thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Sự lệch chuẩn của ngôn ngữ thi ca

 

Nhà thơ trong quá trình sáng tạo thi ca vừa là nô lệ, vừa là phù thủy của ngôn từ. Ngôn từ quyến rũ nhà thơ và hoà nhập, lặn sâu vào tiềm thức, làm khuấy đảo tầng sâu vô thức gây nên sự bùng nổ sáng tạo thi ca. Quá trình nhà thơ tìm chữ là hành trình thăm thẳm của sự phân ly, hội tụ giữa bản ngã và ngoại cảnh, giữa vô thức và ý thức, giữa vô ngôn và chuẩn mực ngôn ngữ xã hội…

Nhà thơ tự nguyện đóng đinh bản ngã trên cây thập tự chữ để dựng lên vũ trụ của ngôn từ và hồi sinh trong thế giới tâm linh của bạn đọc. Nhà thơ sinh ra chữ và chữ cũng sinh ra nhà thơ. Trong lịch sử thi ca, chúng ta đều thấy một nghịch lý oái oăm xảy ra là những bài thơ thường sống lại sau khi nhà thơ đã chết. Phép thử của thời gian bao giờ cũng nghiệt ngã nhưng chẳng thể làm lung lay ý chí của những nhà thơ có tài năng và bản lĩnh. Điều trớ trêu mà chúng ta thường gặp là có một số nhà thơ che dấu sự bất tài và sự cạn kiệt năng lực sáng tạo của mình bằng niềm tin vô vọng và quỉ quái về sự sàng lọc và thử thách của thời gian. Đa số nhà thơ chỉ quanh quẩn với những chuẩn mực ngôn ngữ xã hội để gặt hái những thành công nhanh chóng, tức thời. Thật hiếm những nhà thơ thả hồn theo sự dẫn dắt của ngôn ngữ thi ca, thoát khỏi vũng lầy của lý trí hướng về sự nguyên sơ của siêu cảm và sự mê đắm của thứ ngôn ngữ sơ khai mà loài người đã và đang lãng quên. Nhà thơ là người dự cảm chứ không ý thức về ý nghĩa của ngôn từ. Ngôn ngữ thi ca quyến rũ tâm hồn của nhà thơ, giúp họ từ bỏ thế giới đang sống (trong những khoảnh khắc sáng tạo) để đắm chìm trong thế giới của siêu văn bản với sự mông lung của những khoảnh khắc ngôn từ và độ âm vang của nhịp điệu trái tim hoà nhập với nhịp điệu của đời sống.

Nhà thơ tạo sự lệch chuẩn tối đa về ngôn ngữ so với chuẩn mực ngôn ngữ xã hội và làm co giãn ý nghĩa, cấu trúc của ngôn từ, giúp chúng sinh sôi bất tận. Sự chế tác ngôn ngữ thi ca bao giờ cũng gắn liền và tỷ lệ thuận với tầm vóc tư tưởng, nghệ thuật của nhà thơ. Những nhà thơ tài năng đều là những giáo chủ thi ca trong việc tạo ra tín-đồ-chữ cùng với sự lệch chuẩn của ngôn từ. Ngôn ngữ thi ca của nhà thơ chứa trong nó quyền năng chống lại sự áp đặt của tư duy ngôn ngữ xã hội để trở thành thứ ngôn ngữ độc tôn trong sự giao tiếp với tâm linh con người. Bakhtin từng viết:

Khi những dạng thức thi ca đạt đến hạn độ tột bậc của chúng về phong cách, thì ngôn ngữ thi ca thường trở thành thứ ngôn ngữ quyền uy, giáo điều và bảo thủ, tự ngăn cách mình khỏi ảnh hưởng của những phương ngữ xã hội ngoài văn học. Chính vì thế trên miếng đất thi ca có thể xuất hiện ý tưởng về một “ngôn ngữ thi ca” đặc biệt, một “ngôn ngữ của thần linh, một “ngôn ngữ thi ca của các giáo sĩ”...[1]

Giữa nhà thơ và ngôn ngữ thi ca có sự thống nhất toàn vẹn, không có khoảng cách, mọi ranh giới đều bị xoá nhoà. Nhà thơ xác lập mối tương giao với con người và vũ trụ thông qua thế giới ngôn từ. Sự mã hóa ngôn ngữ thi ca diễn ra trong quá trình sáng tạo và trên văn bản luôn là sự bí ẩn đối với cả nhà thơ và bạn đọc. Thi ca giống như một ngôi đền và nhà thơ giống kẻ tử đạo bật ra những ngôn từ tươi rói từ tiềm thức nhưng lại không bị sự linh thiêng của những biểu tượng làm mê hoặc, tê liệt tâm linh. Chính vì thế ngôn ngữ thi ca có sức lay động, khơi gợi những vùng sâu thẳm của vô thức mà không ngôn ngữ nào sánh nổi. Ngôn ngữ thi ca gần gũi với sự bí ẩn của ngôn ngữ thần chú và công án thiền. Sự mã hóa của ngôn ngữ thần chú và công án thiền không nằm ở lớp vỏ ngữ nghĩa mà là ở chiều sâu và khoảng lặng của ngôn từ. Nếu chỉ căn cứ vào ngữ nghĩa của ngôn từ thì những câu thần chú và công án thiền đôi khi chẳng có nghĩa gì nhưng nó lại có sức khơi gợi và quyến rũ làm choáng ngợp tâm trí và cảm xúc của con người. Sự giải mã ngôn từ sẽ bất lực và vô nghĩa nếu không hướng đến sự giao cảm thần diệu đôi khi tưởng như siêu hình giữa con người và sự vật. Con người gọi tên sự vật bằng thứ ngôn ngữ xơ cứng nhưng lại không nắm bắt được phần hồn của nó. Nhà thơ nhập vào sự lung linh, ảo diệu của hồn sự vật, cho chúng giao hòa với nhau trong thế giới của cảm xúc và ngôn từ.

Những cuộc tranh luận vô bổ và nảy lửa về thi ca hầu hết đều đi vào ngõ cụt chính là do những nhà phê bình thơ không lý giải thấu đáo về cơ chế mã hóa ngôn từ mà chỉ chăm bẵm giơ roi quất vào sự lệch chuẩn ngôn từ và thân phận của nhà thơ. Như vậy, phải chăng sự phán xét và phê bình thi ca chỉ dẫn đến sự ràng buộc và qui định giữa ngôn ngữ xã hội và sự lệch chuẩn ngôn ngữ của nhà thơ? Ngay cả nhà thơ cũng không đo lường được sự lệch chuẩn của ngôn ngữ thi ca so với chuẩn mực ngôn ngữ xã hội diễn ra ở mức độ nào. Đấy chính là bi kịch và vinh quang của nhà thơ chăng?

Con người tự do và phong cách sáng tạo của nhà thơ qui định sự lệch chuẩn của ngôn ngữ thi ca. Sự lệch chuẫn của ngôn ngữ thi ca biểu hiện đặc trưng công việc sáng tạo của nhà thơ và sự tồn tại của thi ca. Khi nhà thơ đánh mất khả năng sáng tạo ra thứ ngôn ngữ nguyên sơ kết hợp với sự khám phá của trực giác đối với sự mơ hồ và huyền nhiệm của hồn người và thế giới, thì tức khắc nhà thơ sẽ biến thành cái máy sản xuất thơ với thứ ngôn ngữ thuần lí trí khô khốc và giả tạo.

Chất thơ của ngôn ngữ thi ca không chỉ là nhạc tính như một số nhà thơ đã quan niệm. Ngôn ngữ thi ca ra đời từ sự tương tác giữa chữ và âm thanh, giữa hình ảnh và ý nghĩa. Paul Valéry đã viết: “Thơ là sự giao động miên man giữa âm thanh và ý nghĩa…”[2]

Chúng ta có thể hiểu rằng ông không hề coi trọng âm thanh hay ý nghĩa của câu thơ mà chỉ chú ý đến sự chuyển dịch giữa chúng với nhau mà thôi. Nếu câu thơ chỉ thuần là âm thanh hoặc ý nghĩa thì làm sao có thể sánh cùng âm nhạc và triết học. Câu thơ hay bao giờ cũng là cuộc hôn phối kỳ diệu giữa âm thanh và ý nghĩa, hình ảnh. Chữ và nghĩa trong ngôn ngữ thi ca hoà quyện với nhau như hình với bóng, như xác với hồn nên việc tách rời chúng ra khỏi nhau sẽ làm tổn hại đến bình diện ngôn ngữ và thẩm mỹ của câu thơ.

Con người hiện đại đang có nguy cơ bị đồng hóa với đồ vật. Ngôn ngữ của cộng đồng cũng đang trở thành thứ hàng hoá với những xác chữ đông đặc như những tảng băng lạnh giá. Gần nửa thế kỷ qua, nền thi ca của chúng ta đã trải qua hành trình ngược trong việc sáng tạo ngôn ngữ thi ca. Sự cá biệt hoá và sự cách tân về ngôn ngữ thường bị xem là lập dị, ngoại lai, xa rời đời sống… Ngược lại, những nhà thơ mở rộng biên độ thẩm mỹ thi ca để dung nạp đủ thứ ngôn ngữ bình dân, khẩu ngữ, ngôn ngữ vỉa hè… lại được cổ vũ và ca ngợi.

Ngôn ngữ thi ca trên thi đàn đang trải qua cuộc lột xác với sự tân kỳ giả tạo biểu hiện bằng những con chữ uốn éo, hổ lốn và những cảm xúc tạp nham, bỗ bã. Thi đàn xuất hiện những cây bút chưa thấu thị được ma thuật của ngôn từ đã sa vào xảo ngôn, giả trá. Thơ của các cây bút này không hề có sự giao cảm với tâm kinh của người đọc trong thế giới thẳm sâu của ngôn từ. Các cây bút thơ này chỉ là những kẻ tung hỏa mù trong trận giáp lá cà chữ nghĩa, làm cho ngôn từ thêm tăm tối, chết yểu và khiến người đọc thêm lãnh cảm với những bài thơ có giá trị.

Bàn về sự lệch chuẩn của ngôn ngữ thi ca là đụng chạm đến thiên chức của nhà thơ và vấn đề cốt lõi của thi pháp. Thi pháp chỉ hình thành khi có sự lệch chuẩn về ngôn ngữ và sự bứt phá về phong cách sáng tạo của nhà thơ. Thiên chức của nhà thơ chỉ cao đẹp khi nhà thơ dấn thân đến cùng trên con đường sáng tạo để đem đến cho con người cái nhìn tươi tắn, mới mẻ về thế giới cùng với ước mơ về cái đẹp của con người và thiên nhiên.

 

 

_________________________

Chú thích của Tiền Vệ:

[1][T]he language of poetic genres, when they approach their stylistic limit, often becomes authoritarian, dogmatic and conservative, sealing itself off from the influence of extraliterary social dialects. Therefore such ideas as a special “poetic language,” and a “language of the gods,” a “priestly language of poetry” and so forth could flourish on poetic soil.
       Mikhail Mikhailovich Bakhtin, The Dialolgic Imagination. Michael Holquist biên tập. Bản dịch Anh ngữ của Caryl Emerson & Michael Holquist (Austin: University of Texas Press, 1981), trang 287.

[2]Le poème, cette hésitation prolongée entre le son et le sens.
       Paul Valéry, 'Poésie', in lại trong Ego scriptor et Petits poèmes abstraits (Paris: Gallimard, 1992), trang 73.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021