thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
TỪ ĐIỂN THI X/X LOẠI [chúng sinh] - Vần C (1)
 
CAO BA NHÁ
Đây là tên của 1 nhóm thi x trong Hội Nhà văn Việt Nam, họ tự đặt tên như dzậy theo kiểu các nhóm Tự lực văn đoàn, Tiểu thuyết thứ 7, Tiền chiến, Dạ đài, Siêu thực, Mở miệng... Họ đều vĩ đại (đuôi to) nên lấy chữ đầu là Cao; Ba Nhá là nói lái tên Bá Nha — người đánh đàn hay nhất Văn học sử Trung Hoa — họ đặt ra để tự ví mình, như thể muốn nói sao khắp thiên hạ này không tìm đâu ra Tử Kỳ để đến mà nghe thơ họ...
 
Trộm nghĩ phận họ cũng nhọ.
 
Tuy là một nhóm nhưng họ đông như quân Nguyên Mông. Họ luôn ở trung tâm điểm của sự chú ý nên đã có nhiều bài viết về họ. Ví dụ như Nguyễn Huy Thiệp danh tiếng mà họ cũng coi không đáng mặt Tử Kỳ, cho nên ông đã phải lầm lì ngồi lẩm bẩm "nói chuyện với hoa thủy tiên"... về họ. Thiệp bảo trong số họ có gần 1000 người thì "hơn 80% là nhà thơ". Những người:
 
Già nua không có khả năng sáng tạo và hầu hết đều "vô học", tự phát mà thành danh... những người chỉ dựa vào "cảm hứng" để tuỳ tiện viết ra những lời lẽ du dương phù phiếm vô nghĩa nhìn chung là lăng nhăng... đều vứt đi cả... một thứ nhìn chung chỉ là nhăng nhít, hữu danh vô thực, chẳng ai muốn dây vào... đồng nghĩa với sự chập cheng, hâm hấp, quá khích, vớ vẩn, thậm chí còn lưu manh nữa [thế mới cao]
 
Nhà thơ kiêm dịch giả Dương Tường thì bảo:
 
... dốt quá. Không chịu học, không chịu đọc, lại mang cái bệnh ếch ngồi đáy giếng [thế mới kỳ]
 
Chiêm tinh gia / thi sĩ Đinh Linh thì giải thích hiện tượng "Cao Ba Nhá" là bởi "Luân hồi" [do đã từng xem bói cho Nguyễn Cao Kỳ]:
 
Kiếp trước mày ở ác,
Kiếp này mày công dân Việt Nam.
 
Kiếp trước mày cà lăm,
Kiếp này mày vào Hội Nhà văn.
.....
Kiếp trước mày nhà văn
Kiếp này mày cũng nhà văn,
Nhưng ở Việt Nam.
 
Có 1 ý kiến như sau:
 
Thực ra số đông đến đây đa phần là bất đắc dĩ, do hoàn cảnh xô đẩy, do thời cuộc sắp đặt... Thực sự phải cảm ơn các anh mới phải. Giả thử nếu không có 800 cục bùn thì 20 cây sen làm sao mà mọc. Cứ thử dọn hết bùn đi xem có còn sen không? Nếu không có cái "phù phiếm,vô nghĩa, lăng nhăng" thì lấy gì để người ta biết tới cái nào là "trầm trọng, ý nghĩa, cao sang"? Các anh đã tình nguyện làm vật hy sinh, là con tốt đen, là phông nền cho các danh sỹ. Thật đáng thương! Mà có bao người đoạt Nobel nhờ cái lối viết "phù phiếm, vô nghĩa, lăng nhăng" đấy chứ. Không tin thì quý vị cứ tìm đọc Camus, Proust, Whitman hay Henry Miller... mà xem. Họ còn sính và sản xuất ra đầy những chuyện thậm lăng nhăng và vô nghĩa ấy chứ. Bất công!
(Đặng Thân, "Mơ", talawas 2004)
 
Ngoài làm thơ, họ còn rất đa tài vì họ là những nhà tiên phong và phát triển dòng văn "Photocopy" — chỉ cần kể lể sao chép nguyên xi "hiện thực xã hội chủ nghĩa" mà đâu cần cảm và nghĩ làm gì cho mất thì giờ. Xin mời quý vị đọc một siêu phẩm kiểu này trích trong Tuyển tập "Những nhà văn nữ (và nam) Hội Nhà văn Việt Nam đương đại" [tham khảo thêm TỪ ĐIỂN THI X/X LOẠI [chúng sinh] - Vần S (1)]:
 
ĐOẢN VĂN TRƯỜNG PHÁI PHOTOCOPY
 
Một này nắng đẹp.
 
Nàng ăn mặc gọn gàng; trang điểm qua loa.
 
Rồi nàng dắt chiếc xe ga ra cửa. Chiếc xe nổ máy ngon lành; và vọt rất nhanh. Nàng biết rất rõ là mình đi đâu.
 
Hôm nay là ngày đầu tuần. Việc của nàng lúc này là chuẩn bị thực phẩm cho cả nhà mấy ngày liền. Tức là nàng đang đi chợ.
 
Chợ đây rồi. Nàng gửi xe. Gần Tết nên người thì đông mà giá cả mọi thứ đều lên. Tuy nhiên vì thời tiết khá đẹp nên mọi trở ngại không làm nàng tức giận. Nàng mua những món cơ bản trước. Gạo. Thịt. Nước mắm. Cá khô. Lạc. Gà. Rồi nàng quyết định chiêu đãi cả nhà một bữa bún đậu phụ mắm tôm. Những thứ này thì mua khá nhanh, hầu như không phải mặc cả gì. Xong.
 
Chiếc xe lướt êm êm về nhà. Thỉnh thoảng có vài bà già nhìn theo khen nàng ở đâu mà đảm thế. Nàng cứ thấy sướng âm ỉ trong lòng. Lại còn có mấy gã trai nhìn theo nữa chứ. Nàng lại càng thấy vui hơn. Đàn ông sao mà dễ tởn thế không biết.
 
Nhà đây rồi. Nàng cứ việc tuần tự như mọi lần khác. Dừng xe. Hạ dần những đồ dễ rơi vỡ xuống trước. Rồi đến thứ cuối cùng. Bỗng dưng nàng thấy mùi gì nồng nặc. Thôi đúng rồi. Thế là cái bọc mắm tôm vỡ rồi.
(http://tintuc.vnn.vn/, Forum 3M, Văn Thơ, Hanoi Hick, Truyện ngắn & Tiểu luận)
 
Nghe xong câu chuyện, Kim Thánh Phán [Saint Melon, xin xem thêm TỪ ĐIỂN THI X/X LOẠI [chúng sinh] - Vần P (1)] vỗ đít đánh đét đắc chí như nhặng gặp mắm tôm tung ra lời bình lục bát:
 
                        Trăm năm trong cõi người ta
                    Bún mà tưới mắm thật là khó quên
 
 
CAO BÁ QUÁT
Cùng với Nguyễn Văn Siêu được phong Thần, ông là 1 thi x Việt được phong Thánh chỉ vì có mỗi cái tài ngửi Thơ.
 
Chính Thần Siêu đã dựng Tháp Bút uy nghi và bệ vệ để làm biểu tượng cho cái sự học và nền Văn chương nước nhà như người ta nói. Lạ là có một nhà Việt Nam học người Mỹ đã thắc mắc với tôi không biết bút gì mà trông cứ như hình sinh thực khí đàn ông? Chẳng biết ông ta hỏi đùa hay thật. Cũng không hiểu Thần Siêu thật hay đùa. Thánh Quát thì đã kiêu khinh kinh liệt thẳng thắn bảo thơ ca của cái "Hội Nhà văn" đương thời do đích thân Hoàng Thượng làm "Chủ tịch" như một cái thuyền chở nước mắm: “[Ngán cho cái mũi vô duyên] / Câu thơ Thi Xã con thuyền Nghệ An”. Khẩu khí của các bậc thánh thần thật kinh người, đến vua chúa còn chả coi ra gì.
(Đặng Thân, "Mơ", talawas 2004)
Vậy thì cái nhóm thơ "Cao Ba Nhá" kể trên hẳn đã có tên trên giang hồ từ lâu lắm ở Đại Cồ Việt.
 
 
CAO MINH BẠCH
Một người Việt được biết đến như một Địa lý gia nổi danh Đông Á, nhưng đồng thời cũng là 1 thi x lấy hiệu là Cao Túy Tiên. Thiếu thời ông ở bên Tàu, do một lần ốm nặng nên được một Đại sư cứu chữa, lại còn truyền cho tinh hoa tuyệt học của phương Đông. Xét thấy mình là 1 tên An-nam-mít-toòng nên chắc chắc không bao giờ thầy truyền hết tuyệt học cho nên ông đã "đạo văn" toàn bộ sách của thầy đem về Việt Nam. Sau đó thầy cố công truy lùng nhưng ông đã lặn mất tăm. 25 tuổi ông đã nổi danh Đông Dương về Phong thủy và làm thơ. Ông làm thơ phải có tửu và sắc nên đến đâu ông lấy vợ đó theo Hợp đồng quân tử (từ của người Nhật để chỉ hợp đồng miệng) [1 bà vợ ông ở Thái Bình tổng kết cả cuộc cầm sắt ông chỉ ở với bà tất tật 3 tháng, vậy mà họ đã cùng hiệp lực cho ra 7 tác phẩm sáng láng]. Thơ ông thuộc học phái Lưu Linh. Khi Cách mạng tháng 8 nổ ra ông đã tham gia đoàn Vệ quốc quân [1 lần ra đi] và trở thành thương binh. Sau ngày hòa bình 30-4 thì ông "du tiên kinh quốc quá Dương Châu". Khi đi Makau [nơi ông có 2 bà vợ], lúc sang Hong Kong [1], khi về Đại lục [1]. Lúc ở Chợ Lớn [1++], khi sang Singapore, đận sang Bangkok [làm phong thủy cho Hoàng cung Thái Lan, nên hàng năm đến ngày Quốc khánh của Vương quốc, Đức Vua vẫn thường gửi thiếp thăm hỏi ông cùng (các) gia đình và đệ tử], và đôi khi ghé về Hà Nội. Ngồi giữa thành Đại La ông có thể tả rõ Lầu Năm Góc hay Đồ Sơn Casino... là những nơi ông chưa hề ghé vô. Nhân một ngày mưa bụi lất phất rắc phấn đào hoa ông đã ngâm nga:
 
Thiều quang nhiễm nhiễm thôi nhân lão
Phong cảnh tiêu sơ lạc diệp thu
Vũ phú vân phiên thiên bất định
Phong cuồng hoa nộn tử hí thu...
 
(Xuân đến nhắc nhở người ta đang già đi
Phong cảnh tiêu điều xơ xác như lá Thu rụng
Mưa lớn mây trôi, trôi trôi mãi
Gió to mà hoa non nên ra ít trái...)
 
Phải chăng ông đã có dự trắc gì cho chúng ta, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ["con 1 cha, nhà 1 nóc, thịt với da tim óc dính liền" (Tố Hữu, "Ta đi tới")]? Điềm gì không rõ nhưng chắc chắn Tố Hữu đã tả thực 1 tai nạn giao thông thê thảm xảy ra vào ngày Giải phóng Thủ đô năm 1954.
 
24.4.2005
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021