt đầu đăng bài trên nhiều tạp chí văn nghệ khác nhau. Ông trở thành người biên tập cho tờ Viata Studenteasca (Đời sống sinh viên) ở Bucuresti. Năm 1963, ông chuyển qua tạp chí Luceafarul. Và đến năm 1964, tác phẩm đầu tay của ông ra đời với tựa đề: Một mình giữa các nhà thơ. [Đây là thời Stalin (1879-1953) đã mất. Ở cộng hòa nhân dân Ru-ma-ni (vào cuối đời Gheorghiu-Dej và trước thời cộng hòa xã nghĩa của những Chiva Stoica và Ceausescu...), người ta thả hằng ngàn tù chính trị; những người như Barbu, Blaga và Voiculescu được 'phục hồi' (sau khi chết); kiểm duyệt được nới ra đôi chút và một thế hệ nhà thơ trẻ xuất hiện, trong đó có những người như Ion Alexandru, Ana Blandiana, Constanta Buzea, Nichita Stănescu (1933-1983) và Marin Sorescu...]

Năm 1966, Marin Sorescu trở thành tổng biên tập ở viện phim ảnh «Animafilm». Ông từ bỏ chức vụ này vào năm 1970 để du học một năm ở Tây Bá-linh. Đây là giai đoạn sự nghiệp kịch tác gia của ông nổi bật. Nhưng từ năm 1980, các kịch bản của Marin Sorescu bị cấm mặc dù các thi phẩm của ông vẫn còn được in «trong sự lãnh đạm hoàn toàn của báo chí theo lệnh...» Ấy chính là thời Marin Sorescu sử dụng đường nét và sắc màu để diễn tả: hai cuộc triển lãm tranh của ông vào các năm 1989 và 1990 ở Viện bảo tàng Nghệ thuật thành phố Brasov và Viện bảo tàng các Sưu tập Nghệ thuật ở Cluj đã xác nhận tài năng của ông như một họa sĩ.

Các thi phẩm và kịch bản của Marin Sorescu đã khiến ông mau chóng được biết tới ở trong nước, và danh tiếng của ông đã vang dội ra các nước Đông Âu, Tây Âu, Nga, Mỹ, và Mỹ la-tinh... Ông được mời tham dự các cuộc hội thảo, các lễ hội (về thơ và kịch) ở khắp các lục địa, thuyết trình tại các đại học lừng danh và đọc thơ của mình trên khắp các luồng sóng của thế giới... Thơ và kịch của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng, như Pháp, Hung, Đức, Serbe, Ý, Slovac, Ba-lan, Anh-Mỹ, Thụy-điển, Nga, Hy-lạp, Bun-ga-ri, Hòa-lan, Tây-ban-nha...

Trong số các dịch giả của ông, người ta nhận thấy khá nhiều tên tuổi lừng lẫy trong thế giới Anh ngữ, kể cả một Nobel Văn chương (1995). Một trong những bài thơ dịch của ông, bài "Shakespeare", đã được lựa in ở Pháp trong tuyển tập Một trăm bài thơ hay nhất thế giới. Bài này cũng đã được giới thiệu với bạn đọc Tiền Vệ.

Marin Sorescu đã nhận được khá nhiều vinh dự cả ở trong nước lẫn ngoài nước, như «Giải thưởng của Hội nhà văn Ru-ma-ni» về thơ và kế đó «Giải thưởng của Hàn lâm viện Ru-ma-ni» về kịch (1968), «Huy chương Vàng về thơ Ospiti Napoli» của thành phố Naples, Ý (1970), «Giải thưởng quốc tế của Académia delle Muze ở Florence», Ý (1978), «Giải thưởng của Hội nhà văn Ru-ma-ni» về kịch (1978), «Giải thưởng Thế giới về Thi ca Fernando Riello, ở Madrid», Tây-ban-nha (1983), «Giải thưởng Georges Calinescu» về phê bình văn nghệ (1987), và «Giải thưởng của Hàn lâm viện Ru-ma-ni» cũng về phê bình văn nghệ (1988)... Bốn tập La Lilieci của Marin Sorescu, gồm những mảnh đoạn văn xuôi (rất thơ) đặc biệt dành cho thế giới nông thôn Ru-ma-ni, được tuyển dịch sang Pháp văn, với tựa đề Nông dân dòng Danube (bản dịch Jean-Louis Courriol, Éditions Jacqueline Chambon, 1989) cũng được nhắc nhở khá nhiều trong giới thông thạo văn chương Ru-ma-ni.

Marin Sorescu còn viết chuyện trẻ em và là một nhà phiên dịch lớn. Sau cuôc lật đổ chế độ độc tài của Ceausescu, Marin Sorescu trở thành bộ trưởng bộ Văn hóa Ru-ma-ni. Khi đồng ý nhận lãnh chức vụ này ông có tham vọng đặt một nền tảng vững chắc về pháp lý cho một nền văn hóa tự do. Công việc mưu toan còn dang dờ thì Marin Sorescu ngã bệnh, được đưa vào bệnh viện Cochin ở Pháp rồi chuyển về Bucuresti, nơi ông mất ngày 8.12.1996. Theo giới thông thạo, nếu ông không mất quá sớm, thì Ru-ma-ni hẳn đã có một Nobel Văn chương. Tạp chí Le Bulletin de Lettre Internationale số 9, mùa Thu 1997, đã đăng những bài thơ cuối cùng hết sức cảm động của Marin Sorescu, khởi sự tại bệnh viện Cochin, Paris ngày 10.10.1996 và kết thúc tại thủ đô Bucuresti ngày 7.12.1996, tức là chỉ một ngày hay một vài giờ trước khi ông vĩnh biệt mọi người và thơ.

(Diễm Châu biên soạn)

tác phẩm

"Tay đua" và những bài thơ khác  (thơ) 
Hai mươi bốn bài thơ trích từ thi tập Tay đua và những bài thơ khác của Marin Sorescu (1936-1996) -- nhà thơ, kịch tác gia, người viết bút ký và nhà phê bình văn nghệ kiệt xuất của Ru-ma-ni hiện đại -- lần đầu tiên được giới thiệu đến độc giả Tiền Vệ qua bản dịch Việt ngữ của nhà thơ Diễm Châu.

Shakespeare  (thơ) 
Shakespeare đã tạo ra thế giới trong bảy ngày. / Ngày đầu tiên, ông tạo ra bầu trời, núi non và những vực thẳm tâm hồn. / Ngày thứ nhì, ông tạo ra sông, biển, các đại dương, / Và mọi thứ tình cảm.... [Bản dịch Diễm Châu]


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021