thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nỗi ám ảnh tịch mịch của thời gian, cô đơn và cái chết trong văn chương Phạm Chi Lan

 

Lần đầu, tôi chạm vào thế giới chữ của Phạm Chi Lan bằng một bài thơ đăng trên tạp chí Hợp Lưu. Bài thơ có những đoạn như thế này:

 
TÔI KHÔNG CHỌN CHIẾN TRANH
 
Cho những người chiến đấu phương Bắc
Cho những người chiến đấu phương Nam
Cho những người chiến đấu đồng minh rộng lòng hào hiệp --
Cám ơn tất cả đã chiến đấu cho sự tồn tại của tôi
 
...
 
Tôi không chọn chiến tranh
Chiến tranh đã chọn tôi
Tôi không chọn cô độc
cô độc đã tìm đến tôi
Tôi không chọn số mệnh
số mệnh đã chọn lựa tôi
Tôi không chọn đời sống
bởi đời sống không phải là điều có thể tự do lựa chọn
Tôi chỉ đang bị bức bách giam hãm trong thân xác này
với những điều hạn hẹp và giằng xé khốc liệt
không thể vùng thoát
 
...
 

Tôi bắt gặp ở đó những điều tôi muốn nói, tiếng nói ý thức của một thế hệ tuổi trẻ Việt Nam trưởng thành sau chiến tranh, không tham dự trực tiếp vào nó, nhưng phải nhận lãnh cưu mang những thất bát, hệ luỵ của nó. Và chúng tôi tìm đến nhau, chân thành trong tình bạn ngoài đời, và trân quí trên những trang viết.

 

*

 

Khi nào thì con người băn khoăn về cái chết và thời gian ?

Có thể khi cực cùng đau khổ, tuyệt vọng. Có thể khi tận mặt cái nhỏ bé của chính mình với cái vô hạn, vô cùng của tạo hoá. Có thể khi con người đã bước trải một đỗi đường khá dài trên đường đời mình, và bất chợt dừng lại tự vấn điều gì đang chờ phía trước, nơi tận cùng.

Và có thể khi, vì quá yêu thương, tha thiết với cuộc đời, mà mỗi hơi thở đều chứa đựng nỗi mất mát, bất trắc để nối kết với hơi thở kế... Khi đó, con người không kịp dừng lại để nghi vấn, mà tự thân mỗi hơi thở chính hắn đã là một nghi vấn. Với một nhà văn bị ám, thì nghi vấn này có khi ẩn hiện một cách vô thức trên từng dòng chữ hắn viết.

Với thế giới rất riêng của văn chương Phạm Chi Lan, tôi nghĩ, cách chủ quan, thời gian và cái chết không chỉ là những tự hỏi, những băn khoăn thảng hoặc. Nhưng hơn thế nữa, chúng là những ám ảnh tịch mịch không rời. Như phận mệnh. Như hai nhân vật có mặt và đi song hành với các nhân vật khác từ khởi đầu đến những dòng chữ cuối.

Có những đoạn văn của Lan, thời gian chảy chậm, như ta có thể chạm vào một cách cụ thể. Và có những cái chết giấu mặt xuất hiện trước cái chết thật sự, lúc cánh cửa cuộc đời khép lại sau lưng nhân vật.

Hình tượng Lá xuất hiện nhiều lần trong truyện ngắn và thơ của chị. Và luôn luôn với một màu vàng úa, một hình thể quăn héo. Như một trực cảm, một biểu hiện ý thức của con người về dòng chảy của thời gian, về cái ngắn ngủi, bất toàn và phi lý của sự hiện hữu chính mình.

Cái chết hiện diện trong hầu hết các truyện ngắn tôi đọc. Chuyến ra khơi chẳng bao giờ trở lại của người ngư phủ trong “Tiếng hát ngư phủ”. Cái chết của người họa sĩ trong “Tâm hồn hải đảo”. Cái chết của nhà điêu khắc trong “Pho tượng”. Cái chết của ông lão giữ vườn trong “Ngôi mộ lá”. Của một người dì đơn lạnh hiu hắt, chưa từng gặp trên đất Bắc, của đôi chim trong “Đôi chim của mẹ”… Và những cái chết trong “Ngày đau của lá”, lại của lá, luôn luôn, mỗi khi chị viết về chúng.

Những nhân vật của chị tiếp nhận cái chết như một tất yếu. Tiếp nhận cô đơn như một tất yếu. Đau khổ, nhưng không bi luỵ. Có một sợi tơ mong manh tạo bởi những chất liệu đến từ phận người như tình yêu, đau khổ, hạnh phúc… và những nhân vật đi trên đó, hoang mang nhưng không trượt ngã vào sự dung tục, nhạt nhoà.

“Và dì ơi, con chợt cảm thấy một điều, mỗi sinh vật trên cuộc đời là một hiện thân của sự cô đơn, là kẻ chung thân với nỗi đau buồn trong chính thân xác của mình.”

Đó là lời của một nhân vật bày tỏ trong những dòng nhật ký của mình với người dì chưa bao giờ gặp mặt. Nhân vật này có thể đã nói giúp cho nhiều nhân vật trong các truyện khác.

Một đặc điểm là tính nhân tình thế thái và thời sự hầu như vắng mặt trong những truyện ngắn của Phạm Chi Lan. Con người không băn khoăn chọn lựa giữa cái thiện và cái ác. Con người không đối phó với cái ác đến từ con người. Họ chỉ nỗ lực tìm cách thế trọn vẹn nhất để tiếp cận với phận mệnh mình. Và những ngẫu nhiên của phận mệnh thì lại tàn khốc nhưng được dồn nén vào trong.

Khí quyển văn chương Phạm Chi Lan là khí quyển trầm, tĩnh lặng, giàu tính suy tưởng.

Bàng bạc cái đẹp nhân ái của tình yêu với con người, với quê hương, với cuộc đời.

Những cảm xúc được điều tiết một cách tài hoa và lòng trân trọng với chữ nghĩa.

Đọc Lan, tôi đọc chậm. Văn phong này không làm người đọc choáng váng, sững sốt vì những bóng bẩy của chữ, sắc sảo của ý. Nhưng nó bắt tôi dừng lại, cảm nghiệm sự tinh tế, mượt mà nó muốn bày tỏ.

Bạn tôi,

Nên chăng, gọi rằng đây là cái đẹp của những giọt lệ. Những giọt lệ lóng lánh thân phận con người.

 

Thận Nhiên
Seattle, 10/12/2000

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021