Saba, Umberto
tiểu sử &  tác phẩm 

UMBERTO SABA (1883-1957) sinh ngày 9. 3.1883 tại Trieste, lúc ấy còn là một thành phố của Đế quốc Áo-Hung. Cha ông là Ugo Abramo Poli, một người Ý theo đạo Thiên chúa đã bỏ đạo để lấy mẹ ông là Felicita Rachele Coen, một người theo Do-thái giáo. Chỉ một vài tháng trước khi con sinh ra, người cha đã từ bỏ gia đình và một cửa tiệm buôn bán đồ đạc.

Umberto được giao cho vú nuôi, một nông dân Slovénie theo đạo Thiên chúa, tên là Peppa Sabaz, vợ một người hàng thịt. Umberto yêu say đắm người mẹ nuôi khiến người ta đã tự hỏi phải chăng vì thế mà sau này ông đã lựa Saba làm tên chính thức thay cho Poli. (Một thuyết khác cho rằng Saba có âm hưởng Hy-bá, và trong thứ tiếng này, có nghĩa là "bánh mì". Dù thế nào chăng nữa, tên Saba đã được xin chính thức hóa trên giấy tờ hộ tịch và đã được chính quyền chấp thuận ngày 28.10.1928). Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau, do sự e ngại của Felicita đối với ảnh hưởng Thiên chúa giáo của người vú nuôi, Umberto lại được đưa tới ở với hai người chị em họ, rồi với một bà dì tên là Regina.

Thời niên thiếu của Umberto diễn ra ở Trieste. Ngay từ thời kỳ này, tính tình ông được ghi nhận: "âu lo và nóng nảy". Người ta còn cho biết rằng sự học hành của ông đã chấm dứt "khá sớm". Và đáng kể hơn nữa là những cuộc tình mê đắm của Umberto với ba người bạn trai, trong đó có Ugo Chiesa, tức nhân vật Ilio, nhạc sĩ vĩ cầm trong cuốn Ernesto. (Đây là tác phẩm tiểu thuyết duy nhất hãy còn dang dở của Umberto Saba, khởi sự vào năm 1953, và chỉ xuất hiện vào năm 1975. Saba còn là tác giả một số truyện ngắn).

Năm 1908, sau khi đã sống ở Pise và Florence, Umberto trở lại Trieste. Mặc dù là dân Áo, nhưng cha là người Ý, ông thi hành quân dịch trong quân đội Ý, ở Salerne, trung đoàn 12 bộ binh.

Năm 1909, Umberto thành hôn với Carolina Wölfler (Lina) ở Trieste. Năm sau, hai người sinh được một cô con gái, đặt tên là Linuccia.

Umberto làm những bài thơ đầu tiên vào năm ông 19 tuổi. Tới năm 1911, cho in tập thơ đầu tiên, tựa là Thơ dưới tên Umberto Saba. Thời gian 1915-1918, ông bị gọi tái ngũ. Được điều động tới một trại tù binh Áo gần Modène, ông giữ chức vụ thông dịch viên. Chiến tranh chấm dứt, ông trở lại Trieste và định cư hẳn ở đây. Năm 1919, ông mua một cửa tiệm bán sách cổ ở số 30, via San Nicolò.

Saba thu thập tất cả thơ ông đã làm tới lúc đó dưới tựa đề Canzoniere (có nghĩa là "Thi tập", nhưng cũng có nghĩa là sưu tập những bài hát). Người ta được biết rằng Saba rất yêu mến nhà thơ Ý Giacomo Leopardi (1798-1837), tác giả Canti. Ấn bản đầu tiên (1921) cuốn sách của Saba không được các nhà phê bình hoan nghênh.

Kế đó là những thời kỳ suy nhược thần kinh. Năm 1929, ông trị bệnh bằng phương pháp “phân tích tâm lý” với Edoardo Weiss, một môn đệ của Freud. Cuộc chữa chạy này kéo dài ba năm.

Saba lập nhà xuất bản và cho in những bài thơ đầu tiên của Sandro Penna (một nhà thơ đồng tính). Ít lâu trước Thế chiến II, vì những đạo luật về chủng tộc, Saba phải "tỵ nạn" ở Paris, một nơi ông không ưa. Rồi trở lại Ý vào năm 1939, ông đã ở Trieste, Rome, và Venise. Dưới thời phát xít, rồi thời Đức quốc xã chiếm đóng những đạo luật về chủng tộc được áp dụng thật chặt chẽ khiến ông phải "lánh mặt" ở Rome và Florence. Sau khi giải phóng, ông trở lại với thành phố quê nhà và tiệm sách cũ.
Năm 1949 manh nha ý muốn tự sát nơi ông, Saba tìm tới ma túy. Nhưng ngay năm sau, ông đã chữa trị, giải độc. Năm 1953, khi đã bảy mươi tuổi, Saba khởi sự viết Ernesto, cuốn tiểu thuyết duy nhất của ông, về đồng tính luyến ái. Ông mất ngày 25. 8. 1957, tại bệnh viện San Giusto, khoảng chín tháng sau ngày bà vợ yêu quý của ông (Lina) mất.

Như đã nói trên, Trieste, nơi Saba sinh, sống và chết, nguyên là một thành phố của Đế quốc Áo-Hung, con đường duy nhất thoát ra biển của Áo. Trieste là một trung tâm thương mại tích cực, thành phố của kỹ nghệ luyện sắt, của nhà máy lọc dầu... Nằm bên vịnh Adriatique thuộc Địa trung hải, ấy cũng là một thành phố của nhiều sắc dân, (trong đó, người Ý không chiếm tuyệt đại đa số), và của nhiều tín ngưỡng, hình ảnh của một thế giới thu nhỏ. Vào năm 1919-1920, Trieste thuộc về Ý. Năm 1945, bộ đội Nam-tư của thống chế Tito giải phóng Trieste. Hòa ước 1947 biến Trieste thành "Lãnh thổ tự do". Và đến 1954, Trieste lại trở thành một thành phố thuộc Ý, dưới quy chế "cảng tự do". Trieste cũng là nơi xuất phát của văn hào Ý Italo Svevo và là nơi lưu trú một thời của James Joyce, văn hào Ái nhĩ lan.

Saba viết bằng tiếng Ý. Trong văn học hiện đại Ý, ông chiếm một vị trí quan trọng. Nhưng ông luôn luôn và trước hết là "nhà thơ của Trieste". "Ý hơn ai hết", nhưng vì là người Trieste, chính Saba cũng đã nhìn nhận tính cách "bên lề" của mình.

Saba làm thật nhiều thơ trong mọi giai đoạn của đời ông, dưới nhiều tựa sách khác nhau. Nhưng Saba đã thu thập hết mọi bài thơ đã làm dưới cái tên thật nhũn nhặn (nhưng cũng thật ý nghĩa): Canzoniere. Có thể nói Canzoniere, cuốn sách của tháng, ngày, cuốn sách của đời ông, là tác phẩm của một người đã tự nguyện sống ngay thẳng, trung thực với cuộc đời và trung thực với bản thân mình.

Dưới thời phát xít, Mussolini cấm in Canzoniere. Nhưng Canzoniere đã trở thành một trong những cuốn sách đầu tiên mà nhà Einaudi xuất bản ngay sau chiến tranh. Cuốn sách ấy được bổ sung, in lại vào năm 1957 và từ đấy, đã có nhiều ấn bản kế tiếp nhau ra đời...

Thơ Umberto Saba, ngôn từ trong sáng nhưng súc tích; dạng thức cổ điển, ngoại trừ lối liên cú, nhưng việc nội-tâm-hóa những miêu tả hiện thực là một biệt tài của ông. Thơ ông có cái thoáng nhẹ của những bài hát. Ông làm thơ như "con gà đẻ trái trứng". Và "thèm muốn" của ông là "được như hết thảy/ mọi người của hết thảy/ mọi ngày"...

Umberto Saba đã được tặng giải thưởng quan trọng về thơ Viareggio (1946), giải Etna-Taormina, và giải của Accademia dei Lincei.

(Diễm Châu biên soạn)

tác phẩm

25 ca khúc từ CANZONIERE  (thơ) 
Canzoniere là tác phẩm chính của Umberto Saba, nhà thơ người Trieste, một khuôn mặt quan trọng trong văn học hiện đại Ý. Lần đầu tiên hai mươi lăm bài trích từ Canzoniere được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch Việt ngữ của nhà thơ Diễm Châu.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021