Beckett, Samuel
tiểu sử &  tác phẩm 

SAMUEL BECKETT sinh ngày 13 tháng 4 năm 1906 ở Dublin, Ái nhĩ lan. Sau thời gian học ở Portora Royal School và Trinity College (Dublin), ông ra trường với bằng Master of Arts, dạy Anh ngữ ở trường Cao đẳng sư phạm Paris (1928-1931) và Đại học Dublin (1931). Năm sau ông từ chức và sống bốn năm lang thang ở Anh, Đức và Pháp. Cuối 1937 ông sống một thời gian ngắn ở Paris, trong một căn nhà tồi tàn riêng biệt ỏ khu Montparnasse. Lần thứ hai qua Pháp (1940) ông bị kẹt lại vì tình hình chiến sự. Năm 1941 ông tham gia Kháng chiến cùng một người bạn cũ ở Cao đẳng sư phạm, và qua năm sau phải trở về lánh nạn ỏ Vaucluse. Ba năm sau đó ông phục vự trong Hồng thập tự Anh, rồi tiếp tục sống rất lẻ loi ở Paris cho đến năm 1949, khi ông cưới vợ và kết thân với những nhà văn siêu thực, các nhạc sĩ và họa sĩ ở thủ đô nước Pháp. Bắt đầu viết từ 1945, vở kịch đầu tiên của ông, En attendant Godot, diễn lần đầu tiên trên sân khấu Babylone ngày 3.1.1953, là một thành công lớn và làm ông nổi tiếng khắp thế giới. Nhưng ông vẫn sống “trốn tránh” xã hội và chỉ lui tới trong vòng những bạn bè thân thiết. Là người ít nói, ông không thích những cuộc bàn cãi văn chương. Thỉnh thoảng (và rất ít khi) ông chịu nhận trả lời phỏng vấn, rồi sau đó tiếp tục... im lặng. Gần như toàn bộ tác phẩm của Samuel Beckett đều được viết trước tiên bằng tiếng Pháp, rồi sau đó chính ông viết một bản khác bằng (hoặc dịch qua) tiếng Anh – hay ngược lại, trừ một vài trường hợp đặc biệt như kịch All That Fall, với bản Pháp ngữ Tous ceux qui tombent của Robert Pinget. Ông được trao Giải Nobel Văn chương năm 1969. Danh sách tác phẩm của ông dài, ghi ra cuốn này thi tội cho cuốn kia, nên chúng tôi xin được để dành toàn bộ sự tò mò cho người đọc. Samuel Beckett mất ngày 22 tháng 12 năm 1989, để lại trong lòng người đọc ông những sự thương tiếc... im lặng.

Beckett thường được coi là một bậc thầy viết ngắn (minimalist master) một phần là do nhiều vở kịch ngắn hoặc cực ngắn (playlets), hoặc kịch câm của ông, viết để trình diễn sân khấu, hoặc truyền thanh, truyền hình – những màn kịch trong đó thường khi ông đem đời sống, nhận thức và cả chuyện viết lách thu nhỏ và gói gọn vào một nội dung dày đặc thân phận hẩm hiu, khắc nghiệt, mệt mỏi, vô vọng của con người. Cái giới hạn chữ nghĩa của ông, như thế, mở ra cái mênh mông bị dồn ép của đời sống.

(Hoàng Ngọc Biên soạn)

tác phẩm

Tất nhiên về phần tôi...  (thơ) 
Về phần tôi tất nhiên tôi tiếc rẻ mọi thứ. / Không phải một lời nói, không phải một hành động, / không phải một ý nghĩ, không phải một nhu cầu, / không phải một nỗi đau, không phải một niềm vui, không phải / một cô, không phải một cậu, / không phải một hoài nghi, không phải một niềm tin... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]

Nao nào  (kịch bản) 
[13.4.1906 - 13.4.2006: KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH SAMUEL BECKETT] Một chiếc loa đóng vai nhà đạo diễn (hay «lãnh tụ», tôi nghĩ thế!) dàn dựng lại một bi / hài kịch của muôn đời «nay cũng như xưa» về sự đồng lõa, phản bội, chia rẽ, cô đơn, nghi kỵ, tra tấn nhau giữa bạn bè / đồng chí, hình như vậy... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường]

Đại hoạ  (kịch bản) 
[13.4.1906 - 13.4.2006: KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH SAMUEL BECKETT] Catastrophe là tác phẩm duy nhất của Beckett gắn liền với một sự kiện chính trị cụ thể. Viết năm 1982, ông đề tặng cho Václav Havel — kịch tác gia của Tiệp, lúc ấy bị chính quyền cộng sản Tiệp cầm tù vì đã dấn thân vào công cuộc tranh đấu cho tự do và quyền làm người... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn]

Khác và hệt  (thơ) 
[13.4.1906 - 13.4.2006: KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH SAMUEL BECKETT] các nàng đến / khác và hệt / với mỗi nàng nó khác và nó hệt / với mỗi nàng sự vắng tình rất khác / với mỗi nàng sự vắng tình rất hệt... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường]

Độc thoại  (kịch bản) 
[13.4.1906 - 13.4.2006: KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH SAMUEL BECKETT] Đối với y sinh là tử. Vì vậy mà đã có cái nhếch mép của thây ma ngay từ lúc mới lọt lòng. Trên võng và trong nôi. Cú thất bại đầu tiên trên núm vú. Trong những bước chân chập chững trẻ thơ... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường]

Chiều tà  (truyện / tuỳ bút) 
[13.4.1906 - 13.4.2006: KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH SAMUEL BECKETT] Ông được phát hiện đang nằm trên mặt đất. Không ai nhớ ông. Không ai tìm kiếm ông. Một bà già phát hiện ông. Nói bâng quơ là thế. Chuyện này xảy ra cách đây quá lâu rồi. Bà đang đi lang thang tìm hoa dại. Chỉ hoa vàng thôi. Không nhìn thấy nhưng khi lang thang thì bà vấp vào ông đang nằm ở đó... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

Cái hình ảnh  (truyện / tuỳ bút) 
[13.4.1906 - 13.4.2006: KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH SAMUEL BECKETT] L'image là dòng ý thức / độc thoại nội tâm của một người sắp hoà lẫn vào bùn đất lúc tàn cuộc, muốn sáng tạo lại hay sáng tạo ra "cái hình ảnh" đó cùng với mối tình đầu trên quê hương Ái-nhĩ-lan nông nghiệp xa xưa có những hình ảnh thơ mộng nghe lóm hoặc cóp nhặt trong sách vở, vừa trữ tình vừa hài hước, nhưng rất thực... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường] (...)

Kẻ bị trục xuất  (truyện / tuỳ bút) 
[13.4.1906 - 13.4.2006: KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH SAMUEL BECKETT] "L’Expulsé", truyện ngắn được coi như tác phẩm cần đọc trước tiên khi muốn đi sâu hơn vào thế giới – vào tiếng nói, vào tác phẩm – của Beckett... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)

Thở  (kịch bản) 
[13.4.1906 - 13.4.2006: KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH SAMUEL BECKETT] Vở kịch chỉ mất 35 giây. Không có diễn viên. Màn mở. Sân khấu đầy rác rưởi bừa bãi. Một tiếng kêu yếu ớt. Một tiếng hít hơi. Ánh sáng tăng dần. Một tiếng thở ra. Ánh sáng giảm dần. Một tiếng kêu yếu ớt. Màn hạ... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn, có thêm phần phụ chú]

Bước chân  (kịch bản) 
[13.4.1906 - 13.4.2006: KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH SAMUEL BECKETT] Một nhân vật duy nhất trên sân khấu, tóc tai rối bù, quần áo tơi tả, đi qua đi lại, trong một khung cảnh tranh tối tranh sáng, lạnh lẽo — ngoài những tiếng bước chân gõ trên nền nhà mà cô gái “muốn nghe được”, chỉ có âm thanh một tiếng chuông nhỏ, và tiếng vọng lại của nó... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]

Ru  (kịch bản) 
[13.4.1906 - 13.4.2006: KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH SAMUEL BECKETT] Vở kịch này là một bài thơ hiện sinh, là một điệp khúc về sự cô đơn, và tuổi già, và cái chết. Nó còn có thể là một bức tranh trừu tượng với những mảng màu đen, trắng, xám trên sàn gỗ. Nó cũng có thể là nhiều thứ khác nữa tùy ở mỗi cá nhân. Nhưng trước tiên, nó là cuộc đời... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường]

Ba bài thơ  (thơ) 
[13.4.1906 - 13.4.2006: KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH SAMUEL BECKETT] tôi là dòng cát chảy / giữa hòn đá mòn và đụn cát / mưa mùa hè rơi trên đời tôi... | tôi biết làm gì nếu thiếu cái thế giới không hình dung không vấn nạn này / nơi hiện hữu chỉ lâu chừng khoảnh khắc nơi mỗi khoảnh khắc... | tôi những muốn tình tôi chết / và mưa rơi rơi trên nghĩa trang / và trên mình tôi đang bước đi trong những đường phố nhỏ... [Bản dịch Diễm Châu]

WATT (trích)  (tiểu thuyết) 
[13.4.1906 - 13.4.2006: KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH SAMUEL BECKETT] Về hai bàn chân của ông ấy, có đôi khi ông ấy mang vào mỗi bàn chân một chiếc tất, hay bàn chân này mang một chiếc tất và bàn chân kia một chiếc vớ dài, hay một chiếc ủng, hay một chiếc giày, hay một chiếc dép, hay một chiếc tất và một chiếc giày, hay một chiếc tất và một chiếc dép, hay một chiếc vớ dài và chiếc ủng, hay một chiếc vớ dài và chiếc giày, hay một chiếc vớ dài và chiếc dép, hay không mang gì cả... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

Phác thảo kịch truyền thanh  (kịch bản) 
[13.4.1906 - 13.4.2006: KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH SAMUEL BECKETT] Kịch bản truyền thanh "Esquisse radiophonique" do Samuel Beckett viết vào khoảng cuối năm 1961. [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]

Tưởng tượng đã chết hãy tưởng tượng  (thơ) 
[13.4.1906 - 13.4.2006: KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH SAMUEL BECKETT] Không nơi nào có dấu vết của sự sống, anh bảo vậy, ôi, càng hay, tưởng tượng chưa chết, chết rồi à, tốt, tưởng tượng đã chết hãy tưởng tượng. Đảo, nước, trời xanh, cây lá, này nhìn đây, ố ô, cái gì đấy, một thiên thu, thôi im đi... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường]

Của một tác phẩm bỏ dở  (truyện / tuỳ bút) 
[13.4.1906 - 13.4.2006: KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH SAMUEL BECKETT] ... Buổi sáng đẹp và mát, trời vẫn trong xanh rất sớm như nhiều khi, nhưng trong tình trạng bất an và hung hãn. Bầu trời chẳng mấy chốc sẽ u ám và mưa sẽ rơi và rơi mãi, cả ngày, cho tới chiều. Rồi bầu trời lại xanh và mặt trời lại xuất hiện trong một giây, rồi tối. Cảm nhận những điều ấy, sự mãnh liệt ấy và biết trước rằng cái ngày hôm ấy nó rồi sẽ như thế nào, tôi dừng lại và quay gót. ... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường] (...)

Mối tình đầu  (truyện / tuỳ bút) 
[13.4.1906 - 13.4.2006: KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH SAMUEL BECKETT] Tôi vẫn thường liên hệ, hoặc đúng hoặc sai, cuộc hôn nhân của tôi với cái chết của cha tôi, về thời gian. Hai việc ấy, trên những bình diện khác, còn có những mối liên hệ nào khác chăng, không phải là chuyện không thể có. Nói ra điều mình tưởng là mình biết, việc ấy với tôi đã là chuyện không dễ... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)

Màn kịch không lời II  (kịch bản) 
Một đoản kịch của Samuel Beckett (1906-1989) — một trong những tên tuổi quan trọng nhất của văn chương thế kỷ 20. Bản dịch Việt ngữ của nhà văn Hoàng Ngọc Biên.

Màn kịch không lời I  (kịch bản) 
Một đoản kịch của Samuel Beckett (1906-1989) — một trong những tên tuổi quan trọng nhất của văn chương thế kỷ 20. Bản dịch Việt ngữ của nhà văn Hoàng Ngọc Biên.

Đoạn kịch nháp I  (kịch bản) 
Một đoản kịch của Samuel Beckett (1906-1989) — một trong những tên tuổi quan trọng nhất của văn chương thế kỷ 20 —, lần đầu tiên được giới thiệu đến độc giả qua bản dịch Việt ngữ của nhà văn Hoàng Ngọc Biên...


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021